Mình biến việc "so sánh với người khác" thành động lực thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
19 Thg 06, 2024
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Mình biến việc "so sánh với người khác" thành động lực thế nào?

Đã có quá nhiều lời khuyên về việc chúng ta đừng nên so sánh mình với người khác. Nhưng sự thật là, bạn vẫn không thể nào ép mình ngừng so sánh phải không?
Mình biến việc "so sánh với người khác" thành động lực thế nào?

Nguồn: Pexels

“So sánh là kẻ trộm mất niềm vui!”

Đã có quá nhiều lời khuyên về việc chúng ta đừng nên so sánh mình với người khác.

Nhưng sự thật là, bạn vẫn không thể nào ép mình ngừng so sánh phải không?

Yên tâm đi, không chỉ có mình bạn, mà cả mình nữa, và có lẽ là còn rất nhiều người ngoài kia cũng vậy.

Vậy nếu đã không thể ngừng so sánh thì liệu có cách nào để so sánh một cách lành mạnh? Bài viết này mình chia sẻ 3 tư duy mình sử dụng để biến so sánh thành động lực giúp mình kiên trì trên hành trình tới những mục tiêu khác nhau.

1. Đừng lấy điểm mạnh của mình so sánh với điểm mạnh của người khác

Khi bạn lấy điểm mạnh của mình ra, để so sánh với điểm mạnh - hoặc thứ mà bạn tin rằng đó là điểm mạnh của người mà bạn đang so sánh, thì nghĩa là bạn đang đặt giá trị và sự tự tin của mình vào tay người khác.

Mình có hai cậu em họ. Một đứa chỉ cao 1m6, khi đi với nó mình rất tự tin. Lúc đó thì lợi thế của mình là chiều cao. Cậu em thứ hai lại cao 1m92, khi đứng chung thì sự tự tin của mình hoàn toàn biến mất. Lúc này thứ từng là lợi thế của mình khi đi với cậu em thứ 1 lại trở thành điểm yếu của mình khi đi với cậu em thứ 2.

Nói tới đây bạn có thể sẽ liên tưởng đến lời khuyên phổ biến là “đừng so sánh điểm yếu của mình với điểm mạnh của người khác”, hay là “đừng so sánh sự thiếu sót của bản thân với sự hoàn hảo của người khác”.

Nhưng ở đây mình muốn nhấn mạnh là: hãy cẩn thận ngay cả khi so sánh điểm mạnh của mình với điểm mạnh của người khác. Vì điểm mạnh cũng có tính tạm thời. Nếu quá chấp niệm và tự hào về điểm mạnh của bản thân thì khi gặp người giỏi hơn ta càng dễ vật vã, khó chấp nhận sự thật để phát triển tiếp.

Chẳng hạn như cấp 2 bạn được công nhận là học sinh giỏi Toán hạng đầu lớp, lên cấp 3 bạn được xếp vào lớp nhiều cao thủ mới cũng giỏi Toán. Điểm chung là tất cả đều giỏi Toán nhưng cấp độ đã khác nhau. Nếu bám chấp vào những thành tựu trong quá khứ, lúc này bạn dễ cảm thấy mình thua kém, không chỉ với những bạn mới, mà với chính bản thân lúc trước, rồi loay hoay tự hoài nghi giá trị của bản thân.

Thế nên, hãy so sánh những kỹ năng của bạn với nhau để tìm ra điểm mạnh và điểm yếu của mình. Điểm mạnh của bạn không nhất thiết phải là thứ bạn làm giỏi hơn tất cả mọi người, nó chỉ cần là thứ bạn làm giỏi nhất trong những thứ bạn có thể làm.

Lúc này hãy xây dựng một thái độ đúng đắn với điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Bởi vì nếu không, một thái độ sai có thể biến điểm mạnh của bạn trở thành điểm yếu, mà cho đến khi nhận rõ có thể đã là quá trễ. Và nếu tư duy đúng, điểm yếu cũng là cơ hội để bạn có thể đạt được kết quả mong muốn.

Như hồi mình học đại học, điểm mạnh của mình là luôn có nhiều ý tưởng cho các chủ đề dự án trong trường. Khâu duyệt ý tưởng ban đầu mình luôn gặp nhiều thuận lợi và được đánh giá tích cực từ giảng viên. Nếu vì thế mà mình chủ quan, ỷ mình có khả năng sáng tạo, không tiếp tục rèn luyện kỹ năng này thì chắc chắn sau một thời gian mình sẽ dậm chân, hoặc thậm chí tệ hơn là thui chột.

Ở chiều ngược lại thì điểm yếu của mình lúc đó lại là vẽ không đủ tốt để hiện thực hóa những ý tưởng mình nghĩ ra. Mình đã nhờ tới rất nhiều sự trợ giúp của những người bạn có thế mạnh là vẽ. Kết quả là điểm số của các dự án đã rất tốt.

Giả sử ở một kịch bản khác, nếu lúc đó mình rất khao khát tìm đủ mọi cách để khắc phục điểm yếu là vẽ, thì có khi sau một thời gian tập trung rèn luyện, mình lại có thể khắc phục điểm yếu này thì sao.

2. So sánh với điểm bắt đầu của người mà ta ngưỡng mộ, hoặc muốn trở thành

Mình bắt đầu kênh podcast @hoangthoughts với sự ủng hộ tinh thần của một người anh đã từng làm trong mảng phát triển sản phẩm công nghệ như mình.

