Cái chết trên vô tuyến - Ranh giới giữa sự chân thực và quyền riêng tư | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Cái chết trên vô tuyến - Ranh giới giữa sự chân thực và quyền riêng tư

Vẻ đẹp của báo chí là vẻ đẹp của những cân nhắc đạo đức.
Cái chết trên vô tuyến - Ranh giới giữa sự chân thực và quyền riêng tư

“Mỗi tấm ảnh là một quyết định đạo đức được thực hiện trong một phần tám giây”. | Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

Thế giới này cần những thước tư liệu chân thực

Từ câu chuyện của "Cô gái Napalm"

Trong tiểu thuyết The Ground Beneath Her Feet, tác giả Salman Rushdie viết: “Mỗi tấm ảnh là một quyết định đạo đức được thực hiện trong một phần tám giây”.

Trong một phần tám giây ấy, vào ngày 08 tháng 06 năm 1972, nhiếp ảnh gia Nick Út đã chụp lại hình ảnh cô bé Phan Thị Kim Phúc, 9 tuổi, với da thịt và quần áo bị đốt sạch do vụ nổ bom Napalm của người Mỹ.

Ngay sau đó một ngày, tấm ảnh của Nick được in trên trang đầu của The New York Times. Ban đầu, những người kiểm duyệt nội dung ngại ngùng vì cô gái trong tấm ảnh đang khoả thân. Nhưng sau đó, người chịu trách nhiệm nội dung của Nick đã cho phép tấm ảnh trở thành một ngoại lệ.

“Cô gái Napalm (tên bức ảnh)” là một cú sốc khổng lồ đối với công chúng Mỹ. Họ đã nhận ra rằng cuộc chiến của tổ quốc mình trên lãnh thổ của một dân tộc khác là một cuộc chiến tàn bạo và phi nghĩa.

Sự tồn tại của những thước phim, tấm ảnh ghi lại những khoảnh khắc thảm hoạ chân thực như “Cô gái Napalm” là cần thiết, vì chúng thách thức thế giới quan của khán giả đại chúng. Chúng cho khán giả truyền thông thấy những gì họ từng tin yêu - như trong trường hợp của “Cô gái Napalm” là chính phủ Mỹ - hoá ra không phải hoàn toàn tốt đẹp.

Sức sống mãnh liệt của “Cô gái Napalm”, bao gồm cả tấm ảnh, và cô gái ngoài đời thật, là một điều thần kỳ. Nói không ngoa, một cô gái 9 tuổi đã góp phần thay đổi cục diện chiến tranh ở Việt Nam.

Đến câu hỏi về vấn đề danh tính nhân vật

Giống như bức ảnh của Nick, thước phim quay lại cảnh hai quả bom nguyên tử nổ trên bầu trời Hiroshima và Nagasaki năm 1945, hay cảnh hai toà tháp đôi của khu phức hợp trung tâm thương mại thế giới sụp đổ trong sự kiện 11/09 đã khắc họa sự tàn khốc của chiến tranh.

Mới đây, bộ phim tài liệu Ranh giới của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cũng nói điều tương tự về bệnh dịch. Chúng nhắc nhở khán giả truyền thông rằng để gìn giữ thứ bình yên họ đang hưởng, biết bao mạng sống đã ngã xuống.

Dẫu vậy, tôi không thể ngừng băn khoăn về việc nạn nhân của những thảm kịch phía trên có thể vượt qua quá khứ đau buồn của họ để hướng tới tương lai hay không? Sự chân thực của những tác phẩm báo chí có xứng đáng để đánh đổi quyền riêng tư của những nạn nhân hay không?

Những câu hỏi đó, chỉ lịch sử mới có thể trả lời. Song đứng ở góc độ của một công chúng truyền thông và một người làm truyền thông, tôi thấy mình cũng phải đối diện với những chất vấn đạo đức cụ thể, chứ không thể đẩy hết trách nhiệm cho lịch sử.

Trong bài viết này, tôi sẽ liệt kê những tình huống tiến thoái lưỡng nan mà người làm báo phải đối mặt khi đứng trước lựa chọn bảo vệ danh tính của nhân vật hay vén màn sự thật nghiệt ngã.

