“Ở nhà chưa hẳn đã an toàn!” - Chuyên gia về bảo vệ trẻ em Lê Quỳnh Lan | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

“Ở nhà chưa hẳn đã an toàn!” - Chuyên gia về bảo vệ trẻ em Lê Quỳnh Lan

Khi nơi đâu cũng ẩn chứa những rủi ro cho sự an toàn của trẻ, chúng ta nên và có thể làm gì?
“Ở nhà chưa hẳn đã an toàn!” - Chuyên gia về bảo vệ trẻ em Lê Quỳnh Lan

Nguồn: Chị Lê Quỳnh Lan

Plan Logo

Dù sinh ra trong thế hệ Z - những “cư dân bản địa” của thời đại công nghệ, và làm việc suốt trên máy tính, tôi cảm giác mình vẫn như một tờ giấy trắng khi có cơ hội được ngồi cùng chị Lê Quỳnh Lan nói về vấn đề an toàn trên mạng cho trẻ em.

Chị Lan hiện là Quản lý Tác động Chương trình và Đối tác của tổ chức Plan International, với gần 20 năm kinh nghiệm tập trung vào mảng Bảo vệ trẻ em (safeguarding). Gần gũi hơn, bạn có thể biết đến chị như một trong những người đưa sáng kiến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em thành hiện thực, và giúp chúng ta có được đầu số 111 dễ nhớ như hiện nay.

Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của chị để có thể hình dung thực trạng chung và cách bảo vệ người thân của bạn, cũng như những người xung quanh.

1. Việc bảo vệ trẻ em đang trở nên phức tạp hơn

Trước đây, trẻ có thể chỉ bị đánh, mắng bởi cha mẹ, thầy cô, bị bạn bè bắt nạt khi đến trường. Nghĩa là các hình thức bạo lực chỉ diễn ra ở không gian thực thể. Nhưng vài năm gần đây, các em còn phải đối mặt với các rủi ro trên không gian mạng. Ở môi trường này, chúng ta thường khó biết được thủ phạm chính xác là ai.

COVID còn tạo ra rủi ro cao hơn khi mọi người bị buộc phải ở nhà trong khoảng thời gian dài, mà gia đình chưa chắc là môi trường an toàn nhất đối với trẻ.

Theo số liệu thống kê của Tổng đài 111, trong thời gian giãn cách xã hội, Tổng đài đã nhận được nhiều hơn những cuộc gọi tư vấn, đề nghị can thiệp có liên quan tới bạo lực trẻ em. Cụ thể có khoảng 48% trẻ gặp áp lực do bị mắng và khoảng 8% trẻ bị bạo hành thân thể bởi chính người thân vì căng thẳng, áp lực về kinh tế gia đình.

Bên cạnh đó, trẻ em khi ở nhà cũng sử dụng internet nhiều hơn. Nguy cơ về bạo lực, xâm hại vì vậy cũng cao hơn.

Ứng phó với tình hình đó, mảng an toàn cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, trên không gian trực tuyến đã được Plan lồng ghép vào nhiều dự án khác nhau trong gần 10 năm qua.

Đặc biệt, trong năm nay, tổ chức Plan khởi động dự án chuyên biệt hỗ trợ thúc đẩy an toàn của trẻ em trên không gian mạng, cùng chiến dịch “An toàn trên không gian mạng” nhân ngày Quốc tế Trẻ em gái.

2. Việc bảo vệ trẻ em cần sự tham gia tích cực của chính các em

Làm việc tại Plan International gần 20 năm, chị Lan chia sẻ rằng có một sự thay đổi trong tư duy đã tác động lớn đến cách hoạt động của tổ chức, cũng như hướng giải quyết chung cho vấn đề bảo vệ trẻ em.

