Sách nhạy cảm trong trường quốc tế: Tranh luận "dâm hay không dâm" là chưa đủ | Vietcetera
Billboard banner

Sách nhạy cảm trong trường quốc tế: Tranh luận "dâm hay không dâm" là chưa đủ

Làm sao để có cách hiểu đúng và cách tiếp cận phù hợp với các yếu tố tình dục trong văn chương và nghệ thuật?
Sách nhạy cảm trong trường quốc tế: Tranh luận "dâm hay không dâm" là chưa đủ

Nguồn: Kala Books

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Gần đây, một phụ huynh có con đang học lớp 11 theo chương trình IB tại Trường Quốc tế Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự bức xúc trước cuốn sách Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của Ocean Vương - tác phẩm nhà trường phát cho học sinh đọc trong kỳ nghỉ lễ.

Vị phụ huynh đưa ra một số trích đoạn miêu tả cảnh làm tình. Chị cho rằng tác phẩm chẳng những không phù hợp để làm học liệu cho học sinh phổ thông, mà còn đang “đầu độc về mặt tinh thần” với “ngôn từ đồi trụy, nhớp nhúa, nội dung khiêu dâm…”

Nhiều người đồng tình với quan điểm của vị phụ huynh này và những đánh giá của chị về tác phẩm. Ở chiều ngược lại, một số người cho rằng không nên kết tội tác phẩm chỉ dựa vào một vài trích đoạn.

2. Tiểu thuyết của Ocean Vương có phải sách khiêu dâm?

Gần như tất cả những ai đã đọc cuốn tiểu thuyết của nhà văn đều đồng tình rằng cuốn sách là rất nhiều thứ, nhưng không phải là sách khiêu dâm. Qua motif “coming of age,” tác phẩm là lời tự thuật của một thiếu niên đang trưởng thành và những suy nghĩ của cậu về tình mẫu tử, thân phận người nhập cư, v.v.

Trích lời T.S. Đào Lê Na (Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh), tạp chí ZNews cho biết “việc miêu tả cảnh quan hệ đang gây tranh cãi lại là đoạn cần thiết vì nó liên quan đến vấn đề chủng tộc mà người nhập cư châu Á trên đất Mỹ phải đối mặt.”

Người đọc có thể có suy nghĩ và cảm nhận khác nhau về những phân đoạn gây tranh cãi. Nhưng theo nhận định của các nhà phê bình và những ai đã đọc sách, thì các phân đoạn này không nhằm mục đích khiêu dâm, mà có những vai trò nhất định trong cấu trúc của truyện và sự phát triển của nhân vật trong tác phẩm.

3. Khi nào thì một sản phẩm văn hóa là khiêu dâm?

Các yếu tố tình dục xuất hiện nhiều ở không chỉ văn chương, mà cả trong hội họa, điện ảnh, hay nhiếp ảnh. Tiểu thuyết Murakami và phim Yorgos Lanthimos có nhiều yếu tố tình dục, nhưng không có ai gọi Rừng Na Uy là dâm thư, cũng chẳng thấy ai xem Poor Things trên các trang phim người lớn.

Những “nhân vật” trong một video khiêu dâm chỉ làm tình, và làm tình chỉ để… làm tình. Trong khi đó, ở Poor Things, các cảnh làm tình có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện sự thay đổi trong nhân vật, đồng thời thúc đẩy diễn biến câu chuyện.

Trong cuốn sách Camera Lucida, nhà lý luận, phê bình người Pháp Roland Barthes đã đưa ra sự phân biệt giữa ảnh khiêu dâm (pornographic photograph) và ảnh khêu gợi (erotic photograph).

06may2024h3561l231127629jpg
Roland Barthes và Camera Lucida. | Nguồn: Theodore Bruce

Theo ông, ảnh khiêu dâm được xây dựng chỉ xoay quanh yếu tố tình dục và không có những tầng lớp khác, cả về cấu trúc của bức ảnh lẫn nội dung. Nói cách khác, khi xem một tấm ảnh khiêu dâm, ta không đọc được gì khác ngoài tình dục.

Ngược lại, ảnh khêu gợi cố gắng sử dụng các yếu tố thuộc về tình dục như các bộ phận cơ thể, sự chuyển động cơ thể, và sự động chạm cơ thể để biểu thị một hay một vài ý niệm khác. Ảnh khêu gợi không vật hóa bộ phận sinh dục, không cố gắng mô tả tình dục, mà sử dụng sự liên tưởng của người xem về tình dục để gợi những điều khác.

