Bài viết dưới đây chỉ với mục đích cung cấp thông tin. Không nên tự chẩn đoán mà không tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ tâm thần.
MC gốc Việt Jeannie Mai từng chia sẻ cô gặp nhiều khó khăn từ nhỏ trong học hành vì chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD - attention deficit hyperactivity disorder). Thực tế đây không phải là căn bệnh hiếm gặp. Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA), khoảng 8.4% trẻ em và 2.5% người lớn trên toàn cầu mắc chứng bệnh này.
ADHD có nhiều điểm tương đồng với hiện tượng mất tập trung, hiếu động thông thường ở trẻ nhỏ. Do đó, không ít người nhầm tưởng con cái (hoặc chính mình) mắc bệnh, dẫn đến dùng thuốc sai cách. Đây là điều đã xảy ra ở Singapore, khi một số phụ huynh tự ý cho con uống thuốc đặc trị ADHD để tăng khả năng tập trung học bài cho các kỳ thi quan trọng.
ADHD là bệnh gì?
Theo định nghĩa của APA, ADHD là dạng rối loạn tâm thần đặc trưng bởi hành vi khó chú ý, hiếu động thái quá và bốc đồng. Đây là chứng rối loạn mãn tính, ảnh hưởng nhiều khía cạnh của cuộc sống: hiệu suất học tập/làm việc thấp, các mối quan hệ không ổn định, lòng tự trọng thấp và suy giảm khả năng xã giao.
ADHD được phát hiện phần lớn ở độ tuổi đi học (5-7 tuổi), khi trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc đọc hiểu và tập trung nghe giảng/làm bài. Dù vậy, khoảng 3% ca bệnh không được phát hiện cho đến khi vào tuổi trưởng thành. Theo nhà tâm lý học lâm sàng Sharon Saline, ít hơn 20% bệnh nhân ADHD tuổi trưởng thành biết họ mắc bệnh, và chỉ ¼ tích cực điều trị nó.
Giới chuyên môn phân chia ADHD làm 3 thể dựa trên các biểu hiện của chúng:
- Thể mất tập trung (inattentive): Người bệnh gặp khó khăn trong quản lý thời gian, sắp xếp và hoàn thành một (hoặc nhiều) công việc. Họ thường có khoảng tập trung (attention span) ngắn.
- Thể hiếu động (impulsive): Người bệnh hiếu động và không thể ngồi yên một chỗ, gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Họ dễ mất kiên nhẫn, đôi khi dẫn đến hệ quả nghiêm trọng.
- Thể kết hợp (combined): Người bệnh có biểu hiện kết hợp giữa hai thể trên. Họ biểu hiện cả hành vi giảm chú ý và hiếu động, thường có năng lượng trên mức kiểm soát. Đây cũng là thể phổ biến nhất trong các bệnh nhân ADHD.
Nguyên nhân dẫn đến ADHD?
Cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định nguyên nhân cụ thể gây ra ADHD. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy hội chứng này chịu ảnh hưởng từ các yếu tố rủi ro khác nhau:
Gen di truyền: Theo báo cáo của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), trẻ có 25% xác suất bị ADHD nếu có người thân trực tiếp (bố mẹ, anh chị em) cũng mắc bệnh này.
Chấn thương não: Khi một phần não bị tổn thương, khả năng tập trung, kiểm soát hành vi và các yếu tố tâm lý có thể bị tác động, dẫn đến nguy cơ cao mắc ADHD.
Sinh non và các vấn đề khi sinh: Khi trẻ sinh non hoặc gặp biến chứng khi sinh, một số cơ quan chưa được hoàn thiện cũng làm tăng rủi ro mắc ADHD.
Người mẹ hút thuốc/uống rượu khi mang bầu: Theo nghiên cứu của Đại học Columbia (Mỹ), việc hút thuốc hay uống rượu dẫn đến tỉ lệ sinh con mắc ADHD cao hơn. Đó là vì chất nicotine trong thuốc lá ảnh hưởng đến khả năng tập trung, và việc cai thuốc lá có thể ảnh hưởng đến tâm trạng người mẹ, tác động lên đứa trẻ trong quá trình thai kỳ.
Bên cạnh đó, nếu người mẹ thường xuyên phải tiếp xúc môi trường độc hại, khả năng sinh con bị ADHD cũng tăng cao. Một số hóa chất như chì có thế ảnh hưởng đến sự phát triển và hành vi của đứa trẻ sau này. Cần lưu ý rằng, không có bằng chứng nào cho thấy việc tiêu thụ đường, chất phụ gia thực phẩm hay tiêm vaccine dẫn đến ADHD.
