Đã bao giờ bạn cảm thấy “rợn cả tóc gáy” khi nhìn vào những mannequin trong các shop quần áo với những chi tiết “rất thật trân” từ đường cong cơ thể, mái tóc bóng mượt đến đôi mắt mơ màng cùng hàng mi cong vút.
Chưa dừng lại ở đó, giờ đây chúng còn sống động đến mức biết cầm biển hiệu quay như chong chóng và mời chào khách hàng - được các quán ăn, trung tâm anh ngữ, phòng khám nha khoa ưa dùng bởi phong cách làm việc tận tâm không biết mệt.
Dù vậy, tác giả của bài viết đã quyết định dừng đi khám răng từ khi phòng khám gần nhà áp dụng hình thức tiếp thị này bởi cảm giác “ghê ghê” có tên gọi là “uncanny valley”.
Uncanny valley: Giống người không đồng nghĩa với được thích
Uncanny valley (tạm dịch: thung lũng kỳ lạ) là một thuật ngữ miêu tả mối quan hệ giữa những robot giống người và cảm xúc mà chúng gợi lên đối với người thật. Đây là một cảm xúc không mấy dễ chịu, thậm chí nhiều người còn cảm thấy ghê rợn mỗi khi nhìn vào vật thể “giống người nhưng không phải người” này.
Thông thường, chúng ta vẫn có sự yêu thích nhất định đối với những robot mô phỏng con người, ví dụ như Wall-E hay Baymax trong phim hoạt hình Disney. Tuy nhiên, khi các robot này đạt đến một ngưỡng giống người nhất định như có da, tóc, mắt gồm hai tròng đen trắng và biểu cảm khuôn mặt, thì mức độ yêu thích lại “tuột dốc không phanh” tạo thành một biểu đồ hình thung lũng.
Não phản ứng ra sao khi nhìn thấy những “con người” này?
Trong một nghiên cứu để kiểm tra phản ứng của não bộ, các nhà khoa học đã cho người tham gia xem hình ảnh của người thật, robot giống người (tạm gọi là các android) và robot máy móc nhằm đánh giá mức độ yêu thích đối với từng cá thể.
Qua đó, họ thấy người tham gia không hứng thú với các android nhất, bởi cảm giác "rợn rợn" khi mà ranh giới giữa thật và giả trở nên lập lờ.
Kết quả quét não cho thấy hoạt động ở vỏ não trung gian trước trán (medial prefrontal cortex) trong việc cố gắng phân định giữa người và không phải người, đồng thời đánh giá mức độ yêu thích. Bên cạnh đó là hoạt động mạnh ở vùng hạch hạnh nhân (amygdala) - nơi xử lý việc ra quyết định, ghi nhớ và cảm xúc - khi người tham gia từ chối các android.
Các giả thuyết giải thích sự khó chịu này?
Theo Verywell Mind, sự khó chịu này bắt nguồn từ:
Các yếu tố lai giữa người và robot khiến chúng trông rất mơ hồ
Chúng ta đã khá quen thuộc với con người cũng như robot đến từ tiến bộ khoa học kỹ thuật. Vì thế, chúng ta sẽ có những mặc định cụ thể về sự khác nhau giữa cả hai. Ví dụ, con người có làn da ấm áp, giọng nói truyền cảm, cử động linh hoạt, còn robot thì không.
Nhưng sẽ ra sao nếu mọi thứ không còn rõ ràng? Một android có ngoại hình và giọng nói như người thật, nhưng các cử động cơ thể lại cứng nhắc?
Các yếu tố “người không ra người, mà robot cũng chẳng ra robot” này không còn nằm trong “vùng quen thuộc” của chúng ta nữa và con người thường có xu hướng sợ những gì mình không biết rõ. Hiệu ứng tâm lý này thường được những bộ phim kinh dị khai thác bằng việc đưa các đặc tính của con người vào những nhân vật không hề người như búp bê Annabelle hay chú hề trong bộ phim IT.
Các chuyển động thiếu nhất quán tạo nên cảm giác “sai sai”
Con người là sinh vật bậc cao có những biểu cảm vô cùng phức tạp và cũng rất tinh vi trong việc nhận diện các biểu cảm ấy. Bạn có thể dễ dàng nhận ra sự khác nhau khi một người “cười thật” và “gượng cười” thông qua chuyển động của các vùng cơ quanh mắt và khóe miệng.
Các android hiện nay, dù có chân thực cách mấy vẫn chưa hoàn toàn mô phỏng được những chuyển động phức tạp của cơ mặt. Vì vậy, người thật không tránh khỏi cảm giác khó chịu, bởi dù là nhỏ nhất chúng ta cũng sẽ phát hiện ra những điểm thiếu nhất quán ở các chuyển động của android. Chẳng hạn, nụ cười từ từ chậm rãi cùng đôi mắt vô hồn thiếu tự nhiên.
Bản năng sinh tồn của con người
Một giả thuyết khác cho rằng, uncanny valley là một phản ứng liên quan đến sinh tồn liên khi con người đối diện với mối đe dọa tiềm ẩn của cái chết và bệnh tật. Khi nhìn thấy một thứ gì đó giống người nhưng không là người, nó có thể gợi lên phản ứng tương tự như cảm giác lúc chạm trán với thứ gì đó chết chóc.
Bất hòa nhận thức
Khi một người giữ niềm tin trái ngược nhau, họ có xu hướng trải qua sự khó chịu về tâm lý (cognitive dissonance). Trong trường hợp này, bất hòa nhận thức sẽ được kích hoạt bởi android với đầy đủ bộ phận (mắt, da, tóc, biểu cảm khuôn mặt) sống động như một con người, nhưng đồng thời nó vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của bạn về cách mà một người sống thực sự hành xử.
Kết
Nhìn chung, cảm giác "rợn rợn" đến từ việc con người một cách bản năng vẫn có thể nhận ra sự khác biệt giữa android và đồng loại. Tuy nhiên đến iPhone cũng đã đi từ không tưởng, mới lạ rồi trở nên bình thường “như cân đường hộp sữa”. Biết đâu đến một ngày, giống như những bộ phim viễn tưởng, con người sẽ tạo nên một android thật đến mức không hề gây nên sự khó chịu nào.