06may20241280pxedouardmanetolympiagoogleartprojectfxdjpg
Bức tranh Olympia của của Édouard Manet. | Nguồn: Google Art Project

4. Văn chương Việt dùng tình dục để nói điều gì?

Từ Hồ Xuân Hương tới Vũ Trọng Phụng, từ Nam Cao tới Vi Thùy Linh, từ Trần Vũ tới Y Ban - văn chương Việt không thiếu yếu tố tình dục, dù là kín đáo hay lộ liễu, nhẹ nhàng hay bạo liệt.

Thơ Hồ Xuân Hương là một trường hợp điển hình, với những hình ảnh thơ và lối mô tả lập lờ theo kiểu “tưởng vậy mà không phải vậy.” Nhưng sự lập lờ ấy không che giấu yếu tố tình dục như một loại cấm kỵ, mà thể hiện nó một cách lành mạnh và khỏe khoắn, đồng thời cho thấy những khao khát thể xác trong xã hội còn nhiều ràng buộc.

Vài trăm năm sau, Vi Thùy Linh tiếp nối mạch thơ Hồ Xuân Hương với cảm xúc mềm mại và nguồn cảm hứng hiện đại. Chị bày tỏ nỗi nhớ, nỗi thương trong tình yêu - những thứ không chỉ thuộc về miền ký ức của tâm trí, mà còn in hằn trên trí nhớ của cơ thể, trên những động chạm da thịt.

Trần Vũ là một trường hợp thú vị: tập truyện ngắn Phép tính của một nho sĩ (2019) có nhiều cảnh làm tình hay những cảnh khỏa thân trong nhiều truyện khác nhau, một số cảnh còn khá là bạo liệt. Nhưng không cảnh nào giống cảnh nào, mỗi cảnh lại có một mục đích khác nhau và miêu tả những cảm xúc, trạng thái khác nhau của nhân vật.

06may2024so23docsachjpg
Nguồn: Khoa học & Phát triển

Truyện ngắn Gia phả là một tác phẩm như vậy. Truyện mở đầu bằng cảnh sinh nở đầy máu me, tiếp diễn với những động chạm cơ thể thầm kín, chạm tới đỉnh điểm với cảnh một gã đàn ông trần truồng cầm đao chém ngựa rồi cưỡng hiếp người phụ nữ.

Nhưng tất cả những yếu tố bạo liệt về tình dục và thể xác không xuất phát từ ý định dâm đãng, mà là chỉ dấu thể hiện những chi tiết và ý đồ khác nhau của tác phẩm. Cụ thể những chi tiết và ý đồ đó là gì, bạn đọc hãy tự tìm hiểu tại đây nhé.

5. Còn những câu hỏi nào chưa được trả lời thỏa đáng?

Những thắc mắc theo kiểu "tại sao lại dạy con tôi cái này" diễn ra trên toàn cầu. Người ta cãi nhau về việc dạy và học nhiều tác phẩm, phần nhiều trong đó là văn chương kinh điển.

Để giải quyết vấn đề này một cách rốt ráo, có lẽ chúng ta nên đi xa hơn là cuộc thảo luận về "dâm hay không dâm." Chúng tôi xin đưa ra hai câu hỏi để độc giả có thể tiếp tục suy nghĩ nhằm hướng tới những giải pháp cho tương lai.

Trong mạch trao đổi và thảo luận về vụ việc, dường như không ai đề cập tới các vấn đề về việc chọn tài liệu để đưa vào chương trình dạy học. Đâu là những phương pháp, quy trình, nguyên tắc, tiêu chí để lựa chọn học liệu phù hợp cho thanh thiếu niên?

Phải có những yếu tố này, ta mới có thể giải quyết rốt ráo câu hỏi về sự phù hợp của Ocean Vương và nhiều tác giả khác trong chương trình học.

Hơn nữa, nhiều tác phẩm văn chương kinh điển rất khó đọc, cả bởi những yếu tố bị cho là nhạy cảm, lẫn sự đồ sộ và phức tạp về cấu trúc hay tư tưởng. Làm sao để nhà trường và phụ huynh có thể cùng thanh thiếu niên đọc sách, khám phá văn chương, và định hướng thẩm mỹ mà không gặp phải những “tai nạn” như vụ việc lần này?