Theo một thống kê, trung bình mỗi năm người Việt chỉ đọc 0.8 cuốn sách. Cũng là những nước Á Đông, con số đó của người Trung Quốc và người Nhật là 4.99 và 20.
Những năm gần đây, “văn hoá đọc” được truyền thông đến công chúng như một chân lý mới. Việc đọc nhiều sách vì vậy, dường như trở thành một kim chỉ nam. Tâm lý ép chỉ tiêu cho việc đọc vì thế trở thành một xu hướng trong xã hội.
Chúng ta nên có cái nhìn thế nào về tâm lý ép chỉ tiêu cho việc đọc này? Có cách nào để đọc sâu thay vì đọc rộng hay không?
Đừng ép chỉ tiêu cho việc đọc
Có lẽ không ít người Việt coi chuyện ít đọc là một vấn nạn. Nhiều blogger và YouTuber được thời cũng nổi lên bằng cách truyền cảm hứng đọc cho công chúng.
Theo dõi trên mạng, tôi còn thấy một blogger nọ khoe rằng mỗi ngày anh đọc hết một cuốn sách, nên mỗi năm số sách anh đã đọc rơi vào tầm hơn 300 cuốn. Anh nhiệt liệt tổng kết “thành tích” của mình bằng cách chụp hình bên cạnh một chiếc bàn bày biện la liệt hàng trăm cuốn sách.
Ai cũng biết đọc nhiều sách là tốt, nhưng chọn sách gì để đọc thì ít người trả lời được. Nắm bắt được tâm lý ép chỉ tiêu, các đơn vị xuất bản đổ rất nhiều tiền vào thiết kế bìa sách và đặt tên tác phẩm khơi gợi, hấp dẫn.
Có thời gian làm việc trong thị trường xuất bản, tôi hiểu rằng phải bán được sách, đơn vị xuất bản mới có tiền để đầu tư vào các tác phẩm có độ dày về chất xám.
Nhưng trong giai đoạn “tích luỹ tư bản”, nếu nội dung sách không được đầu tư đúng mức, liệu độc giả chạy theo chỉ tiêu có bị “ngộ độc” giữa một biển kiến thức vàng thau lẫn lộn?
Có phải cứ đọc nhiều là tốt?
Số lượng sách chúng ta đọc mỗi năm không phản ánh thực chất “văn hoá đọc”. Nếu coi sách là công cụ lan tỏa tri thức, thì việc đọc thật nhiều để lấy thành tích thay vì am hiểu tường tận những gì ta đã đọc đã làm tri thức rơi rớt đi phần nhiều.
Đọc quá nhiều sách mà không có trọng tâm, không có suy tư, thì cũng giống như tiêu thụ thông tin trên mạng xã hội. Một biển câu chuyện tấm gương và các bài học kinh nghiệm có khi còn gây hại cho chúng ta, nếu ta thực sự đọc hết những gì mình mua.
Người đọc sẽ rơi vào trạng thái lo lắng và tự ti ở bản thân, vì thấy mình thiếu quá nhiều phẩm chất so với những hình mẫu đã được đánh bóng phần nào trong các đầu sách self-help. Chưa kể, gần đây giá thành sách ngày càng đắt đỏ trong khi hầu bao của chúng ta (có khi) không rộng ra là mấy.
Close reading: Học cách đọc sâu từ các nhà nghiên cứu
Trong ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn, chúng tôi có một phương pháp đọc tên là close reading. Phương pháp này được sử dụng để phân tích các tác phẩm hàn lâm cực khó đọc, hoặc các văn bản cổ, cần đọc trong sự liên kết với vô số văn bản thứ cấp thì mới hiểu được.
Phương pháp close reading yêu cầu bạn đọc xác định rõ ràng lĩnh vực mình quan tâm, cũng như cam kết tìm hiểu sâu một tác giả trong lĩnh vực đó. Giả dụ, tôi là một người rất thích triết học, và triết gia yêu thích của tôi là Gilles Deleuze - một học giả Pháp vô cùng nổi tiếng trong nửa sau của thế kỷ 20.
Áp dụng close reading, tôi sẽ đọc kỹ đến từng câu, từng từ và từng chữ trong tác phẩm của Deleuze. Song song với đó, tôi có thể đọc vô vàn cuốn sách diễn giải lại ý tưởng của tác giả vô cùng phức tạp này, để hiểu những nguồn cơn khiến ông sử dụng những khái niệm như vậy.
Tiểu sử của tác giả cũng giúp tôi tường tỏ những nguồn cảm hứng học thuật của Deleuze, khiến tôi phải đọc thêm các tác phẩm của Spinoza, Bergson và Nietzsche (đều rất khó đọc).
Tôi nhận thấy, close reading hoàn toàn có thể áp dụng vào công cuộc phiêu lưu sách vở của độc giả đại chúng.
Vì sao nên áp dụng close reading?
Đọc nghiêm túc tốt hơn đọc nhiều!
Lý do đầu tiên vì nó yêu cầu ta phải nghiền ngẫm một tác phẩm thực sự sâu và nghiêm cẩn, để hiểu kỹ càng và có thể phê bình lời tác giả truyền đạt. Lý do thứ hai, chỉ chú tâm tìm hiểu một vài tác phẩm mỗi năm - giống như các nhà nghiên cứu sẽ giúp bạn tiết kiệm được vô số tiền mua sách.