Anh cũng có một kênh podcast đã duy trì được hơn 3 năm rồi. Nếu mình so sánh bản thân với anh bây giờ thì một trời một vực, và chắc chắn nó chỉ làm mình nản lòng bỏ cuộc sớm mà thôi. Thế nhưng, nếu nói mình không so sánh thì cũng không hoàn toàn đúng.

Lần gần đây gặp lại, ảnh đã nói một câu “Trong những người anh ủng hộ làm podcast thì em là người kiên trì nhất tới giờ”.

Điều đó nhắc mình về việc nếu phải so sánh với một hình mẫu mà mình ngưỡng mộ, hãy tìm hiểu thật kỹ cho tới những ngày đầu tiên của họ.

Việc này sẽ giúp bạn thấy được rõ hơn cả quá trình họ trải qua, cải thiện sau mỗi dấu mốc họ đạt được, trước khi có được vị trí cao như bây giờ. Tất cả đều là những sự nỗ lực, kiên trì, cặm cụi trong một khoảng thời gian dài, và như mình từng nói “mọi thành công sau một đêm, đều đến từ rất nhiều đêm trước đó tích lũy”.

Quá trình tìm hiểu, so sánh điểm bắt đầu thật sự sẽ cho bạn rất nhiều nguồn cảm hứng, động lực tích cực để kiên trì hơn với hành trình bạn đang đi.

Tuy nhiên, việc so sánh này cũng có tính tương đối của nó. Sẽ có trường hợp chúng ta không thể tránh khỏi cảm giác ghen tị, đây cũng sẽ là điều tiếp theo mình muốn nói, cho tư duy đúng đắn về sự so sánh.

3. So sánh bằng sự ghen tị xây dựng

Có lẽ là rất khó để tránh khỏi cảm giác ghen tị, vì nó đã được lập trình vào gen chúng ta để thúc đẩy sự cạnh tranh. Có cạnh tranh thì mới có động lực phát triển.

Mình cũng không biết cách nào hiệu quả để có thể loại bỏ hoàn toàn cái cảm giác ghen tị này, thế nên mình điều hướng nó sang một dạng khác lành mạnh hơn.

Theo quan sát của mình, thì nhìn chung ở con người chúng ta thường hình thành 3 loại ghen tị.

Ghen tị tự ti

Đây là cảm giác tiêu cực khi bạn so sánh bản thân với những người có thành tựu vượt trội hơn mình. Nếu trên hành trình làm kênh Podcast mình lại so sánh số lượt views, người theo dõi với người anh kia ở thời điểm này, thì chắc chắn mình sẽ luôn cảm thấy bản thân thật nhỏ bé, không xứng đáng, và mất luôn động lực để có thể kiên trì.

Ghen tị thù địch

Đây là khi bạn ghen tị với sự thù hận và ghét bỏ. Nhất là khi bạn so sánh với người mà bạn cho rằng năng lực của họ cũng ngang với bạn. Bạn không muốn thừa nhận công sức, sự nỗ lực của người kia mà thay vào đó, bạn cho rằng những thành tựu họ có được chẳng qua là do may mắn, hoặc bằng một cách không công bằng nào đó.

Thế là bạn sẽ nảy sinh cảm xúc ghét bỏ, muốn cạnh tranh hơn họ bằng mọi cách. Lúc này sẽ dẫn đến 2 kịch bản.

Hoặc là bạn cố gắng một cách không cần thiết để cạnh tranh, thứ sẽ làm bạn burn-out sau một thời gian. Không biết bạn đã bao giờ từng vì muốn hơn điểm một người bạn trong lớp mà ôn tập, học hành ngày đêm để dẫn đến có vấn đề về sức khỏe, rồi sau đó lại nhận ra việc đó không cần thiết chưa?

Hoặc kịch bản thứ hai là bạn sẽ tìm cách để hạ bệ đối phương, chơi xấu, đặt điều, gièm pha sau lưng người đó. Và rồi bạn sẽ phải trả giá cho việc làm này.

Mình không biết 2 kịch bản này cái nào tệ hơn, nhưng nhìn chung đều là những kịch bản xấu.

Ghen tị xây dựng

Đây cũng là cách mình điều hướng cảm giác ghen tị của mình. Đó là khi cảm giác ghen tị đi kèm với sự công nhận và ngưỡng mộ những phẩm chất tốt của người khác.

Chẳng hạn có những phẩm chất mà mình ghen tị và phấn đấu để học thêm từ người anh kia của mình như: anh ấy kiên trì làm podcast hàng tuần, anh ấy nỗ lực tìm những cách kể chuyện để nội dung thu hút và dễ tiếp nhận hơn, anh ấy tỉ mỉ trong việc trình bày, minh họa nội dung,…

Thậm chí có một buổi tối trước khi đăng tải tập podcast tiếp theo, ảnh còn hào hứng khoe với mình chiếc thumbnail mà ảnh rất ưng ý khi làm xong.

Sự chỉnh chu và đầy tâm huyết trong từng việc nhỏ như vậy thật sự là nguồn động lực tích cực để mình so sánh với những gì đang làm mà tiếp tục phấn đấu.

Có lẽ trước khi học được cách loại bỏ hoàn toàn cảm giác ghen tị, chúng ta có thể thử điều hướng theo cách này để biến chúng trở thành nguồn động lực tích cực để phát triển bản thân trên đường dài hơn.

Cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết này. Nếu có ghé kênh podcast @hoangthoughts và có bất kỳ góp ý nào về âm thanh, đồ họa hoặc ý tưởng giúp mình cải thiện ở những tập trong tương lai, đừng ngần ngại bình luận hoặc gửi email cho mình nhé.