Thấy gì ở sự "gồng" của những "mean girls" dưới áp lực định kiến giới? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Thấy gì ở sự "gồng" của những "mean girls" dưới áp lực định kiến giới?

Xem nhân vật Ruby Matthews trong Sex Education, ta thấy ngay cả với những người luôn tỏ ra mạnh mẽ và có ưu thế, cuộc sống cũng chẳng dễ dàng gì.
Thấy gì ở sự "gồng" của những "mean girls" dưới áp lực định kiến giới?

Nhân vật Ruby Matthews. | Nam Ph @namphstuff cho Vietcetera.

Có gì thú vị về nhân vật Ruby Matthews?

Nhiều độc giả của Vietcetera hẳn đã xem mùa 3 của series phim Sex Education (Giáo dục Giới tính) trên Netflix. Nhiều lời khen ngợi và cảm thông cũng đã được cộng đồng mạng dành cho Ruby Matthews - “mean girl” nhận nhiều ý kiến trái chiều trong mùa 1 và mùa 2 của series này.

Tôi cũng dành những lời khen tương tự cho Ruby, nhưng không phải vì nhan sắc, cũng không phải vì câu chuyện tình đau khổ của cô. Tôi yêu quý Ruby của mùa 3 sau khi những chi tiết về xuất thân gia đình cô được hé lộ, khiến tôi nhận ra đây là nhân vật có chiều sâu về hoàn cảnh sống phức tạp nhất trong số mọi nhân vật của Sex Education.

Chiều sâu ấy làm hé lộ ra những mảng tăm tối của hiện thực xã hội, bao gồm những khuôn mẫu về giới, về giai cấp. Và trên hết, là về bất bình đẳng xã hội.

Được che đậy bởi vẻ ngoài hào nhoáng của thời trang, xe hơi và các loại tài sản khác, cùng tính cách mạnh mẽ và “mean” ta thường chỉ thấy ở người có vai vế cao trong các bộ phim soap opera, Ruby lại có hoàn cảnh gia đình khác hẳn so với những người bạn bè thượng-trung lưu học ở ngôi trường tư thục Moordale.

Ngôi nhà xập xệ, với một người bố bị bệnh xơ cứng thần kinh và một người mẹ bác sĩ làm ca kíp thâu đêm ở bệnh viện khác so với những gì tôi từng tưởng tượng ở gia cảnh của Ruby. Cô thậm chí chưa từng dám đem bạn bè và người yêu qua nhà bao giờ, vì nỗi tự ti ở gia cảnh. Với ô tô gầm rú, đồng thời là hội trưởng của “the untouchables (hội không thể động vào)”, tôi cứ nghĩ nhà Ruby sẽ giống như biệt phủ quan chức.

Nhiều fan của bộ phim sẽ tự hỏi Ruby lấy đâu ra tiền để trang trải cho đời sống vật chất? Liệu việc xây dựng hình tượng cô đào này là một người có xuất thân trung lưu lao động có mâu thuẫn gì không?

Còn câu hỏi của tôi là điều gì khiến cho người thuộc tầng lớp yếu thế trong xã hội phải cố gắng trở thành tầng lớp mạnh? Ngay cả khi họ nhận ra người đứng sau những bất công có tính hệ thống đổ lên đầu mình là người họ muốn trở thành?

Điều gì khiến cho người thuộc tầng lớp yếu thế trong xã hội phải cố gắng trở thành tầng lớp mạnh?

Ám ảnh “Fake it until you make it”

Hình tượng Ruby khiến tôi nhớ đến thành ngữ “giả vờ cho đến khi thành sự thật (fake it until you make it)”. Trong cuộc cạnh tranh khắc nghiệt của xã hội, nhiều người phải tỏ ra tự tin, mạnh mẽ và “cầm đằng chuôi” trong các mối quan hệ xã hội, dù thực tế không phải vậy. Họ hy vọng rằng rồi một ngày mình sẽ trở thành phiên bản thành công trong tưởng tượng của mình.

Là một người trải qua nhiều biến cố gia đình, tôi đồng cảm với Ruby và với nhiều bạn bè khác trong tình thế “fake it until you make it”. Đặc biệt, tôi đồng cảm với cảm giác xấu hổ và muốn giấu diếm thân phận của mình. Cuộc đua xã hội đôi lúc giống như cuộc “gồng”, vì những “vận động viên” không hề bình đẳng với nhau về nguồn lực và hoàn cảnh sống.

Sống “gồng” đồng nghĩa với sống hai cuộc đời: một cuộc đời công khai mạnh mẽ, độc lập, “siêu nhân” hoặc “mean”, và một cuộc đời cá nhân cô đơn, trống rỗng và liên tục không còn năng lượng để tiếp tục leo những nấc thang xã hội.

