Parental Alienation: Khi con trẻ trở thành công cụ chiến đấu | Vietcetera
Billboard banner

Parental Alienation: Khi con trẻ trở thành công cụ chiến đấu

Thao túng con cái để hạ nhục đối phương, parental alienation là minh chứng điển hình của câu nói “khi tình yêu hóa hận thù.”
Parental Alienation: Khi con trẻ trở thành công cụ chiến đấu

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Chúng ta thường kỳ vọng mối quan hệ giữa cha mẹ và con trẻ sẽ ngập tràn tình yêu thương và không thể đứt gãy. Sợi dây liên kết này được hình thành tự nhiên trong quá trình chung sống. Sự gắn bó này được xem như điều thiêng liêng và yếu tố kiên quyết để trẻ phát triển khỏe mạnh.

Tuy vậy, khi cha mẹ nảy sinh mâu thuẫn, hiện tượng parental alienation lặng lẽ len lỏi, đe dọa phá vỡ mối quan hệ thân thiết ấy. Đáng buồn là chính một bên phụ huynh lại là người thực hiện hành động tiêu cực này. Parental alienation không chỉ gây ra ảnh hưởng sâu sắc đến những đứa trẻ, mà còn cả với những người cha, mẹ phía bên kia chiến tuyến.

1. Parental alienation là gì?

Parental alienation (tạm dịch: sự xa lánh cha mẹ) mô tả hiện tượng một bên cha/mẹ có hành vi thao túng cảm xúc và chia cách mối quan hệ giữa con cái với phụ huynh còn lại (được gọi là phụ huynh mục tiêu).

Parental alienation bao gồm các hành vi bôi nhọ và công kích, khiến hình ảnh một bên cha/mẹ trở nên lệch lạc và tiêu cực trong mắt con cái. Hành động công kích này không hề dựa trên thực tế, mà chỉ nhằm mục đích gây tổn hại mối quan hệ của trẻ với bên còn lại.

Ví dụ trong nhiều gia đình, sau cuộc cãi vã, người mẹ nói với con rằng bố rát vô trách nhiệm và ghét con cái. Trong khi trên thực tế, người bố rất quan tâm và yêu thương con.

Những điều người mẹ nói không phải sự thật, mà chỉ xuất phát từ cảm xúc nóng giận. Trong trường hợp này, người mẹ muốn biến đứa trẻ thành đồng minh, nhằm đẩy người cha vào thế bị cô lập.

Sự xa lánh của đứa trẻ với cha mẹ được bộc lộ ở nhiều hình thức. Trẻ có thể trực tiếp thể hiện thái độ ghét bỏ, bằng việc cố tình cãi lời hay phản kháng.

Trẻ không cảm thấy tội lỗi với hành vi gây tổn thương cha/mẹ, vì tin rằng họ là người xấu. Cũng có trường hợp trẻ từ chối gặp mặt, thậm chí cắt đứt hoàn toàn với phụ huynh còn lại

2. Parental alienation nguy hiểm đến mức nào?

Parental alienation là một hình thức bạo hành cảm xúc. Hành vi này gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ.

Trẻ đứng trước nguy cơ tổn thương tâm lý khi chịu đựng bạo hành cảm xúc. Việc bị ép phải tin rằng cha/mẹ là người xấu, dễ khiến trẻ cảm thấy bối rối và hoảng loạn. Tình trạng mâu thuẫn cảm xúc kéo dài có thể khiến trẻ gặp rối loạn tâm lý nghiêm trọng.

alt
Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Một nghiên cứu đăng trên Thư viện Y học quốc gia Hoa Kỳ (NLM) cho thấy, hành vi parental alienation làm gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD) cùng nhiều rối loạn khác ở trẻ.

Bên cạnh đó, parental alienation gây ra những hậu quả lâu dài nếu không được can thiệp kịp thời. Các rối loạn tâm lý có thể vẫn tiếp diễn ngay cả khi đứa trẻ đã đoàn tụ với cha mẹ.

Việc bị ép phải xa cách với người mình yêu thương đặt trẻ ở trạng thái cô đơn và bất an. Trẻ mất niềm tin vào kết nối xã hội và gặp khó khăn khi hình thành mối quan hệ.

3. Động cơ nào ẩn sau hành vi thao túng?

Có vô vàn lý do tiềm ẩn thúc đẩy hành vi thao túng cảm xúc con cái. Nguyên nhân còn phụ thuộc vào hoàn cảnh riêng của từng gia đình. Tuy nhiên, parental alienation thường xảy ra khi cặp phụ huynh có mâu thuẫn, bao gồm tranh cãi, ly hôn hay tranh giành quyền nuôi con.

Có 3 động cơ tâm lý phổ biến, xuất phát từ lo âu ái kỷ, nhân cách ranh giới và tổn thương trong quá khứ.

Narcissistic Anxiety (Lo âu ái kỷ)

Trong nhiều trường hợp, cha/mẹ có hành vi thao túng thường mang đặc điểm của người ái kỷ. Họ đặt nặng việc thỏa mãn nhu cầu của bản thân, mà bỏ quên đi ảnh hưởng tiêu cực với gia đình. Cùng với đó, nhân cách ái kỷ cũng thúc đẩy khao khát kiểm soát người khác.

Khi đối mặt với tình huống ly hôn hay tranh chấp quyền nuôi con, họ coi mối quan hệ của con với cha/mẹ còn lại là mối đe dọa với hình ảnh bản thân.

