Savior complex: Từ thiện vì mình chứ vì ai! | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Savior complex: Từ thiện vì mình chứ vì ai!

Đôi khi, một việc làm tốt có thể để lại những hệ quả chưa tốt.
Savior complex: Từ thiện vì mình chứ vì ai!

Nguồn: e-international relations

1. Savior complex là gì?

Savior complex, tức phức cảm cứu rỗi, là một trạng thái tâm lý khiến cho một người tin rằng mình có khả năng và nghĩa vụ cứu giúp những người khác, kể cả khi họ không cần sự giúp đỡ. Savior complex còn có những tên khác như white knight complex and Messiah complex.

Phức cảm cứu rỗi không phải là một hiện tượng lạ, mà diễn ra thường xuyên quanh ta với nhiều mức độ khác nhau. Các dự án từ thiện thiếu sự tính toán và nhạy cảm về mặt đảm bảo danh dự cho người nhận từ thiện là một ví dụ điển hình. Điểm mấu chốt để nhận ra hiện tượng này là sự áp đặt về suy nghĩ và hành động của người cứu rỗi với người được cứu rỗi.

2. Nguồn gốc của savior complex?

Ta không nắm được thời điểm ra đời của cụm từ này. Tuy nhiên, từ những năm 40 của thế kỷ trước, thuật ngữ “savior complex” đã xuất hiện trong các tác phẩm tiểu thuyết, và tới những năm 50, 60 thì xuất hiện trong những sách về tâm lý học và phân tâm học tại phương Tây.

Ngày nay, bên cạnh việc tiếp cận phức cảm cứu rỗi như một hiện tượng tâm lý, các nhà nghiên cứu cũng nhìn nhận nó như một hiện tượng chính trị, xã hội. Cách tiếp cận này có thể sử dụng để phê phán một số chương trình cứu trợ nhân đạo hay xóa đói giảm nghèo của phương Tây.

01jun2023telemmglpict000316299847transnvbqzqnjv4bqpvlberwd9egfpztclimqf0jyi0jppd6zx1hiwtphlcjpg
Phu nhân Tổng thống Hàn Quốc bị cáo buộc sử dụng chương trình từ thiện để đánh bóng hình ảnh cá nhân. | Nguồn: Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc/The Telegraph

Sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, các nước phương Tây muốn tăng cường sự hiện diện của mình tại các nước thứ ba. Họ làm điều này thông qua những dự án phát triển và thiện nguyện.

Thế nhưng những chương trình đó không thực sự mang lại lợi ích, mà còn tạo ra nhiều vấn đề hơn. Quần áo họ quyên góp không phù hợp nên cuối cùng đều trở thành rác. Tri thức họ dạy không hướng đến việc bảo tồn văn hóa hay cải thiện cuộc sống, mà làm mai một lối sống truyền thống.

3. Vì sao savior complex lại phổ biến?

Vào thế kỷ trước, khi các nước đế quốc bành trướng lãnh thổ và thâu nạp thuộc địa, một trong những luận điểm mà các đế quốc sử dụng để biện minh cho hành động của mình là họ đang “khai hóa” và giúp đỡ người dân thuộc địa trở nên “văn minh” hơn. Để làm điều đó, họ ép buộc nhân dân thuộc địa phải chấp nhận các giá trị văn hóa, xã hội, và kinh tế của phương Tây với niềm tin rằng những giá trị ấy là những giá trị tốt nhất, phù hợp nhất cho tất cả mọi người.

Tất nhiên, những người dân thuộc địa không cần trợ giúp, hoặc ít nhất là không cần kiểu “trợ giúp” mà các đế quốc ban phát. Chính quyền thực dân chỉ làm vậy để củng cố địa vị và quyền lợi của mình, chứ không có ý định cải thiện đời sống cho những người mà họ cho là thấp kém.

Savior complex xuất hiện phổ biến hơn từ cuối thế kỷ trước, với những hệ quả nhãn tiền của những dự án phi chính phủ ngắn hạn từ phương Tây. Với sự phát triển của internet và các loại hình truyền thông đại chúng, hiện nay savior complex thường xuất hiện trong những chiến dịch truyền thông, những chương trình chính trị, và trớ trêu thay là cả những dự án từ thiện với ý nguyện giúp đỡ những người khó khăn.

Các chương trình truyền thông thường xuyên khắc họa hình ảnh các nước thứ ba trong tình trạng kiệt quệ và nghèo đói để gia tăng sự đồng cảm và ham muốn của những người dư giả.

Điều đáng nói là mong muốn giúp đỡ ở đây là để củng cố vị thế, quyền lực, và những lợi ích của người làm từ thiện, đồng thời mang lại cảm giác thoải mái về mặt đạo đức cho họ. Trên thực tế, chính sự tiêu thụ hàng hóa vô độ và góc nhìn mang tính áp đặt vị thế của những người làm từ thiện mới là nguồn cơn của sự nghèo đói tại những vùng khó khăn.

Một ví dụ cho hiện tượng này là thực trạng đang diễn ra tại Ghana. Là một quốc gia châu Phi, đất nước này thường xuất hiện trên truyền thông với ấn tượng về sự nghèo đói, lạc hậu, chậm phát triển và cần sự cứu trợ. Nhưng không nhiều người nhận ra rằng Ghana là “bãi rác” thời trang của thế giới.

01jun2023e31dc4f6c28e1c7960903478091c18981jpg
Núi rác quần áo khổng lồ tại Ghana. | Nguồn: ABC News

Xu hướng thời trang nhanh và thói quen tiêu dùng, may mặc bừa phứa khiến cho rất nhiều áo quần trở nên thừa thãi và phải vứt bỏ, và Ghana là điểm đến. Hàng triệu bộ quần áo cũ tràn tới quốc gia này mỗi ngày, gây ra những vấn đề lớn về môi trường và xã hội.

4. Cách dùng savior complex

Tiếng Anh:

A: What are those kids doing in Đen’s show? And why are people looking at them with that pathetic glance?

B: It’s savior complex bro. It makes the audience feel better about themselves.

Tiếng Việt:

A: Sao lại có trẻ con ở show của Đen vậy? Với cả tại sao người ta cứ nhìn các em với ánh mắt thương hại ấy?

B: Phức cảm cứu rỗi đó bồ tèo. Người ta làm vậy vì nó làm họ thấy khá khẩm hơn về bản thân mình.