Sự tồn tại của những thước phim, tấm ảnh ghi lại những khoảnh khắc thảm hoạ chân thực là cần thiết, vì chúng thách thức thế giới quan của khán giả đại chúng.

Ranh giới nào giữa công lý của nạn nhân và mưu cầu sự nghiệp của tác giả?

Hình ảnh thô không nhất thiết là sự thật khách quan

Thật khó để kiểm chứng ý định của tác giả khi tạo ra tác phẩm báo chí. Liệu họ hướng tới một xã hội tin vào công lý và sự thật hơn, hay để khẳng định ngón nghề trong sự nghiệp?

Mô tả sự chân thực của cuộc sống, đối với học giả truyền thông John Fiske, đôi khi là một cái bẫy. Lột trần sự thật về nỗi khổ của con người là điều nhà báo nào cũng muốn làm. Vì bên cạnh lý do nhân đạo, tính chân thực còn là thước đo cho sự thành công của tác giả.

Nhưng sự chân thực không chỉ nằm ở một bức ảnh thô hay một thước phim không cắt cúp. Trong cuốn Television Culture, John Fiske nói lý do một tác phẩm báo hình được công chúng tin là chân thực không phải vì nó sao chép lại toàn vẹn nhất thực tiễn cuộc sống, mà vì nó củng cố thêm những gì công chúng đã tin là sự thật.

Hay đối với nhà xã hội học Erving Goffman, vốn dĩ chúng ta đã không nhìn thế giới này như là chính nó, mà ta luôn cố gắng ướm những gì mình thấy với thiên kiến sẵn có của mình.

Từ ý của John Fiske và Erving Goffman, ta có thể thấy sẽ là ngây thơ khi tin rằng những hình ảnh thô là đại diện toàn đích nhất của sự thật khách quan. Thực tế, những gì được nằm trong hoặc bị loại thải khỏi khung hình đều thuộc về ý muốn chủ quan của tác giả.

"Mô tả sự chân thực đôi khi là một cái bẫy"

Như vậy, vẻ đẹp của một tác phẩm báo chí không phải vẻ đẹp của thực tiễn nó mô tả được, mà là vẻ đẹp của những cân nhắc đạo đức từ phía tác giả. Chắc hẳn, hai tác giả Nick Út và Tạ Quỳnh Tư đã phải thấu cảm tuyệt đối với nỗi đau của cô gái Napalm và những bệnh nhân qua đời vì đại dịch.

Tất nhiên, niềm ham muốn tạo ra một tác phẩm để đời của người làm báo là hoàn toàn chính đáng. Nhưng niềm ham muốn này nên cân bằng với danh dự và công lý dành cho nhân vật báo chí.

Bộ luật Dân sự năm 2015, số 91/2015/QH13 quy định tại điều 32 rằng trường hợp sử dụng hình ảnh của công dân mà không cần đến sự đồng ý của họ là khi “hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng”.

Tuy nhiên, tại điều 38 quy định về bí mật đời tư và bí mật gia đình, pháp luật không có ngoại lệ cho việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin của công dân và người thân ruột thịt của họ.

Với Ranh giới, việc quay lại cái chết của một bệnh nhân, và những giọt nước mắt đau đớn của bố cô ấy vì thế dường như còn thiếu cân nhắc.

"Chúng ta đã không nhìn thế giới này như là chính nó, mà ta luôn cố gắng ướm những gì mình thấy với thiên kiến sẵn có của mình."

Sự đồng thuận đôi khi là chưa đủ

Đồng thuận và đồng ý là hai phạm trù khác nhau

Một trong những nguyên tắc đạo đức quan trọng nhất của làm phim tài liệu là tác giả phải có được sự đồng thuận lên hình của nhân vật. Điều này có thể mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự năm 2015, vốn nêu rõ tiêu chí “đồng ý” chứ không phải “đồng thuận”.

Quả thực, sự đồng thuận và sự đồng ý là hai phạm trù khác nhau. Khi nhân vật nói họ đồng ý lên hình, họ phải có đủ điều kiện để suy nghĩ như một con người tự do, chứ không bị trói buộc bởi hoàn cảnh.

