Superiority complex: Khi gu của tôi luôn hay hơn gu của bạn | Vietcetera
Billboard banner

Superiority complex: Khi gu của tôi luôn hay hơn gu của bạn

Một người tỏ ra thượng đẳng về gu và quan điểm của họ, thực ra lại có những tự ti thầm kín.
Superiority complex: Khi gu của tôi luôn hay hơn gu của bạn

Nguồn: Gui Spinardi @ Pexels

1. Superiority complex là gì?

Superiority complex, hay phức cảm thượng đẳng là cơ chế phòng thủ hình thành khi con người cảm thấy tự ti, thấp kém về một khía cạnh nào đó. Biểu hiện của phức cảm này là kiêu ngạo, coi khinh người khác về xuất thân, nền văn hóa, giá trị sống hoặc sở thích của họ, cũng như “nâng cao quan điểm” về những yếu tố trên ở bản thân.

Điển hình là gần đây, một nhóm nữ nổi tiếng Hàn Quốc công bố tổ chức concert ở Việt Nam và được cộng đồng fan Kpop đón nhận nhiệt tình. Nhiều người sẵn sàng đầu tư số tiền lớn mua vé, hoặc xin nghỉ vào ngày mở bán vé để canh được vị trí tốt nhất. Dù vậy khi lướt qua các trang báo điện tử, không khó để bắt gặp những bình luận chê bôi, mỉa mai sở thích này của họ và đánh đồng tất cả với hiện tượng "fan cuồng."

Superiority complex cũng xảy ra ở các lĩnh vực như văn học, điện ảnh, hội hoạ, v.v. khi có người cho rằng phải đọc tác giả này, xem phim này, thưởng tranh phong cách này... thì mới là fan của nghệ thuật "chân chính."

2. Nguồn gốc của superiority complex

Thuật ngữ này được chuyên gia tâm lý kiêm bác sĩ Alfred Adler phát minh vào đầu thế kỷ 20. Ông có nhiều nghiên cứu về tâm lý trên, tiêu biểu phải kể đến Understanding Human NatureSuperiority and Social Interest: A Collection of Later Writings.

Theo bác sĩ Adler, phức cảm thượng đẳng bắt nguồn từ nỗi tự ti của chủ thể về chính vấn đề họ đang muốn “nâng cao quan điểm”. Để giúp bản thân vượt qua tự ti, họ thổi phồng ý thức về tầm quan trọng của bản thân trong khía cạnh đó. Theo thời gian, việc này khiến họ hình thành những niềm tin và giả định sai lầm.

27jun20234604935jpg
Việc thổi phồng ý thức về tầm quan trọng của bản thân khiến con người hình thành những niềm tin và giả định sai lầm. | Nguồn: Phim The Glory

Phức cảm này đôi khi bị nhầm lẫn với phấn đấu và tự kỷ luật bản thân. Tuy nhiên chúng khác nhau ở chỗ, việc phấn đấu giúp bạn chinh phục thành công những hoài bão cá nhân. Trong khi đó, phức cảm thượng đẳng tập trung nhiều vào ảo tưởng, và thường không dẫn đến hành động cụ thể nào thay đổi được cục diện.

Chẳng hạn bạn quan niệm ăn chay tốt hơn cho sức khỏe bản thân, và thành công sau một thời gian tập ăn chay. Nhưng nếu có phức cảm thượng đẳng, bạn dễ coi thường những người ăn mặn, cho rằng họ ăn uống không “tinh tế” bằng bạn.

3. Vì sao superiority complex phổ biến?

Superiority complex xuất hiện khá phổ biến trên các diễn đàn và mạng xã hội, nơi mọi người thể hiện quan điểm về âm nhạc, phim ảnh và các thành tố khác trong văn hóa đại chúng. Họ có xu hướng “mạnh mồm” hơn trên các nền tảng này, vì không phải lộ mặt và đối diện với cảm xúc của người khác.

Với cộng đồng fan Kpop tại Việt Nam, superiority complex có một lịch sử tương đối phức tạp. Sự phát triển bùng nổ của Kpop vào giữa thập niên 2000 đã thu hút một lượng lớn khán thính giả ở tuổi thanh thiếu niên.

Theo báo cáo dữ liệu của Spotify, đây là thời điểm gu âm nhạc hình thành mạnh mẽ nhất. Song với những người từ 20 tuổi trở đi, gu âm nhạc bị “khóa” dần lại, khiến họ khó “thấm” được thể loại âm nhạc mới, có nhiều khác biệt so với những thể loại được chấp nhận rộng rãi trước đây.

Ngoài ra, hiện tượng “fan cuồng” cũng trở nên phổ biến trong Kpop. Việc này thậm chí được đưa vào đề thi Văn tuyển sinh đại học năm 2012 nhằm nâng cao nhận thức chung, song cũng vô tình đẩy xa quan niệm coi thường Kpop vốn đã tồn tại ở nhiều người. Trên thực tế, fan cuồng là vấn nạn tồn tại ở nhiều tiểu văn hóa (subculture) khác, chứ không riêng gì Kpop.

27jun2023tucbnw0cjpg
“Fan cuồng” là xu hướng xuất hiện ở nhiều tiểu văn hóa, chứ không chỉ riêng Kpop. | Nguồn: MTG

Ngay trong chính một tiểu văn hóa cũng có thể xuất hiện superiority complex. Chẳng hạn một số fan Kpop thế hệ 2 (bao gồm các nghệ sĩ ra mắt từ năm 2000 đến 2009) hoặc 3 (từ 2010 đến 2019) có tâm lý coi thường gu nhạc của fan Kpop thế hệ mới hơn. Họ cho rằng những yếu tố như rap, EDM khiến Kpop mất đi “chất” Hàn, dù thế hệ hiện tại vẫn nhiệt tình đón nhận chúng.

Trong tâm lý học, hiện tượng này thường được đúc kết bằng câu nói “hurt people hurt people” (tạm dịch: Người bị tổn thương rồi lại làm tổn thương người khác). Vì vậy, mấu chốt để vượt qua phức cảm này là “tháo bỏ” trải nghiệm bị xúc phạm sở thích trong quá khứ, và đặt mình vào vị trí người khác để cởi mở hơn khi tiếp xúc với điều khác biệt. Trị liệu tâm lý là phương pháp hiệu quả giúp bạn thực hiện việc này.

4. Cách dùng superiority complex

Tiếng Anh

A: Yesterday Ray mocked me for listening to Kpop. According to him, only listening to classical music should be considered “intellectual”.

B: He definitely has a superiority complex. If he doesn’t respect others’ taste in music, perhaps you should stop calling him a friend.

Tiếng Việt

A: Hôm qua Ray mỉa mai mình vì nghe Kpop. Đối với cậu ta, chỉ có nghe nhạc cổ điển mới được coi là “trí thức”.

B: Cậu ta có phức cảm thượng đẳng rồi. Nếu Ray không biết tôn trọng gu nhạc của người khác, thì mình nghĩ cậu không nên coi cậu ta là bạn nữa.