Vào ngày 08/12/2019 tại Trung tâm Hội nghị & Tiệc cưới Metropole TP.HCM, cuộc thi Thử thách Sáng tạo Xã hội Việt Nam VSIC 2019 – Đội Ý tưởng Kinh doanh BIT trường Đại học Ngoại thương, vừa tổ chức thành công đêm Gala Chung kết VSIC 2019 khu vực miền Nam.
Sau 3 tháng phát động cuộc thi, trước sự tham gia của hơn 500 quý khán giả tham dự trực tiếp, đơn vị tài trợ và cố vấn, top 6 đội được chọn tại khu vực phía Nam đã trình bày những dự án tạo ra tác động bền vững cho môi trường và cộng đồng.
Hiện nay, khái niệm “Khởi nghiệp xanh” đang được phổ biến và lan tỏa hơn bao giờ hết. Hẳn nhiều bạn trẻ vẫn còn thắc mắc rằng: “Liệu những dự án kinh doanh xanh như thế có tạo giá trị khác biệt gì so với các dự án bảo vệ môi trường thông thường?”
Trong đêm Gala vừa qua, Đại sứ của VSIC 2019 – chị Helly Tống đã có những chia sẻ giá trị và thực tế hơn từ góc nhìn của founder của “The Yên Concept” và đồng thời là co-founder của “Lại Đây Refill Station”.
Để chọn ra Top 3 đội thi với những ý tưởng xuất sắc nhất, không thể không kể đến những vị Ban Giám khảo với sự dày dặn về kinh nghiệm lẫn chuyên môn. Dàn giám khảo “quyền lực” của VSIC 2019 là các anh, chị đến từ Schneider Electric, KPMG, Change, V-CFO Partner, The Inspiration, ICM.
Tiếp nối những màn thể hiện đầy bản lĩnh của các Đội thi, đó cũng là những giây phút đắn đo và căng thẳng của Ban giám khảo để chọn ra Top 3 Đội thi xuất sắc nhất. Sau đây là những ý tưởng xuất sắc nhất của khu vực miền Nam.
1. Xử lý chất thải và các giải pháp thay thế nhựa
Đội VIBALE
Ý tưởng: Thay thế chén, ly, đĩa, hộp xốp dùng một lần bằng việc sản xuất chén, ly, đĩa, hộp từ lá chuối và thân chuối, tận dụng nguồn phụ phẩm sau thu hoạch quả trong nông nghiệp.
Tính đổi mới: Trên thị trường, các giải pháp thay thế đồ nhựa dùng một lần là chưa có nhiều sự lựa chọn. Hộp bã mía đang lựa chọn tốt , tuy nhiên hiện tại chỉ nhập khẩu khiến giá thành bị đầy lên cao. Ly giấy làm từ bột gỗ bên trong tráng 1 lớp nhựa nên cũng chưa hoàn toàn thân thiện với môi trường.
Tính xã hội:
- Nông dân tăng thu nhập từ việc tận dụng phụ phẩm sau thu hoạch
- Tạo thêm việc làm cho nhân công địa phương
- Người dùng cuối được sử dụng sản phẩm an toàn với sức khỏe của mình
- Bảo vệ môi trường
- Chuỗi siêu thị, hàng quán ăn, đại lý đang kinh doanh đồ nhựa dùng một lần có sản phẩm thay thế khi Việt Nam cấm hoàn toàn nhựa dùng một lần
Đội L’amour Team
Ý tưởng: Mô hình liên kết giữa người sử dụng nhựa và người cung cấp nhựa để tạo nên một hệ thống cố định giữa cung và cầu nhằm tránh lãng phí và thải ra môi trường thông qua ứng dụng “PlastiShare”. Ứng dụng này có vai trò như một đơn vị trung gian giữa người dân có nhựa và những doanh nghiệp đang cần nhựa.
Tính đổi mới: PlastiShare không yêu cầu người dân phải mang đồ nhựa tới nơi tập kết nữa. Vì theo đội, mặc dù đối tượng hướng đến là người trẻ nhưng không thể phủ nhận việc họ vô cùng bận bịu với công việc học và đi làm và thời gian sau có thể họ sẽ bỏ cuộc. Đội không muốn điều này chỉ dừng ở xu hướng mà muốn tạo nó như một thói quen cho họ.
Dựa vào quá trình chạy app, đội sẽ thu thập được những số liệu như về mức độ sử dụng nhựa, cách thu gom nhựa mỗi tuần để từ đó không chỉ đội và mà các doanh nghiệp khác có thể dựa vào đó để thay đổi phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hơn.
Tính xã hội:
- Cộng đồng người Việt: Qua dự án, người dân sẽ có ý thức, thói quen mới đó là không vứt rác vào thùng rác nữa mà thay vào đó mà giữ lại để cho các doanh nghiệp sử dụng và tận dụng
- Kinh tế: cụ thể là ngành công nghiệp nhựa ở Việt Nam sẽ có những phát triển đáng kể. Doanh nghiệp có thể giảm thiểu việc xuất khẩu nhưng vẫn có thể sản xuất những sản phẩm nhựa chất lượng dành cho người Việt Nam. Từ đó, trong tương lai chúng ta sẽ thấy sản phẩm nhựa xuất khẩu sẽ ngày càng nhiều hơn
- Môi trường: Với một hành động nhỏ, là giữ lại những chai nhựa, có thể tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến môi trường. Tương lai, chúng ta sẽ không phải chứng kiến những chai nhựa vứt bừa bãi nữa mà thay vào đó là môi trường sạch đẹp hơn
2. Năng lượng sạch bền vững cùng Green Power
Đội Green Power
Ý tưởng: Cung cấp các sản phẩm có thành phần từ silicat vỏ trấu bao gồm: sạc dự phòng, pin cúc áo với thiết kế nhỏ gọn, pin với nhiều hiệu điện thế khác nhau, … đến thị trường.
Tính đổi mới:
Sử dụng vật liệu Silica từ vỏ trấu cho điện cực âm pin sạc Li-ion và Na-ion hiện có, thay thế vật liệu Carbon Graphic trong cực âm. Nguyên liệu sản xuất đơn giản, sẵn có trong thị trường nông nghiệp Việt Nam. Hiệu quả chất lượng cao và ít ảnh hưởng đến môi trường so với các loại pin thông thường khác khi thay thế các kim loại độc hại sang sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Tính xã hội:
- Chuyển giao công nghệ sản xuất cho các công ty chuyên về sản xuất dự trữ năng lượng
- Tạo nên thương hiệu đặc trưng của Việt Nam
- Giải quyết phần lớn về vấn đề ô nhiễm kim loại nặng từ các dòng pin, acquy
- Tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam
Top 3 Đội thi xuất sắc nhất khu vực miền Nam sẽ được hỗ trợ chi phí để tiếp tục tham dự và tranh tài tại Chung kết toàn quốc được diễn ra tại Hà Nội vào ngày 22/12/2019 sắp tới.
Xem thêm:
[Bài viết] 9 Tổ chức vì môi trường bạn nên tham gia ngay
[Bài viết] Từ đam mê đến phát kiến làm giày cà phê của doanh nhân 8x Việt Nam