Nếu bạn đã theo dõi The Present Writer một thời gian thì có lẽ đã thấy mình gần như luôn làm hai công việc cùng một lúc. Nhiều bạn cũng nhắn hỏi mình, rằng như vậy có bị kiệt sức không, hay làm thế nào để có đủ khả năng và thể chất để làm điều đó.
Trái với những lo lắng đó, qua trải nghiệm cá nhân, mình thấy rằng làm hai việc cùng một lúc có khi lại không bận rộn, mệt mỏi hơn làm một việc.
Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ những lý do khiến mình quyết định có nhiều hơn một sự nghiệp, và tại sao mình nghĩ điều này là quan trọng, nhất là với các bạn trẻ có đam mê phát triển lớn trong sự nghiệp.
Từ khi nào mình bắt đầu làm hai công việc cùng lúc?
Cơ duyên bắt đầu từ khi mình học đại học. Chuyên ngành mình học khi đó là Quốc tế học, một ngành với kiến thức khá vĩ mô. Dù mình thích lĩnh vực này từ nhỏ, nhưng ở tuổi 18, 20, thật khó để có thể hiểu được những thứ mình học sẽ được ứng dụng vào thực tế như thế nào.
Cộng với việc chứng kiến vài người thân phải chật vật nhảy việc sau khi tốt nghiệp, mình dần có suy nghĩ rằng: nếu mình muốn ra trường và có một con đường bằng phẳng thì mình phải chấp nhận con đường gập ghềnh hơn khi đang là sinh viên.
Thế nên trong khi còn đi học, mình đã làm rất nhiều việc, như dạy thêm, làm tình nguyện, rồi tập tành kinh doanh. Mình đã kể khá chi tiết về điều này trong tập podcast “Những công việc mình từng làm”.
Mình làm việc hiệu quả hơn khi làm hai việc cùng lúc
Mình có một thiên hướng mà có lẽ là hơi trái ngược với nhiều người: nếu có dư dả thời gian thì chưa chắc mình làm được nhiều việc hơn. Vì khi có cảm giác dư dả đó, mình có thể không tối ưu hết khả năng của bản thân. Một đầu việc có thể “giãn nở” bao lấy hết thời gian mà mình có.
Chẳng hạn, nếu mình có 8 tiếng rảnh và chỉ có bài tập của một môn tiếng Anh thì thời gian để mình hoàn thành bài tập môn đó có thể kéo dài hết 8 tiếng, dù thực sự mình không cần nhiều đến thế. Còn nếu mình vẫn có 8 tiếng, nhưng có thêm bài tập của 3, 4 môn khác, thì bắt buộc mình phải tận dụng từng phút từng giây để tối ưu thời gian. Hiện tượng công việc “giãn nở” này còn có tên gọi là Định luật Parkinson.
Sau này khi đi du học, mình vẫn luôn duy trì chế độ vừa học vừa làm. Đúng là nó giúp mình phát triển kỹ năng quản lý thời gian, nhưng đôi khi mình làm điều đó không hẳn vì muốn phát triển bản thân thêm, mà vì hoàn cảnh mình bắt buộc phải thế. Câu chuyện bên dưới là một hoàn cảnh như thế.
Làm hai việc để đời “dễ thở” hơn
Có một sự kiện xảy ra thực sự đã in sâu vào đầu mình ý tưởng phải làm hai việc. Kể cả khi mình đã có một công việc trong mơ rồi thì sự nghiệp thứ hai cũng vô cùng quan trọng.
Khi học đến năm thứ tư bậc Tiến sĩ, mình được chọn là sinh viên đại diện ngồi trong các cuộc họp Hội đồng giáo sư để lắng nghe và đưa ra ý kiến góp ý từ góc nhìn của nghiên cứu sinh. Việc tham gia buổi họp này là một trải nghiệm rất quan trọng với mình ở thời điểm bấy giờ. Đó là lúc mình được ồ à “Đây là những gì mà các giáo sư phải làm. Đây là áp lực họ phải đối diện, là vấn đề hành chính mà họ sẽ gặp phải này, v.v”
Nếu không ngồi trong những buổi họp đó, mình chỉ thấy giáo sư là những người nghiên cứu, rồi lên giảng đường giảng dạy, chấm hết. Nếu không ngồi ở đó, mình cũng không biết được một người thầy mà mình cực kỳ quý mến (mình từng kể trong một tập podcast trên The Present Writer) lại vừa bị từ chối hồ sơ giáo sư. Tại thời điểm đó, thầy mình đang là associate professor, phó giáo sư; hồ sơ mà thầy mình nộp là ứng tuyển lên vị trí full professor, giáo sư bậc cao nhất.
