Tháp nước Hàng Đậu - nơi ai cũng thắc mắc có gì ở trong - mở cửa đón khách | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Tháp nước Hàng Đậu - nơi ai cũng thắc mắc có gì ở trong - mở cửa đón khách

Bạn đã ghé thăm nơi này chưa? Và nếu có thời gian, đừng bỏ lỡ các sự kiện khác trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 nhé.
Tháp nước Hàng Đậu - nơi ai cũng thắc mắc có gì ở trong - mở cửa đón khách

Nguồn: Dân Trí

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Sau một thời gian chờ đợi, người dân Hà Nội cũng như mọi du khách tham quan thủ đô đã có thể vào xem Triển lãm Pavilion Sắp đặt nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu. Tổ chức bên trong không gian của Tháp nước Hàng Đậu - một di sản nổi tiếng và thường rất bí ẩn vì… không mở cửa bao giờ, sự kiện thu hút sự chú ý của nhiều người dân thủ đô.

Triển lãm thuộc khuôn khổ chuỗi sự kiện Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 với nhiều sự kiện khác nhau ở 17 quận, huyện của thành phố Hà Nội. Sự kiện kéo dài tới hết tháng 12 năm nay.

2. Ta có đang hy sinh di sản vì những mục đích khác?

Trước khi triển lãm diễn ra, nhiều người đã phản ánh về tình trạng xuống cấp ở bên ngoài Tháp nước Hàng Đậu. Theo tin tức của nhiều trang báo, phần không gian xung quanh tháp nước thường xuyên có nhiều rác thải, thậm chí là… phóng uế của người và động vật.

Công tác bảo vệ và quản lý di sản là một chủ đề lớn trong những cuộc hội thảo hay những thảo luận chính sách về quản lý đô thị. Dù đã có nhiều ý kiến và chương trình hành động, nhưng vẫn còn nhiều di sản bị xâm phạm, không được chăm sóc, hoặc chưa đưa vào khai thác một cách hiệu quả và hợp lý.

20nov2023phudieeuu1649037335478301906669jpg
Bức phù điêu tại 61 Trần Phú. | Nguồn: Nguyên Khôi/Tuổi Trẻ

Một ví dụ về việc xâm phạm di sản tại Hà Nội là dự án cải tạo khu nhà 61 Trần Phú. Nơi này từng là xưởng máy, kho chứa, và khu nhà ở thuộc Sở Bưu điện và Điện báo Đông Dương, với những yếu tố kiến trúc nhà xưởng. Địa điểm này cũng đặt bức phù điêu kỷ niệm chiến công bắn rơi máy bay Mỹ của quân và dân Hà Nội.

Các dãy nhà tại nơi đây đã phá dỡ xong, tuy nhiên dự án đã ngưng lại vào giữa năm 2022 để tìm kiếm phương án kiến trúc khác. Thành phố Hà Nội cam đoan rằng sẽ bảo tồn nguyên trạng bức phù điêu vì giá trị lịch sử, nhưng từ sau khi dự án đình chỉ, ta không còn nghe gì về di sản kháng chiến này nữa.

3. Hà Nội có hai lớp di sản đô thị của người Việt và người Pháp?

Không tính những di sản thuộc giai đoạn phong kiến như Hoàng Thành Thăng Long hay Chùa Một Cột, Hà Nội có hai lớp di sản đô thị. Đó lần lượt là lớp di sản thuộc địa từ thời Pháp thuộc, và lớp di sản xã hội chủ nghĩa từ sau năm 1954.

Hà Nội ngày nay là sản phẩm của người Pháp sau khi họ quyết định lập thành phố Hà Nội và lấy đó làm thủ đô của Liên bang Đông Dương vào năm 1902. Họ đã quy hoạch lại thành phố vào đầu thế kỷ 20, những năm 20 và những năm 40.

Các di sản thuộc địa nổi tiếng nhất, cũng là những công trình biểu tượng của Hà Nội, đều xuất hiện trong khoảng thời gian này: cầu Long Biên, Nhà Hát Lớn, Tháp nước Hàng Đậu, v.v. Sau khi chính quyền tiếp quản lại thủ đô vào năm 1954, Hà Nội giữ nguyên cấu trúc và mở rộng về phía nam.

Những công trình di sản đặc trưng của nhà nước xã hội chủ nghĩa vào thế kỷ trước lần lượt xuất hiện trong những năm 60, 70, và 80 của thế kỷ trước: Cung Thiếu nhi, Cung văn hóa hữu nghị Việt-Xô, Lăng Chủ Tịch, Bưu điện thành phố, bức phù điêu kỷ niệm bắn rơi máy bay John McCain, v.v.

