Defense mechanism: 10 Cơ chế phòng vệ giúp bạn xoa dịu lo âu | Vietcetera
Billboard banner

Defense mechanism: 10 Cơ chế phòng vệ giúp bạn xoa dịu lo âu

Cơ chế tự vệ (Defense mechanism) là gì? Nó đóng vai trò gì mỗi khi chúng ta thấy lo âu hay tội lỗi?
Defense mechanism: 10 Cơ chế phòng vệ giúp bạn xoa dịu lo âu

Bích Thủy @salted.evian cho Vietcetera.

Defense mechanism (Cơ chế phòng vệ) là gì?

Học thuyết của Sigmund Freud cho rằng tính cách con người được tạo nên từ 3 yếu tố:

  • Bản năng (Id): là các nhu cầu cơ bản của con người, xuất hiện từ khi chúng ta sinh ra.
  • Cái tôi (Ego): phát triển từ bản năng, đảm bảo các nhu cầu của bản năng được thực hiện một cách phù hợp trong cuộc sống.
  • Cái siêu tôi (Superego): là những chuẩn mực đạo đức và tiêu chuẩn xã hội.

Mỗi khi chúng xung đột, cái tôi không thể xử lý các ham muốn của bản năng, những ràng buộc thực tại và tiêu chuẩn đạo đức, cảm giác lo âu sẽ nảy sinh. Nó báo động cho cái tôi rằng có chuyện không ổn, từ đó cơ chế phòng vệ (defense mechanism) được kích hoạt để bảo vệ cái tôi khỏi cảm giác lo âu.

Chúng ta thường hành xử theo cơ chế tự vệ mà không tự nhận ra, vì thế biết được khi nào mình đang bật chế độ tự vệ sẽ giúp bạn điều hoà các mối quan hệ tốt hơn.

10 Defence mechanism - Cơ chế phòng vệ thường gặp:

1. Chối bỏ (Denial)

Chối bỏ Denial
Chối bỏ (Denial)

Đây là cơ chế phòng vệ thường gặp nhất, diễn ra khi chúng ta từ chối chấp nhận hiện thực vì không thể đối mặt với nó. Chối bỏ có thể là từ chối thẳng thừng sự tồn tại của sự việc, hoặc vẫn thừa nhận tầm quan trọng của sự việc nhưng cố tình giảm sự tồn tại của nó.

Mục đích của cơ chế này thường là nhằm né tránh những cảm xúc đau buồn. Đổ lỗi và trốn tránh trách nhiệm cũng là một phần của cơ chế này.

Chẳng hạn một sinh viên không dám tra cứu điểm thi vì sợ thấy mình rớt môn. Hoặc một người nhận thấy những dấu hiệu độc hại trong mối quan hệ của mình nhưng vẫn cố chối bỏ vì không muốn đổ vỡ.

2. Phóng chiếu (Projection)

Đây là cơ chế gán lên người khác những cảm xúc, suy nghĩ khó chấp nhận của bản thân. Nó giúp bộc lộ những khao khát mà cái tôi không nhận ra để giảm thiểu lo âu hoặc tội lỗi.

Chẳng hạn bạn không thích đồng nghiệp của mình, nhưng cái siêu tôi nhắc nhở rằng thù ghét là xấu. Thế là bạn “giải quyết" việc này bằng cách tự nhủ rằng người đó không thích mình.

3. Dồn nén (Repression)

Repression
Dồn nén (Repression)

Dồn nén là một cách giữ thông tin không đi vào vùng nhận thức của tâm trí, nhưng những thông tin này không mất đi mà sẽ tiếp tục tác động đến hành vi của chúng ta trong tương lai. Chẳng hạn nếu bạn dồn nén kí ức bị bắt nạt khi còn đi học thì sẽ cảm thấy khó khăn khi tạo dựng các mối quan hệ sau này.

