Tại sao sau khi thành công, chúng ta lại cảm thấy trống rỗng? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
02 Thg 10, 2020
Chất Lượng Sống

Tại sao sau khi thành công, chúng ta lại cảm thấy trống rỗng?

Cố gắng vì mục tiêu không có gì là sai, nhưng nếu cảm thấy thật trống rỗng sau khi thành công thì có phải là dấu hiệu đáng lo không?
Tại sao sau khi thành công, chúng ta lại cảm thấy trống rỗng?

Đồi @anngshill cho Vietcetera

Xã hội loài người luôn khuyến khích ta trong việc sống có mục tiêu. Từ thời xa xưa các vận động viên Olympic thi đấu quyết liệt để giành vòng nguyệt quế, đến thời nay chúng ta cống hiến hết mực để thăng tiến trong công việc. Cố gắng vì mục tiêu không có gì là sai, nhưng nếu cảm thấy thật trống rỗng sau khi thành công thì có phải là dấu hiệu đáng lo không? 

Cảm giác trống trải sau khi thành công là gì?

Cảm giác trống rỗng này thường đến sau khi bạn đã cố gắng rất nhiều cho một mục tiêu, nhưng khi đạt được rồi bạn không hề cảm thấy vui sướng như tưởng tượng. Một số người thấy trống trải, lo lắng, kiệt sức và thậm chí giận dữ mà không có lời giải đáp cho những cảm xúc khó tả này.

Oscar Wilde (nhà thơ và nhà soạn kịch người Ireland) đã từng nói rằng: “Trên đời này chỉ có hai bi kịch, một là không đạt được những gì mình muốn, hai là đã đạt được chúng”. Sức hút của sự thành công quá mãnh liệt khiến ta bị cuốn vào nó. Nhưng tại sao, khi đã đạt được mọi thứ, ta lại cảm thấy thật trống rỗng? Và liệu đích đến có phải là phần thưởng duy nhất của một hành trình?

Tại sao bạn lại có cảm giác trống rỗng này? 

Cảm giác này có tên gọi là "cảm giác thành công ngụy biện" (arrival fallacy), nghĩa là bạn tự dự đoán rằng mình sẽ thành công với mục tiêu đã đề ra. Việc đoán trước cảm giác dễ chịu khi thành công sẽ kích thích hệ thần kinh tưởng thưởng (brain reward center) và tạo ra sự dễ chịu. Bạn quen dần với sự thích thú này nhiều đến mức khi đã thật sự đạt được thành công, bạn lại cảm thấy không hài lòng nhiều như mình mong chờ nữa. 

Ngoài ra, hai tác giả Groybergs và Abrahams đã chia sẻ trên Hardvard Business Review: đôi khi thành công trong công việc đòi hỏi những đánh đổi. Điều này có thể là những cuộc chiến chính trị tại công sở đi ngược lại với niềm tin của bạn. Hoặc lịch trình công việc dày đặc khiến bạn không có thời gian cho các mối quan hệ lẫn bản thân. Và khi đã đạt được thành công, thay vì vui sướng, bạn lại tự hỏi rằng: "Liệu có đáng?".

Thành công liệu có đáng để đánh đổi đến thế
Thành công liệu có đáng để đánh đổi đến thế?

Bên cạnh đó, áp lực từ văn hóa thành công sớm, bạn bè đồng trang lứa, mạng xã hộisự kỳ vọng của mọi người xung quanh khiến bạn không thật sự hài lòng với chính những kết quả của mình. Mục tiêu từ việc giúp ta sống ý nghĩa hơn, dần biến thành những món trang sức. Chúng không còn phản ánh giá trị chân thực của bản thân nữa.

Điều này bắt nguồn từ "chủ nghĩa tập thể" (collectivism) thường thấy ở Á Đông. Chủ nghĩa này phần nào khiến ta trở nên phụ thuộc vào người khác để thấy được giá trị của bản thân. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu về mức độ hài lòng về cuộc sống, những người theo "chủ nghĩa tập thể" thường có mức độ hài lòng về cuộc sống thấp hơn người theo "chủ nghĩa cá nhân" (individualism).

Việc sống dựa vào những chuẩn mực của tập thể, khiến ta cảm thấy những gì mình đạt được là “chưa đủ”. Những lời khích lệ như "cố gắng hơn", dù vô tình hay cố ý, khiến bạn không còn vui sướng với hiện tại, bởi vì bạn vẫn có thể làm tốt hơn nữa. Nhưng thế nào mới là "tốt đủ" thì chẳng ai có thể trả lời câu hỏi đó.

Những lời động viên cố gắng hơn khiến ta cảm thấy mình không bao giờ đủ cố gắng hơn
Những lời động viên "cố gắng hơn" khiến ta cảm thấy mình không bao giờ "đủ"

Nên làm gì để hài lòng với thành công của mình?

Thành công là một chuyện, cách bạn đối xử với những thành tựu của mình như thế nào lại là một chuyện khác. Cách bạn xử lý thành công của mình đóng vai trò quan trọng không kém trong cuộc sống. Bạn có thể làm gì để cảm thấy hạnh phúc hơn?

Tìm lại mục tiêu và giá trị cốt lõi của bản thân 

Mỗi người thành công theo con đường khác nhau cùng với những giá trị của riêng của mình. Để hiểu hơn về chính mình, bạn có thể làm phân tích SWOT về bản thân, đọc sách, nghỉ ngơi, suy ngẫm lại về mục tiêu cá nhân qua những câu hỏi như: Mình tin vào điều gì? Đâu là giá trị sống của mình? Mình cảm thấy tràn đầy năng lượng lúc nào? Mình có chấp nhận thỏa hiệp để có được lợi ích này không?

Tận hưởng cả những thử thách và thành công nhỏ trong quá trình chinh phục mục tiêu lớn

Quá trình đi đến thành công cũng quan trọng như phần thưởng lớn cuối cùng. Bạn sẽ nhận được những bài học thú vị, khám phá ra những góc nhìn mới lạ mà nếu chỉ tập trung vào thành quả cuối cùng sẽ khó tìm ra được. Thành công thật ra rất trừu tượng và nó thay đổi theo từng hoàn cảnh, hãy cứ tận hưởng những gì mình đang sở hữu.

Tận hưởng thành quả nhỏ trên con đường chinh phục mục tiêu lớn
Tận hưởng thành quả nhỏ trên con đường chinh phục mục tiêu lớn

Ghi nhận những thành tựu của bản thân và giúp đỡ người khác

Học cách hài lòng với tiến trình phát triển hiện tại, chia sẻ niềm vui với người thân, hoặc tự khen ngợi mình bằng món quà nhỏ để khích lệ tinh thần. Bằng bất cứ cách nào, bạn nên là người yêu thương và công nhận bản thân đầu tiên chứ không nên dựa vào lời khẳng định từ người khác.

Bên cạnh đó, việc chia sẻ những gì bạn đã học được cho người khác, cũng là một cách để bạn cảm nhận được thành tựu của bản thân.

Bước chậm lại và nghiên cứu, học hỏi thêm trước khi chinh phục một mục tiêu mới

"Làm không nghỉ chính là làm không nghĩ"(Huỳnh Vĩnh Sơn, 90-20-30). Nếu chỉ liên tục làm việc mà không nghỉ ngơi, bạn có thể sẽ đi vào ngõ cụt ý tưởng và thiếu đi sự sáng tạo cần có. Bạn cần thời gian chậm lại để đánh giá, rút kinh nghiệm, và ngấm những bài học thành công trước khi bắt đầu chinh phục một cột mốc mới.