Người ta khổ vì yêu không phải cách | Vietcetera
Billboard banner
VietceteraVietcetera
Vietcetera

Người ta khổ vì yêu không phải cách

Môn yêu đương thì chẳng thấy trường lớp nào dạy, nên tụi mình cứ đâm đầu yêu không phải cách, rồi mãi mới nhận ra yêu là gì, và yêu như nào là phải cách.
Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Bác Xuân Diệu bảo:

"Người ta khổ vì yêu không phải cách
Yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người."

Càng ngẫm càng thấy bác phán sao chuẩn thế. Mấy đứa yêu nhau mỗi lần giận hờn, buồn khổ rinh nỗi lòng đến than thở, nghe tới nghe lui sẽ nhận ra lý do là do chúng nó yêu nhau "không phải cách". Để cố gắng giải quyết cái khó phần lớn bắt nguồn từ khác biệt về giới tính, rất nhiều sách dạy cho đàn bà hiểu đàn ông, đàn ông hiểu đàn bà (khổ nổi họ chẳng hiểu được, vì đời nào họ thèm ngó đến mớ sách tạp nham đó). Bi kịch cũng từ đó mà ra.

Cái môn quan trọng nhất, mà cũng là khó nhất, môn yêu đương thì chẳng thấy trường lớp nào dạy, nên tụi mình cứ đâm đầu yêu không phải cách cho u đầu, vỡ trán, tan nát con tim mãi mới nhận ra yêu là gì, và yêu như nào là phải cách.

Bác Diệu chắc chắn có thù với tình yêu, nên đỗ cho tình yêu: "Yêu là chết ở trong lòng một ít." Nhưng ngẫm đi ngẫm lại câu này rất xác đáng để định nghĩa tình yêu.

Gắn bó trong tình yêu đôi lứa là gắn bó đụng chạm sâu đến khuynh hướng gắn bó, đến căn tính của một người. Và vì yêu là "chết đi một ít", nên nhận ra sự hiện diện của người kia làm cho mình có cảm giác "sống", nhưng vì ranh giới giữa cảm giác sống, thiếu một ít ở trong lòng và cảm giác luỵ thuộc quá mong manh, nên phần đa tụi mình cứ loay hoay trong những sai lầm kiểu như sau:

1. Thiếu kiểm soát kỳ vọng

Báo chí, phim ảnh và tiểu thuyết ăn vào đầu chúng ta kiểu mẫu tình yêu lãng mạn kiểu "Yêu là tất cả”. Xong ta vui vẻ áp đặt lên người khác vô vàn các loại kỳ vọng khác nhau. Trong khi thực tế cuộc sống, tình yêu lại là "phổ" dài của những giá trị, đặc điểm chao nghiêng qua lại như con lắc.

Ta thường rơi vào hai cái bẫy lớn của hai đầu nỗi nhớ, chứ không nhìn đứa mình yêu như "kẻ dở hơi", kèm "tài năng" kèm "tính khí thất thường", kèm thêm tá thứ khác nữa. Khi đã biết kiểm soát kỳ vọng, tụi mình lại mắc cái bẫy "tâm lý gia hoá" đứa mình yêu: nghĩ rằng nó sẽ hiểu được, mà không cần trao đổi kỳ vọng, hoặc nếu có trao đổi thì lại đánh giá quá cao IQ của nó; tưởng nó hiểu, nhưng hoá ra nó chẳng hiểu trăng sao gì. Kiểm soát kỳ vọng vì thế lại là kỹ năng hai đứa cùng học lại từ đầu.

2. Nhập nhằng ranh giới gắn bó

Cách chúng ta yêu nói lên được ảnh hưởng từ khuynh hướng gắn bó (hình thành cách tự nhiên từ lúc ta còn bé tẹo tèo teo), khuynh hướng này kiểm soát và tác động ta cách vô thức. Người ta hay khuyên là hãy hoàn thiện chính mình, cảm thấy "đủ" là chính mình thì mới có thể khoẻ mạnh bước vào một mối quan hệ. Câu này ý chính muốn nói đến "điều chỉnh khuynh hướng gắn bó. Bước đầu trong hành trình xây lại khuynh hướng gắn bó mới, lành mạnh hơn bắt đầu tự khả năng nhận ra loại hình gắn bó chủ yếu của mình qua khuynh hướng kiểu mẫu hành vi, lối suy nghĩ, diễn dịch về cuộc sống. Nếu may mắn, bạn có thể gặp được cùng yêu bạn, nhưng có đủ bản lĩnh để cùng bạn vẽ lại ranh giới phù hợp cho tương quan của hai người. Làm gì có cặp đôi nào mới đến với nhau đã có sẵn đường ranh giới lành mạnh. Có chăng là vì yêu nhau mà họ mỗi ngày điều chỉnh để sao cho gần mà vẫn đủ xa, xa mà vẫn thấy như thật gần.

3. Không cùng hướng tới mục tiêu trong tương lai

Hướng đến tương lai đồng nghĩa với hiểu rằng, hai con người là hai sinh vật đang sống và vận hành với thời gian. Mục đích của tình yêu lúc này là đồng hành cùng nhau trên hành trình trưởng thành để từng người trở thành cá thể độc lập và tốt hơn mỗi ngày. Người ta chỉ chán nhau khi ngày nào cũng nhìn thấy một con người cũ kỹ của hôm qua, của hôm trước, và khi chẳng có gì thú vị (thú vị cũng có nghĩa là mới mẻ) trong người đang sống cùng mình mỗi ngày. Người ta hay nói đến hai từ "giữ lửa" nhưng lửa cháy hết nguyên liệu thì lửa sẽ tắt. cách duy nhất để lửa cháy là thêm nguyên liệu đốt. Trên đời nếu có gì khiến cho chúng ta không bao giờ hài lòng thì đó chính là "bản thân mình của hiện tại", vì không hài lòng nên ta học hỏi, hoàn thiện và phấn đấu mỗi ngày, bước tiếp mỗi ngày. Nếu bạn muốn đi bộ, người kia muốn đi xe, thì chịu thôi, không đi chung được, hai đứa cần chung tốc độ đi mới đi cùng đến cùng được.

4. Quá đặt trọng quan hệ tình dục

Con người chúng ta có 3 phần hoà hợp Thân - Tâm - Trí. Hợp về Thân là ngoại hiện nên cũng không khó để nhận ra. Hợp về Trí thuộc cấp độ 2, và là điều kiện cần để có thể giao tiếp. Hợp về Tâm thuộc cấp độ cao cấp hơn, biểu hiện sự hoà hợp trong giá trị sống và yếu tố tâm linh. Thế nhưng phần đông mọi người rất dễ sa vào lưới tình ngay khi vừa thấy hợp gạ ở cấp độ 1, hay cấp độ 2, mà chưa kịp khám phá cấp độ 3. Chính vì thế ta dễ bằng lòng với khoái cảm chóng vánh của tình dục và tự nhủ, vậy cũng ổn rồi. Kiểu chỉ chấp nhận yêu tà tà cho có với người ta, chứ không tin rằng mình sẽ tìm được ai đó, có thể kết nối với mình ở cấp độ 2 và 3.

Tin mình đi, nếu bạn chạm đến khoái lạc của cấp độ 2, cấp độ 3, bạn sẽ thấy tình yêu là điều đẹp nhất trên đời và bạn sẽ hiểu vì sao người ta sẵn sàng chết đi cho tình yêu.

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.