Chúng ta dễ bám vào niềm tin sai lầm trước quá nhiều điều không chắc chắn | Vietcetera
Billboard banner
26 Thg 02, 2021
Chất Lượng Sống

Chúng ta dễ bám vào niềm tin sai lầm trước quá nhiều điều không chắc chắn

Theo Mark Manson khi phải đối mặt với những gì bất định, một cách bản năng chúng ta dựng lên những ảo tưởng về sự chắc chắn để cảm thấy được an toàn.

Chúng ta dễ bám vào niềm tin sai lầm trước quá nhiều điều không chắc chắn

Nguồn: Tim Trad/Unsplash

Được chuyển ngữ từ bài viết "The Fear of the Unknown" đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.

Quay trở lại đầu năm 2020, khi chúng ta phải đối mặt với sự bất ổn đến từ COVID-19.

Đại dịch đã đánh vào điểm yếu lớn nhất của nhân loại: nỗi sợ những điều không biết.

Đây là lúc hiếm hoi khi cuộc sống thường nhật bị gác lại và chúng ta buộc phải ở trong tình trạng không chắc chắn trong thời gian dài. Virus gây chết người như thế nào? Chúng ta không biết. Dịch bệnh này sẽ kéo dài trong bao lâu? Chịu. Những biện pháp phòng ngừa xã hội quyết liệt có đáng không? Có thể. Liệu có phương pháp điều trị hiệu quả? Có lẽ. Virus có chịu ảnh hưởng của thời tiết, di truyền, địa lý không? Biết đâu được.

Nhìn lại, đáng ngạc nhiên là hầu như không có điều gì được nói trong vài tháng đầu tiên trở thành sự thật. Mọi người đều đã sai... nhưng lại chắc nịch về những gì mình nói.

Thật mỉa mai là chúng ta hay bấu víu vào niềm tin của mình mãnh liệt nhất khi ta ít chắc chắn về nó nhất. Nhưng, đó chính là mấu chốt. Càng bám vào niềm tin và giả định, chúng ta càng cảm thấy an toàn hơn trước những điều chưa biết.

Và đó chính là rắc rối.

Tại sao chúng ta sợ hãi trước những điều không biết?

Bất cứ khi nào chúng ta làm gì đó mà không biết trước kết quả, chúng ta đang chấp nhận rủi ro. Bạn bỏ bữa trưa để hoàn thành công việc, biết rằng mình có thể cảm thấy uể oải vào giữa buổi chiều. Bạn gọi cho người yêu cũ để sửa chữa sai lầm, biết rằng hai người có thể sẽ cãi nhau. Bạn mua cho bạn mình một món quà, biết rằng họ có thể ghét nó.

Bởi vì cuộc sống luôn đi kèm bất trắc và rủi ro. Điều giúp chúng ta tỉnh táo khi đối mặt với những quyết định thiếu chắc chắn là cân nhắc đúng chi phí tiềm ẩn và lợi ích của từng rủi ro. Nếu kiểm soát được cảm giác không chắc chắn, chúng ta thấy quyết định của mình là hợp lý.

alt
Nguồn: Unsplash

Nhưng khi chúng ta không biết mình đang mạo hiểm điều gì — khi có quá nhiều sự không chắc chắn đến nỗi chúng ta thậm chí không thể tính toán được và mất—chúng ta có xu hướng mắc sai lầm.

Khi có quá nhiều sự không chắc chắn mà chúng ta không còn biết lựa chọn đó rủi ro như thế nào, não bộ của chúng ta như bị chập mạch và ta không biết phải làm gì với chính mình.

Tại sao những gì không chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến bạn?

Trong những tình huống bất định, bản năng con người bộc phát và chúng ta cho rằng điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra. Sau cùng, nếu có quá nhiều bất trắc mà ta không biết phải làm gì, chúng ta xử lý tình huống dựa trên viễn cảnh tồi tệ nhất nhằm bảo vệ mình.

Đây là lý do sự không chắc chắn dẫn đến lo lắng. Khi không biết phải nói gì với mọi người, chúng ta cho rằng mình sẽ bị cười nhạo bất kể bản thân làm gì. Khi không biết gì về vị sếp mới, chúng ta thường cho rằng họ chẳng ra gì. Khi bị bệnh mà không rõ nguyên nhân, chúng ta cho rằng mình bị ung thư.

Khi đối mặt với điều mà bản thân không rõ liệu có phải là mối đe dọa hay không, chúng ta sẽ vô thức giả định là nó nguy hiểm.

