Pratfall effect - Đến thánh còn có lúc nhầm | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
19 Thg 08, 2022
Tâm Lý Học

Pratfall effect - Đến thánh còn có lúc nhầm

Điều gì khiến người nổi tiếng trở nên dễ mến hơn khi họ vụng về hay mắc lỗi?
Pratfall effect - Đến thánh còn có lúc nhầm

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Trong lễ trao giải Melon Music Awards năm 2011, nữ ca sĩ IU đã có màn “vồ ếch” khi bước lên bục nhận giải. Bên dưới video ghi lại khoảnh khắc trên, đa số comment khen ngợi IU dễ thương, cũng như thán phục cách cô nhanh chóng đứng lên sau cú ngã nhìn rất đau đớn này.

Chúng ta cũng thấy điều tương tự ở các show thực tế. Chẳng hạn trong Bố ơi, mình đi đâu thế, không ít sao nam lần đầu vào bếp đã biến món gà rán thành… gà nướng bóng đêm. Khán giả dường như đều thích thú và đồng cảm hơn khi thấy họ vụng về như vậy.

Đến đây chúng ta có công thức: người nổi tiếng + mắc lỗi = dễ mến hơn. Và hiệu ứng sai lầm (pratfall effect) chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.

Pratfall effect là gì?

Đây là hiệu ứng mà ta thấy một người nổi trội hơn số đông (chẳng hạn người nổi tiếng) trở nên dễ mến hơn khi họ vụng về hoặc mắc lỗi. Trong khi đó, nếu một người bình thường mắc lỗi tương tự, họ không được đánh giá cao như vậy.

Hiệu ứng này được ghi nhận lần đầu năm 1966 bởi nhà tâm lý học Elliot Aronson. Trong thí nghiệm của mình, ông đã ghi hình một diễn viên trả lời đúng hầu hết các câu đố đưa ra. Sau đó ông ghi hình chính diễn viên này làm đổ cốc cà phê.

Ông chiếu các đoạn băng này cho 2 nhóm khán giả. Trong đó nhóm thứ nhất chỉ được xem đến hết phần trả lời câu hỏi, còn nhóm thứ 2 xem tới cảnh đổ cà phê. Kết quả cho thấy, độ thiện cảm nhóm khán giả thứ 2 dành cho diễn viên cao hơn đáng kể so với nhóm thứ nhất.

Thí nghiệm tương tự được lặp lại với một người bình thường chỉ trả lời đúng 30% các câu hỏi. Tuy nhiên khán giả nhìn chung không đánh giá cao người này. Thậm chí, nhóm khán giả chứng kiến anh đánh đổ cà phê còn cảm thấy khó chịu.

Pratfall effect được lý giải thế nào?

Chúng ta luôn có tâm lý đánh giá cao những cá thể ưu thế hơn so với người bình thường. Một cách vô thức, chúng ta coi những người nổi tiếng “ở một level khác”, thậm chí có phần khó gần hoặc đáng sợ hơn. Đây là lý do ta hay gọi diễn viên, ca sĩ… là “ngôi sao” hoặc “thần tượng”, những từ ngữ mang hàm nghĩa họ ở một vị trí xa vời mà ta khó có thể với tới.

Vì vậy mà khi họ mắc những sai lầm thường gặp, chúng ta nhận ra họ cũng là con người bình thường chứ không phải hoàn hảo. Điều này giúp kéo họ lại gần chúng ta hơn, và ta cũng dễ đồng cảm với họ hơn. Đây cũng là một nguyên nhân chúng ta thích chuyện phiếm về người nổi tiếng, bởi đó là cơ hội ta tìm thấy những góc “đời thường” hơn trong cuộc sống của họ.

19aug2022pratfallintext2jpg
Khi nghệ sĩ mắc sai lầm, chúng ta nhận ra họ cũng là con người không hoàn hảo.