Trước đây, chúng ta thường nghĩ rằng người lớn thì phải đóng vai trò chính trong việc bảo vệ trẻ em, hay trẻ em phải phụ thuộc vào người lớn để đảm bảo an toàn. Thế nhưng, cách nghĩ đó dường như đã lỗi thời khi những rủi ro đang trở nên ngày càng phức tạp. Các em bây giờ cũng có xu hướng nghe bạn bè mình nhiều hơn là người lớn hay những gì được viết trong sách vở.

Vì vậy, những năm gần đây Plan đã bắt đầu thay đổi cách tiếp cận. Chị Lan nhấn mạnh vai trò tiên quyết của chính các em trong việc bảo vệ mình và tạo ra ảnh hưởng cho các bạn khác, bởi thông thường các em mới là người hiểu rõ vấn đề của mình nhất.

Những gì mà chính phủ hay các cơ quan phi chính phủ như Plan International có thể làm là tạo ra công cụ và lá chắn giúp các em tự tin báo cáo và chủ động phòng ngừa.

titleCoacute lẽ khocircng bao giờ lagrave quaacute sớm để chuacuteng ta trang bị kiến thức cho caacutec em để caacutec em chủ động bảo vệ migravenh Coacute lẽ khocircng bao giờ lagrave quaacute sớm để chuacuteng ta trang bị kiến thức cho caacutec em để caacutec em chủ động bảo vệ migravenh  Nguồn Katerina HolmesPexels
Có lẽ không bao giờ là quá sớm để chúng ta trang bị kiến thức cho các em để các em chủ động bảo vệ mình. | Nguồn: Katerina Holmes/Pexels

3. Công tác bảo vệ trẻ em có 95% là phòng ngừa

Khi những vụ việc về quấy rối, xâm hại trẻ em xảy ra, dư luận và truyền thông thường tập trung nhiều vào chuyện làm thế nào để giải cứu các em. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một tổ chức xã hội, những vụ việc này đưa ra một cảnh báo lớn hơn về tính hiệu quả của công tác phòng ngừa rủi ro.

“Plan không chờ đến khi những vấn đề của nạn nhân xảy ra rồi mới giải quyết, vì về cơ bản các nỗ lực để giải quyết chỉ nên chiếm 5%. Còn lại 95% nỗ lực là tập trung vào công tác ngăn ngừa”, chị Lan chia sẻ.

Cách tiếp cận của Plan là cung cấp kiến thức về rủi ro khi sử dụng internet cho các em. Sau đó là nâng cao nhận thức cho các cha mẹ, cũng như tiến hành tập huấn cho 100% các giáo viên chủ nhiệm tại các tỉnh Plan đang hoạt động.

Thông qua can thiệp phòng ngừa, Plan hy vọng trong trường hợp trẻ em có kiến thức rồi nhưng không tự cứu mình được thì cha mẹ hay nhà trường sẽ có khả năng nhận biết và can thiệp kịp thời. Ngoài ra, chính cha mẹ cũng có thể liên hệ trực tiếp đến Tổng đài 111 để được tư vấn miễn phí và nhận trợ giúp kết nối đến các dịch vụ khác nhau.

4. Bảo vệ trẻ em là một kế hoạch dài hơi

Việt Nam đã có Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em từ năm 1991, nghĩa là đến nay đã 30 năm trôi qua. Tỷ lệ trẻ em được đến trường, được đảm bảo các quyền sống còn như tiêm phòng, dinh dưỡng sức khoẻ đã có cải thiện rõ rệt, nhưng vấn đề bảo vệ trẻ em vẫn là thách thức cho chính phủ cũng như các tổ chức xã hội khác.

Tại Plan, một trong những nhóm trẻ em được tập trung hỗ trợ là đồng bào dân tộc thiểu số, các em ở vùng sâu vùng xa. Ngoài khó khăn về mặt giao tiếp với chính các em, thì đội ngũ còn gặp khó khăn với các bậc cha mẹ, vì không phải cha mẹ nào cũng biết chữ và quan tâm đến con cái như nhiều cha mẹ thành phố.

