Nhạc của AI tranh cử Grammy có khiến ngành âm nhạc lo lắng? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
08 Thg 09, 2023
Âm NhạcTóm Lại Là

Nhạc của AI tranh cử Grammy có khiến ngành âm nhạc lo lắng?

Liệu có tương lai AI tranh cử Nobel Văn chương, hay là giải Oscar?
Nhạc của AI tranh cử Grammy có khiến ngành âm nhạc lo lắng?

Nguồn: New York Post

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Bài hát Heart On My Sleeve do một cá nhân giấu danh tính là Ghostwriter sáng tác với sự hỗ trợ của AI chuẩn bị cạnh tranh giải Grammy ở hạng mục Best Rap song và Song of the Year.

Vào tháng trước, đơn vị chủ quản của giải Grammy là Recording Academy đã cập nhật bộ quy tắc và quy định về giải thưởng, trong đó cho phép những sản phẩm âm nhạc có sự góp sức của trí tuệ nhân tạo tham gia tranh giải.

2. Nhạc AI có cửa thắng tại Grammy không?

Heart On My Sleeve có thể thắng giải, và việc đề cử ca khúc này là hoàn toàn hợp lệ. Theo CEO của Recording Academy là ông Harvey Mason thì Grammy sẽ chỉ trao giải cho phần mà con người phụ trách trong bài hát.

Điều này có nghĩa là nếu một cá nhân viết lời rồi sử dụng trí tuệ nhân tạo để mô phỏng giọng hát, thì ca khúc đó có thể đề cử trong các hạng mục về sáng tác, chứ không phải các hạng mục biểu diễn.

Ngược lại, nếu AI làm nhạc cho một người hát, thì bài hát sẽ có thể đề cử trong hạng mục biểu diễn nhưng không phải là hạng mục sáng tác.

Ông Harvey Mason khẳng định: “Chúng tôi không trao giải cho máy tính!” Theo ông, nếu trí tuệ nhân tạo sản xuất một sản phẩm âm nhạc mà không có sự tham gia của con người, thì sản phẩm đó không đủ tiêu chuẩn xét giải.

07sep2023hmjwireimage1202151304jpg
Nhạc sĩ, nhà sản xuất, CEO Harvey Mason | Nguồn: Recording Academy/Variety

Dù vậy, theo quy định của Grammy, sản phẩm đề cử phải phân phối trên thị trường thông qua các cửa hàng bán đĩa nhạc, bên phát hành thứ ba và/hoặc nền tảng phát trực tuyến.

Sau khi trở thành hit triệu lượt nghe trên YouTube và Spotify, Heart On My Sleeve đã bị gỡ theo yêu cầu của Universal Music do vấn đề bản quyền. Tới nay, Heart On My Sleeve chỉ xuất hiện trên mạng xã hội và những đơn vị phát nhạc không chính thức.

3. Ngành âm nhạc đang dần chấp nhận trí tuệ nhân tạo?

Theo CEO của Recording Academy thì quyết định này không tượng trưng cho sự lép vế của con người trước công nghệ. Trái lại, nó cổ vũ việc sử dụng công nghệ để hỗ trợ và tăng cường khả năng sáng tạo của con người.

Việc trí tuệ nhân tạo tham gia sản xuất nhạc đang dần bình thường hóa. Điều này cho thấy xu hướng mới của một bộ phận trong ngành công nghiệp âm nhạc: sát cánh cùng AI - hay nói cách khác, biến mình thành đồng minh của AI.

Tất nhiên, không phải ai cũng đồng tình với quyết định này, bao gồm cả những người trong ngành lẫn cộng đồng khán giả nghe nhạc. Bên cạnh đó, còn rất nhiều vấn đề về pháp lý và thương mại mà ngành công nghiệp âm nhạc sẽ phải giải quyết nếu muốn sống chung với AI.

4. Trong tương lai, nghệ thuật nào sẽ chấp nhận AI?

Điện ảnh có lẽ là ngành có khả năng cao nhất. Những đơn vị làm phim đã sử dụng công nghệ vào nhiều công đoạn sản xuất nên việc bổ sung trí tuệ nhân tạo là không quá khó khăn. Vấn đề của điện ảnh với AI là vấn đề đạo đức: làm sao để vừa sử dụng AI, vừa không làm hại quyền lợi của những cá nhân trong ngành?

Văn chương cũng có thể sẽ cởi mở hơn với trí tuệ nhân tạo. AI sẽ giúp nhà văn tìm ý tưởng mới, cốt truyện hay, sau đó nhà văn tự viết theo phong cách của mình. Tuy nhiên, xét tới tính kinh viện lâu năm của Viện Hàn lâm thực hiện giải Nobel Văn chương, có lẽ tương lai trao giải cho một tác phẩm do AI giúp sức sẽ khó xảy ra.

5. Xu hướng nhạc AI đã tới Việt Nam?

Trong bài phỏng vấn mới đây với Vietcetera, ca sĩ Thắng (nhóm nhạc Ngọt) nói rằng có thể anh sẽ dùng trí tuệ nhân tạo rất nhiều trong dự án âm nhạc tiếp theo. Dù đánh giá rằng âm nhạc của AI chưa thực sự thành một thể loại, nhưng bản thân Thắng cũng đang tìm những công cụ AI để hỗ trợ việc sản xuất âm nhạc.

Gần đây, ca sĩ Vũ Thanh Vân cũng sử dụng trí tuệ nhân tạo để thực hiện MV Khó Để Yêu: Part 1&2. Đó là một sản phẩm ấn tượng với hiệu ứng hình ảnh bắt mắt và hiệu ứng âm thanh đã tai. Tuy vậy, một bộ phận khán giả và người hâm mộ của cô đã phản đối quyết định dùng AI vào sản phẩm.

Xu hướng làm nhạc với sự hỗ trợ của AI đã có mặt tại Việt Nam, nhất là trong những nghệ sĩ trẻ. Ngành công nghiệp âm nhạc đang dần bắt kịp với xu thế mới của thế giới. Vấn đề đặt ra là, liệu khán giả Việt đã sẵn sàng cho điều đó chưa?

Câu trả lời có lẽ là: một phần. Cư dân mạng trong nước cũng đã tiếp xúc với nhiều nhạc phẩm do AI làm ra: Billie Eilish hát nhạc Ngọt, Ariana Grande và The Weeknd cover Sầu tím thiệp hồng, v.v. Điểm chạm giữa nghệ sĩ và khán giả trong vấn đề AI có lẽ sẽ xảy ra trong một tương lai không xa.