Bên cạnh đó, theo Lý thuyết về Mức độ tri nhận (Construal Level Theory), người càng có quan hệ gần gũi với đối tượng được đánh giá thì càng có cái nhìn chi tiết hơn. Đây chính là lý do ta đánh giá khắt khe bạn bè hoặc người thân khi họ phạm sai lầm, vì họ là những người thân thiết nhất với chúng ta.

Các ứng dụng của pratfall effect

Hiệu ứng này cho thấy lỗi sai hay thiếu sót không phải lúc nào cũng gây bất lợi. Trong truyền thông và quảng cáo, nếu biết cách triển khai, những khuyết điểm này có thể thúc đẩy sự thành công cho nhãn hàng.

Một ví dụ điển hình là chiến dịch quảng cáo của Volkswagen cho dòng xe Beetle tại thị trường Mỹ vào thập niên 1950. Thời kỳ này người tiêu dùng Mỹ chuộng những chiếc xe lớn, vì nó giúp họ khẳng định vị thế của mình.

Điều này tưởng chừng như bất lợi cho Beetle là một dòng xe nhỏ, nhưng Volkswagen đã lợi dụng chính đặc điểm này cho ra đời khẩu hiệu “Think small” đi ngược với tư duy “Think big” của người Mỹ. Việc nhãn hàng đi ngược trào lưu khiến người Mỹ tò mò, và độ nhận diện thương hiệu của Volkswagen tăng lên nhanh chóng.

Hãng cũng đẩy mạnh việc marketing những lợi thế của xe nhỏ: giá rẻ hơn, dễ dàng tìm chỗ đỗ xe, thậm chí có thể… đẩy bằng tay nếu chẳng may xe hết xăng. Và từ đó đến nay, Volkswagen thường xuyên lọt top 10 nhãn hàng ô tô bán chạy nhất tại Mỹ.

Listerine cũng là một thương hiệu áp dụng hiệu ứng pratfall thành công. Nước súc miệng Listerine vốn có mùi vị không được đánh giá cao, song hãng lại đưa ra thông điệp “The taste people hate, twice a day" (tạm dịch: Mùi vị bạn ghét, hai lần mỗi ngày).

Việc nhấn mạnh vào nhược điểm của mình giúp Listerine tạo ra hiệu ứng “thuốc đắng dã tật”: Dù mùi vị khó ưa, nhưng nó diệt được vi khuẩn. Điều này giúp nhãn hàng trở nên hấp dẫn và đáng tin cậy hơn trong lòng người tiêu dùng.

Như đã nhắc ở đầu bài, hiệu ứng pratfall cũng thể hiện rõ qua chương trình thực tế. Vì đây là kiểu chương trình không lên kịch bản sẵn, các nghệ sĩ tham gia phải tùy cơ ứng tác với những tình huống xảy ra khi ghi hình. Bên cạnh đó họ biết mình đang được ghi hình, nên cũng dễ lúng túng và lộ khuyết điểm hơn so với các show diễn mà họ được trau chuốt hình ảnh. Nếu biết cách xử lý khéo léo, đây sẽ là cơ hội vàng giúp họ “ghi điểm” trong mắt công chúng.

19aug2022pratfallintext1jpg
Sự lúng túng trên show thực tế có thể là cơ hội vàng cho nghệ sĩ ghi điểm với khán giả.

Người bình thường cũng có thể áp dụng pratfall effect

Con người thực chất dễ bị thu hút bởi những điều không hoàn hảo. Và dù hiệu ứng pratfall phổ biến hơn ở người nổi tiếng, chúng ta vẫn có cách ứng dụng nó trong những mối quan hệ thường ngày.

Chẳng hạn trong công việc, ta có thể mở lòng với đồng nghiệp về những vấn đề tâm lý mà bản thân gặp phải. Việc này không chỉ khiến đồng nghiệp cảm thấy họ được tin tưởng, mà họ còn có thể cho chúng ta lời khuyên hoặc giải pháp hỗ trợ, nhất là khi vấn đề gây ảnh hưởng lớn đến hiệu suất của ta trong công việc.