Cấp độ 2 của tự nhận thức: Bạn cần biết khi nào mình sa đà trong cảm xúc | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Cấp độ 2 của tự nhận thức: Bạn cần biết khi nào mình sa đà trong cảm xúc

Cấp độ 2 của tự nhận thức là khi nhận biết đâu là cảm xúc cần xử lý, đâu là cảm xúc bạn nên bỏ qua và bắt đầu quản trị chúng
Cấp độ 2 của tự nhận thức: Bạn cần biết khi nào mình sa đà trong cảm xúc

Nguồn: Todd Diemer/Nguồn: Unsplash

Để tiếp nối phần 1, dưới đây là phần tiếp theo của loạt bài viết 3 Cấp độ của tự nhận thức được đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.

Cấp độ 2 - Tôi đang cảm thấy cái gì thế này?

Bạn có bao giờ cảm thấy muốn phát điên lên, nhưng khi ai đó hỏi tại sao thì phản ứng của bạn là “KHÔNG HỀ! TÔI KHÔNG HỀ TỨC GIẬN! TÔI ỔN! TÔI CHỈ MUỐN ĐẬP VỠ CÁI MÀN HÌNH MÁY TÍNH THÔI!”

Thường thì mọi người sẽ nhận ra rằng, càng cố phủ nhận cảm xúc bao nhiêu thì chúng lại càng dằn vặt ta bấy nhiêu. Đó là lý do thiền định hay khiến mọi người phát hoảng. Thiền đơn giản là việc bạn rèn luyện tâm trí để trở nên ít sao nhãng hơn và tăng khả năng tập trung vào thực tại. Kết cục là một số người bị quá tải bởi cảm xúc mà họ đã tích tụ quá lâu.

Trị liệu tâm lý cũng có hiệu ứng tương tự. Nhưng thay vì dành hàng giờ ngồi trong tĩnh lặng để kiểm soát tiếng nói bên trong, bạn nói chuyện với chuyên viên tư vấn về cảm xúc của mình, cho đến khi bạn không thể nào kiềm nén được nữa và bật khóc như một đứa trẻ.

Cấp độ 2 của việc tự nhận thức là khi bạn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “bạn là ai?”. Tôi không ưa khi phải dùng đến câu này bởi vì nó chẳng có nghĩa gì cả, nhưng đây chính là giai đoạn mà mọi người “đi tìm chính mình” - khám phá cảm nhận của bản thân về những gì đang diễn ra trong cuộc sống, điều mà họ đã kìm nén trong hàng năm trời.

alt
Nhiều người dành hàng năm trời để kìm nén cảm xúc của bản thân|Nguồn: Unsplash

Phần lớn mọi người sẽ lướt qua cấp độ 1. Họ làm theo những gì được bảo, cố gắng khiến bản thân sao nhãng. Họ không cho mình cơ hội được thể hiện cảm xúc và phản ứng lại với những gì đang diễn ra xung quanh.

Khi mọi người loại bỏ được rào cản này, họ bắt đầu nhận ra rằng mình vô cùng nhạy cảm và chưa bao giờ cho phép bản thân được bộc lộ cảm xúc, bởi nó khiến họ trở nên yếu đuối và đáng thương. Nhưng thật ra nỗi buồn chính là điều khiến bạn trở nên khác biệt.

Cấp độ 2 này chẳng dễ chịu gì mấy. Mọi người dành hàng năm trời trị liệu ở cấp độ này. Trở nên thoải mái với cảm xúc của mình là một việc tốn thời gian. Và thừa nhận sự tồn tại của nó đòi hỏi rất nhiều sự tập trung lẫn nỗ lực.

Cảm xúc không phải lúc nào cũng có ý nghĩa

Nhưng có rất nhiều người mắc kẹt ở cấp độ 2. Họ cứ tiếp tục đào sâu vào cảm xúc của mình và bị nhấn chìm ở đó đến hết cuộc đời. Có khá nhiều lý do dẫn đến việc này.

Thứ nhất, cảm xúc là thứ quá mạnh mẽ, đặc biệt là đối với những ai đã phải đè nén nó phần lớn cuộc đời. Mở được cánh cửa ấy khiến họ cảm giác cuộc sống của mình đã thay đổi và trở nên sâu sắc hơn.

