Vì sao chúng ta nâng tông giọng khi nói chuyện với thú cưng? | Vietcetera
Billboard banner
03 Thg 11, 2021
Cuộc SốngTâm Lý HọcBổ Não

Vì sao chúng ta nâng tông giọng khi nói chuyện với thú cưng?

Tông giọng cao khi trò chuyện với thú cưng thực chất liên quan nhiều đến một cơ chế nói chuyện chúng ta vẫn dùng với trẻ nhỏ.
Vì sao chúng ta nâng tông giọng khi nói chuyện với thú cưng?

Nguồn: Nam Ph @namphstuff cho Vietcetera

Thú cưng không biết nói tiếng người, nhưng chúng ta luôn có cách rất riêng để trò chuyện với những người bạn bốn chân. Nếu bật máy ghi âm trước khi chơi với chúng, bạn sẽ thấy tông giọng của mình cao hơn bình thường.

Không chỉ mình bạn, mà tất cả “con sen” đều vô thức nâng giọng như vậy khi nói chuyện với “boss” của mình. Điều gì đã dẫn đến phản xạ kỳ lạ này?

Chúng ta vô thức xem thú cưng như em bé

Nghiên cứu cho thấy phản xạ này liên quan tới “infant-directed speech” hay “baby talk" - cơ chế người lớn sử dụng khi nói chuyện với em bé. Khi nói chuyện theo cách này, ta nâng tông giọng cao hơn, nhả chữ chậm rãi và tròn trịa hơn. Cách này làm nổi bật sự tương phản âm vị trong lời nói, từ đó hỗ trợ phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ.

Giữa em bé và thú cưng có điểm chung là kích thước nhỏ, dễ bị hoảng sợ và khả năng ngôn ngữ không cao. Chúng gợi nhớ đến cách chúng ta đối xử với trẻ nhỏ, vì vậy dù biết thú cưng không thể nói tiếng người, ta vẫn nâng tông giọng khi nói chuyện với chúng.

title03nov2021bonaointext1jpg 03nov2021bonaointext1jpg
Thú cưng có kích thước nhỏ hơn, do đó chúng gợi nhớ đến cách ta đối xử với trẻ nhỏ.

Xu hướng lên giọng được kích hoạt khi ta nhận thức được em bé chưa thể giao tiếp rành mạch. Khi đứa trẻ bắt đầu biết nói, người lớn sẽ giảm dần cơ chế trên. Nhưng thú cưng thì sẽ không dần biết nói và kích thước vẫn luôn nhỏ bé so với chúng ta, vì thế thói quen nâng giọng của ta không bị mất đi.

Sở dĩ ta sử dụng baby talk bởi qua bản năng và quan sát, ta biết rằng cách thức này sẽ giúp chúng ta giao tiếp với thú cưng tốt hơn, cụ thể là:

Tông giọng cao dễ thu hút sự chú ý

Theo nghiên cứu của Maurizio Corbetta và Gordon Shulman, tông giọng cao tạo ra sự nổi bật về tri giác. Theo bản năng, ta sẽ chú ý đến những thứ như vậy để đánh giá môi trường xung quanh và tránh nguy hiểm.

Tương tự, cách nói lên giọng cũng dễ thu hút thú cưng hơn là nói chuyện kiểu “người lớn”. Trong một nghiên cứu do Alex Benjamin tiến hành, 69 chú chó được cho nghe những đoạn ghi âm với tông giọng và nội dung khác nhau. Kết quả cho thấy chúng có xu hướng chú ý hơn tới những người nói tông cao, có nội dung hướng đến chúng hơn là những ai nói giọng bình thường.

Nghe dễ thương và tình cảm hơn

Tông giọng cao giúp câu thoại nghe dễ thương và có nhịp điệu hơn. Nhờ đó nó giúp ta bày tỏ thiện ý và sự vô hại. Và ta biết được điều này nhờ bản năng và quan sát hiệu quả từ thực tế.

Theo nhà tâm lý Courtney Glasgow, baby talk là bản năng tự nhiên bắt nguồn từ nhu cầu kết nối với thú cưng một cách sâu sắc hơn. Khi nói chuyện kiểu này, bạn thừa nhận đối tượng chưa thể hiểu lời nói, nhưng hy vọng chúng có thể phản ứng lại theo hướng tích cực.

title03nov2021bonaointext2jpg 03nov2021bonaointext2jpg
Việc chuyển tông giọng thể hiện mong muốn kết nối sâu sắc hơn với thú cưng qua ngôn ngữ.

“Bạn có xu hướng nói chuyện lên tông vì trẻ nhỏ phản ứng tốt với nó, và một số thú cưng cũng vậy”, bà Glasgow chia sẻ trên Elite Daily. Điều này cho thấy, ta đã quan sát phản ứng tích cực của trước baby talk và cũng mong đợi những phản ứng tương tự ở các boss. Và không phụ sự mong đợi, quả thật thú cưng cũng thích tông giọng đầy yêu thương như vậy.

Theo tiến sĩ Palmer, tông giọng cao tạo cảm giác tình cảm, giúp kích thích oxytocin cho các boss của bạn. Kết quả một nghiên cứu từ Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ cũng chứng thực điều trên. Các chú chó tham gia nghiên cứu phản ứng tốt hơn với các mệnh lệnh và tín hiệu của người khi được tiếp thêm loại “hormone tình yêu” này.

Mong muốn “dạy ngôn ngữ” cho thú cưng

Vì ta biết thú cưng không hiểu tiếng người, việc chuyển tông giọng còn thể hiện mong muốn “dạy ngôn ngữ” cho chúng. Khi nâng tông giọng, nói chậm và nhả chữ rõ ràng hơn, ta kỳ vọng những gì mình nói ra sẽ trở nên dễ hiểu hơn với đối tượng có khả năng ngôn ngữ không tốt.

Một nghiên cứu của Tobey Ben-Anderet cũng cho thấy chiến lược tương tự được sử dụng khi nói chuyện với người cao tuổi hoặc người nước ngoài. Trong các bối cảnh này, người nói ý thức hoặc vô thức cảm nhận được người nghe gặp khó khăn trong việc diễn giải ngôn ngữ cả hai đang sử dụng. Việc nói chậm và lên giọng giúp người nói dễ kiểm soát được lời nói của mình và điều chỉnh khi cần để giúp người nghe hiểu kỹ.

Với thú cưng, việc áp dụng cách nói trên giúp chúng làm quen với những câu khen ngợi hoặc mệnh lệnh đơn giản. Sau nhiều lần lặp lại (có thể kết hợp với kích thích bằng âm thanh hoặc thức ăn), chúng sẽ hình thành phản xạ có điều kiện.