Làm thế nào để thành công mà không kiệt sức? | Vietcetera
Billboard banner
17 Thg 01, 2020
Kinh DoanhLàm Việc Hiệu Quả

Làm thế nào để thành công mà không kiệt sức?

Gửi những người làm quần quật nhưng vẫn nghĩ mình làm chưa đủ tốt. Đây là cách để khắc phục áp lực công việc bạn đang tự đè nặng lên mình.

Làm thế nào để thành công mà không kiệt sức?

Làm thế nào để thành công mà không kiệt sức?

Ngày nào bạn cũng dành 8-9 tiếng trên bàn làm việc chỉ trừ lúc ăn trưa. Bạn thấy mình rất năng suất, ngày hôm nay rất suôn sẻ. Nhưng không hiểu sao bạn vẫn thấy mình cần nỗ lực nhiều hơn?

Cảm giác lo lắng rằng mình chưa làm đủ tốt xuất phát từ đâu? Liệu có phải là một hiệu ứng thời hiện đại gây ra bởi mạng xã hội và hiện trạng quá tải thông tin? Hay chỉ là cách che lấp đi nỗi sợ bị bỏ lại của chính bạn?

Hồi trước tôi không hề có cảm giác này. Lúc còn là nhân viên, tôi luôn đặt cho mình nguyên tắc nghiêm ngặt về thời gian bắt đầu và kết thúc công việc. Khi nào rời khỏi văn phòng, khi nào về nhà đều phải tuân theo nguyên tắc đó. Vào mỗi tối hay cuối tuần, tôi hoàn toàn tách mình khỏi công việc, tận hưởng những giây phút nghỉ ngơi đúng nghĩa. (May là thời đó mạng xã hội chưa mạnh như bây giờ, không thì chắc chuyện đã khác.)

Mọi thứ thay đổi khi tôi bắt đầu điều hành một công ty riêng. Dù đã cố đặt ra nguyên tắc và giờ giấc cho bản thân, cố làm chủ mọi thứ, tôi vẫn chật vật với lịch trình quá “bào sức”. Ngày nào cũng bắt đầu từ lúc tắt chuông báo thức và kết thúc vào tối muộn, trước khi tôi kịp lăn ra bất tỉnh.

Với vai trò người điều hành công ty PR, đồng thời sáng lập một tờ báo online, luôn đối mặt với khối lượng công việc khổng lồ, chẳng có gì bất ngờ khi tôi luôn có cảm giác lo âu và thấy mình làm chưa đủ tốt. Dù vị trí này rất tuyệt vời nhưng cũng dễ nản chí. Chưa kể ngoài kia đang có bao người cạnh tranh, chỉ cần tôi ngừng phấn đấu thôi thì lớp măng trẻ sẽ mọc lên thay thế ngay lập tức.

Dù còn nhiều lo lắng là thế, nhưng tôi đã tự hứa với lòng sẽ thay đổi lối sống tích cực hơn, bắt đầu từ năm 2019. Ưu tiên hàng đầu là lấy lại tự tin, kế tiếp là cân bằng công việc và cuộc sống. Kết quả vô cùng khả quan. Và đây là những cách mà tôi đã thực hiện:

1. Sắp xếp công việc cho đầu óc thông suốt và trấn tĩnh

Tôi bắt đầu mỗi ngày bằng cách lập danh sách công việc cần làm (to-do list) thật thực tế, chỉ gồm một việc quan trọng và vài việc nhỏ. Tôi sẽ bắt tay vào xử lý việc quan trọng trước vì nó tốn nhiều thời gian và công sức nhất, sau đó sẽ thong thả hoàn thành những việc còn lại. Điều này giúp tôi dễ dàng kiểm soát mọi việc, biết mình đang tới đâu, cần đẩy nhanh tiến độ cho kịp, hay có thể thư giãn đầu óc được rồi.

Tôi dùng ứng dụng Things để kiểm soát các đầu công việc, ưu điểm là có thể đồng bộ với máy Mac và điện thoại. Trước khi tan làm, tôi thường rà soát lại danh sách công việc cho ngày mai, hoặc bất cứ ý tưởng nào cảm thấy cần cân nhắc sau này. Đây là một kiểu ‘dọn dẹp’ đầu óc khá hiệu quả.

Việc nào đã xong thì tôi sẽ hân hoan đánh dấu hoàn tất ngay, cảm giác rất thành tựu. Và vì kiểm soát được mọi công việc sắp tới nên tôi không cần phải bận tâm về nó trong lúc nghỉ ngơi nữa. Đồng thời, tôi luôn tự khích lệ bản thân rằng mình đã làm hết năng suất rồi.