Đó là một cú sốc thật sự với mình, vì thầy là một người rất nhân hậu, thông minh và hơn cả là một người uyên bác, có tầm ảnh hưởng lớn trong giới học thuật. Mình chính là người tổng hợp thông tin để thầy xây dựng bộ hồ sơ của mình. Số lượng công trình nghiên cứu mà thầy đã thực hiện dài đến hàng trang – mình mất đến tận 2 ngày trời để hoàn thành riêng danh sách này!
Sự tình là vì có những lỗi nho nhỏ nào đó liên quan đến giấy tờ, và cũng có thể là vì sự đấu đá nội bộ nào đó khiến hồ sơ của thầy mình bị từ chối.
Trong buổi họp thầy mình cũng nói rằng, hệ thống mà người ta gọi là tenure promotion, tức là hệ thống thăng cấp cho giáo sư ở trường thực sự có lỗi rất lớn. Chẳng hạn như thầy mình nộp từ associate professor lên full professor thì có thể nộp nhiều lần. Thế nhưng để từ assistant professor (giáo sư bậc 1 như mình) lên associate professor thì chỉ được nộp hồ sơ một lần duy nhất. Nếu mình bị từ chối thì coi như là mất việc luôn.
Mình nhớ cũng có một giáo sư lớn tuổi khác kể rằng, trước đó hồ sơ của thầy cũng bị từng bị từ chối vì có một người nào đó trong hội đồng không thích thầy ấy và bỏ phiếu không đồng tình. Lần đó thầy nhận được tin thầy đã rơi thẳng vào một cơn khủng hoảng và trầm cảm. Thầy phải đi điều trị hàng năm liền chỉ vì một lần từ chối đó.
Nếu bạn chưa nắm rõ về hệ thống học thuật hay công việc giáo sư thì có thể bạn sẽ nghĩ những điều này là thái quá. Thế nhưng, mình phải nói rằng, sự khủng hoảng đó là có thật.
Phần lớn các giáo sư đều chỉ làm một công việc. Cuộc sống của họ cực kỳ áp lực, để có được xuất bản khoa học đăng trên tạp chí quốc tế, để có nguồn tài trợ nuôi các nghiên cứu sinh như mình. Đến thời điểm mà thầy mình nộp hồ sơ xét duyệt lên giáo sư đó, thầy đã có 12 năm cống hiến ở trường – hơn một thập kỷ làm việc ngày đêm thì bạn có thể hình dung công việc đó có ý nghĩa thế nào.
Vì chưa bao giờ ngồi trong một cuộc họp căng thẳng như thế, và cũng không biết nên phản ứng thế nào, mình đã cố giữ bình tĩnh bằng cách vẽ vời trong cuốn sổ tay mang theo.
Thứ mà mình đã “vẽ vời” trong đó là hàng chữ lặp đi lặp lại: không bao giờ chỉ làm giáo sư, không bao giờ chỉ làm giáo sư. Tại sao? Vì mình vẫn rất muốn chinh phục ước mơ trở thành giáo sư. Thế nhưng có một tấm gương sát trước mắt như thế, mình quyết tâm không thể chỉ gắn mình với một công việc duy nhất, dù nó là công việc đam mê của mình đến mức nào.
Câu chuyện tiếp theo đó thì có lẽ các bạn cũng biết rồi – The Present Writer ra đời. Mình mở công ty tại Mỹ và Việt Nam, ra sách, rồi tạo thêm nhiều nguồn thu nhập khác nhau.
Lấy sở thích làm gốc mới có thể làm nhiều việc cùng lúc
Thật lòng mà nói thì khi làm hai việc cùng lúc, mình cũng thường rơi vào trạng thái bị áp lực cao. Tuy nhiên, vì cả hai công việc này đều là đam mê của mình, nên áp lực hiếm khi khiến mình nản lòng.
Ngày xưa mình từng làm công việc hành chính từ 9h sáng đến 5h chiều, và mình chỉ làm một công việc thôi, nhưng nó gần như “giết” mình từ từ. Nó khiến mình cảm thấy khổ sở, kiệt sức. Về đến nhà là “sập nguồn,” không thể nào làm thêm điều gì nữa.
