Vì sao lại có cú "bắt tay" tỉ đô của ngành game và làm đẹp? | Vietcetera
Billboard banner

Vì sao lại có cú "bắt tay" tỉ đô của ngành game và làm đẹp?

Sự kết hợp của trò chơi điện tử và làm đẹp mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho người dùng và mở ra một thời đại làm đẹp theo kiểu mới.
Vì sao lại có cú "bắt tay" tỉ đô của ngành game và làm đẹp?

Sự kết hợp của hai ngành công nghiệp tỉ đô mang đến nhiều lợi ích cho người dùng | Nguồn: AnimalCrossingWorld

Vừa qua, Benefit Cosmetics thông báo ra mắt kênh chính thức trên nền tảng hàng đầu Twitch - chuyên phát trực tuyến về game. Thế nhưng, đây không phải là sự kiện duy nhất mà ngành làm đẹp và game kết hợp ăn ý với nhau.

Tại sao ngành làm đẹp hợp tác với game?

Ngành công nghiệp trò chơi và ngành làm đẹp đều là những ngành công nghiệp tỷ đô trên toàn cầu. Có thể thấy, hai ngành công nghiệp có khá nhiều điểm tương đồng. Hai lĩnh vực đều đòi hỏi cao về mặt "visual", rất hợp để quảng bá qua lại cho nhau cả online lẫn offline.

Bên cạnh đó, sự nổi tiếng của các E-Girls trong thời gian qua càng chứng minh mối liên kết giữa game và làm đẹp. Tờ Business Insider gọi E-Girls là những "teen gamer" và họ đang lan truyền những phong cách làm đẹp kì lạ và cực kì ấn tượng trên các nền tảng, đặc biệt là TikTok.

game x beauty
Sự kết hợp giữa trò chơi và làm đẹp mang đến những sản phẩm ấn tượng | Nguồn: MAC

Song song đó, Covid 19 kéo dài, nhiều thương hiệu làm đẹp phải tìm một vùng đất khác để quảng bá sản phẩm. Và chơi game là hoạt động phần lớn người dùng dành thời gian khi ở nhà.

Dưới đây là một vài lý do để cả hai ngành công nghiệp này tìm đến nhau.

1. Mở rộng thị trường

Dù dịch bệnh tàn phá rất nhiều ngành hàng về mặt kinh tế, trò chơi điện tử là một trong những trường hợp “miễn dịch” hiếm hoi.

Một báo cáo về Games Marketing Insights năm 2021 của Facebook Gaming cho thấy người chơi game trên thiết bị di động đang tăng lên theo cấp số nhân, dự kiến ​​đạt 175,8 tỷ USD.

Nghiên cứu của Niko Partners và Google dự đoán thị trường thể thao điện tử của Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 28% trong 5 năm, cao nhất ở Đông Nam Á.

Số nữ giới tham gia vào các trò chơi điện tử cũng đang tăng dân lên đáng kể. Vào năm 2020, gần 41% tổng số game thủ ở Hoa Kỳ là nữ. Ở châu Á, phụ nữ hiện chiếm 40-45% số người chơi trò chơi, theo Google và Niko Partners.

Ở Việt Nam, chúng ta có những nữ streamer xinh đẹp yêu thích chơi game như Misthy, Xuka Nhật Hoa, Linh Ngọc Đàm,...

Nàng hot streamer Linh Ngọc Đàm thường xuyên thay đổi tóc tai, makeup để làm mới hình ảnh | Nguồn: Instagram

Những số liệu tích cực của ngành trò chơi điện tử đã thu hút giới làm đẹp. Họ nhìn ra cơ hội của việc mở rộng thị trường, tiếp cận những đối tượng khách hàng tiềm năng trong lĩnh vực này.

Các game thủ cũng đã quen và hào hứng với việc chọn màu da, trang phục, trang điểm... cho nhân vật của mình.

2. Quảng bá sản phẩm một cách tự nhiên

Đối với các game thủ, họ kết nối cảm xúc của mình cùng với nhân vật và bối cảnh trong trò chơi . "Cảm xúc" cũng chính là một phương thức quảng cáo cực kỳ hiệu quả mà nhãn hàng nào cũng muốn tạo được.

Đưa sản phẩm vào game là một cách uyển chuyển để các thương hiệu làm đẹp chạm đến cảm xúc của người chơi một cách tự nhiên và thú vị.

Theo Giám đốc thương hiệu Anthony van Dijk của Gillette Venus, việc tái hiện những bối cảnh trong game giúp quảng bá những sản phẩm như thể nó đang diễn ra bên ngoài. Điều này rất có lợi cho việc ra mắt sản phẩm mới trong lúc nơi nào cũng phong tỏa vì đại dịch.

Animal Crossing là trò chơi được nhiều nhãn hàng gửi gắm sản phẩm | Nguồn: VideoGamer

Các thương hiệu làm đẹp đang sử dụng thực tế ảo như một cách để bắt đầu tạo ra trải nghiệm cá nhân hơn: Gucci đã tung ra một trò chơi điện tử lấy cảm hứng từ nước hoa Bloom mới nhất của mình. Tatcha, Glossier và Gillette Venus chọn kết hợp với trò chơi Animal Crossing,...

Người chơi luôn cần chăm chút cho các nhân vật của mình nên khi các sản phẩm làm đẹp xuất hiện thì họ cũng không cảm thấy khó chịu.

