Một loại virus có độc lực thấp và khả năng lây nhiễm cao, với kích thước bằng khoảng 1/900 chiều rộng của sợi tóc, đang lây lan trên khắp thế giới. Virus corona đã xuất hiện tại tổng cộng 83 quốc gia và vùng lãnh thổ (tính đến ngày 5 tháng 3 năm 2020).
Vì đây là chủng virus mới, hiểu biết của các chuyên gia về cách thức lan truyền của nó vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn có thể cho chúng ta một số chỉ dẫn về cách thức chúng có thể hoặc không thể bị truyền nhiễm.
Nếu tôi đi ngang qua người bệnh, liệu tôi có bị lây không?
Bạn đang đi siêu thị và có một người mua hàng đang bị nhiễm virus corona. Điều gì khiến virus có thể lây sang bạn?
Các chuyên gia thừa nhận rằng còn rất nhiều điều chưa rõ về chủng virus này, nhưng 4 yếu tố có thể đóng vai trò then chốt: khoảng cách và thời gian tiếp xúc giữa bạn và người bệnh, khả năng người đó truyền các giọt bụi nước có chứa virus sang bạn, và số lần bạn dùng tay chạm lên mặt. Ngoài ra, tuổi tác và tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn cũng là những yếu tố quyết định.
“Giọt bụi nước” chứa virus là gì?
Đó là những giọt nước nhỏ chứa đựng phần tử virus. Virus là những loài vi khuẩn nhỏ, sống ký sinh vào tế bào vật chủ cho đến khi chúng có thể chuyển sang vật chủ mới. Đây chính là “lối sống” của virus, theo Gary Whittaker, giáo sư và nhà virus học thuộc Đại học Cornell, khoa Dược Thú y.
Bản thân virus không thể di chuyển đi bất cứ đâu, trừ khi nó “quá giang” vào một giọt nước mũi hoặc nước bọt, theo giáo sư Kin-on Kwok thuộc đại học Trung Văn Hong Kong, khoa Y tế Công và Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng.
Những giọt bụi nước mũi hoặc nước bọt này bắn ra từ miệng hoặc mũi khi chúng ta ho, hắt hơi, cười, hát, thở và nói chuyện. Thông thường chúng sẽ rơi xuống sàn nhà hoặc nền đất nếu không bị cản lại trên đường đi.
Để có thể xâm nhập vào các tế bào, giọt bụi nước chứa virus phải đi qua đường mắt, mũi hoặc miệng. Một số chuyên gia tin rằng hắt hơi hoặc ho có thể là những hình thức lây nhiễm chính. Theo giáo sư Kwok, nói chuyện trực tiếp hoặc ăn uống chung với người khác cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Julian Tang, nhà virus học và giáo sư tại Đại học Leicester (Anh), người đang nghiên cứu về virus corona cùng với giáo sư Kwok, cũng đồng tình với ý kiến trên.
“Nếu bạn có thể ngửi thấy mùi thức ăn từ hơi thở của người khác – tỏi, cà ri, v.v,… – bạn đang hít vào những gì họ đang thở ra, bao gồm cả các phần tử virus”, ông nhận định.
Như thế nào là quá gần?
Theo Christian Lindmeier, phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới, tốt nhất là nên đứng cách xa 3 feet (khoảng 0.92 mét) với người bệnh.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ nói rằng đứng trong tầm 6 feet (khoảng 1.83m) là đã có nguy cơ bị lây bệnh.
Như thế nào là quá lâu?
Điều này chưa được nghiên cứu kỹ, nhưng đa số các chuyên gia đồng thuận rằng thời gian tiếp xúc với người bệnh càng lâu thì nguy cơ bị lây bệnh càng cao.
Bạn có thể biết một người đang bị bệnh không?
Rất tiếc là không.
Hãy lưu ý rằng đa số các triệu chứng của người bệnh đều ở dạng nhẹ giống như khi bị cảm cúm. Một số người bị nhiễm virus corona còn chưa bị đổ bệnh. Covid-19 là tên gọi của loại bệnh gây ra bởi chủng virus này.
Tuy nhiên, điều đó cũng khiến cho việc đoán biết ai là người có khả năng lây nhiễm càng trở nên khó khăn. Ngày càng có nhiều trường hợp người bệnh không có triệu chứng nhưng vẫn lây nhiễm cho người khác. Nhưng theo ông Lindmeier, WHO vẫn tin rằng đa phần đều cho thấy triệu chứng nhiễm khi lây truyền bệnh.
Loại virus này có thể tồn tại trên thanh nắm xe buýt, màn hình cảm ứng hoặc các bề mặt khác không?
Có.