4. Cải tạo di sản thành không gian văn hóa, nghệ thuật là xu hướng?

Tháp nước Hàng Đậu không phải là công trình di sản đầu tiên “chuyển đổi mục đích sử dụng” thành không gian trưng bày cho các sự kiện nghệ thuật. Trước đó, một công trình di sản khác là tòa nhà số 22 Hàng Buồm cũng cải tạo thành Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật như hiện nay - nơi diễn ra các buổi triển lãm, hay các sự kiện nghệ thuật như Monsoon Music Festival 2023.

20nov2023hhu0738716975346862191102368864jpg
Nghệ sĩ Quốc Trung và nghệ sĩ Xinh Xô biểu diễn tại 22 Hàng Buồm. | Nguồn: Monsoon Music Festival

Ngoài lựa chọn làm không gian nghệ thuật, những di sản cũng có thể hóa thân thành những không gian văn hóa. Đây là hướng đi mà mà Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ tại địa chỉ 50 Đào Duy Từ, Hà Nội đã lựa chọn.

Xu hướng cải tạo di sản thành không gian văn hóa nghệ thuật không mới trên thế giới, nhưng vẫn là một phương án hấp dẫn cho những người làm quy hoạch đô thị và bảo tồn di sản tại Việt Nam. Lựa chọn cải tạo vừa bảo tồn những nét đẹp của di sản, vừa thúc đẩy du lịch hay kiến tạo không gian nghệ thuật trong lòng đô thị.

5. Cần xác định và bảo vệ các di sản của tương lai?

Khi người dân Hà Nội dựng lên các tấm phù điêu kỷ niệm, hay khi những người Pháp xây những ngôi nhà khang trang trong lòng Hà Nội, có lẽ chẳng ai nghĩ rằng một ngày chúng sẽ thành di sản, thành biểu tượng của thành phố. Những kiến trúc, những tạo tác, hay những không gian mang đặc trưng văn hóa riêng, nếu tồn tại đủ lâu, sẽ trở thành một phần của đô thị và người dân trong khu vực đó.

Nhưng trong thời hiện đại, việc kiến tạo di sản khó khăn hơn vì sự thay đổi liên tục của cơ sở hạ tầng. Những dự án cầu, đường, trường, trạm liên tục mọc lên thế chỗ các công trình dân sinh. Thứ có tiềm năng văn hóa hoặc đủ tính biểu tượng để trở thành di sản chưa chắc có thể sống đủ lâu để hưởng tiếng thơm.

Chưa cần nói chuyện tương lai, ngay ở Hà Nội, hệ thống các biểu tượng ở ô Yên Phụ, ô Chợ Dừa, ngã tư Chợ Mơ đã phải nhường chỗ cho những dự án giải phóng mặt bằng.

20nov2023ttxvntranh3fotorjpg
Bức tranh tường tại ngã tư Chợ Mơ đã tồn tại gần bốn thập kỷ trước khi phải nhường chỗ cho những công trình khác vào năm 2019. | Nguồn: Lâm Khánh/TTXVN

Vì thế, để có thể kiến tạo di sản đô thị trong tương lai, cần có những kế hoạch chi tiết và dài hơi của những người làm chính sách. Vấn đề tưởng đơn giản mà hóa phức tạp: để các kiến trúc và tạo tác biểu tượng có thể biến thành di sản, ngoài giá trị tự thân, chúng phải sống đủ lâu.

Nhưng để chúng sống đủ lâu, thì phải có không gian phát triển và tôn vinh chúng, chứ không thể bạ đâu xây đó. Các cuộc thi thiết kế biểu tượng hay công trình di sản cũng là một phương án hay để kích thích những người của thế hệ này tạo ra ký ức tương lai về chính thế hệ của mình.

Vậy những kiến trúc nào tại Hà Nội hiện nay có thể tạo thành một lớp di sản đô thị mới? Đây là cuộc tìm kiếm cho tất cả mọi người. Để bắt đầu, ta có thể nhìn tới những kiến trúc xây dựng từ những dịp kỷ niệm đặc biệt, ví dụ như con đường gốm sứ kéo dài khắp đường Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, và Yên Phụ.

Nhưng có lẽ chỉ có một phần của công trình đạt kỷ lục Guinness này có thể trở thành di sản thực sự. Đó là phần gốm sứ ở khu vực vòng xoay cầu Chương Dương nơi kết thúc đường Trần Quang Khải kéo sang đường Trần Nhật Duật.

Đây có thể sẽ là phần duy nhất còn nguyên vẹn của con đường gốm sứ trong tương lai bởi nó không ngập trong rác thải và xuống cấp như các phần khác.

21nov2023img128116561430861241626041221jpg
Sau nhiều năm, con đường gốm sứ đã xuống cấp. | Nguồn: Báo Tổ Quốc