Sophomaniac - Những người ảo tưởng trí thông minh | Vietcetera
Billboard banner
06 Thg 01, 2023
Sáng TạoTruyền ThôngBóc Term

Sophomaniac - Những người ảo tưởng trí thông minh

Sophomaniac được sử dụng khái quát để chỉ một giai đoạn ám ảnh quá mức về bản thân hoặc kiểu người quá tự cao.
Sophomaniac - Những người ảo tưởng trí thông minh

Nguồn: Unsplash

1. Sophomaniac là gì?

Sophomaniac là kiểu người ảo tưởng rằng bản thân thông minh vượt bậc hơn người khác hoặc hơn bản chất thực tế của vấn đề. Họ bỏ ngoài tai mọi ý kiến trái chiều và “sống chết” bảo vệ quan điểm hoang đường của bản thân.

Đây không phải là thuật ngữ chuyên ngành y khoa. Sophomaniac được sử dụng khái quát để chỉ một giai đoạn ám ảnh quá mức về bản thân hoặc kiểu người quá tự cao. Dưới đây là một vài ví dụ:

  • Người “đốt” tiền lương nửa năm vào chiếc túi hiệu họ mới thấy vài phút trước nhưng vẫn nghĩ mình xài tiền hợp lý.
  • Người sếp tự mặc định giải pháp của mình sáng suốt hơn toàn bộ nhân viên để rồi nhận cái kết thất bại.
  • Người nghĩ mình là Sherlock Holmes, đi phá những vụ án mất bút chì và kết tội lung tung.

Tuy vậy, một số trường hợp về sophomaniac vẫn mang những dấu hiệu liên quan đến chứng loạn thần (psychosis) và rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder):

  • Nói nhanh và loạn xạ, không cho người khác hiểu.
  • Nghĩ bản thân là trung tâm của vũ trụ.
  • Sợ hãi hoặc hoang tưởng rằng bản thân sẽ đánh mất các mối quan hệ.
  • Có cảm giác luôn bị đánh giá, theo dõi.
  • Ảo giác về những thứ mà người khác có thể không nhìn thấy.
  • Hưng phấn tột độ vì bản thân xuất chúng nhưng nhanh chóng hối hận sau đó.

2. Nguồn gốc của sophomaniac

Tiền tố sopho- xuất phát từ tiếng Hy Lạp “sophos,” có nghĩa là thông thái hoặc khôn ngoan. Sophos cũng được đề cập trong cụm “Agathos kai sophos” (tốt và thông minh) do triết gia Plato đặt ra để mô tả phẩm chất của một người đàn ông chính trực.

Từ maniac lần đầu được ghi nhận vào khoảng đầu thế kỷ 16, có nguồn gốc từ tiếng Latinh Trung đại là “maniacus” - chỉ chứng điên loạn.

Nguyên thuật ngữ sophomaniac gia nhập Urban Dictionary từ năm 2017 bởi tài khoản tên Keen elbow.

3. Vì sao sophomaniac trở nên phổ biến?

Một đặc điểm nổi trội của sophomaniac là bất chấp bảo vệ quan điểm dù phải dùng đến bạo lực, mạt sát. Điều này được thấy nhiều nhất trên không gian mạng - sàn đấu knockout của các “anh hùng bàn phím.” Mỗi bên đều muốn luận điểm của mình nhanh giành phần thắng mà không cần có đầy đủ dẫn chứng như viết nghiên cứu.

Giải thích hiện tượng này, chuyên gia giáo dục về môi trường mạng Mike Ribble cho rằng việc không được tiếp xúc vật lý, không nhìn thấy cơ thể, biểu cảm của nhau khiến chúng ta khó thấu cảm và nhân từ với nhau.

Các nhà nghiên cứu gọi đó là “online disinhibition effect” (hiệu ứng giải ức chế trên mạng) - xu hướng con người dễ bộc lộ cảm xúc quá trớn trên mạng.

Sophomaniac cũng có thể được hình thành từ hiệu ứng Dunning-Kruger. Đây là một loại thiên kiến nhận thức khi con người đánh giá khả năng và kiến thức của bản thân cao hơn thực tế. Vì bỏ qua khuyết điểm và khuếch đại ưu điểm, sophomaniac càng dễ tự củng cố niềm tin về trí tuệ “siêu phàm.”

Dưới góc nhìn nhân văn, ảo tưởng được coi là một nỗ lực có ý nghĩa để cá nhân duy trì nhận thức về chính mình trước sự ngược đãi và thờ ơ của người khác. Từ đó, phương pháp hỗ trợ cho sophomaniac là cung cấp một môi trường an toàn, đồng cảm, chân thật và quan tâm tích cực vô điều kiện.

Tuy nhiên, sự thông minh vẫn là một tiêu chuẩn còn mơ hồ. Sao chúng ta có thể chắc chắn những thuyết âm mưu như NASA che giấu việc Trái Đất phẳng là thật hay là sản phẩm của ảo tưởng? Phạm vi kiến thức có hạn của con người chưa đủ để phân bua những lý luận có hoang đường hay không.

Đặc biệt, theo nhà tâm lý học Howard Gardner, có ít nhất 8 loại hình thông minh và còn nhiều loại khác được đặt tên sau này. Vậy nên về bản chất, trong chúng ta đều tồn tại sự thông minh và ngu ngốc do cách ta tự áp đặt.

Điểm mấu chốt ở sophomaniac là tính bảo thủ, thiếu cởi mở với những luồng ý kiến đa chiều. Để hạn chế những cuộc đấu đá vô bổ và sự ngạo mạn quá đà, chúng ta cần rèn luyện tư duy phản biện, lắng nghe người khác và thách thức suy nghĩ của chính mình.

4. Cách dùng sophomaniac

Tiếng Anh

A: Have you seen this sophomaniac's video?

B: Is that the guy who shows off his math scores and then calls everyone stupid like a 3-year-old kid?

Tiếng Việt

A: Bà xem video của cái ông bị “ảo tưởng sức mạnh” này chưa?

B: Có phải là cái người mà khoe ầm điểm toán lên rồi chê ai cũng ngu như con nít lên 3 không?