Sắp xếp cocircng việc khocircng chỉ cho biết bạn đang đi tới đacircu magrave cograven giuacutep bạn khocircng cần phải bận tacircm về noacute trong luacutec nghỉ ngơi nữa
Sắp xếp công việc không chỉ cho biết bạn đang đi tới đâu, mà còn giúp bạn không cần phải bận tâm về nó trong lúc nghỉ ngơi nữa.

2. Phân tích và tìm hiểu nguyên nhân khiến bạn lo lắng

Sau một ngày làm việc hiệu quả, tôi luôn cố dành thời gian nghỉ ngơi. Kể cả khi vẫn còn cảm giác bứt rứt vì cảm thấy làm chưa đủ, tôi vẫn ép những suy nghĩ đó xuống để xác định xem, mình muốn “hơn nữa” là hơn thế nào.

Nếu là một công việc chưa kịp làm, tôi sẽ ghi chú kế hoạch vào sổ tay để ngày mai thực hiện. Nếu là một công việc đang dang dở, ví dụ như hàng chục email đang chờ phản hồi chẳng hạn, tôi xếp chúng theo từng mục và sẽ xử lý nốt trong một ngày ít bận bịu hơn. Hoặc đó cũng có thể là những lo lắng vụn vặt, như là — “Đã marketing đủ cho tuần này chưa nhỉ?” “Có nên viết một bài blog không?” “Có nên đăng thêm một bài chia sẻ kinh nghiệm không?”

Thay vì lo lắng, tôi tìm cách đối mặt với cảm giác bất an, phân tích lý do và lập kế hoạch để xử lý. Nếu vẫn bồn chồn nhưng không rõ cần làm “hơn nữa” là phải làm gì, hãy thử tập thiền, tập thể dục, hoặc thậm chí là làm việc nhà thử xem, hiệu quả bất ngờ đấy.

3. Nhận biết và giải phóng các áp lực bản thân tự tạo ra

Nếu đang làm chủ một doanh nghiệp, bạn sẽ phải đối mặt với vô số áp lực từ chính bản thân và môi trường xung quanh. Chưa kể trên mạng xã hội còn đầy rẫy các bài viết cổ vũ lối sống nhanh, làm việc hối hả, ngủ ít làm nhiều,… Vô hình trung, ai cũng ngầm thừa nhận rằng thời gian dành cho công việc là thước đo của thành công, dù số thời gian khủng khiếp ấy có thể khiến ai đó ngã quỵ trên bàn làm việc.

Ai cũng sợ mình sẽ bị thụt lùi, sợ công việc không có tiến triển, vì thế không ai dám cho phép mình dừng lại. Tất cả đều hối hả chạy trên chính đường đua do bản thân tạo ra, rồi sau đó tất cả cùng kiệt sức. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy trên mạng xã hội, sức khỏe tinh thần đang là chủ đề được mọi người đặc biệt quan tâm. Mọi người bắt đầu thú nhận mình không thể đương đầu nổi với quá nhiều áp lực.

Nhưng bao nhiêu áp lực là bấy nhiêu kỳ vọng. Chỉ có thể trách chúng ta đã kỳ vọng vào bản thân quá nhiều. Dù vậy, mấy ai chịu hiểu và chấp nhận sự thật tréo ngoe này.

Gần đây tôi hay tự hỏi bản thân: mình đang cố gây ấn tượng với ai? Tại sao lại có những áp lực này? Nếu là vì nỗi sợ mất việc thì hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu công việc đang tiến triển tốt đẹp, khách hàng hài lòng, tiền bạc dư dả, sao ta không thả lỏng hơn?

Hãy thử ngừng lại một lúc để tự hỏi, liệu có quan trọng tới mức đó không? Ví dụ, nếu chưa đăng gì lên mạng xã hội thì có ảnh hưởng gì không? Tạm gác dự án đang dở dang một buổi tối thôi, tiến độ sẽ bị ảnh hưởng à? Thay vì gửi email công việc trong tối nay, dời qua sáng mai thì thế nào? Hít thở sâu và thả lỏng nào. Bạn không dính vào bàn làm việc thì Trái Đất vẫn quay.

Nếu bạn vẫn còn cảm thấy tội lỗi vì “không làm gì cả”, hãy nhớ rằng nếu cứ làm việc quần quật không nghỉ ngơi cũng chẳng lợi lộc gì. Bạn cần nạp lại năng lượng thì mới tiếp tục làm việc hiệu quả được. Tôi đã từng trải qua tình trạng “cháy sạch”, để rồi sau đó chẳng làm nổi bất cứ việc gì nữa cả. Dù thế nào cũng phải ưu tiên sức khỏe của bản thân trước nhất.

