Tại sao thấy chết không cứu? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Tại sao thấy chết không cứu?

Cùng nhìn lại một hiệu ứng tâm lý xã hội kỳ lạ, đặc biệt tại Nhật Bản, qua sự việc thương tâm về một bạn nam người Việt gần đây.
Tại sao thấy chết không cứu?

Nguồn: Finan Akbar/Unsplash

Bài viết thể hiện góc nhìn và trải nghiệm của tác giả Boon Trang.


Vụ việc một bạn nam người Việt bị đánh đập và chết đuối ngay giữa chỗ đông người tại Namba, Osaka gần đây đang gây chấn động giới du học sinh tại Nhật Bản. Việc uống rượu đến mất kiểm soát, ẩu đả gây thương tích hoặc chết người không phải việc kỳ lạ. Cái "lạ" ở đây là nhiều người xung quanh chứng kiến sự việc nhưng không cứu.

Trước vụ việc này vài tuần có một tai nạn khác tại Nhật. Một phụ nữ mải nhìn điện thoại, không để ý rằng mình đang đứng ngay chỗ ray tàu. Chỉ trong phút chốc, cô bị tàu cán một cách thương tâm trước mắt rất nhiều người.

Điểm chung của hai câu chuyện ở đây là, rõ ràng những người xung quanh có thể làm gì đó để giúp đỡ, nhưng không ai làm gì cả.

Đây được gọi là hiệu ứng tâm lý người ngoài cuộc, hay hiệu ứng bàng quan. Hiện tượng tâm lý xã hội này chỉ về một tình huống khẩn cấp mà trong đó những người có mặt không giúp đỡ nạn nhân. Càng có nhiều người cùng chứng kiến, thì từng cá nhân lại càng ít xem vụ tai nạn là một vấn đề nghiêm trọng. Họ ít nhận trách nhiệm để hành động hơn.

Khi đọc tin về bạn nam ở Namba, tim mình thắt lại. Dù không máu mủ ruột thịt nhưng mình hiểu tình cảnh của người con xa quê, nỗi lòng cha mẹ ngóng chờ. Người đi rồi để người ở lại đau đớn khôn nguôi.

Bạn bè xung quanh và người nhà mình hỏi rất nhiều câu hỏi tại sao như "Tại sao không ai làm gì?", "Tại sao người Nhật vô tâm thế?".

Nếu so sánh với người Việt Nam luôn nhiệt tình thì quả thực người Nhật có phần "vô tâm" hơn. Nhưng cái vô tâm của họ là do họ không biết phải làm gì (và khu Namba là nơi phức tạp) nên kết quả không ai làm gì. Thêm nữa, họ được dạy một điều là "không làm phiền người khác". Lời dạy ấy thậm chí trở thành "nỗi sợ làm phiền" vì họ không thực sự chắc người ta có cần sự trợ giúp hay không.

Minh chứng là câu chuyện của chính mình. Hai ngày trước, ở ga tàu có một chị bị ngã khi đi cầu thang. Mình định ra đỡ, nhưng bạn đi cùng kéo lại bảo: Đừng làm gì cả nếu họ không gọi giúp. Không phải vì cô bạn mình thiếu tử tế, mà vì cô sợ rằng chị gái kia có thể ngại và xấu hổ hơn nếu chị không cần giúp mà mình lại đến giúp.

Một câu chuyện khác, thời đại học mình đi làm ở quán ăn người Nhật và phải dọn dẹp quán tới khuya mới về. Thế nên ông chủ quán hay dặn: Đi về mà gặp cướp hay biến thái đừng hét lên "Cướp, cướp", mà hét lên "Cháy nhà!". Vì chỉ khi cháy nhà, mọi người sợ cháy lây sang nhà mình thì mới có người ra giúp.

Quay trở lại câu chuyện của bạn nam ở Namba, mình không phải người chứng kiến, không phải người trong cuộc, nên sẽ không đào sâu thêm chuyện này.

Mình chỉ muốn nói với các bạn đang có ý định đi du học hay tu nghiệp tại Nhật là Nhật Bản không "màu Sakura" như bạn nghĩ. Nhật hay ở đâu cũng vậy, các bạn từ quê lên thành phố một thân một mình, đi học, đi làm vất vả thế nào thì sang Nhật - một đất nước khác, ngôn ngữ khác, văn hoá khác còn vất vả hơn trăm nghìn lần.

Nếu bạn thích Nhật vì mê phim Nhật, yêu anime Nhật, văn hoá Nhật thì mình khuyên đi du lịch, đừng du học. Còn nếu bạn đủ bản lĩnh, chấp nhận mọi thử thách, giữ được cái đầu lạnh, xác định chấp nhận chịu khổ hơn giới hạn của bản thân thì hẵng nghĩ tới chuyện đi nước ngoài sinh sống học tập và làm việc.

Lời khuyên cho các bạn gặp nạn: Khi cầu cứu đừng chỉ hô "Cứu tôi với!". Hãy tìm ai đó xung quanh nhìn có vẻ tin cậy và gọi đích danh họ. Ví dụ: "Anh mặc áo xanh ơi, chị đội mũ đỏ ơi, cứu em!". Khi làm như vậy, người được gọi sẽ nhận thức là chúng ta cần sự trợ giúp, còn bản thân sẽ tăng cơ hội được cứu.

Bên dưới là ảnh ông chủ quán nơi mình từng làm việc. Ông là một trong những người Nhật bảo vệ và chăm sóc mình trong suốt quãng thời gian đại học. Với tấm ảnh lúc ông đang cười tươi, mong là bài viết nhẹ nhàng hơn phần nào.

Ông chủ quán người Nhật tốt bụng
Ông chủ quán người Nhật nơi mình từng làm việc - Người mình xem là người bố thứ 2. | Nguồn: Boon Trang.