Người nổi tiếng có sai khi yêu cầu sự riêng tư tại nơi công cộng? | Vietcetera
Billboard banner

Người nổi tiếng có sai khi yêu cầu sự riêng tư tại nơi công cộng?

Trong trường hợp nào thì bạn không phải xin phép người khác để sử dụng hình ảnh của họ?
Người nổi tiếng có sai khi yêu cầu sự riêng tư tại nơi công cộng?

Nguồn: Kênh14

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Mới đây, một người dùng mạng xã hội đã chia sẻ trải nghiệm không hay có liên quan tới nghệ sĩ Trấn Thành khi dùng bữa tại một nhà hàng.

Cụ thể, nhân viên nhà hàng đã yêu cầu kiểm tra những tấm ảnh mà vị khách này chụp để đảm bảo Trấn Thành không có trong ảnh, đồng thời muốn cô phải xóa ảnh đi để đảm bảo sự riêng tư của người nổi tiếng.

06jun2024newproject1717497474538356200412jpg
Bài đăng tường thuật sự việc. | Nguồn: Kênh14

Bài đăng gốc của người dùng này không nhắc tên Trấn Thành, tuy nhiên trang Facebook của nhà hàng có chia sẻ lại lời cảm ơn của Trấn Thành và Hari Won khi dùng bữa tại đây. Sau khi nhận sự chỉ trích, nhà hàng đã lên tiếng và cũng đã ẩn bài đăng có liên quan tới Trấn Thành.

2. Đại diện nhà hàng nói gì?

Quản lý nhà hàng chia sẻ: “Thông tin được đăng tải không đúng với sự thật, nhưng phía nhà hàng chúng tôi quyết định sẽ không giải thích gì.”

Vị quản lý này khẳng định “phía chúng tôi không có chuyện cư xử bất lịch sự như vậy” và cho biết cơ sở kinh doanh “là nhà hàng cao cấp, chuyên phục vụ toàn những vị khách giàu có, sang trọng nên không xảy ra những vấn đề như vậy.”

Trang fanpage của nhà hàng cũng đáp trả những lời công kích trên không gian mạng, cho rằng nhà hàng luôn sử dụng từ ngữ lịch sự và tôn trọng khách hàng. Cơ sở này còn cho biết họ đã xin lỗi vị khách này 4 lần nhưng không giải quyết được sự việc.

Nghệ sĩ Trấn Thành chưa lên tiếng chính thức về vụ việc này.

3. Nếu thật sự xuất hiện trong ảnh Trấn Thành có sai khi yêu cầu sự riêng tư?

Đây không phải là lần đầu tiên nổ ra tranh luận liên quan tới Trấn Thành và yêu cầu được riêng tư của nghệ sĩ này. Trước đó, anh đã từng từ chối cho người lạ mua vé vào xem phim ở chung phòng chiếu với mình bằng lý do tương tự.

Trong sự việc lần này, Trấn Thành không ra mặt trực tiếp mà chỉ đưa yêu cầu được riêng tư và không bị ghi hình của mình cho nhà hàng. Đây là mong ước phù hợp không chỉ với những người nổi tiếng - những người mà hình ảnh có giá trị cao - mà cả những người không nổi tiếng nhưng có nhu cầu bảo vệ hình ảnh của mình ở nơi công cộng.

Như vậy, đây không phải đòi hỏi quá đáng, cũng không phải là một biểu hiện của “bệnh ngôi sao.” Câu chuyện chỉ trở thành vấn đề qua sự tương tác giữa vị khách chụp ảnh và nhà hàng.

4. Nhà hàng có thể làm gì để tránh xảy ra tình huống tương tự?

Toàn bộ câu chuyện xuất phát từ quá trình trao đổi chưa hiệu quả giữa nhà hàng và khách hàng. Liệu có cách nào để những sự việc tương tự không xảy ra trong tương lai, nếu như cơ sở kinh doanh này lại có cơ hội tiếp đón những người nổi tiếng?

Nếu cơ sở vật chất cho phép, nhà hàng có thể sắp xếp không gian ngồi riêng cho người nổi tiếng để tránh thu hút sự chú ý của những thực khách khác, cũng như những ống kính máy quay muốn nhòm ngó. Lý tưởng nhất, không gian này có thể là một phòng riêng.

Nhà hàng cũng có thể tiếp cận khách hàng và đưa ra thông tin về việc đảm bảo quyền riêng tư cho người nổi tiếng khi khách mới vào nhà hàng. Việc này vừa giúp thực khách có ý thức hơn về việc quay hình, chụp hình của mình, vừa tránh tình huống phải nhắc nhở khi “sự đã rồi” như sự việc vừa xong.

5. Khi nào thì sử dụng hình ảnh của người khác là vi phạm pháp luật?

Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, việc tự ý chụp ảnh, quay và sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của người khác sẽ là vi phạm pháp luật nếu điều này xâm phạm tới nhân phẩm, danh dự của người đó.

Nếu sử dụng hình ảnh cá nhân mà không xin phép trong quảng cáo hay xuất bản, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính từ 20 tới 40 triệu đồng dựa theo khoản 3 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

Khi phát hiện hình ảnh của mình bị lợi dụng, nạn nhân có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại. Mức bồi thường có thể thỏa thuận, hoặc căn cứ vào thiệt hại thực tế để tính. Người bị hại cũng có thể tố cáo với cơ quan công an, hoặc nghiêm trọng hơn là khởi kiện ra tòa.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp được phép dùng hình ảnh cá nhân mà không cần xin phép. Hai trường hợp đặc biệt này được quy định trong Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015.

Đó là (1) sử dụng hình ảnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, và (2) sử dụng hình ảnh từ các hoạt động công cộng: hội nghị, hội thảo, thi đấu thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, v.v. mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.