Vậy giáo dục cho tương lai cần gì? | Vietcetera
Billboard banner

Vậy giáo dục cho tương lai cần gì?

Chuẩn bị gì cho trẻ khi vào tương lai?
Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Dưới đây, là phần tiếp nối của bài viết "Tương lai của giáo dục".

1. Sự thành thạo tiếng Anh

Phụ huynh luôn biết rằng ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, là rất quan trọng với trẻ. Theo cách nghĩ cũ, tiếng Anh tốt sẽ giúp đứa trẻ lớn lên cạnh tranh tốt hơn trong các công việc của mình. Tiếng Anh cũng là tiền đề khi đứa trẻ đi du học nước ngoài.

Hiện nay, ngoại ngữ để cạnh tranh ngoài tiếng Anh, còn rất nhiều ngôn ngữ khác, như tiếng Hoa, Pháp, Đức, Hàn, Nhật,...

Tuy nhiên, khi nhìn theo một góc nhìn khác, thì con người cần xác định việc học là một hành trình suốt đời, là một quá trình phát triển bản thân, khai mở các khả năng mới. Và biết tiếng Anh sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong việc tiếp cận các kiến thức mới.

Tri thức hiện giờ có rất nhiều trên mạng. Với sự phát triển của Internet, tri thức không còn là thứ hàng hóa hiếm, và là đặc quyền của số ít (Những chuyên gia trong quá khứ cũng cảm thấy bị đe dọa khi những người khác cũng dễ dàng tiếp thu kiến thức; họ chỉ thua kém về mặt kinh nghiệm). Bạn có thể vào những trang web học trực tuyến như Coursera để học rất nhiều kiến thức mới và miễn phí của đủ mọi lĩnh vực.

Nếu bạn biết tiếng Anh, việc tiếp thu kiến thức là rất dễ dàng. Không biết tiếng Anh sẽ là một bất lợi. Đa phần tri thức nhân loại phổ biến nhất là bằng tiếng Anh hoặc đã được chuyển ngữ qua tiếng Anh.

Khi bạn chỉ biết tiếng Việt, kiến thức của bạn chỉ bị giới hạn những gì có sẵn bằng tiếng Việt, và đôi khi bị hạn chế vì sự thiếu hiểu biết của người dịch thuật. Tiếp cận tri thức gốc trong tiếng Anh giúp bạn học được điều đúng nhất.

Con người tương lai sẽ phải cạnh tranh rất nhiều trong nền kinh tế tri thức, và con người phải không ngừng phát triển bản thân để không bị loại bỏ. Muốn làm được điều đó, phải biết tiếng Anh.

Nếu Việt Nam muốn phát triển nguồn nhân lực cho tương lai 20, 30 năm sau; để có thể cạnh tranh quốc tế và mang lại nhiều thặng dư kinh tế địa phương, việc học hiểu các tri thức nền bằng tiếng Anh là rất cần thiết. Thật khổ sở cho một đứa trẻ học Toán Lý Hoá (những môn tự nhiên) bằng tiếng Việt và sau đó phải chuyển đổi qua tiếng Anh khi muốn học ở những môi trường quốc tế.

2. Tương lai chính là toàn cầu hoá

Người ngồi ở Việt Nam, vẫn có thể làm việc khắp nơi trên thế giới. Đó là lợi ích của nền kinh tế tri thức. Một nhân viên lập trình ở Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với một nhân viên lập trình ở Ấn Độ, hay Mỹ.

Một ưu tiên của phụ huynh là đầu tư, chuẩn bị cho con thành một công dân toàn cầu. Công dân toàn cầu, ngoài ngoại ngữ giao tiếp, cần có những kỹ năng mềm khác như tư duy phản biện, làm việc nhóm, tư duy giải quyết vấn đề,....

Những kiến thức cứng như Toán, Lý, Hoá,... có thể được giảng dạy tại Việt Nam hoặc nước ngoài và học sinh có thể tiếp cận bằng nhiều cách. Những kỹ năng mềm cần được gieo mầm, hướng dẫn để phát triển. Dạy đứa trẻ cách tìm kiếm thông tin trên Internet. Trẻ có thể tự học những môn tự nhiên trên đó.

3. Tư duy tự học

Khi người học trò sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện. Khi đứa trẻ được kích thích niềm đam mê học tập, tự khắc việc tiếp thu kiến thức sẽ cải thiện.

Đây là mặt tôi thấy vẫn còn yếu ở Việt Nam. Chưa thật sự chú tâm vào việc kích thích ngọn lửa học tập của đứa trẻ; việc học quá nhiều còn làm điều ngược lại, khiến đứa trẻ chán học.

Đam mê học tập và khả năng tự học là điều rất quan trọng của người học.

4. Mỗi đứa trẻ là một bản thể khác biệt

Mô hình lớp học truyền thống cố gắng tạo ra những đứa trẻ giống nhau. Như một dây chuyền sản xuất, nguồn nguyên liệu đầu vào là những đứa trẻ, người giảng dạy trong một thời gian cố định phải truyền thụ kiến thức để đạt được kết quả tốt, thông qua kết quả đánh giá học tập.

Mỗi đứa trẻ mất đi bản sắc riêng của mình. Việc cá nhân hóa học tập được thực hiện tốt hơn ở người lớn, nhưng hệ thống giáo dục công không thể đáp ứng điều đó.

Điểm xuất phát của mỗi đứa trẻ khác nhau. Bộ não của từng đứa trẻ được cấu thành khác nhau. Áp dụng một phương pháp đồng nhất trên nhiều đứa trẻ là không hiệu quả.

Cá nhân hóa học tập là một điều rất khó thực hiện; tuy nhiên với việc phát triển công nghệ hiện nay thì cũng đã giúp ích được một phần nào cho mô hình này.

5. Môi trường giáo dục là rất quan trọng

Trong triết lý giáo dục Reggio Emilia, môi trường là người thầy thứ ba. Giáo dục Montessori chú trọng xây dựng môi trường lớp học. Nếu học tập là quá trình tiếp nhận thông tin, thì môi trường xung quanh là rất quan trọng vì đứa trẻ thường xuyên tiếp nhận thông tin từ xung quanh. Đó là xúc giác khi tiếp xúc với các nguyên liệu khác nhau, sự phát triển của não khi nghe nhạc, trí thông minh hình ảnh khi tiếp xúc những món đồ khác nhau, là giao tiếp với bạn bè đồng trang lứa và người dạy.

Là người lớn, chúng ta hàng ngày vẫn học từ những người xung quanh, qua những tiếp xúc hàng ngày. Đứa trẻ cũng vậy, và độ nhạy cảm còn cao hơn.

Khi đứa trẻ ở trong một môi trường an toàn, được thoải mái tiếp xúc và trao đổi thông tin với bạn cùng trang lứa, được người giáo viên tạo ra một môi trường tự do phát biểu chính kiến bản thân và chấp nhận sai sót, được rèn luyện khả năng làm việc nhóm thông qua những hoạt động với bạn, có những công cụ học tập phù hợp, có sự kích thích nhất định về mặt hình ảnh; đứa trẻ có một môi trường tối ưu cho sự phát triển.

Tóm lại

Chúng ta đang ở trong một giai đoạn có nhiều biến động thay đổi, và công nghệ đã đáp ứng đầy đủ và tạo ra những kênh truyền đạt thông tin mới, đứa trẻ của tương lai cần:

  1. Sự đam mê học hỏi
  2. Khả năng ngoại ngữ để tiếp cận kiến thức
  3. Khả năng và kỹ năng tự học
  4. Môi trường tối ưu cho việc học