Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
13 Thg 11, 2022
Chất Lượng Sống

Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ?

Theo Mark Manson, những mối tình độc hại luôn cần drama để duy trì. Dẫu vậy, nhiều người vẫn khó lòng chấp nhận sự mất mát những mối quan hệ như vậy.
Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ?

Nguồn: Henri Pham @ Unsplash

Tiếp nối bài viết “Mất mát là gì mà lại đau đớn đến thế?”, dưới đây là phần tiếp theo của bài viết “How to Let Go: Learning to Deal With Loss” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Mối quan hệ độc hại và lành mạnh

Nhiều người khó dứt khỏi mối quan hệ độc hại mà họ đang vướng vào. Để hiểu được lý do vì sao, ta cần nhìn ra sự khác biệt giữa chúng và các mối quan hệ lành mạnh:

  • Mối quan hệ độc hại xảy ra khi hai người phụ thuộc vào nhau về cảm xúc. Họ dựa vào nhau để tìm kiếm sự chấp thuận và tôn trọng họ không thể tự dành cho chính mình.
  • Mối quan hệ lành mạnh được hình thành khi hai người cộng sinh về cảm xúc. Họ chấp thuận và tôn trọng lẫn nhau, vì họ chấp thuận và tôn trọng chính mình.

Mối quan hệ độc hại cần drama để tồn tại. Những con người độc hại không biết yêu thương và tôn trọng bản thân, nên cũng không thể chấp nhận việc có ai khác yêu thương và tôn trọng họ. Nếu có đi chăng nữa, thì họ cũng không bao giờ tin tưởng những người này.

Và nếu hai người như vậy yêu nhau, thì họ cũng không thực sự thấy an toàn khi ở bên nhau. Họ luôn sợ đối phương sẽ không thích bất cứ thứ gì họ làm, sẽ nhận ra họ là kẻ thất bại và cuối cùng rời xa họ. Vậy là họ luôn cần một cách để “thử lòng” xem đối phương có thực sự muốn sát cánh cùng họ không. Drama chính là cách dễ dàng nhất để làm việc này.

Drama xảy ra khi ai đó tạo ra xung đột không cần thiết, dẫn đến cảm giác ý nghĩa sai lệch trong một thời gian ngắn. Khi một người độc hại gây drama và đối phương tha thứ cho họ, nó sẽ khiến mối quan hệ độc hại tạm thời được lãng mạn hóa và có thêm ý nghĩa.

Nhưng drama không kéo dài được lâu, bởi nó chỉ là tấm màn che giấu sự bất an và bất tín giữa hai người. Điều này nghĩa là hai người sẽ liên tục cần drama để tiếp tục giữ “ý nghĩa” cho mối quan hệ của họ.

11nov2022howtoletgoofarelationshipjpg
Drama có thể mang lại ý nghĩa ảo, nhưng không thể che chắn sự bất an giữa hai người. | Nguồn: Markmanson.net

Ở khía cạnh ngược lại, drama sẽ không thể tồn tại trong một mối quan hệ lành mạnh. Bởi khi đó con người ta nhận ra rằng, drama làm giảm ý nghĩa và tầm quan trọng mà họ đã cất công vun đắp cho tình yêu của mình. Họ mong đợi đối phương biết tự chịu trách nhiệm cho bản thân, từ đó thực sự quan tâm lẫn nhau.

Mối quan hệ độc hại tạo ra xung đột không cần thiết chỉ để khẳng định tình yêu và sự hỗ trợ lẫn nhau. Trong khi đó, mối quan hệ lành mạnh giảm thiểu tối đa xung đột để dành chỗ cho tình yêu và sự hỗ trợ vốn đã ở đó.

Để giúp bạn dễ hình dung hơn, ta hãy quay trở lại câu chuyện tôi kể ở phần trước về thời điểm tôi mới gặp vợ mình. Tôi thực sự nhớ cảm giác cuồng nhiệt và rạo rực của những ngày tháng đó. Nhưng nếu quan hệ của chúng tôi độc hại và tôi luôn có cảm giác bất an, tôi sẽ đáp lại nỗi buồn đó bằng cách gây gổ với vợ.

Tôi sẽ trách cô ấy đã để sự cuồng nhiệt năm đó đã trôi đi khiến mối quan hệ của chúng tôi không còn cảm giác mới mẻ, dù đây không phải lỗi của cô ấy. Và cái drama này sẽ dẫn tới 2 điều:

  1. Mang lại cho tôi ý nghĩa, dù ngắn hạn. Tôi sẽ tự “thao túng tâm lý” rằng mình đã thành công trong việc đấu tranh để có được sự mới mẻ trong quan hệ với vợ thêm lần nữa. Và chắc chắn cô ấy phải đồng tình với mình.
  2. Vợ tôi trước hết sẽ cãi lại để giữ sĩ diện. Sau khoảng 2-3 tiếng đôi co bất thành, cô ấy sẽ bỏ cuộc, rồi tìm cách xoa dịu tôi và giải quyết mâu thuẫn này. Cô ấy sẽ nói rằng vẫn yêu tôi sau tất cả những gì xảy ra… ít nhất cho đến khi tôi châm ngòi thêm cái drama khác.