Xuất phát từ nhu cầu bảo vệ cái tôi, họ bị thôi thúc thực hiện hành vi thao túng. Quá trình này mang đến cho họ cảm giác con cái là của riêng mình, đồng thời thấy bản thân vượt trội hơn phụ huynh còn lại.

alt
Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Borderline personality (Nhân cách ranh giới)

Nhân cách ranh giới gắn liền với nỗi sợ bị bỏ rơi và mối quan hệ bất ổn định. Khi ở trong hoàn cảnh ly hôn hay tranh giành quyền nuôi con, phụ huynh cảm thấy bất an khi con cái thân thiết với người còn lại. Họ coi đó là dấu hiệu của việc bị bỏ rơi.

Việc làm đứt gãy mối quan hệ của con với phụ huynh mục tiêu chính là nỗ lực giảm thiểu cảm giác lo âu và nỗi sợ bị bỏ rơi. Bằng việc biến con trở thành đồng minh, với mục tiêu chung là phụ huynh còn lại, họ được củng cố tâm lý và không còn cảm thấy mình bị gạt ra lề.

Trauma (Thương tổn trong quá khứ)

Những bậc cha mẹ từng trải qua tổn thương, chẳng hạn như bị lạm dụng hay phản bội, thường bị ám ảnh với trải nghiệm ấy. Khi cha mẹ ly hôn, họ lo sợ đứa trẻ cũng phải trải qua cảm giác tồi tệ tương tự. Chính vì thế, họ tin rằng việc cắt đứt mối quan hệ của trẻ với phụ huynh còn lại là điều cần thiết để bảo vệ chúng.

Hành vi này giống như một cơ chế để ngăn chặn tổn hại. Họ thực hiện các hành vi cực đoan để thao túng cảm xúc, hạ nhục người còn lại, để trẻ không cảm thấy tội lỗi hay bị bỏ rơi khi cắt đứt mối quan hệ với cha/mẹ mục tiêu.

4. Cần làm gì để không rơi vào Parental alienation?

Khi tiếp cận với hành vi Parental alienation, chúng ta cần tránh tư duy đổ lỗi. Chủ đề này cần được tiếp cận bằng sự cảm thông và thấu hiểu, nhằm bảo vệ gia đình khỏi cạm bẫy của hiện tượng tiêu cực này.

Ngăn chặn parental alienation đòi hỏi cách tiếp cận chủ động và toàn diện. Dưới đây là một số chiến lược phổ biến để ngăn các gia đình không rơi vào khuôn mẫu độc hại của hành động bạo hành cảm xúc.

Tách biệt mâu thuẫn cá nhân với nuôi dạy con cái

Các bậc phụ huynh cần nhớ rằng con cái không xứng đáng trở thành nạn nhân của những mâu thuẫn giữa họ. Mối quan hệ cha mẹ - con cái cần được ưu tiên khi gia đình xảy ra vấn đề.

Việc lôi đứa trẻ vào “cuộc chiến” chỉ thỏa mãn những cảm xúc nhất thời của một bên, nhưng có thể để lại hậu quả nặng nề cho cả gia đình.

alt
Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Khi cha mẹ xảy ra mâu thuẫn, hãy chủ động giải quyết trong không gian riêng của hai người. Đồng thời, phụ huynh có thể cân nhắc chia sẻ với con cái về vấn đề cha mẹ đang gặp phải, đồng thời khẳng định rằng họ đang nỗ lực để giải quyết.

Điều quan trọng là để trẻ cảm thấy được sự an toàn và ổn định ngay cả khi vấn đề xảy ra.

Thúc đẩy việc hợp tác giữa cha mẹ

Parental alienation thường xảy ra trong bối cảnh hai bên phụ huynh nảy sinh mâu thuẫn. Để ngăn ngừa hậu quả, hãy tạo ra môi trường giao tiếp cởi mở giữa cha mẹ và con cái. Đây sẽ là không gian để phụ huynh và con cái có thể cùng nhau bày tỏ cảm xúc, thúc đẩy sự thấu hiểu và thái độ tôn trọng cho các bên.

Ngay cả trong trường hợp xảy ra bất đồng, thậm chí ly hôn, phụ huynh vẫn phải thừa nhận và tôn trọng mối quan hệ của đứa trẻ với người còn lại.

Ngoại trừ trường hợp có sự can thiệp của tòa án, hãy khuyến khích cả hai bên phụ huynh duy trì mối quan hệ bền chặt và lành mạnh với con.

Giáo dục và nâng cao nhận thức cho con

Các bậc phụ huynh cần tự nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của hành vi bạo hành cảm xúc. Các nguồn tri thức uy tín có thể đến từ các khóa học, thư viện số, hay sự tư vấn của các chuyên gia.

Giáo dục bản thân cần phải đi kèm với giáo dục con cái. Cha mẹ nên ưu tiên các hình thức giáo dục sớm với con, nhằm giúp trẻ nhận diện được các hành vi thao túng, ngược đãi cảm xúc, từ đó có thể tự thực hiện các biện pháp phòng tránh.

Trao đổi thông tin thường xuyên và dành thời gian lắng nghe con là điều bắt buộc để thấu hiểu tình trạng, cũng như can thiệp trong trường hợp cần thiết.

Tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia

Hãy nhớ rằng, những phương pháp phía trên chỉ là gợi ý chung, chứ không thể áp dụng cho mọi tình huống. Nếu phụ huynh đang xảy ra mâu thuẫn, hoặc cảm thấy người còn lại đang có dấu hiệu thao túng con, hãy cân nhắc tìm kiếm sự hỗ trợ của các chuyên gia.

Bác sĩ tâm lý, nhà trị liệu, hay luật sư, họ là những người có đủ thẩm quyền và chuyên môn để đưa ra các phương án giải quyết dựa trên trường hợp cụ thể của gia đình.

Họ có thể hỗ trợ hòa giải mâu thuẫn, cũng như tư vấn các thực hành và can thiệp y tế cần thiết để giải quyết các bất ổn tâm lý.