Susan Sontag (1933 - 2004) là tiểu thuyết gia, nhà viết tiểu luận, tác giả kịch, nhà làm phim và hoạt động xã hội có sức ảnh hưởng. Bà được xem là một nhà phê bình xuất chúng trong thế hệ của mình.
Một cách tình cờ, Susan Sontag trở lại với công chúng Việt Nam không phải một mà hai tin thú vị cùng lúc. Cuốn sách Regarding the pain of Others ra mắt độc giả Việt Nam với bản dịch Trước nỗi đau của người khác; và bộ phim tiểu sử về bà (Sontag) cũng công bố Kristen Stewart là nữ chính, Kristen Johnson đạo diễn. Trước đó, cuốn On Photography (Bàn về nhiếp ảnh) được dịch giả Trịnh Lữ chuyển ngữ đã thu hút sự quan tâm của người đọc.
Nhiếp ảnh là một trong những chủ đề lớn mà Susan Sontag quan tâm, cũng như chiến tranh, văn chương, nghệ thuật... Tác giả John Berger nhận định, phê bình nhiếp ảnh của bà rất quan trọng và độc đáo. Robert Hughes của Times từng nhận xét về On Photography của Susan Sontag rằng, "Không mấy ảnh chụp bằng được một ngàn từ" của bà.
Không chỉ là tác giả phê bình nhiếp ảnh được trích dẫn thuộc hàng nhiều nhất, về thực hành viết lách của bà cũng được trích dẫn nhiều không kém. Làm sao Susan Sontag có thể tạo ra sức nặng trong ngôn từ, không chỉ ở địa hạt phê bình mà còn hư cấu?
Trong những dòng nhật ký viết trong các năm 1960 - 1970, Susan Sontag ghi lại như thế này:
Câu chuyện duy nhất đáng để viết ra là tiếng khóc, tiếng súng, tiếng thét. Một câu chuyện làm tan nát trái tim người đọc.
Càng tìm hiểu Susan Sontag, chúng ta sẽ càng hiểu vì sao bà có thể tạo ra những “phép màu” trong các tác phẩm bà đã viết, những bài phát biểu bà đã nói. Susan có một cung cách làm việc không giống ai, nhưng nó phù hợp với những thứ bà tạo ra. Và ta có thể học được rất nhiều điều từ Susan Sontag, trước nhất là thực hành viết lách.
Đọc đi đã
Đọc luôn là cách giúp cho thực hành viết lách tốt nhất. Với Susan Sontag điều này cũng không ngoại lệ. Bà thường đọc những tài liệu liên hệ trực tiếp với thứ mà bà đang viết hoặc sẽ viết.
Susan Sontag đọc rất nhiều sách lịch sử nghệ thuật, lịch sử kiến trúc, lý luận âm nhạc, các sách triết học và khoa học khác nhau ở nhiều chủ đề. Và cả thi ca nữa, bà nhấn mạnh. Sontag đọc tuốt, như một người đãi vàng, tìm ra những chất liệu quý giá từ sách vở.
Trước khi tạ thế, Susan Sontag sống trong một căn hộ áp mái 5 phòng tại Chelsea, Manhattan, Mỹ. Trong ngôi nhà đó, mà như Edward Hirsch kể lại là ngập tràn sách, trong một lần đến thăm nhà phỏng vấn Sontag cho tờ Paris Reviews. Bà sở hữu khoảng 15.000 cuốn với đầy đủ chủ đề, từ văn chương đến triết học, từ lịch sử đến kiến trúc; sách tiếng Anh để một khu và sách tiếng Nhật, Pháp… để một khu khác.
Khắp những căn phòng, nơi nào cũng toàn sách và sách cùng với những đánh dấu, ghi chú. Susan đọc, ngoài niềm hạnh phúc, còn là để phục vụ cho thứ mà bà sắp viết hoặc sẽ viết vào một ngày nào đó.
Ám ảnh sâu vào
Susan Sontag từng viết về tác giả Roland Barthes - một người có cha tử trận trong Thế chiến 1, sống những năm tuổi trẻ trong Thế chiến 2 và giữa nhiều cuộc chiến khác sau đó nhưng trong các tác phẩm của ông không hề nhắc đến chiến tranh. Trong khi đó, chính Sontag lại là một người ám ảnh về chiến tranh, và viết rất nhiều về chủ đề này.
