Được chuyển ngữ từ bài viết “Why We Hold On to Bad Beliefs” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Vào những năm 1800, các bác sĩ phẫu thuật phải đối mặt với 2 vấn đề gây khó khăn cho y học suốt các thế kỷ trước đó. Đầu tiên là phẫu thuật gây đau đớn khủng khiếp cho bệnh nhân, đến mức độ thay vì phẫu thuật để chữa một căn bệnh hiểm nghèo, nhiều người đã chọn cách tự tử.
Nhưng đến năm 1846, một nha sĩ tên William Morton đã phát hiện một loại khí khiến bệnh nhân của ông tạm thời bất tỉnh và không cảm thấy đau. Đó là bước ngoặt lớn cho y học thời điểm này. Morton chia sẻ phát minh của ông vào tháng 11 cùng năm, và chỉ 8 tháng sau đó, thuốc gây mê được sử dụng trong hầu khắp các bệnh viện toàn cầu.
Vấn đề thứ hai là rất nhiều ca phẫu thuật dẫn tới nhiễm trùng, thậm chí tử vong. Điều này không chỉ khủng khiếp, mà còn gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế cho các bệnh viện. Bởi vì người chết rồi thì sao trả tiền viện phí được nữa?
Rồi đến năm 1860, một bác sĩ phẫu thuật người Anh là Joseph Lister đã phát biểu rằng, bạn nên rửa tay trước khi đưa chúng vào vết thương hở. Chỉ cần kết hợp việc này với khử trùng dụng cụ phẫu thuật là bạn có thể cứu sống hàng nghìn người.
Suốt 10 năm sau đó, bác sĩ Lister đi khắp nơi và chia sẻ thông tin này với bất kỳ bác sĩ nào ông gặp. Nhưng không giống như với William Morton và phát kiến vĩ đại về thuốc gây mê của ông, chẳng ai lắng nghe bác sĩ Lister cả. Thành ra nhiều thập kỷ sau đó, các bác sĩ vẫn phẫu thuật cho bệnh nhân bằng tay trần, bộ quần áo bẩn thỉu và các công cụ còn chưa được khử trùng.
Vậy điểm khác biệt giữa 2 câu chuyện này là gì? Vì sao thuốc gây mê được đón nhận nhanh chóng và dễ dàng mà chẳng gặp hoài nghi, trong khi một việc cơ bản như vệ sinh khử khuẩn trước phẫu thuật lại bị phớt lờ? Tại sao một niềm tin được dễ dàng chấp nhận đến vậy, trong khi niềm tin còn lại thì không?
Vì sao niềm tin xấu lại khó thay đổi đến vậy?
Nói một cách đơn giản, vì chúng ta ngu ngốc. Tất cả chúng ta - bạn, tôi và cả các bác sĩ có trình độ học vấn cao hồi đó.
Dù chúng ta có nghĩ mình lý trí đến mấy, thực tế lại không phải như vậy. Chúng ta chấp nhận các niềm tin phần nhiều dựa trên phản ứng cảm xúc của mình.
Với các bác sĩ phẫu thuật vào thế kỷ XIX, tác dụng của thuốc gây mê có thể dễ dàng thấy ngay lập tức. Nó có lợi cho cả bác sĩ lẫn bệnh nhân, và nó khá đơn giản. Bạn cho bệnh nhân hít một loại khí, thế là họ ngủ say để bạn làm phẫu thuật - y như một phép màu. Và vì nó quá đơn giản và dễ thấy, niềm tin này lan truyền nhanh hơn tốc độ virus cúm lây lan trong xóm nhà bạn.
Giờ ta bàn đến việc rửa tay và khử trùng dụng cụ. Tác dụng của việc sát trùng thì khó thấy hơn, nó gần như tàng hình. Và trên hết, việc khử trùng dường như chỉ có lợi cho bệnh nhân.
Về phía tổ phẫu thuật, họ phải dành nhiều thời gian, tiền bạc và cả công sức để khử trùng dụng cụ, mua các bộ quần áo chuyên dụng cho từng ca phẫu thuật, và rửa tay bằng những hóa chất khá kích ứng cho da vào thế kỷ XIX.
Nói chung việc khử trùng hồi đó gần như bị coi là “cái gai” trong mắt nhiều bác sĩ phẫu thuật. Và việc nó cứu sống nhiều bệnh nhân hơn không quá rõ ràng, dễ thấy như với thuốc gây mê. Thế nên dù đã được vài bằng chứng khoa học chứng minh tác dụng, việc khử trùng trước phẫu thuật vẫn bị không ít bác sĩ từ chối.
Tầm nhìn của chúng ta rất dễ bị che mờ bởi những việc thế này. Nhưng chúng ta vẫn để nó diễn ra, bởi vì như tôi nói, chúng ta vốn ngu ngốc.
Mức độ dễ thấy của một niềm tin sẽ quyết định mức độ tin tưởng của chúng ta vào nó, kể cả khi ta biết nó sai về mặt logic. Chẳng hạn nếu bạn có niềm tin sai lầm là bạn lùn, bạn chỉ cần ra đứng cạnh vài chục người là đủ thấy bạn sai đến mức nào.
Nhưng nếu bạn tin mình ngu ngốc, kém hấp dẫn và không xứng đáng được yêu thương, bạn khó có thể tự chứng minh điều ngược lại. Bởi vì những thứ như trí tuệ, sự hấp dẫn hay đáng yêu đều khá mơ hồ và trừu tượng, và tùy thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người. Và nếu bạn tin mình thiếu chúng, bạn sẽ tiếp tục diễn giải các trải nghiệm của mình theo cách củng cố niềm tin ấy.
Còn tiếp…