Hoặc nếu vợ tôi không thể mang lại cảm giác mới mẻ đó lần nữa, tôi sẽ đi tìm nó ở một người khác. Cảm giác được “thăng hoa” với một cô gái trẻ khác sẽ trấn an tôi, rằng tôi xứng đáng được yêu thương, chăm sóc và tận hưởng sự cuồng nhiệt này. Chung quy lại vẫn là tại vợ tôi nên trái tim (hoặc cơ quan sinh dục) của tôi mới đi lạc, nhỉ?

Nhưng may mắn là tôi đã không để những điều trên xảy ra. Tôi chỉ nói với cô ấy rằng những ngày tháng ấy thật tuyệt, và tôi nhớ chúng. Và tôi thầm nhắc nhở bản thân rằng, mối quan hệ cũng trưởng thành với chúng tôi. Niềm vui tôi có được trong tuần thứ 3 hẹn hò cô ấy sẽ không giống năm thứ 3, hay thậm chí thập kỷ thứ 3 chúng tôi ở bên nhau. Và điều đó hoàn toàn ổn.

11nov2022scottbroome4kldzk1xwqwunsplashjpg
Thời gian để ta trưởng thành với nhau. | Nguồn: Unsplash

Tình yêu trưởng thành, mở rộng và phát triển. Thời gian đầu mới yêu đầy ắp sự mới mẻ và hứng thú, nhưng không có nghĩa nó tốt hơn hoặc cần thiết cho bây giờ.

(Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, bạn tham khảo bài viết 6 Điều độc hại trong mối quan hệ mà bạn coi là bình thường).

Vì sao mối quan hệ độc hại lại khó buông bỏ?

Câu trả lời đơn giản là vì drama dễ gây nghiện. Giống như cờ bạc, chúng khó đoán, gây tê liệt và mất tập trung, nhưng lại có thể mang tới những niềm vui và phấn khích bất ngờ.

Nguy hiểm hơn, chúng ta dường như đã “nhờn” với drama. Để chứng minh bản thân luôn thắng thế và được yêu thương, chúng ta cần nhiều drama hơn nữa, vì “kịch cũ không thể diễn lại”.

Chẳng hạn bạn và người ấy cãi nhau xem ai nhận trách nhiệm đổ rác. Anh ấy thua và nhận, nhưng bạn vẫn thấy bất an. Thế là bạn lại gây sự vì anh ấy thường xuyên gửi tiền cho em gái. Rồi anh ấy không làm vậy (ít nhất là trước mặt bạn) nữa, nhưng nỗi bất an vẫn còn đó. Vậy là bạn thử đổ sơn đỏ lên đôi giày trắng anh ấy mới mua, để xem ảnh phản ứng thế nào.

Cuối cùng thì drama này sôi lên và mối quan hệ của hai bạn dần bốc hơi. Không những vậy, nó còn ảnh hưởng đến nhiều người khác có liên quan.

11nov2022pexelstimurweber8560378jpg
Drama có thể được hình thành từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất. | Nguồn: Pexels

Nhưng khi bị cuốn vào vòng xoáy xung đột, cả hai bạn lại phụ thuộc nhiều hơn vào cảm xúc của nhau, chứ không độc lập hơn. Bạn đầu tư quá nhiều năng lượng vào việc tạo drama, đến mức độ lầm tưởng rằng người kia quan trọng cho sức khỏe tinh thần bạn hơn thực tế.

Vì vậy, có thể nói drama là cái gương cầu lồi/lõm bóp méo ý nghĩa mà một mối quan hệ mang lại. Bạn nghĩ rằng con người (hoặc nhóm người) này là tất cả những gì bạn cần. Nhưng thực tế, chính mối quan hệ với họ mới là cái làm khổ bạn nhiều nhất.

Trùng hợp ngẫu nhiên là những người không thể dứt bỏ mối quan hệ độc hại lại thường hẹn hò với một đối tượng bạo lực hoặc hoàn toàn ngó lơ họ. Là bởi vì trong những mối quan hệ thế này, chia tay cũng chẳng giải quyết được gì.

Khi hẹn hò, họ dành toàn bộ thời gian và năng lượng để làm vừa lòng đối phương. Khi chia tay, họ lại tiếp tục dành thời gian và năng lượng để níu kéo người ấy. Họ vẫn theo cùng một cơ chế đó, chỉ là ở hai thời điểm khác nhau.

Phản ứng tương tự cũng thường thấy ở những người không thể chấp nhận sự mất mát của mối quan hệ cũ. Họ tìm đủ cách “đâm bị thóc, chọc bị gạo” và gây drama với người cũ chỉ để sống lại những cảm giác của mối quan hệ đó. Và để tiếp tục có cảm giác tồn tại và “sống” trong chúng, họ phải liên tiếp tạo hết drama này đến drama khác.

Ngoài quan hệ đôi lứa, drama còn tồn tại ở các mối quan hệ khác nữa. Người ta gây drama ở chỗ làm để vượt qua sự bất an khi không được đánh giá cao. Cũng có người tạo drama với chính quyền sở tại khi có sự bất an hiện sinh. Sau cùng, ta cũng có thể “gây sự” với chính mình khi nghĩ về một quá khứ đầy hào quang, mà ta đã mãi mãi không còn được sống trong đó.

Còn tiếp…