Thỉnh thoảng bạn vẫn hay nghe mọi người trêu nhau “chưa ăn bữa nay đã lo bữa mai”. Suy nghĩ về chuyện nay mai ăn gì, hay về ăn uống nói chung, là một hành vi hoàn toàn bình thường trong cuộc sống. Tuy nhiên khi “tiếng xì xào” này trở nên quá nhiều, thậm chí ảnh hưởng đến cuộc sống, khả năng cao bạn đang trải qua hiện tượng food noise.
Food noise là gì?
Theo National Geographic, đây là tên gọi không chính thức của hiện tượng suy nghĩ quá nhiều, đến mức ám ảnh không ngừng về chuyện ăn uống. Bạn lúc nào cũng nghĩ xem mình đang thèm đồ ăn gì, mức độ bao nhiêu, hoặc bao giờ thì ăn bữa tiếp.
Food noise thường xuất hiện ở người đang ăn kiêng để giảm cân, hoặc người có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn mức trung bình. Ngoài ra, nó còn có những biểu hiện như:
- Liên tục chất vấn bản thân liệu mình có ăn quá nhiều hay quá ít.
- Liên tục lướt app đặt đồ ăn, hoặc “cày” các bài viết, video liên quan đến ẩm thực.
- Nghĩ về thức ăn nhiều đến mức mệt mỏi, bức bối, kém tập trung vào việc khác.
- Thường xuyên xuất hiện cơn thèm ăn dù đã no hoặc được ăn món mình muốn.
Food noise từ đâu mà ra?
Nguyên nhân châm ngòi cho food noise bộc phát đến từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Từ bên ngoài, nội dung và quảng cáo đồ ăn (với mục đích định hình xu hướng tiêu dùng và tối đa lợi nhuận) liên tục được gợi ý cho bạn trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng, làm não bộ luôn trong trạng thái dễ “phát thèm”.
Còn từ bên trong, food noise bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau về cả thể chất lẫn tâm lý, bao gồm:
- Thiếu ngủ, căng thẳng kéo dài.
- Giảm cân, nhịn ăn không lành mạnh.
- Có bệnh mãn tính (như hội chứng buồng trứng đa nang) hoặc sử dụng thuốc.
- Mất cân bằng hormone điều chỉnh sự thèm ăn (hormone GLP-1).
Cơ chế hoạt động của food noise?
Theo một nghiên cứu đăng tải trên PubMed Central, não người vốn có 2 phần: bộ não nguyên thủy (primal brain) và bộ não hiện đại (modern brain). Bộ não nguyên thủy gồm não sau và tủy, phụ trách các vấn đề sống còn, động lực và bản năng. Còn bộ não hiện đại là khu vực não trước, liên quan đến trí nhớ, logic, kiểm soát và giải quyết vấn đề.
Khi xảy ra phản ứng giao cảm (kiểu phản ứng khi cơ thể cho rằng mình bị nguy hiểm), phần não nguyên thủy hoạt động mạnh, lấn át phần não hiện đại. Food noise chính là một dạng phản ứng giao cảm, khi cơ thể cho rằng mình đang bị bỏ đói. Điều này đặc biệt đúng ở người ăn kiêng, bởi càng bị hạn chế ăn gì, cơ thể càng nghĩ nhiều về đồ ăn đó.
Trên thực tế theo giáo sư Lawrence Cheskin (ĐH Y khoa Johns Hopkins, Mỹ), food noise không liên quan đến cơn đói hay sự bất an về nguồn lương thực. Nó chỉ đơn giản là bạn quá bận tâm với những suy nghĩ về đồ ăn, nhưng không kiểm soát được.
Hệ quả của food noise?
Ở tần suất ít, food noise không có vấn đề gì gây hại. "Cần có một chút food noise để bạn có thể cân nhắc kỹ lưỡng hơn về việc ăn gì, khi nào và ăn bao nhiêu", chuyên gia dinh dưỡng Cara Harbstreet chia sẻ trên Verywell Health.
Nhưng nếu 80-90% suy nghĩ trong đầu bạn cả ngày chỉ luẩn quẩn quanh chuyện ăn uống, đó là lúc food noise trở thành vấn đề cần chú ý. Nó khiến bạn dễ rơi vào ăn uống vô độ, ăn theo cảm xúc (stress eating) hoặc cảm thấy tội lỗi khi ăn.
Về lâu dài, food noise còn có thể gây nên các rối loạn về ăn uống, mệt mỏi về tinh thần, ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc - đặc biệt với những người đang theo lộ trình kiểm soát cân nặng hoặc tập luyện đòi hỏi sự cam kết.
Làm sao để “vặn nhỏ” food noise?
Sinh hoạt điều độ, quản trị căng thẳng
Giáo sư Lawrence Cheskin nhận định, việc ăn uống thiếu khoa học, căng thẳng và thiếu ngủ là các yếu tố khiến food noise trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy để giảm thiểu “tiếng ồn” này, bạn cần tích cực ăn uống điều độ, đúng bữa để đảm bảo đường huyết ổn định, giảm thiểu tần suất phát tín hiệu đói cho não.
Bạn ưu tiên thực phẩm nhiều chất xơ, tinh bột nguyên cám, chất đạm ít béo trong bữa ăn, duy trì 3 bữa chính và 1-2 bữa phụ mỗi ngày. Bên cạnh đó, bạn chú ý ngủ đủ giấc và quản trị căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày.
Ăn uống chánh niệm
“Ăn chậm, nhai kỹ, no lâu” chưa bao giờ là lời khuyên lỗi mốt về ăn uống lành mạnh. Rèn luyện ăn uống vào khung giờ cố định, hạn chế dùng đồ điện tử khi ăn giúp cơ thể hấp thụ dinh dưỡng hiệu quả hơn. Việc này đồng thời cũng giúp não bộ nhận thức được thói quen ăn uống của bạn, hạn chế những cơn buồn miệng bất chợt ập tới.
Ngừng xem quá nhiều nội dung về ăn uống
Cái gì nhiều quá cũng không tốt, kể cả việc tưởng chừng vô thưởng vô phạt như xem clip mukbang. Nếu bạn nhận ra mình chỉ xem nội dung về đồ ăn (video mukbang, review món lạ, công thức nấu nướng, deal hời quán xá...) mà chẳng tập trung làm được gì cả ngày, đây là lúc bỏ theo dõi những kiểu nội dung trên, giảm bớt yếu tố kích thích cho não bộ.
Sử dụng thuốc có chứa hormone GLP-1
Theo Scientific American, GLP-1 là hormone giúp ức chế cảm giác thèm ăn bằng cách tạo ra tín hiệu thông báo “no” cho não bộ. Nó có nhiều trong các loại thuốc giảm cân như Ozempic hay Wegovy, vì vậy trong trường hợp cần thiết, bạn có thể dùng thuốc để dập tắt các suy nghĩ ám ảnh về đồ ăn. Tuy nhiên bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa khi sử dụng.