Trà Vẫn Còn Nóng: Đời có hết buồn nếu mình livestream? | Vietcetera
Billboard banner

Trà Vẫn Còn Nóng: Đời có hết buồn nếu mình livestream?

Có những tin gì mới trong tuần thứ 2 của tháng 12? Khám phá Trà Vẫn Còn Nóng của Vietcetera nhé!
Trà Vẫn Còn Nóng: Đời có hết buồn nếu mình livestream?

Nguồn: Bích Hồ cho Vietcetera

1. Những chiếc camera trong lễ tang

Chiều 09/12, cộng đồng mạng nhận tin nghệ sĩ Chí Tài qua đời. Không chỉ là sự ra đi của một nghệ sĩ lớn trong ngành, đây còn là mất mát của bao thế hệ dùng tiếng cười từ những tiểu phẩm hài Hoài Linh - Chí Tài để an ủi tâm hồn mới lớn.

Trong không gian nhiều âm thanh đau buồn, những chiếc camera dùng để livestream vẫn tiếp tục được giơ lên. Không rõ ‘like có ăn được không’, nhưng với nhiều người, like và share quan trọng hơn việc chia buồn cùng gia quyến là thật.

Có lẽ sau nhiều đạo luật về bảo vệ học sinh khỏi bạo lực học đường, bảo vệ phụ nữ trong khuôn khổ bình đẳng giới, chúng ta cũng nên cần thêm một đạo luật mang tên bảo vệ người mất, khỏi những chiếc camera?

2. Kinh tế chia sẻ hay “chia xẻ”?

Sáng ngày 5/12, chẳng có cơn bão bóng đá nào đi qua, vậy mà người dân trên 3 miền tổ quốc lại được chứng kiến khung cảnh náo nhiệt của còi xe, băng-rôn trên vài góc phố. Hàng trăm tài xế công nghệ đã đến thăm trụ sở của hãng xe Grab. Mục đích là đình công, đòi lại công bằng.

Từ ngày 5/12, các tài xế phải cắt lại cho Grab 27% doanh thu trên mỗi giao dịch, tăng 7% so với trước đó. Kinh tế khó khăn do dịch bệnh, nhiều người mất việc, phải chạy Grab kiếm sống qua ngày. Nhưng buồn thay “cái eo” lại ngày càng hẹp.

Phản hồi lại lời buộc tội rằng mình đang chèn ép, Grab cho rằng họ chỉ đang thu hộ số tiền thuế 10% theo nghị định 126 mới có hiệu lực của Chính phủ. Hãng xe này đang phải chấp nhận buông bỏ vũ khí “giá rẻ”.

Hay... thực tế là, họ đã đa dạng nguồn thu đủ để tự tin không cần cạnh tranh về giá? Từ năm 2019, giá trị dịch vụ gọi xe của hãng chỉ còn chiếm dưới 50% tổng doanh thu. Người đi xe không chọn hãng này thì chọn hãng khác. Còn các tài xế có quyền lựa chọn nào? Chia sẻ hay “chia xẻ” với các hãng xe công nghệ?

3. Quyền lực hay quyền uy?

Cuối tháng 11, em N.T.N.Y, một nữ sinh lớp 10 tại An Giang, đã cố tự tử, do uất ức với giáo viên và nhà trường, nhưng may mắn được cứu chữa kịp thời.

Bi kịch được cho là xuất phát từ việc Y. chỉ theo học 1 môn trong tổng số 6 môn phụ đạo. Giáo viên chủ nhiệm của Y. đã nhiều lần to tiếng hay nói kháy em, nhưng sự “đằm thắm” của cô chỉ lên đến đỉnh điểm sau khi Y. chọn tự “giải thoát” để minh oan. Cô “nói vu vơ” trên mạng xã hội rằng: “có một loài chim đã tìm cái chết rất vinh”. Chẳng biết cô giáo có thấy vinh quang khi thị uy quyền lực phán xét của mình bằng cách đó?

Theo nhà giáo dục học người Nhật Tanaka Yoshitaka, giáo viên Việt Nam, hay một số nước châu Á khác, thường ngộ nhận cái “uy” mà học sinh tự nguyện trao cho người thầy, thành “quyền lực” mà mình sở hữu. Nhưng điều gì khiến giáo viên tự tin trao quyền cho chính mình?

  • Quan niệm đạo đức: ảnh hưởng từ Nho giáo Khổng - Mạnh, người thầy được đặt lên 1 vị trí cao đặc biệt.
  • Quan niệm “giáo viên xuất chúng”: giáo viên thường là người có học, có bằng cấp, vốn kiến thức rộng.
  • Hệ thống hành chính giáo dục thiên về chiều dọc (cấp trên - cấp dưới).

Sẽ chẳng thiếu những cô giáo “yêu màu tím” khác nếu chúng ta tiếp tục dung túng cho những kẻ lạm dụng quyền lực.

4. Làm sao để ngôi sao cư xử đúng mực?

Tối ngày 06/12, trong sự kiện thời trang Vietnam International Fashion Week, một xì-căng-đan nổ ra. Theo một đoạn video, 3 người đẹp Ninh Dương Lan Ngọc, Ngọc Trinh và người mẫu Linh Chi đã quên không chào hỏi lễ phép với ca sĩ Thủy Tiên. Sau khi cô rời ghế để chụp ảnh, loạt bài viết chuyên gia phân tích hành vi, tâm lý con người xuất hiện.

“Linh Chi chen lấn”, “Lan Ngọc liếc xéo”, “tỏ thái độ với đàn chị” trở thành cụm từ khóa chủ đạo của những trận tranh biện. Đến nỗi người trong cuộc là Thủy Tiên phải lên tiếng đính chính.

