Trần Tuấn Việt: Đi cả đời cũng không chụp hết cảnh Việt Nam | Vietcetera
Billboard banner

Trần Tuấn Việt: Đi cả đời cũng không chụp hết cảnh Việt Nam

“Những bức ảnh giúp chúng ta nhìn lại quá khứ và lưu giữ hiện tại. Ảnh cũng giúp chúng ta chiêm ngưỡng những vẻ đẹp, hân hoan với niềm vui, và cảm nhận cả nỗi đau.”
Trần Tuấn Việt: Đi cả đời cũng không chụp hết cảnh Việt Nam

Nguồn: Trần Tuấn Việt

Khoảng hơn 1 tháng trước, tôi có dịp tham dự triển lãm ảnh Sony World Photography Award - triển lãm trưng bày các tác phẩm đạt giải thưởng trong cuộc thi cùng tên năm 2024.

Đứng giữa mấy chục tác phẩm chụp những người mẫu ảnh cưới, đường phố, đại dương, hay người phụ nữ Ấn Độ..., tôi lập tức bị thu hút bởi tấm ảnh treo ở sát vách tường. Trong ảnh, những Phật tử Phật tử mặc áo tràng xám, đứng xen kẽ với các dĩa đèn xếp thành hàng dọc, đang chăm chú chắp tay cầu nguyện.

alt
Một cảm giác ấm áp, thiêng liêng và lạ lẫm không thể tả thành lời khiến tấm ảnh này in đậm trong trí nhớ của tôi | Nguồn: Trần Tuấn Việt

Sau khi về tìm hiểu, tôi ngạc nhiên khi biết tác giả của tấm ảnh này là nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt - người đứng sau hàng loạt các tấm ảnh chụp phong cảnh, con người Việt Nam, mà tôi đã vô tình lướt qua rất nhiều lần nhưng không để ý.

Với kinh nghiệm gần 20 năm trong nghề, những bức ảnh anh chụp được yêu thích bởi các khán giả trong nước và quốc tế. Tác phẩm của anh được đăng tải trên những kênh truyền thông lớn trên thế giới như tạp chí National Geographic, dự án ảnh Google Art& Culture... Mà báo chí vẫn thường gọi anh là: "Người đưa Việt Nam ra thế giới".

Vậy, điều gì đã tiếp động lực cho anh xách máy lên và đi để ghi lại nhiều bức ảnh ấn tượng đến thế?

Chào anh Việt, thời gian gần đây anh đang làm gì?

Mình đang trong chuyến hành trình đi chụp ảnh xuyên Việt và hiện đang dừng chân ở Thành phố Đà Nẵng.

Chuyến đi này của anh có gì đặc biệt không?

Đặc biệt nhất chắc là 20 ngày liên tiếp mình chưa bỏ lỡ buổi bình minh nào cả. Ở mỗi nơi mình ghé qua thì mặt trời ban mai lại có những vẻ đẹp khác nhau.

alt
Tác phẩm: "Mùa rêu xanh ở Biển Cổ Thạch, Bình Thuận" | Nguồn: Trần Tuấn Việt

Khó quên nhất có lẽ là buổi chụp bình minh ở tháp Nghinh Phong, Phú Yên. Khi mặt trời càng lên cao, những tia nắng ở đường chân trời tạo ra những tia sáng rẽ ra như hình cánh quạt, tạo khung cảnh nền rất đẹp cho tháp Nghinh Phong.

Anh có thể kể vắn tắt quá trình thực hiện bức ảnh đoạt giải trong cuộc thi Sony World Photography Award?

Bức ảnh đó mình chụp tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn ở Núi Bà Đen, Tây Ninh. Để có được bức ảnh hoàn chỉnh, mình và một người bạn nhờ hỗ trợ để được đi chuyến cáp treo sớm nhất lên đỉnh núi, vào lúc 5 giờ sáng. Lúc lên đến nơi, trước mắt mình là màn sương dày đặc và không thể quan sát thấy gì trong phạm vi 2 mét. Khi bay flycam lên, tượng Phật thoắt ẩn thoắt hiện trong màn mây.

alt
Tác phẩm chụp tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn ở Núi Bà Đen, Tây Ninh | Nguồn: Trần Tuấn Việt

May mắn là lúc bình minh ló dạng cũng là lúc màn mây thấp xuống, tượng Phật Bà hiện rõ hiên ngang trên đỉnh núi. Cảnh tượng xung quanh khiến mình vỡ oà: mình được bao phủ bởi mây và sương mù, mặt trời chiếu ngay vào bức tượng, bên tai văng vẳng tiếng nhạc thiền được phát trên núi nữa.

Anh có bao giờ nghĩ những tác phẩm của mình sẽ đạt được nhiều giải thưởng lớn?

Lúc bắt đầu, mình chỉ đơn giản muốn chụp để thỏa mãn đam mê, với mong muốn lớn nhất là có mấy bức ảnh đẹp treo trong nhà cho vui.

Mình chỉ tham gia vài cuộc thi để trải nghiệm, học hỏi và may mắn đoạt được một vài giải thưởng. Sau này, mình chỉ thỉnh thoảng tham gia một vài cuộc thi mỗi năm để giao lưu và kiểm nghiệm khả năng của bản thân.

Tại sao lại luôn là những bức ảnh về Việt Nam?

Cảm hứng để chụp những bức ảnh này xuất phát từ tình yêu quê hương, đất nước, cũng là hoài bão mong muốn lan toả vẻ đẹp Việt Nam nhiều hơn tới bạn bè thế giới.

