Queen Charlotte: Hấp dẫn đấy, nhưng khoan đã…  | Vietcetera
Have A Sip Book Club Tết 2025
Vietcetera
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Queen Charlotte: Hấp dẫn đấy, nhưng khoan đã… 

Liệu ý tưởng về sự tiến bộ có thể che phủ đi những tranh cãi riêng về màu da?
Queen Charlotte: Hấp dẫn đấy, nhưng khoan đã… 

Nguồn: Netflix.

Sau hai phần trước tương đối thành công, mới đây Netflix và Shondaland đã cho ra mắt phần mới của TV Series Bridgerton có tên Queen Charlotte. Những tưởng là phần thứ 3 của loạt phim sẽ nói về câu chuyện của Colin và Penelope tiếp nối trước đó, thế nhưng bất ngờ đây lại là phần ngoại truyện, bám theo cuộc đời của vị Vương hậu Charlotte.

Đi theo cuộc đời của nhân vật trên, bộ phim là cuộc hành trình khi bà còn là một công chúa ở nước Đức xa xôi, đến khi kết hôn với vua George III và rồi trở thành Vương hậu, lãnh trách nhiệm tìm người kế vị tiếp theo khi cả triều đình rơi vào hỗn loạn.

Trong khi phần 3, 4 vẫn đang quay hình, việc tập trung vào một nhân vật phụ so với đường dây của 2 phần Bridgerton trước đó có thể là một tính toán hoàn toàn thông minh, khi Shondaland cần phải cân nhắc nhiều hơn ở các phần mới, khi phần trước đó nhận về khá nhiều đánh giá không mấy khả quan.

Cuộc “thử nghiệm vĩ đại” giữa hai màu da, hai chủng tộc?

Gồm 6 tập phim, Queen Charlotte có hai mạch truyện được kể song song, không đi theo kiểu tuyến tính mà là đan xen để tạo nên một cấu trúc đa nghĩa và khá phức tạp. Chỉ sau vài ngày ra mắt, nó đã leo lên Top 1 Netflix toàn cầu với khoảng 150 triệu giờ xem khi ra mắt. Điều gì làm nên thành công cho tác phẩm này?

Đầu tiên là nó đã kể câu chuyện vô cùng khác biệt so với các tác phẩm cùng dòng. Việc Vương hậu Charlotte có màu da sậm là một tranh cãi gần đây nổ ra, thế nhưng điều quan trọng hơn là ý nghĩa cũng như nội dung được ekip phim khéo léo đưa vào.

Trong tác phẩm này, Vương thái phi Augusta (mẹ của Vua George III) cũng như triều đình đã gọi sự kết hợp giữa hai màu da và hai chủng tộc là cuộc “Thử nghiệm vĩ đại”. Họ dõi từng bước theo cuộc hôn nhân, để đánh giá xem liệu một ý tưởng có vẻ điên rồ có thành sự thật?

Không chỉ nằm ở hai nhân vật chính, mà cuộc thử nghiệm còn giúp phong tước cho giới quý tộc thêm sự đa dạng. Trong buổi vũ hội, ta có thể thấy một sự thừa nhận cả người gốc Á cũng như gốc Phi. Điều này gần như không tưởng, và có thể thấy là Queen Charlotte đang muốn hướng đến ý nghĩa lớn hơn về sự thống nhất, dẫu đây chỉ là tác phẩm hư cấu.

Do đó dù cho còn chưa phù hợp một cách trùng khớp với các sử kiện, thế nhưng bộ phim cũng đã tạo được khá nhiều dấu ấn tương đối tích cực, khi thu hút được đông đảo người xem. Đi từ màu da, sắc tộc, giới tính… bộ phim cũng đã gợi lên những vấn đề khác thời sự nhiều hơn, vẫn còn sống động cho đến hiện nay.

Một trong số đó chính là vai trò của người phụ nữ. Bên cạnh việc khắc họa lại rất nhiều gông cùm đã kìm nén họ, như những bộ váy áo khổng lồ, hôn nhân sắp đặt… thì bộ phim cũng đã cho thấy những nỗi khát khao tương đối thầm kín, như khi D.H.Lawrence lần đầu viết ra Người tình của phu nhân Chatterley.

Nguồn: Netflix.

Đại diện cho hướng nhìn này là hai phu nhân Danbury và Violet. Dù cho gặp phải những “hàng rào cao” của thời đại đó, thế nhưng cả hai luôn muốn “khu vườn” của mình thật sự nở hoa. Danbury là người da màu đến từ vương quốc Sierra Leone giàu có cũng là hình tượng có nhiều tượng trưng, về sự đấu tranh mong muốn vươn lên tầng lớp quý tộc, cũng như bảo vệ gia sản khi chồng đã chết.

Ngoài ra vai trò làm mẹ cũng được khai thác có phần cảm động. Dù không thể hiện bằng các lời thoại, thế nhưng Vương thái phi Augusta và cả Charlotte sau khi về già đều cho ta thấy bản năng của một người mẹ là luôn che chở cho con của mình. Dù cho có bị hiểu lầm hay đánh giá thấp, thế nhưng họ vẫn tỏa sáng với thiên chức đó.

Ngôn tình đậm sâu hay tình yêu vượt lên tất cả?

