Phải làm gì khi nhìn đâu cũng thấy tin buồn? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Phải làm gì khi nhìn đâu cũng thấy tin buồn?

Có thể bạn đang bị "doomscroll" bào mòn tinh thần mà không nhận ra.

Phải làm gì khi nhìn đâu cũng thấy tin buồn?

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

Trong thời gian dịch COVID-19 tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp hơn, các hoạt động của chúng ta đều bị hạn chế, thậm chí là chỉ xoay quanh các thiết bị điện tử tại gia. Nielsen Vietnam đã tiến hành hỏi 500 người tại Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng về thói quen sử dụng các phương tiện truyền thông trong đại dịch. Kết quả là có 35% trong số đó dành nhiều thời gian hơn để xem các thông tin trực tuyến.

Một thống kê cho biết người Việt dành ít nhất 2,38 giờ đồng hồ mỗi ngày trên mạng xã hội. | Nguồn: e.vnexpress.net. Không thể phủ nhận rằng mạng xã hội có những tác dụng tích cực, đặc biệt là trong thời điểm chúng ta cần cập nhật thông tin về dịch bệnh nhanh chóng nhất. Tuy nhiên, nó cũng đem lại vô vàn tác dụng phụ và “doomscroll” cũng nằm trong số đó.

Có thể bạn đang bị doomscroll bào mòn tinh thần mà không nhận ra doomscroll
Có thể bạn đang bị "doomscroll" bào mòn tinh thần mà không nhận ra.

1. Doomscroll là gì?

“Doomscroll” có nghĩa là “liên tục lướt và đọc những thông tin tiêu cực trên các trang thông tin và mạng xã hội.” Nghe thì không có gì nghiêm trọng, nhưng có thể bạn đang bị thói quen này chậm rãi bào mòn tinh thần mà không nhận ra.

 2. Tại sao chúng ta thường xuyên đọc những tin tức tiêu cực?

Thế hệ trẻ có thói quen chủ động tìm kiếm thông tin trên mạng. Theo một cuộc khảo sát của Pew Research Center, hơn một nửa số người Việt sử dụng mạng xã hội để tiếp cận thông tin, với 81% là những người từ 18 - 29 tuổi. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các kênh truyền thông trực tuyến, họ có thể tiếp nhận một lượng lớn thông tin vô cùg nhanh chóng.

Giữa các luồng thông tin, chúng ta ghi nhớ điều tiêu cực nhanh hơn tích cực. Hiện tượng này gọi là “thiên kiến tiêu cực” (negativity bias) và nó ảnh hưởng nhiều đến cách chúng ta tiếp cận thông tin.

Khi xem báo, chúng ta thường bị cuốn hút bởi những từ ngữ và tiêu đề “giật gân” hơn những tiêu đề khác. Một nghiên cứu từ Pew Research Center chỉ ra rằng trong 2 thập kỷ, những bài báo về chiến tranh và khủng bố được độc giả tại Mỹ quan tâm hơn và được viết với tần suất dày đặc.

Khoa học chứng minh chúng ta thường ghi nhớ tin tiêu cực nhanh hơn tích cực
Khoa học chứng minh chúng ta thường ghi nhớ tin tiêu cực nhanh hơn tích cực.

Nắm bắt được tâm lý trên, các kênh thông tin và truyền thông trực tuyến đã chủ động đăng tải những tin tức tiêu cực và đặt tiêu đề “giật gân” nhằm thu hút sự chú ý của độc giả. Những tờ báo có thể bán chạy hơn khoảng 30% khi những câu chuyện tiêu cực được đưa lên trang bìa.

Để chứng minh cho nhận định này, năm 2014, City Reporter thực hiện một cuộc khảo sát bằng cách viết nhiều tin tốt, chuyện đẹp hơn và nhìn nhận các tin tức tiêu cực một cách vui vẻ hơn (Nguồn: qz.com). Kết quả là trang này mất đi 2/3 số lượng độc giả thường nhật.