Học cách chịu đựng sự bất định là một kỹ năng quan trọng mà mỗi người cần phát triển. Nếu không học được cách đối mặt với những gì không chắc chắn, nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta. Lo âu, trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và thậm chí là rối loạn ăn uống đều liên quan đến sức chịu đựng kém khi đứng trước những điều chưa biết.

Nhưng kể cả khi nỗi sợ trước những điều chưa biết không dẫn đến các bệnh tâm lý, nó có thể khiến chúng ta lo nghĩ quá nhiều, đưa ra quyết định sai lầm về tiền bạc, làm việc kém hiệu quả và khiến ta khốn khổ.

alt
Nguồn: Unsplash

Và khi nỗi sợ ấy lan rộng trong văn hóa, con người có xu hướng trở nên giáo điều và độc đoán. Những nền văn hóa sợ hãi trước những điều không biết và khao khát sự chắc chắn có xu hướng mục rữa, ít khoan dung với những ý tưởng bất đồng và thiếu sự tin tưởng hơn so với những nền văn hóa thoải mái với sự không chắc chắn. Về cơ bản, nếu cả xã hội cùng lo sợ sự bất định, mọi người sẽ tuân theo sự chuyên quyền và chẳng dám làm gì ngoài khuôn khổ.

Nhiều người thà bị phụ thuộc vào một nhân vật hoặc tổ chức toàn năng hơn là mạo hiểm trước những điều mình không biết, miễn là nhân vật hoặc tổ chức đó hứa hẹn mang lại sự chắc chắn trong cuộc sống của họ, ngay cả khi kết cục của sự chắc chắn là thứ gì đó khủng khiếp.

Tuy nhiên… sự chắc chắn chỉ là ảo ảnh

Trong cuộc sống chẳng có gì là chắc chắn. Bởi thế, chúng ta dành rất nhiều thời gian và năng lượng để kiến tạo nên kỳ vọng trước những gì sẽ diễn ra. Chúng ta lên lịch, lập thời khóa biểu, đặt hẹn, xây dựng thói quen và nếp sinh hoạt, đặt ra hướng dẫn và mục tiêu, tuân theo các quy tắc, tất cả đều nhằm nỗ lực không ngừng để chống lại cảm giác không chắc chắn.

Nhưng thỉnh thoảng khao khát mọi thứ diễn ra theo trật tự đi quá xa. Giống như các chính phủ và thể chế có thể tạo ra ảo tưởng về sự ổn định bằng cách đàn áp người dân, tâm trí của bạn có thể bị lừa dối về sự chắc chắn bằng cách trói buộc mình vào những niềm tin và thói quen cứng nhắc.

alt
Nguồn: Mark Manson

Khi đại dịch toàn cầu bùng phát, sự không chắc chắn về nó đã gây ra một cơn co thắt ở khắp mọi nơi và dễ hiểu khi mọi người trở nên hoảng sợ.

Thế mà có những người chẳng cần nhiều thời gian để trở nên “chắc chắn” rằng họ biết điều gì đang diễn ra. Có người cho rằng nó chẳng là gì ngoài “một cơn cảm cúm” trong khi nhiều người thì tin rằng thế giới sẽ thay đổi mãi mãi, nếu mà mọi thứ không kết thúc. Các thuyết âm mưu phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc và ngày càng trở nên lố bịch hơn.

Sự thật là chúng ta chỉ không biết cái quái gì đang diễn ra mà thôi.

Nhưng phần lớn mọi người chẳng thể nào ngồi yên với sự bất định. Và cách mà họ đối mặt với nó là tưởng tượng về sự chắc chắn. Nỗi lo âu về đại dịch là quá sức chịu đựng, vì thế chúng ta sẵn lòng đổi nó để lấy sự ảo tưởng, mặc dù điều này khiến ta trở nên ngu ngốc.

Thế nhưng, thực tế là việc bạn chắc chắn về một điều gì đó không đồng nghĩa với việc nó đúng. Biết được sự thật và cảm giác biết được sự thật là hai thứ khác nhau và cái này có thể diễn ra mà không cần cái kia.

Một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc là khi chúng ta đạt được sự cân bằng. Chúng ta phải thừa nhận những điều không chắc chắn sẽ luôn tồn tại, bởi vì điều này giúp chúng ta cởi mở với thay đổi, cho phép ta học hỏi và thích nghi với thử thách.

Nhưng đồng thời, chúng ta cần cảm thấy sự chắc chắn ở mức độ nhất định để có được cảm giác an toàn và ít nhất có thể giả vờ biết mình làm gì. Câu hỏi được đặt ra là, đâu là điểm cân bằng?

Còn tiếp...

Được chuyển ngữ bởi Trân Lê