Các ngôi sao thường đại diện cho tổ hợp các chuẩn mực mà xã hội áp đặt: đẹp, duyên dáng, lễ phép và… không mắc sai lầm. Khi (được cho là) đi lệch với tiêu chuẩn, họ lập tức được ưu ái trên các mặt báo. Bản thân các nội dung này có tính giải trí cao và dễ tiêu hóa, nên thường nhận về ngàn lượt tương tác.

Có lẽ, để trở thành hình tượng mẫu mực như sách giáo khoa, người nổi tiếng nên hằng đêm gối đầu bằng những cuốn sách hướng dẫn dạy làm người. Đồng thời luyện cơ mặt nhuần nhuyễn để mọi cử chỉ đều toát ra tia sáng thiện lương.

5. “Mắt Biếc” tham dự sơ tuyển Oscar lần thứ 93

Ngày 10/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định chọn “Mắt Biếc” làm đại diện Việt Nam tham dự vòng sơ tuyển Oscars lần thứ 93, tổ chức tại California, Mỹ.

Ra mắt cuối năm ngoái, Mắt Biếc giành được sự chú ý lớn của công chúng. Tuy sở hữu kho tài sản đồ sộ là các giải thưởng điện ảnh trong nước cùng doanh thu trăm tỉ, chất lượng phim vẫn vướng nhiều tranh cãi. Một số khán giả tin rằng Mắt Biếc đang được đánh giá quá cao, bởi bộ phim chưa truyền tải được cảm xúc như trong truyện và diễn biến tâm lý nhân vật không hợp lý.

Dù còn nhiều điểm chưa trọn vẹn, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tự hào vì có một sản phẩm nội địa mang trọng trách quốc tế. Đây cũng là bước đầu để khích lệ các nhà làm phim trong nước. Hẳn đạo diễn nào cũng muốn 1 ngày được vỗ ngực “phim của tôi từng được chọn đi tham dự Oscar đấy!”

6. Thống kê 2020 của Netflix ra lò, bạn nghĩ mình biết gì?

Tại Việt Nam, tính đến năm nay, đã có hơn 150,000 tài khoản Netflix chính thống (chưa tính những tài khoản “1 tháng 20 nghìn đồng” nhẵn mặt khắp các group Facebook lớn nhỏ, với quân số ngang “ông chú Viettel”). Qúy 3 năm 2018, ‘ông lớn công nghệ’ này chỉ mới cán mốc 137 triệu thành viên toàn thế giới, nhưng tháng 12 năm 2020, đã có hơn 195 triệu người sẵn sàng ‘rút tiền túi’ mỗi tháng để xem phim trên nền tảng này. Hơn 5 tháng ở nhà chờ COVID-19 qua đi có lẽ đã có tác động lớn đến con số này.

Xét trong khu vực Châu Á, Kingdom, Hospital Playlist, Reply 1988, Start Up, Itaewon Class… là những bộ phim trụ vững trong top 10 tại Việt nam khoảng thời gian dài sau khi ra mắt. Với những bộ phim khu vực quốc tế, Umbrella Academy, Emily In Paris, Queen’s GambitMoney Heist chiếm trọn trái tim người xem Việt Nam.

Năm 2020 chứng kiến nhiều sự thay đổi trong cách thưởng thức phim ảnh của người Việt, khi phim tài liệu dần leo lên top đầu. Những bộ phim về khởi nghiệp, bệnh tâm lý cũng chiếm sự quan tâm lớn. Có lẽ thời điểm ‘điều gì cũng không chắc chắn’ và ‘không ai được phép ra khỏi nhà’ đã khiến chúng ta nghĩ nhiều đến việc thực hiện ước mơ khởi nghiệp, thôi thúc chúng ta du lịch, đẩy đưa chúng ta đào sâu vào tâm lý của bản thân. Những tấm gương khởi nghiệp thành công, ước mơ được thỏa thích du lịch tứ phía, hành trình trưởng thành của con người… vì không có cơ hội được thấy ngoài đời thật, nên ta đành nhờ cậy Netflix vậy!

7. Viết Với Việt Vân Vân, có mây mây cách sáng tạo

Sáng 12/12, khi dân tình vẫn đang nô nức săn sale hoặc ‘hồi thần’ sau cuộc chiến săn sale từ 0h, sự kiện Viết Với Việt Vân Vân đã diễn ra tại WeWork Lim Tower 3, tại số 29A Nguyễn Đình Chiểu.

Không kể mắt hay mặt có sưng húp vì chiến đấu với deadline hay không, dàn editor nhà Vietcetera cùng 30 người tham dự (có người thuộc lực lượng freelancer tinh nhuệ, có người chỉ mới bén duyên đọc Vietcetera cách đây vài tháng) đã cùng ‘mổ xẻ’ những bí quyết để tạo nên một bài viết chất lượng, từ khâu lên ý tưởng đến thực hành viết.

Câu nói của MC Thùy Minh đầu chương trình: “Thế nào là một bài viết hay, đó là câu hỏi các editor của Vietcetera cũng đang tìm kiếm câu trả lời” đã tóm gọn hành trình của những người đang viết tại Vietcetera, có lẽ thêm nữa là câu “Làm thế nào để ‘múa bút’ đến mức độ có thể chạy tốt deadline trong ngày mà không bị dàn Managing Editors ‘dí’?”.

Bạn muốn tham gia hành trình trầy trật cùng chữ nghĩa với chúng tôi? Vietcetera vẫn đang tuyển Community Writer.