Vì sao chúng ta vẫn làm điều mình ghét? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
22 Thg 10, 2023
Chất Lượng Sống

Vì sao chúng ta vẫn làm điều mình ghét?

Theo Mark Manson, chúng ta bám víu một bản dạng nào đó vì chấp niệm với hình ảnh nó tạo ra. Để thực sự hạnh phúc, ta cần học cách buông bỏ điều vốn không dành cho mình.
Vì sao chúng ta vẫn làm điều mình ghét?

Nguồn: Ray Chan @ Unsplash

Được chuyển ngữ từ bài viết “Why We Do Things We Hate” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Nhiều người trong chúng ta nuôi dưỡng mong muốn “kiến tạo” được một bản sắc cụ thể nào đó cho riêng mình. Để làm điều này, ta thường hình dung bản thân là một điều gì đó không phải và không thuộc về chính mình.

Chẳng hạn tôi từng mong muốn trở thành vận động viên lướt sóng suốt nhiều năm. Ý tưởng này hấp dẫn đến mức tôi quyết định xuống tiền học một khóa lướt sóng vài tuần ở Costa Rica.

Môn thể thao này quả thực mang lại cảm giác thiền định vô cùng. Nó buộc bạn phải từ bỏ khát khao kiểm soát, và đơn thuần ứng phó trước những biến động khó lường của đại dương.

Bởi bản chất của lướt sóng là bạn không thể kiểm soát được sóng, mà chỉ có thể phản ứng lại nó. Về lâu dài, lướt sóng giúp bạn hình thành tư duy thiền định - đón nhận bất cứ điều gì xảy đến và đáp lại nó bằng nỗ lực hết mình.

Dù vậy, bất chấp sự hấp dẫn của nó, tôi nhận ra một sự thật đau lòng: tôi yêu cái ý tưởng trở thành vận động viên lướt sóng hơn là thực sự lướt sóng. Ý nghĩ về việc chinh phục những con sóng đầu bạc thì thật ly kỳ. Nhưng thực tế lại là một câu chuyện khác với đầy những cú va chạm, chèo lái và cả sự kiệt sức.

Bản sắc tưởng tượng và thực tế

Câu chuyện trên là ví dụ điển hình cho một nỗi đau mà chúng ta đều vật lộn: sự bất hòa giữa một danh tính tưởng tượng và thực tại của nó.

Vì sao chúng ta có sự chấp niệm lớn như vậy với những bản sắc tưởng tượng này? Đối với tôi, trở thành vận động viên lướt sóng là cách lấp đầy khoảng trống trong nhận thức. Nó cũng giúp tôi hiện thực hóa khát vọng trở thành một gã trai miền biển cool ngầu và khỏe khoắn.

17oct2023alexshutinumlyv9gr0unsplashjpg
Hình ảnh về bản sắc mà tôi từng chấp niệm: một gã trai miền biển cool ngầu giỏi lướt sóng. | Nguồn: Unsplash

Nhưng quan trọng là bạn cần nhận ra sự khác biệt giữa mong muốn “kiến tạo” một bản sắc và tận hưởng những khó khăn, nỗ lực nó đòi hỏi. Bài học này đến với tôi trong quá trình viết lách. Thật dễ dàng để tự gọi mình là nhà văn, nhưng bắt tay vào viết và thực sự trở thành nhà văn lại là một chuyện khác. Nó là một hành trình mà bạn phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” rất nhiều.

Không ít người tìm đến tôi và bày tỏ mong muốn trở thành nhà văn. Tuy nhiên sự thật là nhiều người trong số họ bị hấp dẫn bởi ý tưởng trở thành nhà văn, chứ không phải quá trình viết. Cái họ muốn có là bản sắc, chứ không phải nỗ lực.

Sự dũng cảm để buông bỏ

Đến đây có thể thấy, giữa bản sắc ta muốn và những gì nó đòi hỏi tồn tại sự bất đồng. Và việc thừa nhận sự khác biệt này không dễ dàng chút nào. Chính tôi cũng phải thừa nhận việc lướt sóng hóa ra không hề “vui” tí nào, sau khi tốn một số tiền và thời gian đáng kể cho nó.

Nhiều người trong chúng ta có chấp niệm lớn với một bản dạng nào đó vì “ám ảnh” với nhân cách nó mang lại. Vì vậy họ cố gắng xây dựng nó, dù trong thâm tâm họ không thích quá trình này chút nào.

Bạn hình dung điều này giống như một luật sư căm ghét công việc của mình, nhưng lại muốn bám lấy sự thành công mà “bản dạng” luật sư mang lại cho họ.

Chúng ta dễ hình thành nỗi sợ nếu phải buông bỏ những ảo tưởng này. Nhưng sự can đảm thực thụ sẽ chỉ đến khi bạn chấp nhận việc không biết mình là ai, hay mình muốn làm gì.

17oct2023pexelsenginakyurt3368245jpg
Chúng ta dễ hình thành nỗi sợ nếu phải buông bỏ những bản dạng “ảo”. | Nguồn: Pexels

Sự tự do khi biết buông bỏ

Bạn thử tự hỏi mình câu sau đây: Có điều gì bạn không thực sự yêu thích nhưng vẫn làm, chỉ vì có chấp niệm lớn với hình ảnh hay nhân cách nó tạo ra?

Một khi trả lời được câu hỏi trên, bạn có thể tìm ra nguyên nhân gốc rễ cho sự lo âu, đau khổ hay rối loạn chức năng của chính mình. Những bản sắc ép buộc này tạo ra sự mâu thuẫn không đáng có trong đời sống của bạn, và thường kích hoạt các cơ chế phòng vệ để duy trì những ảo tưởng này.

Vì vậy, việc buông bỏ những bản sắc không mang lại sự thỏa mãn hay hạnh phúc sẽ giải phóng chính bạn. Giống như triết gia Lucius Annaeus Seneca từng nói, “người giàu không phải là người có mọi thứ mà là người không cần thứ gì cả”.

Càng khao khát thứ gì không phù hợp với bản thân, bạn sẽ càng bất mãn với cuộc sống. Một khi biết buông bỏ, bạn sẽ thấy thỏa mãn và vui vẻ hơn.

17oct2023pexelsporapakapichodilok346693jpg
Một khi biết buông bỏ, bạn sẽ thấy đời nhẹ nhàng, thỏa mãn và vui vẻ hơn. | Nguồn: Pexels

Khi nhận ra mình không thể trở thành một gã trai lướt sóng cool ngầu, tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm. Tôi cũng thấy thoải mái hơn khi chấp nhận bản sắc thực sự của mình - một kẻ mọt sách gắn liền với chiếc máy tính.

Nhận thức này giúp tôi trút bỏ gánh nặng của hình ảnh bên ngoài, đón nhận con người thật của chính mình. Chìa khóa dẫn đến một cuộc sống giàu có thực sự là tìm thấy niềm vui trong bản chất sự vật hay sự việc, chứ không chỉ ở danh tính vỏ ngoài nó mang lại cho chúng ta.