Vì sao những nội dung video ngắn lại gây nghiện đến thế? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
07 Thg 07, 2021
Tâm Lý Học

Vì sao những nội dung video ngắn lại gây nghiện đến thế?

Điều gì ẩn sau những video ngắn 15s trên TikTok và Instagram Stories khiến bạn say mê lướt mãi mà không dừng được: chỉ do thuật toán hay còn lý do nào khác?
Vì sao những nội dung video ngắn lại gây nghiện đến thế?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Bạn có dành hàng giờ lướt những TikTok challenge mới nhất, hoặc cứ mỗi lúc rảnh sẽ nhảy giữa các mẩu Instagram Stories? Bạn có thói quen xem đi xem lại những Stories cũ của mình? Bạn có hoảng hồn mỗi khi kiểm tra số giờ sử dụng ứng dụng điện thoại?

Với hơn 500 triệu người sử dụng Instagram Stories và 700 triệu người dùng TikTok thường xuyên trên toàn cầu, không chỉ riêng bạn bị cuốn hút bởi những video 15 giây đâu!

Tại sao Instagram Stories và TikTok cuốn hút đến vậy?

Khi khả năng tập trung giảm, ta ưu tiên nội dung ngắn

Theo tiến sĩ thần kinh Sanam Hafeez, thói quen tiêu thụ quá đà (binge-watch) video ngắn là một “cuộc săn đuổi dopamine”. Mỗi lần xem một video ta thích, não bộ “được thưởng” với dopamine đem lại cảm giác hưng phấn. Cơ chế củng cố ngẫu nhiên (random reinforcement) gia tăng độ gây nghiện: không biết trước khi nào nội dung mình thích sẽ xuất hiện, ta càng xem nhiều video để tăng khả năng lặp lại dopamine.

Nội dung ngắn hấp dẫn hơn vì khả năng tập trung của loài người đang dần giảm xuống, phần nào vì tốc độ tiêu thụ thông tin quá nhanh. Nghiên cứu khác cho thấy, nếu nội dung không hấp dẫn với họ, người dùng thường mất hứng thú chỉ sau 8 giây.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, dạng video ngắn hấp dẫn khi người dùng có khả năng tập trung ngày càng giảm và ngại ngần các cuộc hội thoại dài. Lúc này, các video ngắn giúp họ duy trì cảm giác "thân mật ảo" với bạn bè mà không cần phải thực sự trò chuyện.

Nhưng bạn đừng cảm thấy tội lỗi, vì đại dịch COVID-19 cũng là một nguyên nhân lớn khiến khả năng tập trung giảm. Như lời nhà tư vấn Jill Daino: “Không phải chúng ta không thể tập trung lâu, mà chúng ta đang không có dung lượng tinh thần khi đã quá bận rộn và căng thẳng trong mọi khía cạnh đời sống”.

Thiết kế để tối đa hóa thời gian sử dụng

Đừng áy náy nếu bạn không kìm chế được cơn thèm TikTok. Các mạng xã hội đều áp dụng thiết kế thuyết phục (persuasive design) dựa trên tâm lý học, để tác động đến hành vi người dùng.

Từ những nút bấm, thông báo, các ứng dụng mạng xã hội đều được thiết kế để tối đa hóa sự chú ý và đem lại trải nghiệm tự nhiên nhất. Ví dụ, video chạy ngay khi ta mở app TikTok, bạn không cần mất thời gian click hay tìm nội dung. Những video đặc biệt hợp với sở thích và thói quen sử dụng sẽ tự tìm tới bạn, nhờ vào thuật toán đề xuất của các nền tảng.

Muốn biết cuộc sống “chân thật” của người khác

Các ứng dụng này “gãi” đúng nỗi tò mò của người dùng về cuộc sống của người khác và mong muốn thuộc về một nhóm. Khảo sát của Facebook cho thấy đa số người dùng cảm thấy Stories chân thật hơn, vì nội dung sẽ biến mất sau 24 giờ. Đồng thời, họ dùng Stories vì tò mò người khác đang làm gì và muốn xem những nội dung live, không bị chỉnh sửa.

