1. Privilege là gì?
Privilege /ˈprɪvəlɪdʒ/ là danh từ chỉ quyền lợi đặc biệt của một cá nhân, tập thể hoặc giai tầng xã hội nào đó. Những quyền lợi này có thể không cần cố gắng để đạt được, mà bắt nguồn từ bối cảnh văn hoá, kinh tế - xã hội sâu xa.
Tại Việt Nam, chúng ta có thể dùng từ “đặc quyền” khi muốn nói ý tương đương từ “privilege”. Tuy nhiên, hệ thống ngôn ngữ của chúng ta không có, hoặc chưa có, sự nhìn nhận về những khái niệm chính thống liên quan đến hiện tượng xã hội phổ biến này.
Chẳng hạn như male privilege/gender privilege (đặc quyền của phái nam/đặc quyền theo giới tính), thin privilege (đặc quyền của người gầy), white privilege (đặc quyền của người da trắng).
2. Nguồn gốc của privilege?
Có thể nói bất công xã hội tồn tại bao lâu thì “privilege” đã tồn tại bấy lâu. Nhưng nếu xét ở khía cạnh học thuật, thì theo tờ The New Yorker, khái niệm này chỉ mới được đưa vào nghiên cứu thực sự từ cuối những năm 80 của thế kỷ 20.
Một trong những người tiên phong là Peggy McIntosh, một học giả nghiên cứu về phụ nữ tại Wellesley. Năm 1988, bà đã viết một bài báo cáo nêu ra 46 ví dụ về đặc quyền của người da trắng.
3. Privilege phổ biến thế nào?
Thống kê từ Google Trend cho thấy số lượng tìm kiếm của từ privilege luôn giữ ở mức cao trong suốt giai đoạn từ năm 2004 đến nay, nhưng có một điểm tăng vọt trong khoảng tháng 6 năm ngoái. Đó là thời điểm là sự kiện Black Lives Matter gây ra làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới.
Cụm từ “white privilege” lúc này tràn ngập trên khắp các mặt báo, khiến không chỉ các chính phủ mà cả các công ty, tập đoàn kinh tế cũng phải xem xét về chính sách nhân sự của mình.
Tại Việt Nam, quyền lợi có liên quan đến sắc tộc không phải là vấn đề quá nổi cộm. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian khó khăn do đại dịch vừa qua, chênh lệch đặc quyền giữa các tầng lớp xã hội đang trở thành một vấn đề được mọi người dành nhiều sự quan tâm.
Người vẫn giữ được công việc ổn định có thể cảm thấy mình quá may mắn so với những người lao động phải bỏ thành phố về quê. Người được ăn đủ một ngày 3 bữa có thể cảm thấy tội lỗi với những vô gia cư.
Ngược lại, theo Giáo sư Xã hội học Thomas Henricks, privilege cũng có thể tạo nên những điểm mù. Những người ít để ý đến khiếm khuyết của bản thân cũng có xu hướng không nhận ra đặc quyền của mình.
Một cách đơn giản để giải quyết vấn đề này, như nghệ sĩ Bing Crosby gợi ý, là chúng ta hãy “đếm những phước lành của mình”, hay nói cách khác là thực hành biết ơn. Hoặc trực diện hơn, bạn có thể tham khảo các bài kiểm tra để xem mình đang sở hữu những lợi thế nào trong xã hội.
4. Cách dùng privilege
Tiếng Anh
A: I don't get what's the big deal about the lockdown. I haven't seen anyone starve.
B: Well, you might want to check your privilege then.
Tiếng Việt
A: Tớ thấy giãn cách xã hội chẳng có gì ghê gớm. Đã có ai chết đói đâu.
B: Thế thì cậu nên nhìn lại đặc quyền của mình chút đi.