Phương pháp đọc này tiêu tốn của tôi mất cả một năm trời, có khi chỉ để đọc hết một cuốn sách. Nhưng điều đó không có nghĩa là đọc ít.
Tác phẩm cần đọc sâu ở đây đóng vai trò như xương sống. Những tác phẩm có liên quan sẽ dần được động tới trong quá trình đi dọc sống lưng đó.
Gợi ý một lộ trình đọc sách quy củ
Bên cạnh những lợi ích như tiết kiệm được tiền mua sách và hiểu thấu đáo tác phẩm, close reading còn gợi ý cho ta một lộ trình đọc sách quy củ.
Trước khi bước vào quá trình close reading, chúng ta cần phải cân nhắc xem cuốn sách nào xứng đáng để dành nhiều thời gian đọc đến vậy. Những tác phẩm đồ sộ về nội dung nên được ưu tiên khi ta đưa ra sự lựa chọn của mình.
Sau khi lựa chọn được tác phẩm “xương sống”, ta có thể dựa vào các bài review và tiểu sử tác giả để tìm thêm những cuốn sách và cây viết “dễ nhằn” hơn. Sự đọc sau đó sẽ diễn ra song song giữa tác phẩm chính và các tác phẩm có liên quan.
Kết quả là, dù chỉ tìm hiểu một chủ đề, số lượng sách vở ta đồng hành cùng chuyến hành trình tri thức nhiều không kém so với đọc nhiều chủ đề tràn lan.
Rèn luyện khả năng phân tích và phê bình tác phẩm
Cuối cùng, và cũng là quan trọng nhất, close reading rèn luyện cho người đọc khả năng phân tích và phê bình tác phẩm. Hãy chớ nghĩ rằng những tri thức sách vở là chân lý. Đọc sách cũng không phải là hấp thụ một chiều tri thức từ bên ngoài vào não mình.
Đọc tức là liên tục đối thoại với tác phẩm và tác giả, ngay cả khi người viết đã qua đời được nhiều thế kỷ. Đây là cách ý tưởng và tâm hồn của những người uyên bác được “sống” tiếp trong thời đại không phải của họ.
Học cách đọc chủ động với phương pháp journaling
Trong phương pháp close reading, đọc sách phải được thực hiện song song với diễn giải tác phẩm. Cầm cây bút hoặc chiếc máy tính trên tay, độc giả vừa tỉ mỉ đánh dấu những từ khóa cần thiết, vừa ghi chép lại các luận điểm chính trong tác phẩm theo ý hiểu của chính mình.
Journaling là phương pháp ghi chép và thu thập dữ liệu vô cùng phổ biến trong Khoa học Xã hội và Nhân văn. Sử dụng phương pháp này, ta ghi chép lại những trải nghiệm tức thời của mình khi tiếp xúc với xã hội, hay trong tình huống này là khi đọc tác phẩm.
Journaling cũng cho phép bạn hồi cố lại những kinh nghiệm quá khứ có liên quan đến tác phẩm mình đang đọc. Cái đầu của độc giả khi đọc sách khi ấy sẽ luôn hoạt động hết công suất. Họ phân tích, ghi nhớ, so sánh, đối thoại với văn bản và với chính bản thân mình.
Đối với độc giả đại chúng, hãy nghĩ journaling là cách chúng ta lưu giữ lại chuyến hành trình cá nhân của mình khi đi song hành cùng sách vở. Là một người khéo tay, bạn có thể ghi chép lên một cuốn sổ nhật ký và trang trí nó với những bức ảnh, những tờ báo và những kỷ vật có liên quan đến cuốn sách bạn đọc.
Bạn cũng có thể đăng những ghi chép này lên internet dưới dạng blog, đảm bảo sẽ có người quan tâm. Thậm chí bạn còn tìm thấy những người đồng hành đọc sách thông qua internet nữa.
Nhiều học giả lớn trên thế giới cũng trưởng thành từ các nhóm đọc sách. Họ ngồi quây quần, vừa đọc, vừa thảo luận sâu về tác phẩm, rồi viết tác phẩm nghiên cứu của mình thông qua những ý tưởng thu lượm được từ các cuộc đối thoại.
Kết
Không ai phủ nhận vai trò lớn lao của việc đọc sách. Tuy nhiên, nếu không có một kế hoạch cụ thể và một tinh thần tiếp thu tri thức, đọc sách nhiều có thể gây “nghẹn”.
Close reading chỉ là một trong nhiều phương pháp giúp việc đọc hiệu quả hơn. Nhưng đối với tôi, đó là lối đọc quyến rũ nhất. Với close reading, chúng ta bắt trọn mạch sống của tác giả thông qua những đối thoại trong đầu và đối thoại với người khác.
Giá trị của sự đọc có lẽ nằm ở sự tường tỏ thế giới ý niệm của người viết, và làm giàu không gian hiểu biết của chính mình thông qua trao đổi. Trong đối thoại với kiến thức, những chân trời mới của sự sống như được mở ra cho bạn và tôi.