Trong khi đó, theo báo cáo “Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015-2019”, đã có đến 61.3% hộ gia đình dân tộc thiểu số đã sử dụng internet (wifi, cáp hoặc 3G), tăng gần 55% so với năm 2015.

titleKhi tỷ lệ tiếp cận internet tăng lecircn cũng lagrave luacutec chuacuteng ta cần thuacutec đẩy nhanh hơn việc phổ cập kiến thức an toagraven trecircn mocirci trường trực tuyến  Nguồn Le TanUnsplash Khi tỷ lệ tiếp cận internet tăng lecircn cũng lagrave luacutec chuacuteng ta cần thuacutec đẩy nhanh hơn việc phổ cập kiến thức an toagraven trecircn mocirci trường trực tuyến  Nguồn Le TanUnsplash
Khi tỷ lệ tiếp cận internet tăng lên cũng là lúc chúng ta cần thúc đẩy nhanh hơn việc phổ cập kiến thức an toàn trên môi trường trực tuyến. | Nguồn: Le Tan/Unsplash

Tình hình đặt ra tính cấp bách cho việc phổ cập kiến thức, nhưng Plan cũng biết rằng kết quả tốt không thể đạt được ngay. Hiện tại, Plan vẫn dùng các kênh của nhà trường làm kênh chính để tương tác và cung cấp thông tin, nhưng không chỉ cung cấp thông tin một lần mà nhiều lần.

Chẳng hạn dự án Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng phải thực hiện trong vòng 3-4 năm, nghĩa là tần suất, cơ hội để truyền đạt kiến thức và kỹ năng cho trẻ em và cha mẹ sẽ cao hơn. Nếu lần này họ không thể tham dự thì có thể đến lần sau.

Cùng với tinh thần đó, Plan đang triển khai dự án Trang trực tuyến “Em Vui”. Mục đích là trang bị cho trẻ em và thanh thiếu niên dân tộc thiểu số kiến thức để chủ động phòng tránh nạn mua bán người và tảo hôn.

Ngoài ra, trong thời gian tới, Plan sẽ hợp tác với Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, Bộ Giáo dục, Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, bộ tài liệu số dành cho trẻ em và hướng dẫn quy trình can thiệp cho trẻ em bị xâm hại qua không gian mạng. Đồng thời, Plan cũng sẽ làm việc với các bên cung cấp dịch vụ như VNPT, FPT để xây dựng các công cụ giảm thiểu rủi ro cho trẻ em.

Dự án này sẽ triển khai trong vòng 3 năm để làm tốt hơn nữa việc đảm bảo an toàn cho trẻ em trên không gian trực tuyến.

Plan International là tổ chức nhân đạo phát triển về quyền trẻ em và bình đẳng giới với hơn 80 năm kinh nghiệm và hiện đang hoạt động tại 75 quốc gia trên toàn thế giới. Chiến dịch Girls Get Equal (Em gái Bình đẳng) do Plan và thanh thiếu niên khởi xướng nhằm hỗ trợ các em gái tự tin học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển cuộc sống và tương lai của chính mình.

An toàn trên mạng cho trẻ em gái là mục tiêu năm 2021 của chiến dịch Girls Get Equal. Năm 2020, Plan International lắng nghe chia sẻ từ 26,000 em gái trên toàn thế giới về tác động của tin giả, tin sai lệch - 9 trên 10 em cảm thấy vấn đề này ảnh hưởng tới cuộc sống của mình. Tất cả trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái cần kỹ năng và kiến thức để bảo vệ bản thân trước thông tin sai lệch trên không gian số. Chiến dịch #AnToànTrênMạng kêu gọi cộng đồng cùng nâng cao giáo dục kỹ thuật số cho trẻ em, góp phần xây dựng một môi trường an toàn để trẻ em được kết nối, học tập và chia sẻ. Cùng ký vào thư ngỏ đồng hành cùng Plan trong chiến dịch này tại đây.