Trong khi đó, bây giờ mình làm 2, 3 công việc cùng lúc – bận rộn hơn, nhưng mình có nhiệt huyết. Rồi nhiệt huyết lại mang lại cho mình thêm thu nhập. Xây dựng sự nghiệp từ đam mê giúp mình cảm thấy dễ chịu, tự do và hạnh phúc hơn rất nhiều.
Ngoài ra, mình muốn chia sẻ thêm về khía cạnh sức khỏe tinh thần. Khi mình có công việc thứ hai, tâm thế của mình cũng rất khác. Những người mà bạn làm việc cùng có thể sẽ cảm thấy được năng lượng tích cực hơn từ bạn. Vì bạn không phải “sống chết” với một thứ gì đó. Vì bạn có sự lựa chọn.
Họ có thể cũng sẽ tôn trọng bạn hơn. Thực tế có những chủ doanh nghiệp biết rằng họ có những nhân viên “rất cần” công việc hiện tại, thế nên họ giao nhiều việc hơn cho những người này mà không quá lo lắng về vấn đề nhân viên sẽ nghỉ việc. Nếu bạn có công việc thứ hai, có thể bạn sẽ có nhiều dũng cảm hơn để đứng lên bảo vệ bản thân khỏi tình trạng bóc lột đó.
Hoặc nếu bạn không làm việc ở những doanh nghiệp độc hại thì thực tế cũng sẽ có những ngày bạn cảm thấy không tốt, ngay cả với công việc trong mơ. Việc có một nơi khác để tạm thoát khỏi áp lực có thể nâng cao sức khoẻ tinh thần của bạn lên rất nhiều.
Khi sở thích trở thành công việc thứ 2
Sự khác biệt giữa sở thích và sự nghiệp là thu nhập. Nếu bạn làm điều bạn thích mà không mang lại thu nhập thì đó chỉ là sở thích. Nói tới đây mình biết sẽ có rất nhiều bạn nói rằng có đồng tiền dính vào thì sở thích không còn trong sáng nữa.
Chính mình cũng từng là người có suy nghĩ như thế. Nhưng sau này mình dần nhận ra nó là suy nghĩ có phần lỗi thời. Thành thật trong hành trình xây dựng The Present Writer của mình, trước khi mình có thu nhập từ nó, mình đã làm nó với tất cả đam mê của mình. Mình làm nó với tinh thần cực kỳ trong sáng, không có đồng lợi nhuận nào.
Thế nhưng, mình thực sự cảm thấy đôi khi việc mình có điều kiện tài chính sẽ giúp cho nội dung của mình trong sáng hơn. Mình không phải đi bán hàng hay phải cộng tác với những đối tác mình không thích chẳng hạn.
Mình có thể nói cả ngày về chủ đề này, nhưng nói ngắn gọn lại, nếu bạn có sở thích chỉ phục vụ cho bản thân thôi thì nó không nhất thiết là sự nghiệp. Sự nghiệp thứ hai chỉ đến khi sở thích của bạn mang lại tầm ảnh hưởng cho cộng đồng, hay các giá trị nào đó cao hơn bản thân bạn, và bạn kiếm được thu nhập từ nó.
Khi bạn có sự nghiệp thứ hai dựa trên đam mê của mình thì không có nghĩa là đam mê sẽ chết. Bạn vẫn như vậy, thậm chí là “bùng cháy” hơn nếu biết giữ vững các giá trị đạo đức và có nền tảng tài chính hỗ trợ.
Kết
Mình hy vọng đâu đó bài viết này sẽ truyền cảm hứng cho bạn để nghĩ thêm, bắt tay vào xây dựng, hoặc củng cố sự nghiệp thứ hai của mình. Sự nghiệp thứ hai đó không cần phải quá to tát. Bạn có thể bắt đầu bằng việc bán hàng online chẳng hạn.
Đối với những bạn trẻ chưa bắt đầu sự nghiệp thứ nhất, mình nghĩ các bạn không cần quá vội. Hãy trải nghiệm cuộc sống, bước ra khỏi vòng an toàn của mình, làm nhiều việc để biết mình thực sự muốn làm gì, và mình sẽ xây dựng hai sự nghiệp trong cuộc sống của mình như thế nào. Quan trọng hơn cả là làm sao để mình có thể phát triển bản thân rồi từ đó mang ảnh hưởng của mình tới cộng đồng hay vươn tới các giá trị khác cao hơn bản thân mình.