1. Chuyện gì đã xảy ra?
Innisfree vừa qua đã bị người dùng của hội No Plastic Shopping phàn nàn về việc bán sản phẩm chai nhựa nhưng dán nhãn chai giấy. Chai serum này nằm trong chiến dịch Play Green với khẩu hiệu Less Plastic của Innisfree.
Hình ảnh về chai nhựa bị cắt đôi nhanh chóng được lan truyền. Nhiều người tiêu dùng đã phẫn nộ và gọi chiến dịch của Innisfree là “giả tạo".
2. Innisfree có phản hồi gì?
Theo như The Korea Herald thì Innisfree đã đưa ra lời xin lỗi vì đã gây hiểu nhầm. Trước đó Innisfree Singapore cũng đã đăng bài viết giải thích rằng thật ra chỉ có vỏ chai là giấy, còn bên trong chai nhựa. Tuy nhiên chai này có ít hơn 51.8% lượng nhựa so với chai thông thường.
Ngoài ra, Innisfree Việt Nam cũng đã đưa ra các hướng dẫn để tái chế vỏ chai này.
3. Còn thương hiệu nào cũng đòi “xanh”?
Vào năm 2019, một loạt các thương hiệu đồ uống tuyên bố sống xanh bằng cách thay đổi ống hút, bao bì,... Một số nhãn hàng nổi bật như Phúc Long, Highlands, Starbucks,..
Tuy nhiên những nỗ lực sống “xanh” của những nhãn hàng này đều đã bị nhiều khách hàng vạch trần là chỉ có hình thức. Bên cạnh đó, việc chuyển qua sử dụng ống hút nhựa cũng không làm giảm đi lượng rác thải nhựa thải ra môi trường.
4. Green marketing hay là greenwashing?
Green marketing được sinh ra trong bối cảnh mà những thế hệ người tiêu dùng bắt đầu quan tâm tới môi trường hơn. Các chiến lược tiếp thị này tập trung vào việc nhãn hàng đang làm gì để bảo vệ môi trường, thể hiện qua eco-label (nhãn sinh thái).
Mục đích của eco-label là để truyền tải những thông điệp xanh hay những việc làm mà nhãn hàng đã làm được vì mục đích môi trường. Tuy nhiên nói thì dễ hơn là làm, nhiều nhãn hàng chỉ tập trung vào quảng bá sự “xanh" của mình mà quên “thực hành”. Đó là cách greenwashing (tẩy xanh) ra đời.
5. Người tiêu dùng đang bị lợi dụng?
Trung bình có khoảng 70% người mua hàng chọn trả thêm tiền nếu sản phẩm đó được dán nhãn thân thiện với môi trường. Điều này tưởng chừng là một thói quen tốt, tuy nhiên tâm lý mua hàng này được nhãn hàng tận dụng để tạo ra những chiến dịch CSR vì môi trường. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đa số các nhãn hiệu sinh thái không tuân thủ các chính sách về môi trường trên nhãn sinh thái của họ (Theo: researchgate.net).
Người tiêu dùng chọn sản phẩm xanh để cảm thấy tốt hơn về bản thân vì đã góp phần vào việc bảo vệ môi trường. Nhãn hàng cũng làm người tiêu dùng cảm thấy tốt hơn khi liên tục tung ra sản phẩm với nhãn “xanh". Tuy nhiên vì bận làm vừa lòng nhau mà ta bỏ quên việc chính là ra tay hành động vì môi trường.
6. Cách để nhận biết “tẩy xanh"?
Năm 2007, Terrachoice, một công ty chuyên về marketing môi trường đã đưa ra “6 tội lỗi của tẩy xanh". Đây cũng là những cách mà nhãn hàng “mập mờ" trong việc bản thân có xanh hay không. Các lý do từ việc đưa ra lời nói dối trắng trợn về sản phẩm cho tới đưa thiếu thông tin về sản phẩm đều được nhắc tới. Ví dụ như ngành thời trang miêu tả mình cung cấp sản phẩm bền vững nhưng lại không đưa ra được định nghĩa thế nào là bền vững.
Có thể thấy nhãn hàng có 101 cách để “lươn lẹo" đánh vào tâm lý khách hàng. Đây là lý do ta cần tư duy phân tích vòng đời của sản phẩm (life cycle thinking). Bằng cách hiểu rõ về cách sản xuất, nguyên liệu cho tới cách tái chế của sản phẩm, ta có thể đưa ra được những lựa chọn về sản phẩm bền vững phù hợp.
7. Bảo vệ môi trường, thói quen hay phong trào?
Nói nhiều về sống xanh không làm thế giới trở nên xanh hơn. Phong trào về môi trường có thể giúp chạm tới nhiều người hơn, tuy nhiên chỉ có hành động mới thay đổi được vấn đề.
Đừng để những món đồ bảo vệ môi trường là món phụ kiện thời trang. Đừng chỉ bảo vệ môi trường vì nó thời thượng. Đừng chỉ đợi “nhãn hàng" thay đổi thói quen của bạn mà hãy bắt tay vào thay đổi chính mình, bắt đầu với việc tái chế cùng series Giải rác với Vietcetera!