Vì sao chúng ta gắn kết với đồ vật từ thuở bé? | Vietcetera
Billboard banner
11 Thg 11, 2020
Cuộc SốngTâm Lý HọcBổ Não

Vì sao chúng ta gắn kết với đồ vật từ thuở bé?

Sự gắn bó đối với những đồ vật quý giá từ thuở bé của chúng ta là một khái niệm không còn mới mà ai cũng đã từng trải nghiệm, dù là gấu bông hay là đồ chơi.
Vì sao chúng ta gắn kết với đồ vật từ thuở bé?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao có sự gắn bó (attachment) đặc biệt với những đồ vật rất lâu từ những ngày còn bé như gấu bông hay gối ôm? Câu trả lời dưới góc độ tâm lí học cho thấy tác động lâu dài trong mối liên kết giữa con người không chỉ với con người mà còn với những đồ vật chúng ta tiếp xúc.

Hiệu ứng sở hữu (Endowment effect)

Là một khái niệm trong kinh tế học có thể giải thích cho sự gắn bó với đồ vật, hiệu ứng sở hữu miêu tả xu hướng con người thường trân trọng những thứ họ sở hữu hơn những thứ mà họ không sở hữu.

Theo Ted-ed, chúng ta hình thành một sự liên kết giữa bản thân với những thứ chúng ta coi là 'của mình'. Khi tiến hành scan não bộ, các nhà khoa học nhận thấy rằng các neurons thần kinh được kích hoạt nhiều hơn khi những người tham gia thí nghiệm nhìn thấy hình ảnh một rổ đồ được đánh dấu 'của mình' so với khi nhìn thấy rổ đồ ghi tên người khác.

Bên cạnh đó hiệu ứng sở hữu cũng giải thích việc chúng ta có xu hướng quý trọng những đồ vật mà ta sở hữu từ bé hơn. Sự tương tác với một số đồ vật nhất định ngay từ khi còn nhỏ tạo nên điều đặc biệt, độc đáo, duy nhất, và từ đó nâng cao giá trị của chúng. Nếu được đề nghị đổi một vật mà bạn sở hữu từ nhỏ với một bản sao tương tự, khả năng cao là bạn sẽ từ chối.

Khi được lựa chọn giữa một đồ vật ban đầu vagrave bản sao của noacute trẻ em vẫn chọn vật migravenh sở hữu trước tiecircn
Khi được lựa chọn giữa một đồ vật ban đầu và bản sao của nó, trẻ em vẫn chọn vật mình sở hữu trước tiên.

Sự gắn bó về mặt cảm xúc

Đồ vật dưới mắt bạn khi còn là trẻ thơ, không chỉ hiện hữu ở công dụng của nó mà điều quan trọng hơn là sự an toàn, thân thuộc, là chỗ dựa tinh thần, hay đôi khi là những người bạn tưởng tượng.

Một trong những lí do tạo nên tính độc đáo đó ở đồ vật là cảm giác an toàn mà bạn có được. Julie Beck trên The Atlantic giải thích gấu bông đối với trẻ em không đơn thuần là đồ chơi, mà còn gợi nhớ về bố mẹ hay những người thân thuộc. Sự tương tác với gấu bông như chơi đùa hay ôm ấp mang lại sự ấm áp, cảm giác an toàn như người thân bên cạnh.

Tiến sĩ Kiara Timpano (giáo sư tâm lý học tại Đại học Miami) cho biết "mặc dù khi lớn lên, chúng ta không cần gấu bông nữa, nhưng điều đó không có nghĩa là sự gắn bó với chúng mất đi".

Nhìn lại thời ấu thơ, đã bao giờ bạn coi đồ chơi của mình là những người bạn chưa? Bạn đặt tên cho chúng, cho rằng chúng có suy nghĩ, cảm xúc, cần được chăm sóc và quan tâm. Hành động này được gọi là ‘nhân hóa’ (anthropomorphised).

Và không phải bất kỳ đồ chơi nào cũng sẽ được nhân hóa. Chúng ta chỉ nhân hóa đồ vật mà mình có liên kết cảm xúc mãnh liệt. Điều đó khiến chúng ta cảm thấy có trách nhiệm với những món đồ đó, khiến việc xa rời chúng trở nên khó khăn hơn.

Khi vật gắn kết trở thành một phần bản dạng

Khi trưởng thành, tính cấp thiết của những đồ vật giảm đi nhưng mối gắn kết không hề phai mờ bởi bộ não bạn có thể đã coi đồ vật như một cách định hình bản thân mình.

Trước hết nên phân biệt rõ ràng sự gắn kết với đồ vật không đồng nghĩa với yêu vật chất (materialism). Yêu vật chất là bạn đơn thuần muốn sở hữu vì công dụng của đồ vật, để khoe chúng với người khác. “Tình yêu” này thường không chỉ dành cho một món đồ và sẽ sớm bị phai mờ.

Một tình yêu chung thủy là ôm ấp, trân trọng những đồ vật đã luôn là người đồng hành, nhân chứng cho sự xuất hiện, trưởng thành của bạn.

Khi đồ vật magrave bạn yecircu quyacute trở thagravenh một phần của bạn
Khi đồ vật mà bạn yêu quý trở thành một phần của bạn

The Atlantic cho rằng những đồ vật đó là nơi lưu giữ những ý nghĩa, kỉ niệm về sự liên kết giữa người với người và góp phần tạo nên bản dạng mà chúng ta vốn có. Sự gắn kết với một đồ vật về mặt thể chất qua một thời gian dài khiến tâm trí coi đó là một phiên bản mở rộng của bản thân (extended self).

Trong một xã hội mà chúng ta tìm hiểu, xác định và nhắc nhở chúng ta là ai qua vật chất mà chúng ta có, mất đi đồ vật chúng ta gắn kết đồng nghĩa với việc mất đi một phần bản dạng.

Bản dạng là kết tinh của những trải nghiệm, kỉ niệm, ký ức chúng ta chia sẻ với người khác. Chúng ta gửi gắm vào những thứ tồn tại với thời gian và dựa vào chúng để tìm nguồn an ủi, động viên, sự tự tin như cách chúng ta tìm đến những người thân yêu.

Kết

Bên cạnh những đồ vật được trân trọng và gìn giữ từ thuở bé con, máy tính, điện thoại hay thiết bị công nghệ có lẽ là thứ mà nhiều người gắn bó trong thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là giá trị đồ vật nằm ở chức năng như lưu giữ hình ảnh hay âm thanh, những thứ có thể chuyển từ thiết bị này sang thiết bị khác. Tính linh hoạt của công nghệ tuy hữu ích sẽ không thể thay thế vai trò của chú gấu bông “lớn tuổi”, đặc biệt, chỉ một và duy nhất.