3. Doomscroll ảnh hưởng đến chúng ta ra sao?

Hiện nay, cả thế giới đang gánh chịu hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19: WHO ghi nhận hơn 18 triệu ca nhiễm, Việt Nam có những ca tử vong đầu tiên vì nhiễm virus trên nền bệnh lý nặng. Cùng với cuộc chiến chống dịch là cuộc chiến chống lại nạn phân biệt chủng tộc với những thông tin nóng hổi về làn sóng #BlackLivesMatter.

Không ít người cho rằng trong tình hình xã hội căng thẳng như thế, việc cập nhật tin tức và bắt gặp tin tiêu cực là điều tất yếu. Tuy nhiên, việc tiếp cận quá nhiều thông tin buồn có thể dẫn đến áp lực, căng thẳng và trầm cảm. Một nghiên cứu cho thấy mức độ trầm cảm ở người lớn là 37% nhưng trong đại dịch, nó tăng đến 49%, với 9% trường hợp nặng.

Việc tiếp cận quá nhiều thông tin buồn có thể dẫn đến áp lực căng thẳng và trầm cảm
Việc tiếp cận quá nhiều thông tin buồn có thể dẫn đến áp lực, căng thẳng và trầm cảm.

Từ những năm 70, “hội chứng thế giới độc ác” (mean world syndrome) xuất hiện. Người mắc hội chứng này xem quá nhiều nội dung bạo lực trên các kênh truyền thông và tin rằng thế giới là một nơi đầy rẫy hiểm nguy. Việc doomscroll trong thời gian dài được xem là nguyên nhân gây nên hội chứng này.

Ngoài ra, doomscroll còn được xem là một trong những yếu tố dẫn đến những mặt hạn chế của mạng xã hội vì nó mang lại các bệnh về tâm lý như chứng lo âu, cô độc và đặc biệt là “hội chứng sợ bỏ lỡ” (FOMO - Fear of missing out).

4. Phải làm gì khi nhìn đâu cũng thấy tin buồn?

Với tình hình xã hội đầy biến động như hiện nay, chúng ta khó mà ngăn bản thân hoàn toàn không tiếp cận những tin tức tiêu cực. Để có thể hạn chế tác hại của doomscroll, bạn có thể áp dụng những cách sau:

  • Không sử dụng điện thoại khi không cần thiết. Lúc đi tập thể dục hay đi chơi với bạn bè, hãy để điện thoại ở nhà hoặc trong túi xách. Đồng thời, hãy ấn định thời gian xem tin tức cá nhân. Ví dụ, cho phép bản thân kiểm tra mạng xã hội 3 lần một ngày và mỗi lần là 20 - 40 phút, còn những lúc khác thì tắt thông báo.
  • Trong lúc lướt mạng xã hội, hãy đánh dấu những bài báo hay video mang tính tích cực và có nội dung không quá nặng nề. Nếu bạn thấy mình đang có khuynh hướng doomscroll, hãy mở những bài báo hay video này xem một lát để tâm trạng tốt hơn, rồi dừng lại và đi ngủ. 
  • Khi tìm kiếm và tiếp cận thông tin, hãy luôn chú ý đến cảm xúc của bản thân để biết đâu là điểm dừng và có biện pháp kịp thời để không bị cuốn vào những suy nghĩ lo âu.
Tập cắt bớt thời gian và nội dung khi sử dụng mạng xã hội là một cách để giảm thiểu ảnh hưởng của doomscroll
Tập cắt bớt thời gian và nội dung khi sử dụng mạng xã hội là một cách để giảm thiểu ảnh hưởng của doomscroll.

Kết

Những tin tức hay bài báo hằng ngày giúp chúng ta kết nối trong giai đoạn phải hoạt động “tại gia”. Mạng xã hội và các trang thông tin là những công cụ đắc lực để chúng ta nhanh chóng nắm bắt tình hình hay cất lên tiếng nói của mình. Tuy nhiên, tiếp cận tin tức tiêu cực cũng mang đến những tác hại nhất định. Vì vậy, cần biết cách để bảo vệ bản thân trước những thông tin này để không tổn hại đến sức khoẻ tâm lý.