ADHD có những triệu chứng gì?
Do ADHD có những thể loại khác nhau, nên các triệu chứng của nó cũng được chia làm 3 nhóm chính. Theo các nghiên cứu của APA, một bệnh nhân có thể biểu hiện triệu chứng từ 1, 2 hoặc cả 3 nhóm, tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh.
Nhóm 1 - Mất tập trung (inattention): Khoảng tập trung ngắn, dễ mất tập trung; cảm thấy khó lắng nghe người khác; không để ý tới tiểu tiết; quản lý thời gian và lập kế hoạch kém.
Nhóm 2 - Bốc đồng (impulsivity): Chen lời người khác khi nói, chen hàng khi xếp hàng; chưa nghe kỹ hướng dẫn đã hấp tấp thực hiện. Đôi khi, người bệnh thực hiện những hành động nguy hiểm mà không suy nghĩ kỹ.
Nhóm 3 - Tăng động (hyperactivity): Người bệnh không thể ngồi yên một chỗ mà liên tục chuyển động, chạy nhảy hoặc nói. Điều này khiến họ gặp khó khăn với các hoạt động cần sự yên tĩnh, hay quên và thường xuyên nhảy qua lại giữa nhiều đầu việc mà không hiệu quả.
ADHD khác gì so với mất tập trung thông thường?
Hiện nay, ADHD hay những cụm từ như “tăng động”, “rối loạn giảm chú ý” được sử dụng khá thường xuyên để miêu tả hiện tượng mất tập trung phổ biến trong cuộc sống. Tuy nhiên khi sử dụng không đúng ngữ cảnh, ADHD đồng thời bị hiểu một cách sai lệch.
Theo nghiên cứu của Microsoft, khoảng chú ý trung bình của con người hiện nay chỉ là 8.25s - ngắn hơn cả cá vàng (9s). Đây là kết quả của nhiều yếu tố đến từ bên trong (căng thẳng, lo âu) và bên ngoài (mạng xã hội và các kích thích âm thanh, ánh sáng). Trong đó nội dung ngắn nhờ khả năng “tiếp liều” dopamine liên tục đã làm khả năng chú ý của con người giảm đáng kể.
Do đó với người bình thường, họ vẫn có thể tập trung khi loại bỏ những yếu tố gây sao nhãng trên. Thậm chí khi mất tập trung dẫn đến trì hoãn, họ vẫn có thể xong việc khi đến thời điểm bị adrenaline “rượt sát nút”, dù có thể trễ deadline hoặc chất lượng không như ý.
Nhưng với người mắc ADHD, việc này không đơn giản như vậy. Họ gần như không thể tập trung hoàn thành công việc, dù có trễ deadline hay không bị điện thoại làm ảnh hưởng. Họ chỉ cải thiện vấn đề này khi được uống thuốc và điều trị với phác đồ của bác sĩ tâm thần.
Nghiên cứu so sánh phim chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng cho thấy, lượng chất xám và chất trắng trong não bệnh nhân ADHD ít hơn so với não người thường. Các khu vực thùy trán, nhân đuôi và thùy nhộng tiểu não của người bệnh ADHD cũng bị ảnh hưởng, khiến họ gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa các hoạt động khác nhau. Hệ quả là họ có cảm giác mọi thứ đang diễn ra cùng một lúc, dẫn đến cơ chế phản ứng là hành vi bốc đồng hoặc tăng động.
Hiểu đúng về ADHD
Dù có vài biểu hiện tương đồng, ADHD khác hoàn toàn so với mất tập trung thông thường. Bởi về bản chất, người bệnh ADHD bị tổn thương não bộ, khiến họ khó mà vận hành bình thường nếu không có phác đồ điều trị. Trong khi đó, người bình thường có thể cải thiện khả năng tập trung qua việc điều chỉnh cách tiêu thụ nội dung số, luyện tập thói quen, thiền và chánh niệm.
Vì vậy, ADHD cần được hiểu và trao đổi một cách đúng đắn hơn. Điều này sẽ hạn chế việc một chứng rối loạn dần bị xem nhẹ, và việc một hành vi bình thường lại bị đùa cợt quá mức và xem thành một chứng bệnh.