Tóm Lại Là: Người Việt ở nước ngoài có cần đổi tên Tây? | Vietcetera
Billboard banner

Tóm Lại Là: Người Việt ở nước ngoài có cần đổi tên Tây?

Sinh viên Việt bị bắt đổi tên ở Mỹ — Khác biệt văn hoá hay kỳ thị trá hình cho vụ việc vừa xảy ra ở Laney College?
Tóm Lại Là: Người Việt ở nước ngoài có cần đổi tên Tây?

Tóm Lại Là: Người Việt ở nước ngoài có cần đổi tên Tây?

1. Chuyện gì vừa xảy ra với một du học sinh Việt Nam tại Mỹ?

Ngày 18/06, người dùng Instagram diemquyynh chia sẻ câu chuyện của em gái cô, Phúc Bùi, hiện đang học tại Đại học Laney (Oakland, Mỹ). Trong một email, giáo sư Matthew Hubbard nói với Phúc rằng tên cô — “Phúc Bùi” nghe giống một từ chửi thề trong tiếng Anh.

Ông một mực đòi Phúc phải “Anh hoá (Anglicized) tên mình để tôn trọng ông và những người bạn cùng lớp.“ Phúc kiến nghị vị giáo sư này lên nhà trường, chỉ ra rằng yêu cầu của ông mang nặng tính phân biệt chủng tộc.

Toacutem Lại Lagrave Người Việt ở nước ngoagravei coacute cần đổi tecircn Tacircy

2. Đại học Laney phản hồi như thế nào về vụ việc này?

Cũng trong ngày 18/06, Giáo sư Gilkerson, Hiệu trưởng Đại học Laney đưa ra thông báo Matthew Hubbard đã bị đình chỉ công tác tạm thời. Ông khẳng định rằng phía trường học không chấp nhận những hành vi như phân biệt chủng tộc, kỳ thị hay đối xử ác ý dưới bất kỳ hình thức nào.

3. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói gì?

Dưới bài viết trong nhóm Subtle Viet Traits, với thành viên chủ yếu là Việt Kiều và người Việt tại nước ngoài, các bình luận đều bênh vực Phúc.

Họ nói việc đổi tên là quyết định cá nhân. Là một người làm trong ngành giáo dục, đáng nhẽ Hubbard nên hành xử tế nhị hơn — học cách phát âm thay vì xúc phạm cái tên cô. Nhiều người đồng cảm với Phúc vì tên tiếng Việt của họ cũng bị gây khó dễ trong đời sống hằng ngày.

Nhà văn người Mỹ gốc Việt Nguyễn Thanh Việt thậm chí còn gọi Hubbard là một “kẻ ngốc" (idiot). Ông cho rằng nếu những cái tên như Schwarzenegger, Obama hay Kissinger (có nguồn gốc từ những ngôn ngữ khác) có thể được nước Mỹ chấp nhận, thì Phúc Bùi cũng vậy.

4. Tại sao cộng đồng mạng lại bức xúc?

Họ tức giận vì những cái tên có ý nghĩa tốt đẹp trong tiếng Việt lại bị “biến tướng” thành những câu xúc phạm chỉ vì sự thiếu hiểu biết và cảm thông văn hoá.

Hơn nữa, câu chuyện xảy ra ở Hoa Kỳ, nơi nạn kỳ thị là là một vấn đề lớn. Với những người thuộc cộng đồng thiểu số hay bị châm chọc và gặp khó khăn vì cái tên của mình, thì sự việc này lại gợi lên nỗi đau của họ.

5. Đây có phải lần đầu tiên một cái tên Việt bị người nước ngoài tấn công?

Từ lâu, tên của người Việt đã là nỗi “ám ảnh” đối với người nước ngoài vì sự khác biệt khi đọc bảng chữ cái. Nỗi khó khăn ấy thỉnh thoảng lại trở thành một trò đùa. Những cái tên như “Bích ”, “Dung” hay “Phúc” thường bị đem ra đùa cợt trên mạng xã hội do sự tương đồng trong phát âm với những từ không hay của tiếng Anh.

6. Người Việt có nên "Anh hóa" cái tên để định danh bản thân ở quốc tế?

Có một sự thật đáng buồn là những cái tên nằm ngoài quy chuẩn của tiếng Anh mang lại nhiều rào cản.

Nghiên cứu cho thấy các nhà tuyển dụng có xu hướng né tránh có các ứng viên với tên lạ. Giữa hai hồ sơ giống nhau hoàn toàn, các công ty sẽ ưu tiên chọn người có tên tiếng Anh truyền thống.

Vì thế, một phần lớn người khi nhập cư chọn thay đổi tên để tăng cơ hội nghề nghiệp cũng như hoà nhập với cộng đồng dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn phải tuyệt đối đổi tên khi đến sống và làm việc ở môi trường nước ngoài. Cái tên của mỗi người không chỉ là một công cụ làm việc. Nó gắn liền với văn hoá và lịch sử của gia đình và dân tộc bạn.

Nếu một người không sinh sống tại Việt Nam, cái tên cũng là sự nhắc nhở về cội nguồn. Như “Phúc” là điều tốt lành, “Dũng” là dũng cảm hay “Bích” nghĩa là viên đá quý.

Nếu những điều này rất có ý nghĩa với bạn, hãy giữ tên gốc. Nếu bạn muốn tìm kiếm sự thuận tiện, đổi tên cũng là một lựa chọn. Điều quan trọng là bạn cảm thấy hài lòng với quyết định của mình, và quyết định đấy được đưa ra từ chính bản thân chứ không phải do người khác ép buộc.

7. Chúng ta nên cư xử như thế nào trước những cái tên khác biệt?

Vì rào cản ngôn ngữ, ý nghĩa và nét đẹp của những cái tên thường không chuyển giao khi chủ nhân bước sang một nền văn hóa khác. Điều này có thể khiến chúng nghe “lạ tai” hay thậm chí phản cảm.

Khi gặp những trường hợp như vậy, đừng vội châm chọc hay cư xử kém duyên như giáo sư Hubbard. Hãy tự tìm hiểu, hoặc tốt hơn hết, hỏi luôn người đó một cách lịch sự cách phát âm với ý nghĩa của tên họ. Điều này thể hiện sự tôn trọng không chỉ với cái tên, mà còn nét văn hóa và câu chuyện cuộc sống mà cái tên đó đại diện.