Tóm Lại Là: Nghệ sĩ Việt bị cáo buộc hiếp dâm ở Tây Ban Nha | Vietcetera
Billboard banner

Tóm Lại Là: Nghệ sĩ Việt bị cáo buộc hiếp dâm ở Tây Ban Nha

Công chúng đang "hóng" trúng và trượt thông tin quan trọng nào trong vụ việc này? 
Tóm Lại Là: Nghệ sĩ Việt bị cáo buộc hiếp dâm ở Tây Ban Nha

Nguồn: Majorca

1. Điều gì đang xảy ra?

Câu chuyện hai nghệ sĩ Việt (gồm một diễn viên và một nhạc sĩ) bị cáo buộc hiếp dâm cô gái 17 tuổi người Anh ở Tây Ban Nha gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Dù chưa có thông tin khẳng định, dư luận và truyền thông đều đồn đoán danh tính của 2 nghệ sĩ được nói đến là diễn viên Hồng Đăng (HĐ) và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh (HHA.)

Hiện tại, hai nghệ sĩ Việt trong vụ việc liên quan đã có luật sư để xử lý các vấn đề pháp lý, vẫn đang tại ngoại và chưa bị truy tố.

2. Tại sao ban đầu câu chuyện này... không thực sự đáng tin?

Thông tin hai nghệ sĩ Việt bị cáo buộc hiếp dâm ở Tây Ban Nha xuất hiện đầu tiên trên truyền thông và mạng xã hội Việt Nam vào ngày 01/07. Thông tin ban đầu được trích dẫn từ trang Nhật báo Majorca của Tây Ban Nha, và nhanh chóng thu hút trên mạng xã hội (MXH).

Tuy nhiên, ngay từ đầu câu chuyện này được "cải trang" như một tin lá cải. Dấu hiệu nhận biết của nó là dạng tin đồn/nghi vấn: dính dáng đến nghệ sĩ nổi tiếng trong giới giải trí và lôi kéo sự tò mò bởi câu chuyện tình dục.

Trên thực tế, câu chuyện liên quan đến vấn đề nghiêm trọng hơn: hiếp dâm, xâm hại tình dục. Ngoài ra, sự việc này diễn ra ở nước ngoài và ít ỏi thông tin, vì thế chính người đọc càng tò mò nhưng không được cung cấp đầy đủ, rõ ràng.

3. Đâu là mốc thông tin chúng ta cần nắm để hiểu sự việc này?

Liệu chúng ta đang "hóng" trúng hay trượt những thông tin quan trọng? Đây là dòng thời gian sự kiện mà bạn cần nắm.

  • 25/6: Tờ Majorca đưa tin 2 nghệ sĩ Việt Nam bị tố cưỡng hiếp. Tuy không tiết lộ danh tính song có số tuổi và nghề nghiệp cụ thể.
  • 01/07: Thông tin được đưa và bắt đầu rộ lên thông qua một số fanpage ở Việt Nam. Khán giả dựa vào năm sinh và hoạt động trên mạng xã hội để nghi vấn 2 nghệ sĩ.
  • 02/07: Lộ ảnh được cho là diễn viên H.Đ và nhạc sĩ H.H.A bị còng tay ở khách sạn, do 1 tờ báo TBN khác đưa tin. VTV và nhiều báo đài tuyên bố cấm sóng và rà soát hoạt động của 2 nghệ sĩ tại 2 cơ quan.
  • 03/07: Một kênh Tiktok tung fake news hai nghệ sĩ liên quan đến sự việc về nước, chuẩn bị có họp báo.
  • 04/07: NSND Trung Hiếu xác nhận nhà hát kịch Hà Nội báo cáo với lãnh đạo sở văn hoá thể thao du lịch về việc diễn viên H.Đ ra nước ngoài không xin phép. Các cơ quan lần đầu xác nhận có sự liên quan giữa 2 nghệ sĩ và tin đồn.
  • 05/07: Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông cho biết, sự việc liên quan đến diễn viên H.Đ và nhạc sĩ H.H.A vẫn đang trong vòng "nghi vấn," chưa có thêm thông tin mới.
  • 6/7: Xác nhận thông tin H.Đ và H.H.A có luật sư, các báo đài chính thức xác nhận nhân vật trong tin đồn là 2 nghệ sĩ này.

