Paradox of Choice: Tại sao ta vẫn chọn "sai người" dù người nhiều vô kể? | Vietcetera
Billboard banner
16 Thg 09, 2023
ThươngDuyên #Số

Paradox of Choice: Tại sao ta vẫn chọn "sai người" dù người nhiều vô kể?

“Ngày lắm mối, tối nằm không”. Nghịch lý Lựa chọn (Paradox of Choice) lý giải tại sao bạn vẫn độc thân dù đối tượng nhiều vô ngần.
Paradox of Choice: Tại sao ta vẫn chọn "sai người" dù người nhiều vô kể?

Tải dating app rồi lại xóa rồi lại tải, bạn đã từng như thế? | Nguồn: Anh Thư Ng @nikru____ cho Vietcetera.

Tương tự như bạn lưỡng lự trước menu cafe hơn 50 món rồi vẫn chọn ra ly cafe… dở nhất để uống — tình yêu càng dễ rơi vào ngõ cụt khi bạn được tự do cưỡi ngựa xem hoa giữa cả ngàn đối tượng.

Bạn đã từng trải qua những mối quan hệ chóng vánh trên app hẹn hò nơi ta theo dõi Instagram nhau rồi “xem story nhau đến cuối đời”? Quá nhiều lựa chọn cho phép bạn gặp gỡ hết người này đến người khác, song chẳng mối quan hệ nào của bạn có kết cục tốt đẹp.

Đối tượng thì nhiều nhưng chất lượng chẳng bao nhiêu. Nghịch lý Lựa chọn (Paradox of Choice) sẽ giúp bạn lý giải muôn kiểu “khó” của hẹn hò thời hiện đại.

Nghịch lý Lựa chọn (Paradox of Choice) là gì mà khiến ta chọn ai cũng… sai?

Trong quyển sách “Paradox of Choice”, tác giả Barry Schwartz giải thích Nghịch lý Lựa chọn là khi con người phải đối mặt với quá nhiều lựa chọn tiềm năng; nên thay vì hài lòng, họ lại căng thẳng và gặp khó khăn để ra quyết định sáng suốt.

Càng nhiều lựa chọn, thì đáp án cuối cùng ta chọn ra càng nhạt nhòa và ít thỏa mãn. Như menu món ăn dài 10 trang khiến bạn bối rối, nước hoa 20 mùi khiến bạn tê liệt và chọn đại 1 mùi mình chẳng ưng.

Tình yêu cũng vậy. Nghịch lý Lựa chọn đã chứng minh, “có nhiều đối tượng vây quanh” chưa hẳn là tín hiệu tốt. Văn hóa hẹn hò qua dating apps đã mở ra một kỷ nguyên gặp gỡ chớp nhoáng, chóng đến vội đi. Kết quả là gì?

Theo NBC News, Gen Z đang có xu hướng tin tưởng vào các mối quan hệ đời thực trở lại, chủ động tìm hiểu nhau ngoài đời, và chán chê việc hẹn hò qua app.

alt
Chúng ta còn lại gì sau những mối tình nhanh không tên tuổi?

Xu hướng này chứng minh rằng việc có quá nhiều cá trong một rổ không còn là lợi thế. Trái lại, những mối quan hệ chóng vánh còn khiến ta cảm thấy tệ hơn trong tình yêu.

Vì sao đã dư dả mà ta vẫn chọn sai?

3 Lý do ta vẫn chọn sai người dù người nhiều vô kể - Lý giải từ Paradox of Choice

Liên tục gặp gỡ và chia ly khiến ta dần mệt mỏi và mất niềm tin vào hạnh phúc của bản thân. Song vấn đề không phải do người kia, lại càng không phải do bạn.

Hiệu ứng Paradox of Choice chính là nguyên nhân ngầm tác động lên những lựa chọn sai lầm của chúng ta trong tình yêu. Đó là vì…

Bạn mang tâm lý “không người này thì người khác” và cảm giác muốn thay thế

Tưởng tượng bạn vừa trở về nhà sau cuộc hẹn đầu tiên, mọi chuyện diễn ra tốt đẹp duy chỉ có vài lỗi ứng xử vặt của người ấy khiến bạn “để ý”.

Sẽ không sao cả nếu bạn không mở app lên và đảo mắt trước hàng chục profile tiềm năng khác. Bạn tự hỏi “Nếu người hợp mình hơn vẫn ở ngoài kia thì sao?” và suy nghĩ đó đeo bám bạn khôn nguôi.