Bất bình đẳng giai cấp và bất bình đẳng giới có mối liên hệ vô cùng khăng khít với nhau. Với nhà giáo dục học Fiona Blaikie - thuộc khoa nghiên cứu giáo dục trường đại học Brook, Canada, nỗi ám ảnh trở thành “mean girl” ở trường phổ thông là biểu hiện của việc bị áp bức.

Đối với những cô gái giàu có muốn thể hiện đẳng cấp, họ luyện cách kiếm chuyện, giả vờ thạo đời và cư xử bề trên với người khác dù trong thâm tâm không muốn. Đối với những cô gái trung lưu, họ phải chắt chiu tiền bạc để mua quần áo và trang sức đắt tiền, để với tới đẳng cấp của bạn bè đồng trang lứa.

Có một thực tế chúng ta cần phải hiểu: “đẳng cấp” hoàn toàn là một tiêu chuẩn được con người tưởng tượng ra, và nó sẽ thay đổi theo từng thời kỳ lịch sử. Sự áp bức xảy ra khi con người cho rằng chỉ có một cách để sống tốt hơn, leo tới đẳng cấp cao nhất của thời đại mình, dù họ không đủ đặc quyền về xuất thân để làm việc đó.

Trong cuộc cạnh tranh khắc nghiệt của xã hội, nhiều người phải tỏ ra tự tin, mạnh mẽ và “cầm đằng chuôi” trong các mối quan hệ xã hội

Đỉnh cao của nữ tính độc hại

Giáo sư Fiona Blaikie gọi hiện tượng “mean girl” là “siêu nữ tính (hyper-feminine)”. Bà nói, trong xã hội, nữ tính (feminine) là sự đóng khung bạo lực đã được xã hội chúng ta coi là chuyện thường ngày ở chợ: con gái buộc phải nữ tính, con trai không được nữ tính. Nữ tính độc hại xảy ra khi người nữ tuyệt đối hoá khuôn mẫu này và leo lên nấc thang cao nhất của nó bằng mọi cách.

Đằng sau logic của “siêu nữ tính” là một thứ chủ nghĩa cá nhân cực đoan. Nó đề cao sự cạnh tranh và tiêu diệt lẫn nhau, thay vì giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau. Chính vì vậy, “siêu nữ tính” không những cổ xuý sự xấu tính (mean), mà còn biến nó thành một thứ phẩm chất phải học tập và rèn luyện.

Sử dụng quan điểm của nhà xã hội học Pierre Bourdieu, Fiona Blaikie nhìn “siêu nữ tính” như một hệ giá trị xã hội hấp dẫn, chảy từ tháp ngà của xã hội xuống những tầng lớp thấp nhất. Là giá trị của tầng lớp mạnh trong xã hội, “siêu nữ tính” tạo ra ảo ảnh rằng nó là tiêu chuẩn đẹp nhất, tuyệt đối nhất của việc làm phụ nữ.

Hệ quả là, đối với những cô gái trẻ có xuất thân không cao như Ruby Matthews, trở nên “siêu nữ tính” như khuôn mẫu “mean girl” trường phổ thông là con đường duy nhất dẫn tới một cuộc sống tốt hơn. Sống theo những khuôn mẫu, chúng ta được hứa hẹn và buộc phải tin tưởng vào tương lai hạnh phúc vật chất mà nó mang đến.

Nhưng cho đến nay, sống và làm việc theo khuôn mẫu giới mới chỉ dẫn đến sự mệt mỏi và tự ti. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy khuôn mẫu giới đem đến một xã hội hạnh phúc và lành mạnh hơn.

Trở nên “siêu nữ tính”, chúng ta mất nhiều hơn được. Cuộc đời sẽ giống như một vở kịch kéo dài mãi mãi, với áp lực liên tục phải diễn. Vậy bao giờ ta mới được nghỉ ngơi giữa son phấn, cặp kè gái trai, công việc bếp núc và nề nếp gia phong?

Trở nên “siêu nữ tính”, chúng ta mất nhiều hơn được.

Kết

Tôi cho rằng cách để sống hạnh phúc hơn và thoát khỏi những áp lực xã hội không phải là cố gắng leo đến những đỉnh cao của khuôn mẫu giới và giai cấp. Chúng ta cần nghĩ về cuộc sống của mình bên ngoài những định kiến sẵn có.

Nhưng thế tiến thoái lưỡng nan của xã hội, là công cụ học thuật và tư tưởng giúp vượt qua định kiến lại đang hầu hết chỉ được dạy ở những ngôi trường tư thục quốc tế đắt tiền mà không phải ai cũng đủ sức chi trả.

Sự bất bình đẳng trong giáo dục khiến cho những khuôn mẫu và sự xấu tính của con người chảy thẳng từ tầng lớp cao nhất xuống tầng lớp thấp nhất mà không hề có rào cản. Ruby Matthews chỉ là một trong số vô vàn nạn nhân của thế tiến thoái lưỡng nan này.