Khán giả nước ngoài rất trầm trồ, kinh ngạc từ mỗi bức ảnh Việt Nam mình đăng tải. Điều đó tạo thêm động lực cho mình để tiếp tục hành trình chụp ảnh Tổ quốc.

Mình cũng hi vọng có thể chứng minh rằng, nhiếp ảnh gia Việt cũng có thể chụp những bức ảnh đẹp không thua kém bạn bè quốc tế.

Theo anh, chủ đề về đất nước có vô tận?

Nó sẽ không bao giờ cạn kiệt cả.

alt
Tác phẩm "Trái tim biển cả" | Nguồn: Trần Tuấn Việt

Tài nguyên của Việt Nam về du lịch, văn hoá, thiên nhiên hay đời sống con người là bao la, mình có dành cả đời để chụp cũng không chụp hết được.

Vậy tại sao vốn liếng vô tận như thế mà lại ít ai khai thác?

Cũng phụ thuộc vào điều kiện của mỗi người. Để trở thành nhiếp ảnh gia phong cảnh, đặc biệt là tại Việt Nam thì bạn phải bỏ ra rất nhiều công sức và tiền bạc. Mình thường xuyên phải thức khuya, dậy sớm, lên rừng, xuống biển, vào hang... Những bức ảnh là kết quả của không chỉ mồ hôi, nước mắt, mà còn là máu, là tâm huyết của bản thân.

Mình không nói bản thân giàu có gì cả, nhưng 75% sở thích của mình là nhiếp ảnh rồi, nên mình quyết tâm dành trọn mọi thứ cho nó.

May mắn là mình cũng thích đi du lịch nữa, nên cũng xem như là đi làm vì… đam mê. *cười*

Ngoài chủ đề Việt Nam, anh có hứng thú với đề tài nào không?

Việt Nam là nguồn cảm hứng bất tận cho bản thân mình. Thỉnh thoảng, mình có các chuyến chụp ảnh và công việc ở nước ngoài. Nhưng đi rồi lại càng thấy đất nước mình đẹp, lại thêm yêu Tổ quốc thân thương.

Đâu cơ hội và thách thức của nhiếp ảnh gia chụp phong cảnh đất nước?

Chủ đề nhiếp ảnh về quê hương đất nước là vô tận để khai thác. Ngày nay, công nghệ nhiếp ảnh đã rất tiến bộ và dễ tiếp cận, bạn có thể chụp ảnh trên trời (flycam), dưới biển, hay ở bất kỳ đâu đôi khi chỉ bằng thiết bị nhỏ trong lòng bàn tay như điện thoại.

Nếu biết kết hợp giữa tài nguyên sẵn có và công nghệ hiện đại thì cơ hội cho các bạn không thiếu.

Thách thức lớn nhất các bạn phải đối mặt có lẽ là những di sản sẽ mất dần theo thời gian, nếu không bắt đầu sớm thì sẽ bỏ lỡ khá nhiều tài nguyên.

alt
"Rất nhiều nghề truyền thống đã dần biến mất, chỉ trong thời gian rất ngắn. " | Nguồn: Trần Tuấn Việt

Có địa danh nào ở Việt Nam mà anh muốn nhưng chưa có dịp ghé?

Mình luôn ấp ủ kế hoạch ghé thăm Trường Sa, nhưng chưa đủ điều kiện để đi. Vì bạn bè mình ai đi về cũng rưng rưng kể lại rằng ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc đó, có rất nhiều khoảnh khắc quý giá. Nên mình đang cố gắng sắp xếp để có thể đến đó vào năm sau.

Nhưng cũng lo là sợ dạt dào cảm xúc quá thì lại không chụp được bức ảnh nào… *cười*

Tại sao nhiều cảm xúc quá thì lại không chụp ảnh được?

Để miêu tả thì nó giống một bộ phim mình từng xem: The Secret Life of Walter Mitty.

Có một phân đoạn nhân vật nhiếp ảnh gia chuẩn bị chụp ảnh con báo tuyết quý hiếm trên đỉnh Himalaya. Nhưng đến thời khắc quan trọng thì anh ấy lại không bấm máy. Khi được hỏi tại sao thì nhiếp ảnh gia đấy trả lời: “Tôi muốn giữ khoảnh khắc này cho riêng mình."

Mình cũng giống như vậy, đôi khi bức ảnh đẹp nhất mình chụp lại được chụp bằng… trí nhớ.

Nên cuối cùng lại không có ảnh nào đưa mọi người xem cả…

Quê hương của anh là Hà Tĩnh, nhưng tại sao anh lại chưa có bộ ảnh ở đây?

Mình sẽ mượn lời bài Khúc hát sông quê để trả lời câu hỏi này nhé: “Qua nửa đời phiêu dạt con lại về úp mặt vào sông quê".

Nơi đặc biệt nhất mình sẽ để dành đến cuối cùng, khi đã chùn chân mỏi gối, mình sẽ về đấy nghỉ ngơi, dành thật nhiều thời gian cho nó.

Anh có thể bật mí cho khán giả của Vietcetera về dự án tiếp theo của mình?

Mình đang trong quá trình hoàn thành bộ ảnh cho triển lãm sắp tới do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức, sẽ diễn ra tại Hollywood tháng 9 sắp tới, nhằm mục đích xúc tiến du lịch.

Hiện tại những tấm ảnh đã được biên soạn và in ấn xong. Mình cũng đã, đang và sẽ thực hiện một bộ phim về Việt Nam.

alt
Ảnh chụp Lý Sơn - Quãng Ngãi, một trong những tác phẩm được trưng bày trong triển lãm sắp tới của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch | Nguồn: Trần Tuấn Việt