Technofeudalism: Tập đoàn công nghệ hay đế chế phong kiến? | Vietcetera
Billboard banner
01 Thg 11, 2022
Truyền ThôngBóc Term

Technofeudalism: Tập đoàn công nghệ hay đế chế phong kiến?

Có phải ta đang dành ít thời gian để báo cáo sếp hơn là cập nhật thông tin lên các nền tảng mạng xã hội?
Technofeudalism: Tập đoàn công nghệ hay đế chế phong kiến?

Nguồn: New York Magazine

1. Technofeudalism là gì?

Technofeudalism chỉ một xã hội trong đó các tập đoàn công nghệ khổng lồ có quyền lực như những bậc quân vương thời phong kiến. Giả thuyết này cho rằng một xã hội “phong kiến công nghệ” đã thay thế xã hội tư bản, theo tờ New York Magazine.

Trong thời phong kiến công nghệ này, các nhà tư bản không còn đứng ở vị trí liên tục tái đầu tư và gia tăng năng suất lao động của công nhân để mở rộng cơ cấu sản xuất và gia tăng quyền lực. Mà các Big-tech hiện giờ đã thay thế vai trò của các nhân tố cơ bản cho sự sống như điện-đường-trường-trạm và kiểm soát toàn bộ cuộc sống của người dân.

New York Magazine lấy ví dụ, nếu Amazon nhảy vào thị trường vệ sinh đô thị và xử lý chất thải, nó sẽ phát triển thùng rác, xe tải và ống dẫn có tích hợp cảm biến để tạo ra dữ liệu có giá trị từ xã hội. Như vậy, bản thân việc tiêu thụ và thải ra của người dân cũng biến thành quá trình sản xuất dữ liệu để phục vụ cho Bezos và đế chế của ông ta. Đó chính là technofeudalism.

2. Nguồn gốc của technofeudalism

Nhà lập thuyết của technofeudalism là nhà kinh tế học Pháp Cédric Durand. Vào năm 2020, ông đã cho ra đời cuốn sách Technoféodalisme: Critique de l’Économie Numérique (Technofeudalism: Phê bình nền kinh tế kỹ thuật số). Ông mô tả các nền tảng số, chứ không phải từng cá nhân, mới nắm đằng chuôi lợi nhuận của nền kinh tế, và làm chủ xã hội.

Nhưng Durand cũng bị phê bình. Một số cho rằng ý tưởng của ông không hề mới, và đã được nhắc tới bởi rất nhiều học giả khác, dù không nhất thiết phải nói tới cụm từ “technofeudalism.” Một số khác phê phán rằng thực ra xã hội “phong kiến công nghệ” của Durand vẫn là chủ nghĩa tư bản.

Nhưng các tập đoàn công nghệ quản lý “công nhân” của mình khác với các công xưởng. Trước đây, vì tiền, người công nhân phải đi làm thuê tại các công xưởng. Họ làm việc cho đến giọt sức cuối cùng để có thu nhập nuôi sống bản thân. Ngày nay, người dùng mạng tự nộp thông tin và dữ liệu của mình cho các nền tảng, để họ kiếm tiền từ dữ liệu này.

3. Vì sao technofeudalism phổ biến?

Gần đây, người ta nhắc đến technofeudalism ở tần suất lớn vì sự kiện tỉ phú giàu nhất thế giới Elon Musk cuối cùng cũng trở thành ông chủ của Twitter. Sau một vài tháng nhấn nhá, Musk cuối cùng cũng bỏ ra 44 tỉ đô la Mỹ để đổi profile của mình trên mạng xã hội này thành “Twit chúa” (Chief Twit) và sa thải luôn 4 lãnh đạo cấp cao của mạng xã hội này.

httpsvietceteracomuploadsimages01nov202231317021823859974582062467804962654729231750njpg
"Twit chúa" Elon Musk | Nguồn: Twitter

Sau khi làm chủ Twitter, vị tỉ phú này cũng thực hiện hàng loạt những thay đổi khác tới nền tảng. Ông yêu cầu người dùng sau khi đã đăng xuất twitter.com, sẽ được chuyển hướng tới trang Khám phá, nơi có các tweet và các tuyến bài thịnh hành. Ông cũng định thu phí $4.99/tháng đối với người dùng muốn được xác minh tài khoản của mình bằng dấu tíc xanh qua Twitter Blue.

Nhưng đáng chú ý hơn, với phương châm “giải cứu” tự do ngôn luận, Elon Musk đã gỡ chặn tất cả các tài khoản cùng các cụm từ gây tranh cãi, khiến Twitter những ngày đầu của thời đại “Chief Twit” ngập trong thông điệp chia rẽ sắc tộc và tôn giáo. Việc một người có đủ quyền lực để tạo ra những thay đổi lớn thế với các “vương quốc số” khiến cụm từ “technofeudalism” nổi như cồn những ngày nay.

Khi nhu cầu được kết nối trên mạng xã hội cũng quan trọng tựa như dùng nước sạch, việc ai đó độc quyền kiểm soát mạng xã hội cần phải được tính đến. Tuy vậy, lối lãnh đạo có phần độc tài của Musk với Twitter không mới, khi các ông chủ mạng xã hội khác cũng làm tương tự từ trước đến nay. Họ tạo ra một chiếc bánh vẽ trên internet, mời mọi người bước vào, và nói “giờ tôi là đức vua.”

4. Dùng technofeudalism như thế nào?

Tiếng Anh:

A: Elon Musk just became ‘sole director’ of Twitter.

B: We’re under a technofeudalism, long live the king!

Tiếng Việt:

A: Elon Musk vừa mới trở thành ‘giám đốc duy nhất’ của Twitter.

B: Chúng ta đang sống ở thời big-tech thịnh trị, đức vua vạn tuế!