“Người khuyết tật không phải lúc nào cũng quay cuồng trong nỗi đau...” | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

“Người khuyết tật không phải lúc nào cũng quay cuồng trong nỗi đau...”

“Họ cũng phải thích ứng với hoàn cảnh như bao người khác. Có khi cái đau không ở thể xác, mà là khi họ bị ngăn cản làm điều mình có khả năng làm và muốn làm.”

“Người khuyết tật không phải lúc nào cũng quay cuồng trong nỗi đau...”

Nguồn: Chị Nhung Phạm, @vuabanhmi.

Chị thành người khuyết tật sau một tai nạn lúc còn bé.

Chuyện đó thật ra không khiến chị mặc cảm hay tự ti gì nhiều. Chỉ có cuộc sống là bị ảnh hưởng kha khá. Cái lớn nhất là các trường học bình-thường không muốn nhận trẻ khuyết tật. Gia đình chị lúc đó cũng không xin hay đòi hỏi quyền lợi gì, bị từ chối thì đi luôn. 

Sau này vẫn có trường nhận, nhưng được một thời gian thì chị vẫn phải nghỉ vì nhà chị chuyển đi nơi khác, mà trường mới thì không nhận. Lúc đó vừa giận, vừa nản. Chị bắt đầu có chút tủi thân… 

Xã hội, hay chính gia đình mình vẫn thường có định kiến rằng: Người khuyết tật không làm được gì cả! Họ thường chỉ làm những công việc thủ công vụn vặt. Nếu đi học rồi chọn những công việc khác thì nhiều người lại ngưỡng mộ kiểu “mảnh đời bất hạnh vươn lên từ nỗi đau”. Dẫu để động viên nhưng chị nghe vẫn không ưng. Họ chỉ gặp bất tiện liên quan đến tật của mình, chứ không phải lúc nào cũng quay cuồng trong nỗi đau, bất hạnh. 

Mong muốn lớn nhất của chị vẫn là hoà nhập với xã hội “bình thường”, nên chị lọ mọ đi học kiểu khác. 

Rồi cũng đến ngày chị đi xin việc làm. Nhiều công ty từ chối không nhận người khuyết tật. Nhưng chị quyết tâm rồi. Dòng đầu tiên của CV chị luôn viết rất rõ: “Tôi không thể nói, nhưng tôi có thể nghe và nghe rất tốt”. Tất nhiên đó vẫn là chưa kể đến chuyên môn của chị.

Và giờ thì chị đang là UX/UI Designer cho một công ty công nghệ rồi!

Tôi không biết ngôn ngữ ký hiệu nên chỉ nói chuyện với chị được bằng cách viết ra giấy.
(Tôi không biết ngôn ngữ ký hiệu, nên giao tiếp với chị chỉ bằng cách viết ra giấy. Nhìn những con chữ chị từ từ được viết ra, tôi cảm nhận được rõ sự kiên nhẫn của “đoá hoa” ấy.)

Câu chuyện từ Techie Story.

“Tan Chảy” là series thuật lại những câu chuyện đẹp về cuộc sống. Bạn cũng có câu chuyện "tan-chảy"? Hãy kể cho chúng tôi tại tanchay@vietcetera.com.