Tất cả đều hối hả chạy trecircn chiacutenh đường đua do bản thacircn tạo ra rồi sau đoacute tất cả cugraveng kiệt sức
Tất cả đều hối hả chạy trên chính đường đua do bản thân tạo ra, rồi sau đó tất cả cùng kiệt sức.

4. Tránh xa những câu nói truyền cảm hứng từ người khác

Tạm ngừng đọc self-help. Tạm xa điện thoại và mạng xã hội. Đừng đến buổi nói chuyện của những người thành công nữa. Hãy tạm trốn khỏi những “nguồn cảm hứng” đó đi.

Năm ngoái, tôi đến dự một hội nghị sáng tạo dành cho các bạn freelancer. Rất nhiều người bị choáng ngợp bởi bài nói chuyện đầy cảm hứng từ các diễn giả, nhưng ngạc nhiên là bầu không khí rất uể oải và chán chường. Mọi người bắt đầu hoang mang “Làm thế nào mình mới giỏi được như vậy?” Vô tình, những lời nói tưởng như truyền năng lượng lại biến thành đám mây đen bao trùm cả khán phòng.

Hãy để cho não bộ của bạn có không gian để “thở”. Bạn cần dành thời gian một mình và mặc kệ vô vàn kiểu so sánh bất tận xung quanh. Khi đã thôi không còn bị “dội bom” bởi những kiểu xuất chúng và tài giỏi ngoài kia, những lo âu và hoài nghi sẽ dần chìm xuống.

5. Ngừng so sánh bản thân với người khác

Trong cuộc đua tự tưởng tượng của mình, bạn rất dễ rơi vào bẫy so sánh bản thân với người khác. Nhưng thật ra chỉ toàn khập khiễng thôi. Mỗi người đều có con đường riêng, với những nốt thăng trầm, thất bại và bài học riêng. Nếu cứ chăm chăm sao chép người khác thì bạn sẽ không thành công được đâu, bởi bạn đâu có tự thể nghiệm hành trình của riêng mình.

Thay vào đó, hãy tập trung vào điểm mạnh của bạn. Những ‘tinh hoa’ chỉ riêng bạn mới có. Điển hình như khi điều hành Creative Boom, những biến động mà tôi đã từng trải suốt 10 năm qua đã giúp tôi đúc kết lại những bài học cho riêng mình. Nhưng nếu có người đến hỏi tôi làm thế nào để mở một tờ báo online tương tự, tôi chỉ đành nhún vai, “Thành thật mà nói, bạn có con đường riêng của mình, và chỉ bạn mới biết điều gì mới là lựa chọn tốt nhất.”

Dù đã có 10 năm kinh nghiệm trong mảng này, nhưng tôi vẫn không biết phải khuyên người khác từ đâu. Mà dù có đưa ra được lời khuyên nào thì cũng sẽ nhanh chóng lỗi thời thôi.

6. Định nghĩa lại thành công

Với bạn, thế nào là thành công? Là về tiền tài? Hay là cảm giác hạnh phúc khi công ty đạt chỉ tiêu doanh thu, hoặc chạm tới cột mốc quan trọng nào đó? Hay thành công với bạn là căn nhà, chiếc xe đang sở hữu? Là sự giàu có, niềm vui, hay cả hai? Bạn đang phấn đấu vì điều gì?

Riêng tôi luôn có một ý tưởng mơ hồ về việc mình muốn gì. Tôi biết mình muốn trở thành một cây bút chuyên nghiệp cho các tờ báo. Tôi cũng biết mình muốn hạnh phúc và đi du lịch vòng quanh thế giới. Tiền bạc chưa chắc là ưu tiên số một, nhưng vẫn phải có đủ để phòng hờ. Nhưng tôi chưa bao giờ thật sự ngừng lại để nghĩ xem điều đang chờ mình phía trước.

Với tôi, định nghĩa ban đầu về thành công tuy rất khó, nhưng chẳng mấy thay đổi theo thời gian. Vẫn chỉ là mong muốn hạnh phúc. Hạnh phúc vì được làm điều mình thích. Chỉ vậy thôi.

Có lẽ bản thân tôi vẫn nhớ điều đó. Nhưng cũng giống nhiều người, tôi rơi vào cái bẫy làm việc quá sức và ham muốn phải đạt được nhiều hơn nữa. Đó là một vòng tròn luẩn quẩn mà tôi đã bị cuốn vào lúc nào không hay.

