Vì sao người ta lại ngoại tình? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
23 Thg 10, 2022
Chất Lượng Sống

Vì sao người ta lại ngoại tình?

Theo Mark Manson, người ta ngoại tình vì nhu cầu tự thỏa mãn quá lớn, hoặc vì thiếu đi sự thân mật. Bài viết sẽ giải mã “thuật toán” đứng sau hiện tượng này và đưa ra một số giải pháp.
Vì sao người ta lại ngoại tình?

Nguồn: Psychology Today

Được chuyển ngữ từ bài viết “Why People Cheat in Relationships” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Không ít độc giả từng chia sẻ với tôi những vấn đề họ gặp trong mối quan hệ của mình: sự đau khổ, cô đơn, sự dối trá và những trái tim tan vỡ. Họ đều kết thúc với mẫu câu hỏi “Vì sao người ấy lại làm vậy với mình?” hay “Vì sao họ không chịu thay đổi?”.

Đại văn hào Nga Lev Tolstoy từng nói, mọi mối tình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng mỗi mối tình bất hạnh lại khác biệt theo cách của riêng nó. Tôi đồng tình với quan điểm này. Nhưng với những câu hỏi về sự chung thủy, tôi nghĩ chúng khá đơn giản và dễ dàng trả lời.

Thực tế thì không chung thủy là hiện tượng phổ biến ở cả nam lẫn nữ. Nhiều khảo sát ước tính hơn ¼ các cuộc hôn nhân đều gặp vấn đề ngoại tình ở một thời điểm nào đó. Và con số đó mới chỉ tính những người thú nhận hoặc bị phát hiện đã từng “vụng trộm”.

Và khi nhắc đến ngoại tình thì rất ít người có thể suy nghĩ về nó một cách logic. Họ hoặc sẽ nổi điên và ném đồ lung tung, hoặc buồn và tổn thương đến mức không nhận ra một loạt “red flag” đã tồn tại trước đó rất lâu.

Vì vậy trong bài viết này, tôi sẽ cố gắng phân tích thuật toán đứng sau vấn đề ngoại tình. Nghe “thuật toán” không lãng mạn hay gợi cảm tí nào, nhưng đó là phương pháp giúp ta nhìn nhận vấn đề này một cách logic nhất có thể.

Thuật toán của việc ngoại tình

NHU CẦU TỰ THỎA MÃN > SỰ THÂN MẬT = NGOẠI TÌNH

Hiểu một cách đơn giản, thì khi nhu cầu tự thỏa mãn của một người lớn hơn sự thân mật họ dành cho đối phương, thì họ sẽ muốn ngoại tình. Cụ thể là thế này:

  • Con người ai cũng có nhu cầu thỏa mãn bản thân rất lớn. Ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, làm ít hưởng nhiều, xem phim khiêu dâm và quan hệ tình dục.
  • Chúng ta cũng muốn gần gũi với người khác, chia sẻ cuộc sống của mình với họ và được họ yêu thương.
  • Không may là hai nhu cầu này thường mâu thuẫn với nhau. Muốn được người khác yêu thương thì bạn phải kiềm chế nhu cầu tự thỏa mãn. Và ngược lại, muốn bản thân thỏa mãn hơn thì bạn phải hy sinh nhu cầu thân mật và được yêu thương.
  • Như vậy, nếu một người coi trọng sự thỏa mãn bản thân (chẳng hạn nhu cầu tình dục) hơn tình cảm họ có được trong mối quan hệ, họ sẽ ngoại tình. Còn nếu họ coi trọng tình cảm, họ sẽ tìm cách kiềm chế ham muốn thỏa mãn để giữ lòng chung thủy.
  • Bạn có thể tưởng tượng nó giống như cán cân. Một đầu là sự thỏa mãn, đầu kia là sự thân mật. Nếu đầu thỏa mãn nặng hơn đầu thân mật, ngoại tình sẽ xảy ra.
19oct2022scalebalancewhypeoplecheatjpg
Khi cán cân nghiêng về sự tự thỏa mãn, ngoại tình sẽ dễ xảy ra. | Nguồn: Markmanson.net

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến ngoại tình. Một là người ta nông cạn và ích kỷ, vì vậy cần được thỏa mãn liên tục. Hai là mối quan hệ giữa họ và người ấy lạnh dần, hoặc ngay từ đầu nó đã không đủ thân mật. Tôi sẽ phân tích hai lý do này riêng biệt:

Lý do thứ nhất: Nhu cầu tự thỏa mãn quá lớn

Đối với tôi, định nghĩa của sự trưởng thành là khả năng trì hoãn sự thỏa mãn tức thời để hướng tới những mục tiêu dài hạn quan trọng hơn. Chẳng hạn bạn nghiện bánh chocolate, nhưng bạn biết kiềm chế không ăn nó mỗi sáng. Bởi nếu làm vậy thì 30 tuổi là bạn sẽ bị nhồi máu cơ tim. Chiếc bánh mang lại cho bạn sự thỏa mãn, nhưng sức khỏe của bạn mới là mục tiêu lâu dài.