TikTok
Thông qua những video ngắn, chúng ta thỏa nỗi tò mò về những gì người khác đang làm.

Tò mò về cuộc sống của người khác là một bản năng tự nhiên. Như cuốn Sapiens của Yuval Noah Harari diễn giải: “Hợp tác xã hội là chìa khóa cho sự sinh tồn của loài người. Chỉ biết lũ sư tử và bò rừng đang nấp ở đâu là không đủ với tổ tiên chúng ta. Quan trọng hơn, họ phải biết mâu thuẫn nào đang xảy ra trong nhóm, người nào thật thà hay dối trá”.

Tạo dựng danh tính của mình

Bên cạnh những người "nghiện" tiêu thụ nội dung, cũng có những người dành rất nhiều thời gian chỉ để lên ý tưởng, quay nháp và chỉnh sửa những mẩu video 15 giây. Tính kể chuyện và sáng tạo khi tạo video ngắn là một công cụ để ta xây dựng một cốt truyện về bản thân. Bạn có thể hài hước với những câu chơi chữ, năng động với các thử thách nhảy, hoặc giàu suy tư với một kho nhạc lắng đọng.

tiktok
Thông qua việc sáng tạo nội dung, ai cũng có thể tự tạo một danh tính khác cho mình.

Theo giáo sư Nir Eyal, việc thích xem lại những mẩu Stories của mình có thể được giải thích bởi “hiệu ứng IKEA”. Đây là thiên kiến nhận thức khiến bạn định giá một sản phẩm cao hơn giá trị thực nếu đã bỏ ra nhiều công sức tạo nên nó. Xem lại những mẩu TikTok tấu hài mình đã mất công dàn dựng cũng là một cách để ta củng cố hình tượng hài hước trong lòng.

Đây có phải cách bạn hòa hoãn cảm xúc tiêu cực?

Chúng ta không còn xa lạ với những khuyến cáo về tác động tiêu cực của mạng xã hội, nhưng nếu các nền tảng này là cách để ta “trốn chạy” khỏi các cảm xúc tiêu cực hàng ngày?

Như giáo sư Nir Eyal tại Đại học Stanford, tác giả cuốn Hooked: How to Build Habit-Forming Products, trả lời về tính gây nghiện của Instagram: “Tôi nghĩ nguồn cơn đến từ cảm xúc nội tại, chúng ta đang tìm cách giải tỏa khỏi những nỗi phiền muộn, như cô đơn, chán nản, căng thẳng”.

tiktok
Chúng ta đắm mình vào những nội dung nhanh như một cách trốn chạy thực tại.

Trong cuộc sống áp lực, đặc biệt là khi giãn cách đầy cô đơn, tìm đến một thú vui giải tỏa dễ dàng là điều hoàn toàn tự nhiên. Nếu việc binge-watch là một cơ chế đối phó trước căng thẳng, ép bản thân từ bỏ mạng xã hội một cách cứng nhắc chưa chắc đã tối ưu.

Lúc này, bạn nên tìm những cơ chế đối phó thích ứng lành mạnh như chia sẻ với người thân, duy trì các sở thích và hoạt động thể chất. Các bài tập ổn định cảm xúc, thực hành chánh niệm cũng giúp bạn cân bằng tinh thần và giúp thời gian rảnh giàu ý nghĩa.

Tạo dựng thói quen tiêu thụ thông tin lành mạnh hơn cùng Vietcetera

Thanh lọc công nghệ là gì và có những bước nào để bạn dần thoát ly thiết bị điện tử và mạng xã hội?

Bài viết đưa ra lộ trình 6 bước đặt giới hạn trong việc tiêu thụ thông tin, cùng các tips cụ thể để bạn giảm thời gian và tần suất lên mạng.

Từ bỏ thói quen binge-watch không phải nhiệm vụ dễ dàng. Bài viết này giúp bạn lập kế hoạch từng bước để từ bỏ thói quen cũ và liên kết những thói quen mới vào cuộc sống hàng ngày.