4. Vụ việc này liên quan gì đến định kiến giới?

Trong câu chuyện lần này, những ý kiến và phản ứng của khán giả, phản hồi của các đồng nghiệp và người trong nghề dường như được dư luận quan tâm hơn.

Diễn viên Kim Oanh gây tranh cãi khi phát ngôn, "Các bạn tôi làm đúng tôi cũng bênh, làm sai tôi cũng bênh, bênh ngu tôi cũng bênh đấy." Cũng bênh vực đồng nghiệp như diễn viên Kim Oanh, nhưng diễn viên Bình An chọn cách nhẹ nhàng hơn dù vẫn nhận sự chỉ trích.

Có người bênh vực, ắt có người lên án. Đỉnh điểm của những phát ngôn phê phán câu chuyện này là ca sĩ Pha Lê và diễn viên Kiều Thanh. Báo Tuổi Trẻ cho rằng, phát ngôn của hai nghệ sĩ này là phản cảm.

Nhưng dù bênh vực hay lên án, những người lên tiếng chưa thực sự được công chúng đón nhận bởi cả góc nhìn, quan điểm. Những lời nhận xét của ca sĩ Pha Lê hay Kiều Thanh cho thấy những định kiến về giới còn hạn hẹp, sai lầm.

PGS.TS Nguyễn Phương Mai cho rằng, "Điều đáng sợ nhất là những phát ngôn của một số người làm nghệ thuật cho rằng "đàn ông mà không chơi gái mới là lạ" và "đi Tây đàn ông nào chẳng muốn thử râu ngô."

Những lời nhận xét, phê phán của nữ diễn viên Kiều Thanh và ca sĩ Pha Lê đang quy chụp và vơ đũa đàn ông. Tác giả Nguyễn Phương Mai nhận xét, những phát ngôn này không những coi thường đàn ông mà còn có thể làm hại phụ nữ. Và chính những quan điểm này đã gián tiếp biến phụ nữ trở thành nạn nhân.

Cũng theo PGS. TS Nguyễn Phương Mai, "Việc bình thường hóa tội gian dâm của đàn ông biến các bà vợ thành nạn nhân tiềm năng. Họ chỉ có thể chịu đựng mà không thể lên tiếng, vì đàn ông ai chả thế?"

5. Vì sao nên cẩn thận hơn khi ở nước ngoài?

Toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ và chúng ta đang tích cực trong việc trở thành công dân toàn cầu. Trong những năm qua, du học - du lịch - làm việc ở nước ngoài là cũng một trong những trào lưu được nhiều người quan tâm.

Việc ăn trước người lớn tuổi khi du lịch Hàn Quốc có thể xem là bất lịch sự; hay bạn sẽ bị kì thị khi ăn bằng tay tại Chile... Các sự việc này dường như chỉ là rắc rối về mặt văn hóa và phép xã giao. Tuy nhiên, nếu dính dáng đến pháp lý và pháp luật, chúng ta lại càng phải cẩn trọng hơn.

Chúng ta bị mất hộ chiếu khi đi du lịch nước ngoài? Bị nghi ngờ tàng trữ và buôn bán chất cấm? Bị cáo buộc xâm hại tình dục trong lúc đi du lịch nước ngoài?

Đó là những rắc rối liên quan đến mặt pháp luật mà chúng ta có thể phải đối mặt khi đến nước ngoài. Vì thế, bạn cần phải cẩn thận hơn trước và trong khi đang ở nước ngoài vì mục đích du lịch, du học hay lao động, làm việc.

Theo T.S Đào Lệ Thu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu so sánh Luật công, Viện Luật So sánh cho rằng, một số vấn đề dễ gặp phải rắc rối như những hành vi liên quan đến tình dục, mại dâm, hàng cấm, hàng lậu, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, giao thông,...

Khi gặp rắc rồi pháp lý ở nước ngoài, công dân Việt Nam nên làm những điều sau đây:

  • Không nên tự mình tìm đến giải quyết riêng với bên có liên quan vì rất dễ dẫn đến các hệ lụy khác.
  • Tìm cách nhanh nhất để liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước đó hoặc khu vực đó.
  • Quyền giữ im lặng, quyền có phiên dịch và quyền có người đại diện pháp lý, có luật sư cần được sử dụng tối đa.