Kết quả, mọi người lầm tưởng đó chính là cảnh giới tối cao của tự nhận thức. Họ đi xa tới mức coi đây là sự “thức tỉnh”. Thậm chí còn diễn tả bằng những ngôn từ hoa mỹ như “cái chết của bản ngã” hoặc “ý thức siêu việt”.

Nhưng đây chính là một cái bẫy. Cảm xúc, ngay cả khi bạn nhận thức được, thì nó cũng: a) không có điểm dừng, b) không nhất thiết mang một ý nghĩa lớn lao. Bởi vì cảm xúc rất thất thường.

Ví dụ, hãy nhìn chú cún này.

Nguồn Mark Manson
Nguồn: Mark Manson

Hẳn là ngắm nó khiến bạn thấy rất dễ chịu. Nhưng điều này thật sự có ý nghĩa gì không? Đáng tiếc là không, nó chỉ là một con cún. Nhưng nhiều người lại thích gán ý nghĩa sâu sắc cho bất kỳ cảm xúc nào trỗi lên trong họ. Họ tưởng rằng bởi vì một số cảm xúc là quan trọng, nên tất cả những gì họ cảm thấy đều phải có ý nghĩa. Nhưng điều đó không hẳn đã đúng. Rất nhiều cảm xúc của chúng ta là vô nghĩa, hoặc là một loại sao nhãng.

Đúng vậy, cảm xúc cũng có thể là một hình thức sao nhãng. Thế sao nhãng khỏi thứ gì? Sao nhãng khỏi những cảm xúc khác.

Đừng để bản thân mắc kẹt trong cảm xúc

Sở hữu trí tuệ cảm xúc là khi bạn phân biệt được đâu là cảm xúc mà bạn phải xử lý và đâu là cảm xúc mà bạn chỉ cần “cảm” mà chẳng cần làm gì hết.

Đến cả cảm xúc cũng có thể trở thành cái bẫy. Sự thật là bạn càng cố phân tích một cảm xúc thì một cảm xúc khác sẽ tự động sinh ra. Vì thế việc bạn nên làm là ngừng cái vòng lặp bất tận ấy lại, nếu không sớm muộn nó cũng sẽ biến bạn thành kẻ bị ám ảnh bởi bản thân.

Trong cuốn “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm”, tôi đã so sánh việc tự nhận thức với việc bóc vỏ một củ hành. Cho dù bạn nghĩ hay cảm thấy gì, lúc nào cũng có một lớp khác ở dưới, và bạn càng cố để bóc tách nó, bạn càng chảy nhiều nước mắt hơn.

Việc tự đặt câu hỏi liên quan đến nhận thức về bản thân có thể dẫn đến một vòng lặp vô tận. Lớp này nối tiếp lớp kia. Trong nhiều trường hợp, càng cố tìm hiểu bạn càng chìm đắm trong sự bất an, trầm cảm và tự phán xét.

alt
Càng chìm đắm trong cảm xúc, bạn càng khắt khe với bản thân | Nguồn: Unsplash

Phần lớn mọi người bị kẹt trong cái bẫy khi cứ cố phân tích cảm xúc của mình. Chúng ta cảm thấy cần phải làm điều này nhưng sự thật là tới một lúc nào đó, càng phân tích ta càng không thấy lối ra. Khi bóc tách các tầng cảm xúc, nên có một điểm dừng để bạn không quá sa đà vào nó.

Ví dụ, bạn lo lắng về mối quan hệ giữa mình với mẹ. Lý do của nỗi lo ấy đến từ việc mẹ bạn là một người hay xét nét. Và bạn rơi vào thói quen vô thức hòng chứng minh cho mẹ thấy rằng bạn không phải kẻ vô giá trị, rằng bạn xứng đáng được yêu thương.

Nhận ra điều này càng khiến bạn lo lắng hơn - lo vì bạn mong muốn làm hài lòng mẹ, điều xuất phát từ khao khát được yêu thương. Cứ thế bạn rơi vào vòng lặp và mắc kẹt trong cảm xúc của chính mình.

Đã đến lúc bạn phải vạch ra giới hạn, đâu là điểm mà từ đó bạn có cố phân tích thế nào đi chăng nữa cũng trở nên vô nghĩa. Bạn chỉ cần chấp nhận rằng mình mong muốn được mẹ yêu thương và chỉ có thế thôi.

Xem tiếp phần 3 tại đây

Bài viết được chuyển ngữ bởi Trân Lê.