3. Nâng cao trải nghiệm cá nhân cho khách hàng

DREST, trò chơi làm đẹp với các thử thách tạo kiểu tóc bằng cách sử dụng hình ảnh các trang phục từ Valentino và Gucci, được Mary Greenwell, một Makeup Artist nổi tiếng thử nghiệm những lối trang điểm mới.

Bà cho rằng đây là cách người chơi tìm hiểu làm sao để mình trông đẹp hơn trong game và có thể chuyển những gì đã học sang khuôn mặt của chính mình.

DREST cho phép người chơi sáng tạo rất nhiều kiểu làm đẹp và có tính chân thực cao | Nguồn: Allure

Trong bối cảnh dịch bệnh, lý do vệ sinh còn là một sự quan ngại đối với người mua sắm. Thông qua trò chơi, các thương hiệu làm đẹp đã giúp người chơi dùng thử và trải nghiệm cá nhân một cách an toàn và hợp vệ sinh bằng nhân vật trong game.

Đây là cách được Givenchy thực hiện khi ra mắt các sản phẩm trang điểm trên trò chơi Nintendo’s Animal Crossing: New Horizons.

Làm đẹp lấn sân thể thao điện tử eSport

Sự tham gia của các thương hiệu làm đẹp tại những lễ hội eSport gần đây trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết.

MAC Cosmetics là một trong những thương hiệu làm đẹp tích cực nhất trong lĩnh vực game. MAC đã tài trợ cho TwitchCon vào tháng 9/2019. Những người có ảnh hưởng trên Twitch lúc đó đã nhận được những phần quà là các sản phẩm đến từ thương hiệu này.

Trước đó, vào tháng 1/2019, sản phẩm hợp tác với trò chơi Honor of Kings của MAC đã bán hết trong vòng 24 giờ tại Trung Quốc.

MAC Cosmetics ra mắt bộ sưu tập kết hợp với Honor of Kings gây được tiếng vang lớn ở thị trường Trung Quốc | Nguồn: South China Morning Post

Các thương hiệu dưới sự bảo trợ của LVMH cũng đặc biệt tích cực tham gia eSport như Louis Vuitton, Sephora và Benefit.

Sephora là thương hiệu làm đẹp đầu tiên tài trợ cho lễ hội Girlgamer vào năm 2018. Benefit Cosmetics đã ký hợp đồng tài trợ với Girl Gamer eSports Festival vào đầu năm 2019, giúp Benefit giới thiệu các bản demo sản phẩm trong sự kiện.

Cũng vào năm này, Louis Vuitton đã thiết kế những trang phục cho các nhân vật game, ra mắt trong Giải vô địch thế giới Liên minh Huyền thoại.

Hiện nay các giải đấu eSport lớn này thường có tầm 1% phụ nữ tham gia thi đấu. Thế nhưng, khán giả của họ có đến 40% là game thủ nữ. Việc xuất hiện giữa đám đông cũng là một động lực khiến nhiều game thủ nữ cần trang điểm.

Những sản phẩm làm đẹp lấy cảm hứng từ game

Quay lại với sự hợp tác của MAC Cosmetics và Honor of Kings. Bộ sưu tập này có năm mẫu son dựa trên năm nhân vật trong 'Honour of Kings'. Đây hẳn là một Bộ sưu tập đáng tự hào của nhà MAC khi bán hết trong 24 giờ đầu tiên.

MAC Cosmetics x Honor of Kings, với những tone màu và thiết kế bắt mắt lấy cảm hứng từ những nhân vật trong game | Nguồn: Chic Profile

MAC X The Sims 4 cũng có bảng màu mắt phiên bản giới hạn khá ấn tượng. Nó có chín sắc thái trung tính được thiết kế để phù hợp với tất cả mọi người. Theo Romero Jennings, giám đốc nghệ thuật trang điểm của MAC, cho biết đây là một trong những bảng màu được yêu thích của ông.

Gamer Glam Cosmetics và Game Beauty cũng là hai thương hiệu chia sẻ chung niềm đam mê cho cả game và làm đẹp. Cảm hứng từ những trò chơi đầy màu sắc, những sản phẩm của họ thu hút bởi sự long lanh và sặc sỡ, từ bảng màu.

Sản phẩm Sữa rửa mặt làm từ gạo của Tatcha đề cao sự thư giãn và chăm sóc bản thân, được quảng bá trong trò chơi Animal Crossing khi người chơi ghé vào hòn đảo Tatchaland | Nguồn: Mintel

Dựa vào bối cảnh hòn đảo và spa ảo trong Animal Crossing: New Horizons, thương hiệu Tatcha đã cho ra mắt loại Sữa rửa mặt gạo của mình.

Ngoài ra, một số thương hiệu lại lấy cảm hứng từ trò chơi cho thiết kế bao bì sản phẩm, như Lovisia, KAJA Beauty,...

Joystick Powder của Kaja Cosmetic lấy cảm hứng từ các video game | Nguồn: Kaija

Tương lai của ngành làm đẹp đang đứng trước nhiều bước chuyển mình ngoạn mục. Thế giới ảo mở ra nhiều cơ hội và cả thử thách cho các thương hiệu làm đẹp toàn cầu. Liệu ai sẽ là người chiến thắng trong "cuộc chơi" đầy mới mẻ này?