Có người cho rằng chiến tranh "ám lấy" Susan Sontag, hoặc chính bà bị "ám ảnh" bởi chiến tranh. Trong Promised Lands, nữ tác giả bày tỏ: "Chủ đề của tôi là chiến tranh. Bất cứ điều gì về bất kỳ cuộc chiến nào không cho thấy những kinh hoàng của sự tàn phá và chết chóc, đều là lời nói dối nguy hiểm."
Tác phẩm Regarding the pain of Others tràn ngập về chiến tranh, bạo lực, nỗi đau thông qua phê bình nghệ thuật nhiếp ảnh và nhiếp ảnh chiến tranh. Có thể nói, Susan Sontag không chỉ đào sâu mà còn ám ảnh với một số chủ đề nhất định. Sự ám ảnh này khiến bà luôn trăn trở, tìm cách giải thích nó bằng đọc, cảm nhận, tư duy và viết ra.
Một chút tội lỗi
Khi bắt đầu viết, Susan Sontag thường khựng lại để đọc gì đó hoặc nghe nhạc. “Đó là thứ tiếp thêm năng lượng cho tôi và cũng khiến tôi cảm thấy bồn chồn; cảm thấy tội lỗi vì đã không viết.”
Viết bằng bút đánh dấu
Susan Sontag thường dùng bút đánh dấu, đôi khi là bút chì để viết trên những từ giấy vàng hoặc trắng ngà. Bà thích tay mình cử động thật chậm khi viết. Sau đó bà sẽ đánh máy từng chữ một. Bà tiếp tục đánh máy, mỗi lần như vậy lại chữa sai cả bằng tay và trên máy đánh chữ cho đến khi hài lòng.
Cho đến 5 năm trước (1990), Susan Sontag vẫn viết lách theo lập trình này. Rồi máy tính xuất hiện trong đời bà và thay đổi một chút thiết lập này. “Sau 2, 3 lần nháp, tôi sẽ đến thẳng máy tính và không phải gõ chữ lại rất nhiều tờ giấy nữa." Nhưng bà vẫn tiếp tục chỉnh sửa bằng tay từ chính những bản giấy in ra từ máy tính.
Viết như cảm nhận về tình dục
Như đã nói ở trên, Susan Sontag có thói quen viết bằng bút đánh dấu, đôi khi là bút chì, trên giấy màu vàng hoặc trắng ngà. Bà gọi đó là một kiểu fetish trong viết lách của người Mỹ. Ở đây, fetish không chỉ thói quen hay hứng thú, chỉ sự "huyền bí" mà còn có thể nhuốm màu sắc của tình dục?
Hay trong một trang nhật ký, bà từng viết lại rằng: "Giá như tôi có thể cảm nhận về tình dục như khi viết lách! Rằng tôi là phương tiện, công cụ của một thế lực nào đó vượt ra ngoài bản thân tôi."
Susan Sontag không cố ý nói viết như một hoạt động tình dục, nhưng có đề cập đến tình dục khi nói về viết lách. Có lẽ, việc bà là một người song tính (bisexual, từng trong mối quan hệ nghiêm túc với 5 phụ nữ, 4 đàn ông) cũng có tác động ít nhiều trong thực hành viết lách.
Dù Sontag rất ít khi nói về xu hướng tính dục ở những năm tuổi trẻ nhưng sau này bà đã chia sẻ về chủ đề này. Tác phẩm mà bà viết ra quan trọng hơn những tò mò về xu hướng tính dục vốn có yếu tố riêng tư.
Không phải lúc nào cũng cần kỷ luật
Susan Sontag không viết từ ngày này qua ngày khác mà khá... ngẫu hứng. Bà chỉ viết khi cần phải viết bởi áp lực ngày một lớn hơn; và cảm thấy đủ tự tin về điều gì đó đã chín muồi trong đầu để viết nó ra.
Một khi Sontag cảm thấy phải viết, bà sẽ không đi chơi, nhiều khi quên ăn và ngủ rất ít. Đó là một cách làm việc vô kỷ luật và khiến cho Susan Sontag không được sung mãn. Nhưng chính nữ tác giả thừa nhận, bà quan tâm đến nhiều thứ khác chứ không chỉ mỗi chuyện viết lách.