Ngoại tình cũng tương tự như vậy. Bạn rất muốn quan hệ tình dục nhưng người ấy lại không thể ở bên bạn lúc này, vậy là bạn quyết định “làm chuyện ấy” với một người lạ. Cảm giác ấy thật tuyệt vời, nhưng một người trưởng thành sẽ biết kìm nén nó lại để giữ gìn mối quan hệ với người thương mà họ sẽ gắn bó lâu dài.

Những người ngoại tình vì nhu cầu tự thỏa mãn cũng chia làm 2 kiểu: Người cần bù đắp và người có quyền lực.

Người cần bù đắp lúc nào cũng cảm thấy đau khổ về bản thân. Vì vậy, họ cần một nguồn dopamine ăn liền để giúp họ che giấu điều đó. Nếu người cũ của bạn là kiểu người này, thì tôi khá chắc chắn ngoại tình không phải là hành vi tự hủy duy nhất họ đã làm. Họ có thể đã hút thuốc, uống rượu, chơi đá và làm nhiều chuyện “tày đình” khác.

Người có quyền lực thì quá dễ hiểu rồi - họ có quyền lực cao hơn đa số người xung quanh. Chẳng ai dám nói “không” với ham muốn của họ, và họ cũng không phải đối mặt với hậu quả hữu hình nào cho những gì mình làm.

Nhưng họ không cứ là những người có quyền cao chức trọng trong xã hội. Đó có thể là người được trao toàn quyền trong một mối quan hệ. Và khi họ mắc lỗi, thì đối phương cũng không cho họ thấy là họ phải trả giá cho việc làm của mình. Hay nói cách khác, bạn có thể vô tình tạo điều kiện cho người ấy ngoại tình. Tôi sẽ phân tích điều này rõ hơn ở lý do tiếp theo.

Lý do thứ hai: Mối quan hệ thiếu đi sự thân mật thực sự

Sau đây là một triết lý khá đơn giản: Khả năng ngoại tình trong một mối quan hệ tỉ lệ thuận với độ đau khổ của mối quan hệ đó. Vấn đề nằm ở chỗ, nhiều người không nhận ra mối quan hệ của họ đang đi vào bế tắc.

Chẳng hạn họ lớn lên trong những gia đình mất chức năng, hoặc đã trải qua những mối tình đầy bất hạnh khác. Vì vậy nên họ vô thức “bình thường hóa” những dấu hiệu bế tắc trong tình yêu. Và rồi họ shock nặng khi phát hiện bị đối phương “cắm sừng”, vì họ không hiểu mọi thứ đi chệch hướng ở đâu.

19oct2022healthlinejpg
Việc “bình thường hóa” những dấu hiệu bế tắc trong tình yêu là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ngoại tình. | Nguồn: Healthline

Có hai kiểu quan hệ chính dẫn đến kết cục này. Điểm chung của chúng là không vạch ra ranh giới rõ ràng, và đều tạo ra ảo giác “mọi thứ đều ổn” dù thực tế là chẳng có gì ổn cả.

Tình huống thứ nhất: Một người làm mọi thứ cho người còn lại

Họ chăm sóc và cho người kia mọi thứ họ muốn. Họ làm mọi điều như một vị thánh cao cả, để rồi bị cắm sừng.

Đây thực ra là một mối quan hệ độc hại. Vì khi bạn đi giải quyết mọi vấn đề của người kia, bạn đang cho họ biết rằng họ có làm gì thì cũng không bao giờ phải chịu hậu quả. Vậy thì bạn nghĩ điều gì sẽ khiến họ thay đổi? Điều gì sẽ khiến họ suy nghĩ về hành động của mình?

Bạn có thể tưởng tượng nó giống như cún cưng của bạn “bĩnh” ra thảm suốt ngày. Bạn thấy khó chịu, nhưng vẫn dọn dẹp hết bởi bạn yêu con cún. Và con cún cứ thế tiếp tục đi bậy, bởi bạn không cho nó thấy hành vi đó là sai.

Chuyện ngoại tình cũng giống vậy thôi. Nếu bạn bao dung và dung túng cho mọi hành vi của đối phương, thì đừng thắc mắc vì sao họ ngoại tình. Dù đó không phải là lỗi của bạn, nhưng cách làm của bạn không thay đổi được tình hình.

Thế nên biết nói “không” là kỹ năng rất quan trọng để duy trì một mối quan hệ lành mạnh. Mỗi cá nhân cần biết bảo vệ nhu cầu của chính bản thân mình. Chỉ như vậy thì hai cá nhân tự trọng mới có thể trò chuyện một cách cởi mở về những gì có và không thể chấp nhận trong mối quan hệ của họ.

