Precariat - Người có bằng cấp nhưng sống bấp bênh | Vietcetera
Billboard banner

Precariat - Người có bằng cấp nhưng sống bấp bênh

Bạn có phải tạm biệt giấc mơ tuổi ấu thơ để theo đuổi một công việc "ổn định", nhưng rồi phát hiện ra đời không như là mơ? Vì sao cố gắng làm việc mà vẫn mãi "vô sản"?
Precariat - Người có bằng cấp nhưng sống bấp bênh

Nguồn: Ben Blennerhassett/Unsplash. | Nguồn: Ảnh thiết kế bởi Lợi Phan cho Vietcetera

1. Precariat là gì?

Precariat là danh từ chỉ một tầng lớp vô sản mới ở thế kỷ 21. “Vô sản” ở đây chỉ những người không có tư liệu sản xuất, phải đi làm công ăn lương trong công xưởng của những người sở hữu tư liệu sản xuất - các nhà tư sản. “Mới” nghĩa là một tình trạng sống mới, trong đó người vô sản bị tước đi đời sống ổn định.

Đại diện tiêu biểu của tầng lớp này là bất kỳ ai đang phải chịu cuộc sống bất ổn với các công việc freelance, công việc thời vụ, bán thời gian, hay thậm chí là công việc toàn thời gian nếu như họ đang làm "sếp" của chính mình. Điểm chung là họ không có mức thù lao ổn định và được bảo vệ bởi chế độ bảo hiểm.

Đáng lưu ý, precariat còn có thể là các giáo sư, tiến sĩ, chứ không chỉ là những người ở tầng lớp lao động chân tay. Nhiều người có bằng cấp cao nhưng không thể tìm được công việc phù hợp với năng lực hay nhu cầu của bản thân. Chẳng hạn một số bác sĩ, y tá đã phải chọn đi bán rau, hay cử nhân, thạc sĩ chạy xe ôm công nghệ.

Urban Dictionary cho rằng precariat diễn tả một cách khéo léo nỗi bất an của những người trẻ sắp tốt nghiệp ở thời đại mới. Đối diện với họ là một nền kinh tế cạnh tranh khắc nghiệt, và đi kèm với nó là những vấn đề tâm lý thường trực.

2. Nguồn gốc của precariat?

Precariat được kết hợp từ hai từ “precarious” (bấp bênh) và “proletariat” (giai cấp vô sản). Theo từ điển MacMillan, cụm từ này bắt đầu xuất hiện từ năm 1980, do các nhà xã hội học tại Pháp sử dụng để chỉ những người lao động thời vụ.

3. Vì sao precariat trở nên phổ biến?

Precariat được biết đến nhiều hơn trong thế kỷ mới nhờ xuất hiện trong tựa sách Precariat: The New Dangerous Class của giáo sư kinh tế Guy Standing vào năm 2011. Đặc biệt, sau cú sốc kinh tế toàn cầu vì ảnh hưởng của đại dịch COVID, precariat được cho là đã trở nên đông đảo hơn và phải làm việc trong điều kiện bấp bênh hơn cả.

Nhiều người cho rằng tầng lớp chịu nhiều bất ổn trong cuộc sống thì thời nào cũng có, chứ không chỉ là sản phẩm của riêng thế kỷ 21. Tuy nhiên, Guy Standing đã chỉ ra rằng công nhân, những người vô sản bấp bênh mà mọi người thường thấy ở các thời đại khác nhau, chỉ là một trong ba nhóm precariat. Họ là các “atavists” (những người phản kháng) không có trình độ học vấn cao.

Hai nhóm còn lại là “nostalgics” và “progressive”.

Trong đó, nostalgics là những người nhập cư và người thuộc nhóm thiểu số bị chèn ép các quyền công dân, dù cống hiến của họ so với những người bản địa hay nhóm đa số không khác là bao.

Progressive là những người cấp tiến, có trình độ đại học nhưng mắc phải cú lừa “cứ cố gắng rồi sẽ thành công”. Họ là những người phải làm những công việc thấp hơn khả năng của mình. Những câu chuyện về việc một cử nhân đại học kiếm tiền không bằng một cô bán hủ tiếu gõ cũng từ đây mà ra. Guy Standing khẳng định đây là lần đầu tiên trong lịch sử có nhiều người học “vượt” nhu cầu của xã hội như vậy.

Khocircng chỉ lagrave thượng lưu trung lưu hạ lưu xatilde hội được phần tầng thagravenh 5 nhoacutem sau cuộc Caacutech mạng Cocircng nghiệp lần thứ 4 Nguồn JonArild Johannessen Research Gate
Không chỉ là thượng lưu, trung lưu, hạ lưu, xã hội được phần tầng thành 5 nhóm sau cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. | Nguồn: Jon-Arild Johannessen, Research Gate.

Mỗi tầng lớp trong precariat chịu một nỗi bất an khác nhau, nhưng nguyên nhân đưa đẩy họ đến tình trạng này có một điểm chung lớn là tốc độ phát triển quá nhanh của toàn cầu hoá và nền kinh tế tư bản. Khi cả thế giới trở thành một bộ máy chung thì các quốc gia lại trở thành các nguồn cung lao động có chuyên môn riêng biệt.

Chẳng hạn, Trung Quốc, Việt Nam trở thành các “nhà máy gia công” của thế giới, hay Mỹ, Đức, Nhật là các “cỗ máy sáng tạo”... Nếu không có gì thay đổi ở guồng máy này thì “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”.

Áp lực học hành để đổi đời đối với gen Z do đó tăng lên nhiều bậc vì họ không chỉ còn cạnh tranh ở địa phương, quốc gia, mà còn là với các công dân toàn cầu.

Tuy nhiên, sự bấp bênh của các precariat đôi khi không phải vì số phận đưa đẩy, mà vì chính họ lựa chọn. Chẳng hạn, nhiều người chọn làm bán thời gian (part-time), làm tự do (freelance), hay nói nôm na là tự làm chủ (self-employed) vì muốn phá vỡ các khuôn mẫu công việc có sẵn.

4. Cách dùng precariat

Tiếng Anh

A: I’m moving out of my parent’s house and starting renting next month.

B: Welcome to the precariat!

Tiếng Việt

A: Tháng tới tui ra ở riêng, không ở cùng bố mẹ nữa.

B: Chào mừng đến với giai cấp “vô sản mới”!