Ngoài những vấn đề mang tính đấu tranh đã kể ra trên, thì tình yêu cũng là một yếu tố khác giúp cho tác phẩm trở nên khác biệt. Phần ngoại truyện này tuy không dựa trên những tác phẩm gốc của tiểu thuyết gia Julia Quinn, thế nhưng tính chất ngôn tình cũng như ngọt ngào vẫn được giữ nguyên.

Ở đây ta cũng vẫn thấy được những tình yêu sét đánh, tình cảm cao thượng, “love at first sight”… đã được kể lại giữa cô công chúa và chàng hoàng tử tưởng như trong mơ. Câu chuyện có chung motif mở đầu ương bướng và rồi sau đó dần dần thay đổi đã là kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn.

Điểm nhấn lớn nhất của bộ phim này chính là quan hệ giữa Charlotte và vua George III, và những phức cảm trong mối quan hệ giữa hai người họ. Người xem đi từ hoài nghi, hoang mang… và rồi cuối cùng mới vỡ lẽ ra hy sinh là quan trọng nhất, và nó giúp cho tình yêu có một vị thế thật là khác biệt.

Nguồn: Netflix.

Tuy vậy bộ phim cũng khai thác sâu về những tuyến khác. Đó là những nhân vật tưởng như chỉ là tuyến phụ, như hai anh chàng phụ tá, người bạn của riêng Charlotte – công nương Danbury cũng như là Violet. Những mối quan hệ vượt qua tường thành của giới tính, màu da, tuổi tác, giới hạn… trong sự giấu kín của một thể chế có phần khắc nghiệt, mang cho người xem nhiều sự thổn thức.

Vẫn là triều đình với sự xa hoa và đầy mưu mô, thế nhưng Queen Charlotte có sự thể nghiệm có phần mới lạ, cho thấy sức mạnh của tình yêu lớn có thể vượt qua nhiều định kiến khác. Nhưng liệu rằng bà có phải là người da màu, hay tác phẩm này chỉ đang “hồng hóa”?

Thử đi tìm lời giải cho những tranh cãi của bộ phim

Thành công là vậy nhưng Queen Charlotte cũng vấp phải một số phản ứng trái chiều như đã nói ở trên. Dẫu biết đây là tác phẩm hư cấu, vấn đề màu da và quyền lực của người da màu trong bối cảnh đời thực có thể khiến không ít khán giả hiểu nhầm.

Đối với sử sách, có một giai thoại đã viết lại rằng Vương hậu Charlotte sinh trưởng trong giới quý tộc nước Đức, ở vùng Mecklenburg-Strelitz, và được mô tả là người “mũi rộng, môi dày, với một khuôn mặt Mulatto”. Charles Dickens trong cuốn tiểu thuyết Hai kinh thành cũng đã nói rằng bà chỉ là người sở hữu nhan sắc tầm trung.

Nhiều bức chân dung được vẽ vào giai đoạn ấy vẫn được lưu trữ cho đến ngày nay cũng đã xác nhận những điều nói trên. Tuy vậy trong bộ phim này thì không ít lần Vương thái phi đã muốn họa sĩ phải đánh khối sáng vào mặt của Charlotte, trong khi nàng thì muốn phản ánh đúng với màu da của mình. Do đó những bức chân dung không phải là bằng chứng tốt để ta tin vào.

Nguồn: GettyImages/Netflix.

Ngoài điều đó ra, thì các sử gia cũng phát hiện ra gia tộc bà cũng có một nhánh gia phả là người Moors (cụm từ để mô tả về người châu Phi da đen hay người Ả Rập có nguồn gốc Bắc Phi). Sở dĩ có điều đó là vào năm 1997, nhà sử học Mario de Valdes y Cocom đã tuyên bố trong nghiên cứu của mình, rằng Vương hậu Charlotte là hậu duệ của “đứa con ngoài giá thú của Vua Alfonso I của Bồ Đào Nha và tình nhân người Moorish của ông [Madragana].”

Tuy vậy dù cho có một người bà từng là người Moors thì vẫn chưa đủ cơ sở để mà khẳng định rằng bà là người da đen. Bởi lẽ từ khi xuất hiện cho đến hiện nay, từ Moors dùng chỉ sắc tộc cũng mang theo rất nhiều nghĩa, khi thì dùng để chỉ những người Hồi giáo, và cũng có khi nhằm ám chỉ đến những người Bắc Phi có da sáng màu. Gần đây việc nhìn nhận nó như “khái niệm tĩnh” đã bị nhiều nhà nhân chủng phản đối.

Một bổ sung khác là nhánh gia phả đến từ nghiên cứu của Cocom như đã nói trên cách đến gần 600 năm khi Charlotte ra đời (Vua Alphonso I sinh năm 1109 hoặc 1111, còn Vương hậu Charlotte sinh năm 1744), do đó những sự pha trộn ở trong dòng máu (nếu có) thì sau gần 6 thế kỷ ít nhiều cũng đã phai nhạt.

Từ những điều trên có thể thấy rằng không có quá nhiều khả năng Vương hậu Charlotte là người da màu. Thế nhưng do có tầm nhìn hướng ra sâu hơn vào các vấn đề đậm tính thời sự cũng như tiến bộ, mà bộ phim đã được nhìn nhận khác hơn, rộng hơn, và không bị vướng vào các tranh cãi.