Tình huống thứ hai: Bạn đời chiếm hữu, ghen tuông và bất an một cách quá đà

Tôi ví dụ thế này: Bạn đời thường xuyên xem trộm điện thoại, muốn biết vị trí của bạn mọi nơi mọi lúc, nổi khùng nếu bạn đi chơi mà không đưa họ theo và hét vào mặt bạn nếu bạn không nghe máy. Trường hợp này bạn có muốn ngoại tình không? Vì đằng nào họ cũng đối xử với bạn như thể bạn đã cắm sừng họ, thì tội gì mà không làm thật?

Hành vi chiếm hữu hay ghen tuông thể hiện sự thiếu tự trọng và thiếu niềm tin với đối phương. Làm sao bạn đời tôn trọng bạn được, nếu bạn không phản kháng với họ rằng điều này làm bạn không thoải mái?

Sự tự tin và gợi cảm không đến từ việc bạn phải đấu tranh để cảm thấy thỏa mãn, mà nó đến từ việc thoải mái với việc trì hoãn sự thỏa mãn cá nhân. Tôi sẽ đưa ra một số lời khuyên giúp bạn tránh việc bị “cắm sừng” dưới đây. Các bước thực hiện thì đơn giản, nhưng nó không hoàn toàn dễ dàng.

Làm sao để không bị “cắm sừng?”

Bước 1: Tránh xa những người không có khả năng kiềm chế sự thỏa mãn

Hẹn hò với những người như vậy có thể rất tuyệt vời… với điều kiện bạn phải liên tục làm họ hài lòng. Nhưng khi nhìn xa hơn một chút, bạn sẽ vượt qua “cạm bẫy” này và quan sát được họ kỹ càng hơn: họ có biết hi sinh không, có bốc đồng không và có biết chịu trách nhiệm cho những gì mình làm hay không.

Nếu bạn hay lo âu và bất an, bạn sẽ cảm thấy những người này khá tự tin. Bởi họ đã muốn là làm, không do dự. Nhưng khi bước vào vấn đề tình dục thì mọi chuyện lại khác. Một khi “chán cơm thèm phở”, họ sẽ lập tức giấu bạn đi khám phá cơ thể một người khác.

Mặt khác, nếu hẹn hò những người không biết tự kiềm chế, bạn thường sẽ suy nghĩ “Họ vui vẻ khi ở bên mình, thì cớ sao họ lại muốn ở bên người khác?”. Câu trả lời là họ tìm đến bạn để thỏa mãn ham muốn của họ, chứ không phải vì họ thực sự yêu bạn. Một khi bạn không thể tiếp tục cho họ sự thỏa mãn họ muốn, họ sẽ tìm người mới để đạt được mục đích.

Bước 2: Đặt ra những ranh giới lành mạnh

Điều này có nghĩa là chia sẻ rõ ràng với bạn đời những điều có và không thể chấp nhận trong mối quan hệ. Là bạn nhận ra rằng bạn và người ấy không ai phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của nhau, nên cũng không có quyền yêu cầu hành động gì từ đối phương.

Mỗi người đều có trách nhiệm xử lý những khó khăn của riêng mình. Vì vậy cử chỉ yêu thương nhất bạn có thể làm với họ, là để họ tự đối mặt với các vấn đề của mình. Bạn chỉ nên giúp đỡ khi thực sự cần thiết, chứ không nên chủ động đề nghị giúp ngay từ ban đầu. Mấu chốt của một mối quan hệ không phải là hai người đi xử lý các vấn đề của nhau, mà là hỗ trợ lẫn nhau vô điều kiện khi mỗi người giải quyết vấn đề của riêng mình.

Bước 3: Luôn sẵn sàng rời đi

Thực tế là một mối quan hệ chỉ bền chặt khi mỗi người đều sẵn sàng rời đi. Không phải là “muốn rời đi”, mà là “sẵn sàng rời đi” khi cần thiết. Bởi các mối quan hệ lành mạnh dù tràn ngập tình cảm đến đâu cũng sẽ có những lúc hai người phải nói “không” với nhau. Nếu không có tâm lý sẵn sàng này, thì những vấn đề tồn đọng sẽ không thể giải quyết.

19oct2022decisionjpg
Một mối quan hệ chỉ bền chặt khi mỗi người đều sẵn sàng rời đi. | Nguồn: Phim Decision To Leave

Một người bạn của tôi sau hai lần ly hôn đã nói với tôi rằng, cách nhanh nhất để giết chết một mối quan hệ là coi nhẹ lẫn nhau. Bởi mối quan hệ không phải là nghĩa vụ bạn buộc phải hoàn thành, mà nó là lựa chọn được hai bạn đưa ra mỗi ngày.

Khi đưa ra lựa chọn này, hai bạn đều công nhận việc hy sinh sự thỏa mãn tức thời xứng đáng với những lợi ích lâu dài. Nó là lựa chọn để hai bạn học cách trân trọng lý do đến với nhau, và ở bên nhau cho đến tận bây giờ.