Đó chính là cảm giác dễ thay thế mà dating app mang lại cho người dùng. Bạn sẽ không bao giờ gặp ai vừa ý, vẫn băn khoăn tìm người “đẹp hơn, hài hước hơn, có gu hơn”.

Nếu đồng cảm với tất cả những điều trên, bạn có thể thuộc tuýp người “Tối đa hóa” (The Maximizer) trong tình yêu nơi bạn luôn hướng đến một phương án tối ưu, đến mức phi thực tế.

Nhà tâm lý Barry Schwartz lý giải nhóm người này xem chuyện tình yêu như… quần áo vậy. Ta phải thử hết sạch tủ đồ để lựa cho mình bộ cánh ưng ý nhất, cũng như phải hẹn hò cho bằng hết mọi đối tượng trên đời mới yên tâm chọn lựa. Mà thực tế cuộc đời đâu cho ta “xé nháp” nhiều lần đến thế.

Bạn không còn động lực đấu tranh giành lấy điều mình muốn

Quá nhiều lựa chọn khiến giá trị mỗi “đối tượng” bị chia đều và giảm xuống. Giống như bạn ăn Buffet 100 món nhưng món nào cũng… trung bình và không ấn tượng như ăn A La Carte (gọi món lẻ).

Quỹ năng lượng bạn phải chia đều cho nhiều đối tượng, vì thế bạn không thể all-in đầu tư hết mình cho bất kỳ ai.

alt
Bạn không còn muốn đấu tranh giành lấy người mình muốn nữa, vì thua keo này vẫn còn đầy keo khác.

Đó là lý do ngay cả khi bạn hạ cánh an toàn với một người, bạn vẫn thấy họ cũng… bình thường thôi. Bạn không hạnh phúc lắm, không hài lòng lắm, và có thể đứt gãy bất cứ lúc nào.

Bạn cảm giác tiếc nuối và ám ảnh “nếu như”

Nếu như mình chọn người B thay vì người A, liệu mọi chuyện đã khác?

Nghịch lý Lựa chọn khiến bạn luôn phải “nếu như”, ngay cả khi đã chốt đơn được người như ý.

Tâm lý “nếu như” khiến bạn ngay lập tức hoài nghi người yêu của mình khi vấn đề giữa 2 đứa nảy sinh. Bạn sẽ cảm thấy mình đã chọn lầm người, bị FOMO tác động và nghĩ rằng mình đang cam chịu với một “lựa chọn tệ” giữa muôn vàn lựa chọn tốt hơn ngoài kia.

Làm thế nào để hạnh phúc với lựa chọn của mình? Đơn giản, hãy “biết mình muốn gì”

Vạch ra tiêu chí lựa chọn rõ ràng ngay từ đầu, chính là cách giải mã Paradox of Choice. Tiêu chí này giúp bạn “thấy là chốt”, mà không cần tốn thời gian phân bua 101 tiêu chí phụ khác.

Ví dụ bạn chỉ cần “giá rẻ” khi chọn mua một bó hoa, bạn sẽ tìm đến bó hoa tiết kiệm nhất với hình dáng trung bình. Xa hơn bạn có thể phát triển một bộ tiêu chí gồm ưu tiên số 1 - số 2 - số 3, để tìm ra vật phẩm thỏa mãn sát sao nhất với bộ tiêu chí đó.

Điều này áp dụng tương tự với tình yêu. Khi bạn quan trọng về học vấn và sự nghiệp của một người, bạn phải chấp nhận đánh đổi ngoại hình người đó không xuất sắc. Nhớ rằng không một đối tượng nào là “hoàn hảo”, và bộ tiêu chí của bạn nên bám sát thực tế để không thất vọng.

Ngoài ra, Paradox of Choice cũng sẽ vô hiệu hóa khi bạn chỉ còn… 1 đối tượng duy nhất. Bạn có thể sàng lọc, thử đầu tư nghiêm túc vào 1 người trong 1 khoảng thời gian. Dù kết quả có thế nào, những trải nghiệm ở người đó vẫn sẽ cho bạn nhiều bài học giá trị, hơn là 10 cuộc hẹn qua loa không tên.

Cuối cùng, “biết mình muốn gì” chưa chắc sẽ mang về cho bạn một bạn đời như ý, nhưng chắc chắn sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn dù mình đang ở đâu, dù là một mình hay hai mình.