Môn học tự nguyện có phải là hình thức giáo dục mới? | Vietcetera
Billboard banner
09 Thg 10, 2023
Sáng TạoTruyền ThôngOpinion

Môn học tự nguyện có phải là hình thức giáo dục mới?

Lựa chọn học môn liên kết ở tiểu học có phải là “tự nguyện trên tinh thần bắt buộc”?
Môn học tự nguyện có phải là hình thức giáo dục mới?

Nguồn: Pexels

Đối với thế hệ Gen Z chúng ta, và cả các độc giả đến từ thế hệ Y, “học thêm” là một khái niệm quen thuộc. Thời gian trước, khi chúng ta không có quá nhiều lựa chọn giáo dục, các gia đình trung lưu trở lên thuê gia sư hoặc cho con học lò luyện, nhằm tăng cơ hội thi đỗ cấp 2, cấp 3 trường điểm.

Với các gia đình khá giả hơn nữa, học sinh được đi học kỹ năng sống, năng khiếu và ngoại ngữ từ trước lớp 3 vào cuối tuần, nhưng các lớp này sẽ không gọi là học thêm.

Khác biệt dễ nhận ra giữa hai loại “giáo dục ngoại khoá” này là bạn đến lớp học thêm để học lại kiến thức trên lớp, hoặc nâng cao trình độ hơn nữa nhằm đối phó với chuyện thi cử chính khoá.

Học kỹ năng sống và năng khiếu, mặt khác, đóng góp vào đời sống tinh thần phong phú học sinh chứ không thực sự đóng góp vào điểm số trên lớp. Thế “môn học liên kết,” vốn dạy Aerobic, Năng khiếu, Toán tiếng Anh… thuộc về kiểu giáo dục gì, khi một mặt không bắt buộc học sinh phải học, nhưng mặt khác, được xếp vào giữa giờ học chính khoá của nhà trường?

Sau đây là cẩm nang về môn học liên kết dành cho các bố mẹ trẻ, có thể thuộc thế hệ tôi, nhưng mù mờ và hoang mang về hình thức giáo dục mới này.

101 về môn học liên kết

Nếu trong thời khoá biểu trường tiểu học công của lũ trẻ nhà chúng ta có những môn như STEM, giao tiếp với người nước ngoài, hay kỹ năng sống, thì đó là môn học liên kết. Đây là các môn học do trường học công lập liên kết tổ chức với các trung tâm giáo dục tư nhân, nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện của chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp tiểu học.

Cụ thể, chương trình 2018 chú trọng phát triển kỹ năng, tin học, ngoại ngữ, và khoa học cho học sinh tiểu học. Bên cạnh đó, các trường tiểu học cũng được quy định phải dạy 2 buổi/ngày, mỗi ngày không quá 7 tiết, nhằm tăng thời lượng học của học sinh từ 7-15 tuổi ở Việt Nam từ 5424 giờ lên 6200 giờ, dần bắt kịp với thời lượng học trung bình ở các nước thuộc nhóm Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) là 7475 giờ.

Nhưng do không phải nhà trường nào cũng có đủ cơ sở vật chất để đáp ứng kỳ vọng của chương trình mới, về cả cơ sở vật chất và thời lượng học tăng lên. Vì thế, nhiều trường hợp tác với trung tâm ngoài để có thêm các môn tăng cường/liên kết. Họ sắp xếp thời gian biểu và động viên phụ huynh cho con tham gia, còn đơn vị giáo dục tư sẽ cung cấp nội dung, người dạy, và các dụng cụ cần thiết.

Phương án liên kết này giúp các trường công tiết kiệm ngân sách, đặc biệt là với các trường không dư giả nguồn lực nhưng vẫn muốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập đa dạng của học sinh. Về mặt lý thuyết, với phương châm “thu đủ chi,” môn học liên kết cũng giúp các bố mẹ tiết kiệm chi phí học tập cho học sinh.

alt
Nguồn: Pexels

Học phí môn liên kết nhỉnh hơn học phí công, nhưng không mắc như các chương trình tư thục hoàn toàn, do được chi trả một phần bởi nhà trường, một phần bởi gia đình học sinh.