Bây giờ khi đã ở tuổi 40, tôi nhận ra công việc không còn là ưu tiên hàng đầu nữa. Thay vào đó, việc có nhiều thời gian hơn mới là mục tiêu quan trọng nhất. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi sẽ nói “không” nhiều hơn. Tôi bắt đầu từ chối nhiều thứ để mình bớt bận rộn và có nhiều thời gian theo đuổi những điều khác. Mọi thứ có vẻ chậm lại, nhưng tôi hạnh phúc hơn.

Với tôi, thành công là đủ tiền trả hoá đơn, cân bằng được công việc và cuộc sống, được theo đuổi đam mê cá nhân, được mạnh khoẻ và trân trọng từng ngày. Còn bạn, thành công đối với bạn là gì? Có lẽ bạn vẫn chưa tìm ra được nếu chưa biết đặt ưu tiên đúng chỗ.

7. Cuộc sống là một quá trình, hãy tận hưởng cả hành trình lẫn đích đến.

Có nhiều người không thích đi du lịch, nhưng chắc chắn trong số đó không có tôi. Tôi thích soạn hành lý, đi qua cổng an ninh sân bay, yên vị trên ghế và ngắm nhìn những đám mây bay qua cửa sổ. Tôi thích cảm giác háo hức khi lên kế hoạch cho các kỳ nghỉ.

Thói quen này có lẽ đến từ tuổi thơ khá may mắn của tôi. Dù công việc vất vả nhưng năm nào cả nhà tôi cũng sẽ tổ chức kỳ nghỉ gia đình kéo dài hai tuần. Theo lẽ thường, hầu hết mọi người chỉ thích khi kỳ nghỉ đã bắt đầu. Nhưng với gia đình tôi thì khác. Mẹ tôi không ngừng khiến hai chị em háo hức trông chờ vào chuyến đi. Ba tôi rất giỏi sắp xếp đồ đạc trong xe. Và khi đã khởi hành, chúng tôi như bước vào chuyến phiêu lưu kỳ thú. Chúng tôi ngắm nhìn khung cảnh xung quanh, nhìn biển số để đoán nơi xuất phát của từng chiếc xe vụt qua. Chúng tôi nói cười râm ran suốt buổi, quãng đường xa tít tắp dường như ngắn lại. Mọi thứ tuyệt vời ngay từ khâu chuẩn bị, trên đường đi, cho tới khi kỳ nghỉ bắt đầu.

Bạn thấy đó, thay vì tập trung vào đích đến, tôi đã tận hưởng cả quá trình. Công việc cũng vậy. Hãy tận hưởng cả hành trình, ăn mừng những thắng lợi nho nhỏ dọc đường đi, và hãy hiểu rằng mọi thứ không thể diễn ra trong tích tắc được.

Thay vigrave tập trung vagraveo điacutech đến hatildey tận hưởng cả quaacute trigravenh
Thay vì tập trung vào đích đến, hãy tận hưởng cả quá trình.

8. Ăn mừng những thành tựu dù là nhỏ nhất

Thay vì quá chú tâm vào con đường phía trước, hãy dành thời gian để ăn mừng cho những thành tựu đã đạt được.

Hè vừa rồi Creative Boom đã kỷ niệm 10 năm đồng hành cùng cộng đồng ngành sáng tạo. Thật ra tôi không hề nghĩ tới chuyện này cho tới khi bạn tôi nhắc tới. Tôi không thích khoe khoang, bởi vì thật ra cũng không phải thành tựu to tát gì.

Nhưng tôi nhận ra mọi công sức, mọi vun vén hy sinh cho dự án này đều đáng được chúc mừng. Ta nên nhận thức từng thành công và chiến thắng, dù lớn hay nhỏ, vì công nhận và trân trọng thành tựu của mình thì không bao giờ là đủ cả.

Lần tới, nếu có lúc nghĩ ngợi về những thứ đáng lẽ ra bạn nên làm nhưng chưa được, hãy thử ngồi lại và nhìn nhận những gì đã qua trước. Bạn đang làm rất tốt rồi. Hãy tự hào về bản thân và những thành tựu đã đạt được. Bạn vẫn còn rất nhiều thành công khác đáng để chúc mừng.

Bài viết được thực hiện bởi Katy Cowan trên Creative Boom, chuyển ngữ bởi Nhi Lê.

Hình ảnh được thực hiện bởi Trà Nhữ.