4. Kìm nén (Suppression)

Ngược lại với đè nén, cơ chế kìm nén diễn ra khi chúng ta ý thức được những thông tin mà mình không muốn giữ lại, từ đó né tránh việc nhắc đến chúng. Ví dụ khi có bất đồng với người khác, nhờ cơ chế kìm nén, bạn không bày tỏ sự tức giận giữa nơi đông người mà chờ đến một lúc thích hợp hơn.

5. Chuyển dịch (Displacement)

Thay thế Displacement
Chuyển dịch (Displacement)

Chuyển dịch là khi bạn trút nỗi bực dọc, những cảm xúc bị đè nén lên những sự vật ít có khả năng đe dọa đến bản thân. Chẳng hạn sau một ngày đi làm mệt mỏi, bạn về nhà và trút hết mọi thứ lên gia đình.

Thay vì bộc lộ cơn giận một cách tiêu cực và trực tiếp, như cãi lại sếp trong buổi họp, chúng ta thể hiện sự tức giận lên một người ít có khả năng đe dọa đến chúng ta (người yêu, con cái, hay gia đình) hoặc yếu thế hơn (cấp dưới, người phục vụ).

6. Thăng hoa (Sublimation)

Thăng hoa cũng tương tự như chuyển dịch, nhưng là một phiên bản tích cực. Nó diễn ra khi bạn bộc lộ những cảm xúc không được chấp nhận theo cách thức được chấp nhận thậm chí đề cao. Ví dụ như khi tức giận, thay vì đấm vào đối tượng, bạn chuyển sang đấm bao cát trong phòng tập.

Theo Freud, đây được xem là một dấu hiệu của sự trưởng thành, giúp con người giữ hành vi của mình không vượt khỏi chuẩn mực xã hội.

7. Tri thức hoá (Intellectualization)

Tri thức hoaacute Intellectualization
Tri thức hoá (Intellectualization)

Tri thức hoá giúp giảm thiểu lo âu bằng cách loại bỏ khía cạnh cảm xúc, thay bằng suy nghĩ lý trí và đặt nặng tính chuyên môn. Chẳng hạn như khi bạn bị chẩn đoán mắc một căn bệnh nào đó, bạn sẽ cố lờ đi cảm giác lo sợ bằng cách tập trung tìm hiểu kiến thức về căn bệnh. Hoặc khi bị đuổi việc, bạn loại bỏ nỗi buồn bằng việc lập một danh sách các cơ hội việc làm mới.

8. Hợp lý hoá (Rationalization)

Đây là cơ chế giải thích cho hành vi của bản thân bằng cách đưa ra những "lời bào chữa" dễ chấp nhận hơn so với thực tế. Chẳng hạn khi không làm tốt bài kiểm tra, việc đổ lỗi cho đề khó sẽ dễ dàng hơn là thừa nhận mình ôn tập chưa kỹ.

Cơ chế hợp lý hoá không chỉ giảm thiểu lo âu mà còn bảo vệ lòng tự tôn và cách nhìn nhận về bản thân. Khi đối diện với thất bại, chúng ta thường đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài và quy những thành công đạt được cho phẩm chất hoặc sự cố gắng của bản thân.

9. Hình thành phản ứng ngược (Reaction Formation)

Higravenh thagravenh phản ứng ngược Reaction formation
Hình thành phản ứng ngược (Reaction Formation)

Đây là cơ chế vượt khỏi trạng thái chối bỏ bằng cách thể hiện cảm xúc và hành vi theo hướng trái ngược. Chẳng hạn như khi gặp một người bạn không thích, bạn sẽ cư xử thân thiện hơn thực tế nhằm che giấu cảm xúc thật.

10. Gây hấn thụ động (Passive-aggression)

Gây hấn thụ động diễn ra khi một người từ chối những cảm xúc tiêu cực, mâu thuẫn của bản thân như cảm giác đau khổ, giận dữ, hay bị xúc phạm. Nhưng sau đó, họ thể hiện hành vi giận dữ gián tiếp hoặc chống đối ngầm như đóng sầm cửa hay đập sách lên bàn. Thông thường, người đó không thừa nhận rằng họ đang giận dữ và cho rằng người khác đang nhạy cảm thái quá.