Nhà làm phim David Sington thậm chí còn đưa ra tiêu chí rằng người làm phim phải chạy theo đời sống của nhân vật, do nhân vật làm chủ. Điều không được phép là nhà làm phim vẽ ra trước một kịch bản và bắt nhân vật phải ướm mình theo kịch bản đó.

Nhà triết học văn hoá Antonio Gramsci thì chỉ rõ rằng bên trong sự đồng thuận là uy quyền của người tạo câu chuyện đối với nhân vật của câu chuyện đó. Khi nhân vật nói mình đồng thuận, yếu tố về tính tự ra quyết định của họ không được quan tâm tới.

Người tác giả có thể làm gì?

Một tác giả công tâm sẽ có những suy tư của riêng mình trong việc giữ hay bỏ những tình tiết quá cá nhân, dù đã có sự đồng thuận của nhân vật.

Nếu không thể đạt tới sự đồng ý hoàn toàn, tác giả vẫn có cách để bảo vệ nhân vật của mình, bằng cách cảnh báo trước về việc bi kịch của cuộc đời họ đã được lưu trữ và có thể gây cảm giác đau đớn trong tương lai. Quá trình tạo đồng thuận cần những cuộc đối thoại nghiêm túc, hơn là ký tươi lên một mảnh giấy.

Điều quan trọng của sự đồng ý và đồng thuận giữa tác giả và nhân vật nằm ở chỗ tác giả nhận thức được rằng mình đang sử dụng câu chuyện của người khác làm chất liệu cho sự nghiệp của mình.

"Người làm phim phải chạy theo đời sống của nhân vật, do nhân vật làm chủ."

Và nhân vật, họ cũng có quyền được lãng quên

Câu hỏi lớn nhất đối với các nhân vật của tác phẩm báo chí khai thác chủ đề bi kịch là: Họ đồng thuận với việc được lưu trữ lại nỗi đau của mình vào lúc này, nhưng trong tương lai, họ có thể chịu đựng được chuyện quá khứ không ngủ yên hay không? Vì sau thảm kịch, cuộc đời kế tiếp của nạn nhân vẫn có thể bị sa lầy trong đầm lầy quá khứ.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, sự lãng quên trở thành một quyền con người. Quyền được lãng quên (right to be forgotten) khẳng định rằng cá nhân được phép yêu cầu xoá bỏ thông tin riêng tư của mình trên truyền thông. Đặc biệt nếu thông tin riêng tư ấy có chứa đựng nỗi khổ đau của họ.

Tôn trọng quyền được lãng quên chính là tôn trọng phẩm giá của con người. Nó khẳng định rằng bi kịch quá khứ không định nghĩa toàn bộ sự tồn tại của cá nhân đó.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã tôn trọng quyền này của bệnh nhân, khi anh chấp nhận xoá bỏ toàn bộ những thước phim liên quan đến một nhân vật không đồng thuận cho quay phim. Đối với những bệnh nhân có sức khoẻ quá nguy kịch, đạo diễn không để ekip quay họ trực diện.

Tuy vậy, anh đã không cảnh báo cho cả khán giả lẫn nhân vật nỗi đau họ phải chịu đựng khi tác phẩm của anh được công chiếu.

Sau thảm kịch, cuộc đời kế tiếp của nạn nhân vẫn có thể bị sa lầy trong đầm lầy quá khứ.

Để khán giả đại chúng tham gia vào lịch sử

Giá trị của Ranh giới là gì? Có lẽ chỉ lịch sử mới có thể định đoạt. Đặc biệt là khi tác phẩm rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan của đạo đức mà thời đại chúng ta sống chưa giải quyết được.

Điều rất tình cờ đó là, Ranh giới mà Tạ Quỳnh Tư đặt ra vừa là lằn ranh giữa sự sống và cái chết, vừa là biên giới giữa tính chân thực và nhân phẩm con người. Vượt qua được giai đoạn bi kịch, con người vẫn là những kẻ chèo lái dòng chảy của lịch sử, chứ không bị nó nhấn chìm.

Tham gia vào câu chuyện về phẩm giá con người, khán giả đại chúng như ta cũng là những người làm nên lịch sử. Vì vậy, hãy giữ lấy tư duy phản biện đối với mọi thông tin được đưa tới mình. Đừng thoả hiệp chỉ để thoả mãn cảm xúc nhất thời.