Trong thực tế, hiện tượng liên kết này đã tồn tại trong hơn một thập kỷ nay. Vì thế vào năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo có ban hành thông tư 04/2014/TT-BGDĐT quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá.

Thông tư này quy định các trường có quyền được liên kết với trung tâm ngoài để đáp ứng nhu cầu của học sinh, miễn là có sự thẩm định chất lượng chặt chẽ. Đồng thời, lựa chọn học các môn này cũng là tự nguyện đối với học sinh.

Tự nguyện trên tinh thần bắt buộc?

Trước quy định trường tiểu học bắt buộc dạy 2 buổi, nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội của nhiều hình thức dạy thêm, học thêm biến tướng. Một trong những lập luận của chương trình mới trong việc bắt buộc dạy 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học là để hạn chế tình trạng học thêm.

Nhiều thời gian học ở trường hơn tức là các em được học đầy đủ kiến thức hơn để không phải dành thời gian buổi tối hoặc cuối tuần học phụ đạo tại những lò luyện không tuân thủ sự quản lý của nhà nước.

Về lý tưởng, các môn học liên kết chính là sự thay thế đối với lớp học thêm. Dù không đóng góp trực tiếp vào điểm số chính khoá, song một số nội dung dạy bằng ngoại ngữ có thể bổ trợ năng lực học chính khoá, giúp các em có điểm cao hơn và tăng cơ hội thi đỗ vào cấp 2, cấp 3.

Vậy là một mũi tên trúng nhiều đích: đa dạng nội dung học, tối ưu hoá thời lượng học theo yêu cầu của chương trình mới, và hạn chế học thêm trái quy định.

Song những nghi ngờ về học thêm biến tướng là hoàn toàn có cơ sở, vì điểm chung giữa học thêm và môn học liên kết đó là, bố mẹ và các em tự nguyên lựa chọn học nhưng trên tinh thần bắt buộc. Hẳn nhiều người trong số chúng ta còn nhớ, nếu ngày bé bố mẹ không cho ta đi học thêm ngoài giờ chính khoá, thành tích học tập sẽ tụt lại phía sau.

Một phần vì ta không được tiếp cận với các dạng bài không được dạy trên lớp, một phần vì ta… bị trù. Ta cũng gặp áp lực tinh thần lớn nếu cả lớp đi học thêm còn ta thì không.

Tương tự đối với môn học liên kết được nhà trường xếp xen kẽ với giờ học chính khoá. Đối với các em không đăng ký học môn liên kết, thay vì được về nhà, các em sẽ phải vật vờ đợi ở ngoài hành lang, hoặc ngồi nhờ lớp bạn, đợi môn liên kết kết thúc thì mới được vào lớp để học tiếp môn chính khoá.

Các bố mẹ dù hoài nghi với chất lượng của các môn học này đến đâu, thì cũng phải vì thương con mà đăng ký cho con học. Họ không kỳ vọng con học được nhiều, mà chỉ mong muốn con có chỗ ngồi tử tế.

alt
Nguồn: Pexels

Trước thực trạng này, nhiều phụ huynh cho rằng lớp học liên kết nên được tổ chức ngoài giờ học chính khoá. Bản thân ý kiến từ Bộ cũng làm rõ, thiết kế học 2 buổi/ngày không phải để nhồi môn liên kết vào giữa. Như vậy, sự tồn tại của môn liên kết trở nên bất hợp lý. Từ lý tưởng giảm thiểu tình trạng học thêm, lớp liên kết trở thành lớp học thêm, chỉ là “bình mới rượu cũ.”

Tới đây, ta thấy bài toán thiết kế môn học để đáp ứng chuyện tăng thời lượng học chính khoá đang khiến các nhà trường phải đau đầu.

Nếu không thể thiết kế hoạt động trải nghiệm, rèn luyện thể chất, phát triển năng khiếu về nghệ thuật; được vui chơi, giải trí,… trong thời gian học được nhà nước bao cấp, họ sẽ đành phải ôm vào thời gian biểu của mình các hình thức học thêm “biến tướng.”

Trong phần tiếp theo của chuỗi bài, chúng tôi muốn đề xuất một số “tips” giảm thiểu sự bất hợp lý của môn học liên kết.