Nhiều người đã đổ bệnh sau khi đến thăm một ngôi chùa ở Hong Kong, sau đó Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe của thành phố phải đến đây để thu thập mẫu bệnh. Họ phát hiện ra vòi nước trong phòng vệ sinh và những mảnh vải che trên kinh Phật đều dương tính với virus corona.
Về mặt khoa học, chủng virus được biết đến với tên gọi corona chỉ là chủng mới nhất trong số rất nhiều loại virus với hình dáng tương tự (virus corona được đặt tên theo các đầu nhọn mọc ra từ bề mặt của chúng, với hình dáng trông giống như chiếc vương miện). Một nghiên cứu về các chủng virus corona khác đã cho thấy chúng có thể tồn tại trên bề mặt kim loại, kính hoặc nhựa trong vòng từ 2 tiếng cho đến 9 ngày.
Bề mặt dơ hay sạch không quan trọng. Nếu người bệnh hắt hơi và giọt bụi nước từ họ rơi lên bề mặt, một người khác có thể “nhặt” nó lên khi chạm vào bề mặt đó. Hiện chưa rõ bao nhiêu là đủ để lây nhiễm.
Giáo sư Whittaker nhận định rằng virus corona rất dễ bị tiêu diệt. Dùng những chất khử trùng đơn giản để tẩy rửa bề mặt nhiễm khuẩn gần như là đã đủ để phá vỡ màng bao bọc mỏng manh bên ngoài tế bào virus, khiến chúng trở nên vô dụng.
Miễn là bạn có rửa tay trước khi chạm lên mặt, bạn sẽ ổn thôi. Vì các giọt bụi nước chứa virus sẽ không xâm nhập qua da.
Nếu bạn sợ bị lây nhiễm từ những sản phẩm bạn đặt mua từ Trung Quốc (hay những nước đang bùng phát dịch), đừng nên quá lo lắng. Trong quãng thời gian vận chuyển từ Trung Quốc (tới Mỹ), virus có thể đã bị tiêu diệt. Nếu vẫn chưa yên tâm, bạn có thể rửa sạch bề mặt của hàng hoá bằng các chất diệt trùng hoặc rửa tay sau khi đã chạm vào chúng.
Thương hiệu hay loại xà phòng có quan trọng trong việc tiêu diệt virus không?
Không, theo một số chuyên gia cho biết.
Hàng xóm của tôi có triệu chứng bệnh. Tôi có nên lo lắng không?
Theo giáo sư Ashish K. Jha, giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu Harvard, không có bằng chứng cho thấy các tế bào virus có thể xâm nhập qua tường hay kính.
Những không gian công cộng mới là con đường đáng lo ngại. Khi một người hàng xóm bị nhiễm, họ có thể hắt hơi lên thanh chắn cầu thang công cộng chẳng hạn, và nếu bạn chạm vào chúng, “bạn sẽ dễ bị lây hơn theo con đường này”, ông nói.
Tôi có thể bị lây nhiễm khi hôn người khác không?
Một số chuyên gia cho rằng hôn rất có thể sẽ lan truyền virus.
Thêm vào đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới, mặc dù các chủng virus corona thường không lây truyền qua đường tình dục, nhưng vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định chắc chắn điều đó.
Dùng bữa tại nơi đang có mầm mống dịch thì có an toàn không?
Nếu người bệnh chạm vào thức ăn hoặc bạn đang đi ăn buffet, nguy cơ lây nhiễm vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, hâm nóng lại thức ăn sẽ giết chết virus, giáo sư Whittaker nhận định.
Cùng chung quan điểm, giáo sư Jha nói thêm rằng “nhìn chung thì chúng tôi chưa nhận thấy thức ăn là một cơ chế lây truyền bệnh.”
Chó mèo có thể cùng cách ly với chủ được không?
Hàng ngàn người đã bắt đầu các biện pháp cách ly khác nhau. Một số người bị bắt buộc bởi các nhà chức trách, số còn lại là tự nguyện và đa phần là cách ly tại gia.
Thế chó mèo có thể ở chung với người bị cách ly không?
Giáo sư Whittaker, người đã nghiên cứu về sự lan truyền của virus corona giữa động vật và con người, nói rằng ông không có bằng chứng cho thấy con người là mối nguy hại cho vật nuôi trong trường hợp này.
Bài viết được thực hiện bởi Heather Murphy trên The New York Times, được chuyển ngữ bởi Sơn Đặng.
Xem thêm:
[Bài viết] Tóm Lại Là: Nhật ký cách ly của Châu Bùi dạy ta điều gì?
[Bài viết] Virus corona và truyền thông nhiễu: Khi nỗi sợ lây nhanh hơn dịch bệnh